Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 3 Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở

MỤC 3. QUẢN LÝ SỬ DỤNG NHÀ BIỆT THỰ TẠI ĐÔ THỊ

Điều 53. Nguyên tắc quản lý sử dụng nhà biệt thự

1. Việc quản lý sử dụng nhà biệt thự phải tuân thủ quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

2. Việc bảo trì, cải tạo và xây dựng lại nhà biệt thự phải phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ các quy định về bảo trì công trình xây dựng, Nghị định này và pháp luật về quản lý di sản văn hóa.

3. Đối với nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước thì còn phải thực hiện quản lý theo quy định về quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước; trong trường hợp được sử dụng làm nhà ở công vụ thì phải tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng nhà ở công vụ quy định tại Luật Nhà ở và Nghị định này.

4. Bộ Xây dựng ban hành quy định về quản lý sử dụng nhà biệt thự để áp dụng thống nhất trong cả nước.

Điều 54. Phân loại nhà biệt thự

Nhà biệt thự được phân thành ba nhóm sau đây:

1. Biệt thự nhóm một là biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc, nhà cổ do các cơ quan có thẩm quyền về xây dựng, kiến trúc và văn hóa cấp tỉnh phối hợp xác định, lập danh sách và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Các biệt thự thuộc nhóm một phải được giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao.

2. Biệt thự nhóm hai là biệt thự không thuộc nhóm một nhưng có giá trị về kiến trúc do cơ quan có thẩm quyền về xây dựng, kiến trúc cấp tỉnh phối hợp xác định, lập danh sách trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Các biệt thự thuộc nhóm hai phải được giữ nguyên kiến trúc bên ngoài;

3. Biệt thự nhóm ba là biệt thự không thuộc diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này.

Điều 55. Bảo trì nhà biệt thự

1. Trường hợp bảo trì nhà biệt thự là di tích lịch sử - văn hóa thì phải tuân thủ các quy định về sửa chữa, tu bổ, bảo quản và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa.

2. Trường hợp bảo trì nhà biệt thự thuộc nhóm một mà có thay đổi về màu sắc, vật liệu xây dựng thì phải được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có biệt thự trước khi thực hiện bảo trì.

Điều 56. Cải tạo, xây dựng lại nhà biệt thự

1. Đối với trường hợp cải tạo, xây dựng lại nhà biệt thự mà thuộc diện phải xin Giấy phép xây dựng thì chỉ được thực hiện cải tạo, xây dựng lại sau khi đã có Giấy phép xây dựng.

2. Đối với biệt thự thuộc nhóm một và nhóm hai còn phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Đối với biệt thự nhóm một:

- Không được làm thay đổi nguyên trạng ban đầu của nhà biệt thự;

- Không được phá dỡ nhà biệt thự cũ. Trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại do bị hư hỏng nặng có nguy cơ sập đổ theo kết luận của đơn vị có chức năng về kiểm định chất lượng công trình xây dựng thì phải xây dựng theo đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu và phải tuân thủ quy hoạch (đúng mật độ xây dựng, đúng số tầng và chiều cao) của biệt thự cũ;

- Đối với nhà biệt thự là di tích lịch sử - văn hóa thì phải thực hiện đúng quy định về bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa;

- Không được tạo thêm kết cấu bằng các loại vật liệu khác để làm tăng diện tích hoặc cơi nới, chiếm dụng không gian bên ngoài nhà biệt thự.

b) Đối với biệt thự nhóm hai:

- Phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài;

- Trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại do bị hư hỏng nặng có nguy cơ sập đổ theo kết luận của đơn vị có chức năng về kiểm định chất lượng công trình xây dựng thì phải xây dựng theo đúng kiểu dáng kiến trúc bên ngoài của biệt thự cũ, phải tuân thủ quy hoạch (đúng mật độ xây dựng, đúng số tầng và chiều cao).

Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở

  • Số hiệu: 71/2010/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 23/06/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 08/07/2010
  • Số công báo: Từ số 382 đến số 383
  • Ngày hiệu lực: 08/08/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH