Hệ thống pháp luật

Điều 13 Nghị định 68/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân

Điều 13. Thời gian hưởng chế độ thai sản

Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại các điều 29, 30, 31, 32 và 33 Luật Bảo hiểm xã hội, thực hiện như sau:

1. Trong thời gian mang thai, nữ quân nhân, nữ công an nhân dân, lao động nữ làm công tác cơ yếu được nghỉ việc để đi khám thai năm lần, mỗi lần một ngày; nếu ở xa cơ sở y tế, hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ việc hai ngày cho mỗi lần khám thai.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi đi khám thai tính theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.

2. Khi sẩy thai, nạo thai, hút thai hoặc thai chết lưu được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 10 ngày, nếu thai được một tháng; 20 ngày, nếu thai từ một tháng đến dưới ba tháng; 40 ngày, nếu thai từ ba tháng đến dưới sáu tháng; 50 ngày, nếu thai từ sáu tháng trở lên.

3. Khi sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định sau:

a) 5 tháng đối với nữ quân nhân, nữ công an nhân dân, lao động nữ làm công tác cơ yếu nói chung;

b) 6 tháng đối với nữ quân nhân, nữ công an nhân dân, lao động nữ làm công tác cơ yếu là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người tàn tật, bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên;

c) Trường hợp sinh đôi trở lên, ngoài thời gian quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con được nghỉ thêm 30 ngày;

d) Trường hợp sau khi sinh con, nếu con chết thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

- Con dưới 60 ngày tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 90 ngày, tính từ ngày sinh con;

- Con từ 60 ngày tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 30 ngày, tính từ ngày con chết.

Tổng số thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại điểm d này không vượt quá thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều này và không tính vào thời gian nghỉ việc riêng hàng năm theo quy định của pháp luật về lao động.

đ) Trường hợp chỉ có cha hoặc mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 4 tháng tuổi.

4. Khi nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi theo quy định của pháp luật thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 4 tháng tuổi.

5. Khi đặt vòng tránh thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 7 ngày; khi thực hiện biện pháp triệt sản được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 15 ngày.

6. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.

Nghị định 68/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân

  • Số hiệu: 68/2007/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 19/04/2007
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 300 đến số 301
  • Ngày hiệu lực: 28/05/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH