Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 42/2003/NĐ-CP về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn

Chương 4:

BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI THIẾT KẾ BỐ TRÍ

Điều 27. Hành vi xâm phạm quyền của chủ sở hữu

1. Trong thời hạn bảo hộ thiết kế bố trí, mọi hành vi sử dụng thiết kế bố trí được quy định tại Điều 22 Nghị định này mà không được phép của chủ sở hữu và không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 28 của Nghị định này đều bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí của chủ sở hữu.

2. Việc sử dụng thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định tại Điều 8 và không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 28 của Nghị định này bị coi là hành vi xâm phạm quyền tạm thời của chủ sở hữu.

Điều 28. Hành vi không bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu

Việc sử dụng thiết kế bố trí trong các trường hợp sau đây không bị coi là hành vi xâm phạm quyền của chủ sở hữu:

1. Sử dụng thiết kế bố trí được bảo hộ không nhằm mục đích thương mại, như sử dụng cá nhân, đánh giá, phân tích, nghiên cứu hoặc giảng dạy;

2. Phân phối, nhập khẩu bản sao thiết kế bố trí được bảo hộ, mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ khi không biết hoặc không có cơ sở để biết rằng thiết kế bố trí đang được bảo hộ;

3. Phân phối, nhập khẩu bản sao thiết kế bố trí được bảo hộ, mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ đã được tiếp nhận hoặc đặt hàng khi không biết hoặc không có cơ sở để biết rằng thiết kế bố trí đang được bảo hộ, nếu hành vi phân phối hoặc nhập khẩu được thực hiện sau khi đã biết về điều đó và người sử dụng trả cho chủ sở hữu một khoản tiền tương đương với khoản thanh toán cho việc chuyển giao quyền sử dụng thiết kế bố trí đó;

4. Phân phối, nhập khẩu bản sao thiết kế bố trí được bảo hộ, mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ do chủ sở hữu, người được chuyển giao quyền sử dụng hoặc người sử dụng hợp pháp theo quy định tại khoản 3 của Điều này đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài;

5. Sử dụng thiết kế bố trí có tính nguyên gốc được tạo ra trên cơ sở phân tích, đánh giá thiết kế bố trí được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 của Điều này, hoặc thiết kế bố trí do người khác độc lập tạo ra trùng với thiết kế bố trí được bảo hộ.

Điều 29. Hành vi xâm phạm quyền của tác giả thiết kế bố trí

Việc chủ sở hữu không thực hiện nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả thiết kế bố trí theo quy định tại Điều 25 của Nghị định này và không bảo đảm quyền của tác giả thiết kế bố trí theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 26 của Nghị định này bị coi là xâm phạm quyền của tác giả thiết kế bố trí.

Điều 30. Bảo đảm thực thi quyền của chủ sở hữu và quyền của tác giả thiết kế bố trí

1. Quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí của chủ sở hữu và quyền của tác giả thiết kế bố trí được Nhà nước bảo hộ. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm quyền của chủ sở hữu và quyền của tác giả thiết kế bố trí.

Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí của chủ sở hữu và quyền của tác giả thiết kế bố trí, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu và tác giả thiết kế bố trí có quyền yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền buộc người thực hiện hành vi xâm phạm thuộc các trường hợp quy định tại Điều 27 và Điều 29 của Nghị định này phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại.

3. Việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí của chủ sở hữu và quyền của tác giả thiết kế bố trí được tiến hành theo quy định của pháp luật hiện hành về trình tự và thủ tục xử lý hành vi xâm phạm các quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp khác.

Nghị định 42/2003/NĐ-CP về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn

  • Số hiệu: 42/2003/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 02/05/2003
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 42
  • Ngày hiệu lực: 22/07/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH