Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 2 Nghị định 68/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân

MỤC 3: CHẾ ĐỘ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Điều 17. Đối tượng và điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Người lao động quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 2 Nghị định này, nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau thì được hưởng chế độ tai nạn lao động:

1. Bị tai nạn trong huấn luyện quân sự, trong học tập, rèn luyện, công tác, lao động sản xuất, thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của chỉ huy đơn vị, kể cả tại nơi làm việc hoặc ngoài nơi làm việc, trong giờ làm việc hoặc ngoài giờ làm việc.

2. Bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc, trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý:

a) Trong khoảng thời gian hợp lý là khoảng thời gian cần thiết để người lao động đến cơ quan trước giờ làm việc hoặc trở về sau giờ làm việc theo quy định hoặc ngoài giờ làm việc theo yêu cầu của người chỉ huy đơn vị;

b) Tuyến đường hợp lý là tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại.

Điều 18. Đối tượng và điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

1. Người lao động quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 2 Nghị định này được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

a) Làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại mà bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;

b) Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

2. Người lao động quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 2 Nghị định này bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp khi thi hành nhiệm vụ được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp.

Điều 19. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị khi quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm chi trả các khoản chi phí y tế và tiền lương cho người lao động từ khi sơ cứu, cấp cứu cho đến khi điều trị ổn định thương tật, bệnh tật; sau khi điều trị ổn định thương tật, bệnh tật, giới thiệu người lao động đi giám định mức độ suy giảm khả năng lao động để làm cơ sở giải quyết chế độ tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.

Điều 20. Giám định mức suy giảm khả năng lao động

Việc giám định, giám định lại hoặc giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động thực hiện theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội, trên cơ sở thương tật, bệnh tật đã được điều trị ổn định.

Điều 21. Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần

Người lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bị suy giảm khả năng lạo động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần theo quy định tại Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội, thực hiện như sau:

1. Suy giảm 5% thỉ được hưởng 5 tháng lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 tháng lương tối thiểu chung.

2. Ngoài mức trợ cấp quy định tại khoản 1 Điều này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp một lần tính theo thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; từ một năm đóng bảo hiểm xã hội trở xuống được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm một năm đóng bảo hiểm xã hội (đủ 12 tháng) được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị vết thương, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Điều 22. Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng

1. Người lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội, thực hiện như sau:

a) Suy giảm 31% thì được hưởng bằng 30% mức lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương tối thiểu chung.

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, hàng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; từ một năm đóng bảo hiểm xã hội trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm một năm đóng bảo hiểm xã hội (đủ 12 tháng) được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị vết thương, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Người lao động bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thi hành nhiệm vụ được hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp hàng tháng bằng mức trợ cấp của người lao động bị bệnh nghề nghiệp suy giảm khả năng lao động thấp nhất là 61% mà không phải qua giám định y khoa.

Điều 23. Thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Điều 44 Luật Bảo hiểm xã hội, thực hiện như sau:

1. Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần hoặc hàng tháng và trợ cấp phục vụ (nếu có) được hưởng từ tháng điều trị xong, ra viện.

Trường hợp phải nằm viện điều trị nhiều lần rồi mới giám định y khoa thì được hưởng từ tháng ra viện của lần điều trị cuối cùng, trước khi được giám định y khoa.

2. Trường hợp phải giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động thì trợ cấp tính theo kết quả giám định y khoa tổng hợp và được hưởng từ tháng ra viện của lần điều trị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp sau cùng.

3. Trường hợp thương tật hoặc bệnh tật tái phát mà được giám định lại mức suy giảm khả năng lao động thì trợ cấp tính theo kết quả giám định lại và được hưởng từ tháng có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa.

4. Trường hợp bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp mà không phải điều trị tại cơ sở y tế thì trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần hoặc hàng tháng được hưởng từ tháng có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa.

Điều 24. Cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình

Việc cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 45 Luật Bảo hiểm xã hội.

Điều 25. Trợ cấp phục vụ

Trợ cấp phục vụ quy định tại Điều 46 Luật Bảo hiểm xã hội, thực hiện như sau:

Người lao động do bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống; bị mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng trợ cấp hàng tháng quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định này, hàng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương tối thiểu chung.

Điều 26. Chế độ bảo hiểm y tế

Chế độ bảo hiểm y tế quy định tại điểm b khoản 4 Điều 15 Luật Bảo hiểm xã hội, thực hiện như sau:

Người lao động quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 2 Nghị định này, nếu đã nghỉ việc không tham gia đóng bảo hiểm xã hội, hiện đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng và không thuộc diện hưởng lương hưu thì được hưởng bảo hiểm y tế, do Quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm.

Điều 27. Trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Điều 47 Luật Bảo hiểm xã hội, thực hiện như sau:

Người lao động quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 2 Nghị định này đang làm việc mà bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đâu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 tháng lương tối thiểu chung; ngoài ra, vẫn được hưởng chế độ tử tuất theo quy định tại Mục 5 Chương II Nghị định này.

Điều 28. Nghỉ dưỡng sức, phục bồi sức khoẻ sau khi điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau khi điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Điều 48 Luật Bảo hiểm xã hội, thực hiện như sau:

1. Người lao động quy định tại khoản 1 và 2 Điều 2 Nghị định này sau thời gian điều trị ổn định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ.

2. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ trong một năm tính cả ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày đi và về nếu nghỉ tại cơ sở tập trung, cụ thể:

a) Không quá 10 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên;

b) Không quá 7 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%;

c) Bằng 5 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%.

3. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ một ngày:

a) Bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình;

b) Bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung, bao gồm ăn, ở, đi lại.

Nghị định 68/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân

  • Số hiệu: 68/2007/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 19/04/2007
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 300 đến số 301
  • Ngày hiệu lực: 28/05/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH