Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần

Chương 2.

XỬ LÝ TÀI CHÍNH KHI CỔ PHẦN HÓA

Điều 13. Kiểm kê, phân loại tài sản và xử lý tồn tại về tài chính

1. Khi nhận được quyết định thực hiện cổ phần hóa của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức kiểm kê, phân loại tài sản, các nguồn vốn và quỹ doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm theo chế độ Nhà nước quy định. Trường hợp thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp không trùng với thời điểm kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm lập báo cáo tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

3. Trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp và quyết toán bàn giao tại thời điểm doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp cổ phần hóa phải có văn bản đề nghị cơ quan thuế trực tiếp quản lý thực hiện kiểm tra, quyết toán các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan thuế phải ưu tiên tiến hành kiểm tra, quyết toán. Nếu quá thời hạn này, cơ quan thuế chưa tiến hành kiểm tra, quyết toán thì doanh nghiệp cổ phần hóa căn cứ vào số liệu đã kê khai để thực hiện quyết toán bàn giao và xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định. Sau khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần nếu phát sinh các khoản tổn thất do không tiến hành kiểm tra quyết toán thuế thì xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Nghị định này.

4. Trên cơ sở kết quả kiểm kê, kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm, quyết toán các khoản phải nộp ngân sách nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động xử lý theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật những tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

Trường hợp có vướng mắc hoặc vượt quá thẩm quyền thì doanh nghiệp cổ phần hóa phải kịp thời báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.

Trường hợp đã báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền nhưng chưa được giải quyết thì phải ghi rõ những tồn tại này trong Biên bản xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa để có căn cứ tiếp tục giải quyết trong giai đoạn từ khi xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Điều 14. Xử lý tài sản thuê, mượn, nhận góp vốn liên doanh, liên kết, tài sản không cần dùng, tài sản được đầu tư bằng Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi

1. Đối với tài sản do doanh nghiệp cổ phần hóa thuê, mượn, nhận góp vốn liên doanh, liên kết và các tài sản khác không phải của doanh nghiệp thì không tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Trước khi chuyển sang công ty cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa phải thống nhất với chủ sở hữu tài sản để công ty cổ phần kế thừa các hợp đồng đã ký trước đây hoặc thanh lý hợp đồng.

2. Đối với những tài sản không cần dùng, ứ đọng, chờ thanh lý, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm chủ động xử lý theo chế độ quản lý tài chính hiện hành (thanh lý, nhượng bán). Trường hợp đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp mà doanh nghiệp chưa kịp xử lý, ngoại trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì cơ quan có thẩm quyền quyết định công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa xem xét, quyết định loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp và thực hiện chuyển giao cho các cơ quan sau:

a) Công ty Mua bán nợ Việt Nam để xử lý theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp quy định tại Điều 2 Nghị định này.

b) Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con để xử lý theo quy định đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn do các doanh nghiệp này nắm giữ 100% vốn điều lệ.

3. Các tài sản không được phép loại trừ bao gồm:

a) Đối với tài sản là nhà cửa, vật kiến trúc (bao gồm cả các công trình ngầm, đường xá nội bộ, tường rào, sân, bãi nội bộ) mà doanh nghiệp có sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp; các tài sản là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải mới đầu tư đưa vào sử dụng trong thời hạn 05 năm hoặc có giá trị còn lại theo sổ sách kế toán từ 50% nguyên giá của tài sản trở lên. Doanh nghiệp phải tiếp tục quản lý, theo dõi và xử lý dứt điểm theo chế độ quản lý tài chính hiện hành đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần.

b) Đối với tài sản thuộc diện phải hủy bỏ là hóa chất, chất gây nguy hại, thuốc trừ sâu đã quá hạn … doanh nghiệp chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xử lý, hủy bỏ theo chế độ quản lý tài chính và quản lý môi trường hiện hành trước thời điểm thực hiện đăng ký doanh nghiệp lần đầu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Sau khi xác định nguyên nhân, trách nhiệm, bồi hoàn theo chế độ quản lý tài chính hiện hành, phần tổn thất doanh nghiệp được xử lý vào kết quả kinh doanh theo quy định.

c) Đối với các tài sản là chi phí xây dựng cơ bản dở dang của các công trình bị đình hoãn theo quyết định của cấp có thẩm quyền, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm tiếp tục kế thừa, theo dõi và xử lý theo quy định của pháp luật. Riêng các khoản chi phí của các dự án không được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chưa hình thành hiện vật, không có giá trị thu hồi như: chi phí lập phương án tiền khả thi, chi phí khảo sát, thiết kế công trình thì doanh nghiệp phải xác định nguyên nhân, trách nhiệm bồi hoàn theo chế độ quản lý tài chính hiện hành, phần tổn thất được xử lý vào kết quả kinh doanh theo quy định.

4. Đối với công trình phúc lợi: nhà trẻ, nhà mẫu giáo, bệnh xá và các tài sản phúc lợi khác đầu tư bằng nguồn Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi thì chuyển giao cho tổ chức công đoàn tại công ty cổ phần quản lý, sử dụng để phục vụ tập thể người lao động trong công ty cổ phần.

Đối với nhà ở cán bộ, công nhân viên đầu tư bằng nguồn Quỹ phúc lợi của doanh nghiệp, kể cả nhà ở được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước cấp thì chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà đất của địa phương để quản lý.

5. Đối với tài sản dùng trong sản xuất, kinh doanh đầu tư bằng nguồn Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi của doanh nghiệp cổ phần hóa được tính vào giá trị doanh nghiệp và công ty cổ phần tiếp tục sử dụng trong sản xuất, kinh doanh. Phần vốn tương ứng với giá trị tài sản này doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm hoàn trả Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi để chia cho người lao động đang làm việc ở doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo số năm công tác tại doanh nghiệp cổ phần hóa.

6. Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, việc kiểm kê, đánh giá, phân loại tài sản là vốn bằng tiền, tài sản cho thuê tài chính và các khoản công nợ (nợ phải thu, nợ phải trả) được thực hiện theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính.

Điều 15. Các khoản nợ phải thu

1. Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm đối chiếu, xác nhận toàn bộ các khoản nợ phải thu (bao gồm các khoản nợ đến hạn và chưa đến hạn), đồng thời thực hiện thu hồi các khoản nợ đến hạn trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp còn tồn đọng nợ phải thu khó đòi thì xử lý theo quy định hiện hành của Nhà nước về xử lý nợ tồn đọng. Những khoản nợ không có đủ hồ sơ pháp lý chứng minh khách nợ còn nợ hoặc không có khả năng thu hồi theo quy định thì không được loại trừ ra ngoài giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp phải làm rõ nguyên nhân để xử lý theo nguyên tắc sau:

a) Xác định trách nhiệm xử lý bồi thường của tập thể, cá nhân có liên quan đến khoản nợ phải thu không xác định được khách nợ, phần tổn thất còn lại được xử lý theo quy định hiện hành của Nhà nước về xử lý nợ tồn đọng.

b) Hoàn thiện hồ sơ, tiếp tục theo dõi để xử lý thu hồi đối với những khoản nợ không chứng minh được là không có khả năng thu hồi.

2. Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm bàn giao các khoản công nợ không tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa (bao gồm cả các khoản nợ khó đòi đã được xử lý bằng nguồn dự phòng trong vòng 05 năm liền kề trước khi cổ phần hóa) kèm theo đầy đủ hồ sơ, các tài liệu liên quan cho cơ quan quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này.

3. Đối với các khoản đã trả trước cho người cung cấp hàng hóa dịch vụ như: tiền thuê nhà, tiền thuê đất, tiền mua hàng, tiền công phải đối chiếu với hợp đồng, khối lượng hàng hóa dịch vụ cung cấp để tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

Điều 16. Các khoản nợ phải trả

1. Nợ phải trả các tổ chức, cá nhân:

Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm đối chiếu, xác nhận toàn bộ các khoản nợ phải trả (bao gồm các khoản nợ đến hạn và chưa đến hạn) trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Doanh nghiệp cổ phần hóa phải huy động các nguồn vốn hợp pháp để thanh toán các khoản nợ đến hạn phải trả trước khi xác định giá trị doanh nghiệp, cổ phần hóa hoặc thỏa thuận bằng văn bản với các chủ nợ để xử lý hoặc chuyển thành vốn góp cổ phần.

Việc chuyển nợ phải trả tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp thành vốn góp cổ phần được thực hiện theo kết quả đấu giá thành công của chủ nợ hoặc không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai (trong trường hợp bán thỏa thuận). Trường hợp áp dụng hình thức bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trước khi đấu giá công khai thì thực hiện chuyển nợ thành vốn góp cổ phần theo kết quả thỏa thuận nhưng không thấp hơn giá khởi điểm đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa phê duyệt.

2. Nợ thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước: doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm nộp thuế và các khoản nợ ngân sách nhà nước trước khi chuyển đổi; trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì công ty cổ phần có trách nhiệm kế thừa toàn bộ các khoản nợ được bàn giao.

3. Trong quá trình cổ phần hóa, nếu doanh nghiệp cổ phần hóa có khó khăn về khả năng thanh toán các khoản nợ quá hạn vay của các tổ chức tín dụng (bao gồm cả Ngân hàng Phát triển Việt Nam) do kinh doanh thua lỗ thì xử lý nợ theo quy định hiện hành của Nhà nước về xử lý nợ tồn đọng.

Điều 17. Các khoản dự phòng, lỗ hoặc lãi

1. Các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp; khoản chênh lệch tỷ giá được sử dụng để bù đắp các tổn thất theo quy định hiện hành, số còn lại tính vào giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa.

2. Quỹ dự phòng rủi ro của ngân hàng, dự phòng nghiệp vụ của bảo hiểm, sau khi bù đắp các tổn thất theo quy định được để lại cho doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng phải tính vào giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa.

3. Quỹ dự phòng tài chính để bù lỗ (nếu có), bù đắp các khoản tài sản tổn thất, nợ không thu hồi được sau khi đã xử lý bồi thường trách nhiệm cá nhân gây ra (nếu có), số còn lại tính vào giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa.

4. Các khoản lãi phát sinh để bù lỗ năm trước (nếu có) theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, bù đắp các khoản tổn thất về tài sản không cần dùng, chờ thanh lý, giảm giá tài sản, nợ không có khả năng thu hồi, số còn lại phân phối theo quy định hiện hành trước khi xác định giá trị doanh nghiệp.

5. Các khoản lỗ sau khi đã xử lý theo các quy định nêu trên tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp mà vẫn còn các khoản nợ đọng của các tổ chức tín dụng (bao gồm cả Ngân hàng Phát triển Việt Nam) thì doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện xóa nợ lãi vay theo quy định hiện hành của Nhà nước về xử lý nợ tồn đọng.

Điều 18. Vốn đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp khác như: góp vốn liên doanh, liên kết, góp vốn cổ phần, góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn và các hình thức đầu tư dài hạn khác

1. Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa kế thừa vốn đã đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp khác thì toàn bộ số vốn này được tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa theo nguyên tắc quy định tại Điều 33 Nghị định này.

2. Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa không kế thừa các khoản đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp khác thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa để xử lý như sau:

a) Thống nhất với các bên góp vốn để thực hiện chuyển giao cho doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn khác làm đối tác.

b) Bán lại phần vốn góp cho đối tác hoặc các nhà đầu tư khác theo quy định của pháp luật.

c) Trường hợp đến thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp mà doanh nghiệp cổ phần hóa vẫn không thể bán hoặc chuyển giao được khoản đầu tư dài hạn cho đối tác khác thì phải kế thừa theo quy định tại khoản 1 Điều này.

d) Trường hợp giá trị vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác lớn, nếu tính vào giá trị doanh nghiệp dẫn tới khó khăn cho việc thực hiện cổ phần hóa thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa phải làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 19. Số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi

Số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, sau khi bù đắp các khoản đã chi vượt quá chế độ cho người lao động, được chia cho người lao động đang làm việc ở doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo số năm công tác tại doanh nghiệp cổ phần hóa.

Điều 20. Số dư Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại doanh nghiệp

Số dư Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại doanh nghiệp cổ phần hóa (nếu có) được hạch toán tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Điều 21. Xử lý tài chính ở thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần

1. Căn cứ vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định, doanh nghiệp có trách nhiệm điều chỉnh số liệu trong sổ kế toán; bảo quản và bàn giao các khoản nợ và tài sản đã loại trừ khi xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 khoản 2 Điều 15 Nghị định này; tiếp tục xử lý các tồn tại về tài chính trong giai đoạn từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần và lập báo cáo tài chính tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, khi lập báo cáo tài chính để bàn giao từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần, doanh nghiệp thực hiện định giá lại các khoản đầu tư chứng khoán (nếu có) đã xác định trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa; tổng giá trị các khoản đầu tư chứng khoán phát sinh tăng hoặc giảm so với giá đang hạch toán trên sổ kế toán thì doanh nghiệp được hạch toán vào kết quả kinh doanh theo quy định pháp luật.

2. Trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, doanh nghiệp cổ phần hóa phải hoàn thành việc lập báo cáo tài chính tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, đề nghị cơ quan thuế kiểm tra quyết toán thuế, thực hiện quyết toán, xác định giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần và các tồn tại về tài chính cần tiếp tục xử lý.

3. Khoản chênh lệch tăng giữa giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển sang công ty cổ phần với giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được xử lý như sau:

a) Nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con khi cổ phần hóa công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do các doanh nghiệp này nắm giữ 100% vốn điều lệ.

b) Nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp khi cổ phần hóa toàn bộ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là doanh nghiệp thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước.

4. Trường hợp phát sinh chênh lệch giảm thì doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa để phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân và xử lý như sau:

a) Nếu do nguyên nhân khách quan (do thiên tai; địch họa; do Nhà nước thay đổi chính sách hoặc do biến động của thị trường quốc tế và các nguyên nhân bất khả kháng khác) doanh nghiệp báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa xem xét, quyết định việc sử dụng tiền thu từ bán cổ phần để bù đắp tổn thất sau khi trừ đi bồi thường của bảo hiểm (nếu có). Trường hợp tiền thu từ bán cổ phần không đủ bù đắp, cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa xem xét thông qua Đại hội đồng cổ đông để điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ của công ty cổ phần.

b) Nếu do nguyên nhân chủ quan:

- Nếu lỗ do việc không xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính theo quy định hiện hành của Nhà nước thì phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có liên quan: doanh nghiệp, tổ chức tư vấn, cơ quan kiểm toán và cơ quan quyết định cổ phần hóa để xử lý bồi thường vật chất;

- Nếu lỗ do điều hành sản xuất, kinh doanh; quản lý gây thất thoát vốn và tài sản thì các cán bộ quản lý doanh nghiệp đó có trách nhiệm bồi thường tổn thất do chủ quan gây ra theo quy định hiện hành;

- Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người có trách nhiệm bồi thường không có khả năng thực hiện việc bồi thường theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì phần tổn thất còn lại được xử lý như trường hợp do nguyên nhân khách quan theo quy định tại điểm a khoản này.

Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần

  • Số hiệu: 59/2011/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 18/07/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 429 đến số 430
  • Ngày hiệu lực: 05/09/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH