Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 25/2012/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Chương 2.

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ

Điều 8. Loại vũ khí quân dụng trang bị cho lực lượng Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan, đơn vị Hải quan cửa khẩu, An ninh hàng không

1. Các lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan, đơn vị Hải quan cửa khẩu, Kiểm lâm, An ninh hàng không được trang bị:

a) Súng ngắn, súng tiểu liên các loại.

b) Đạn dùng cho các loại súng quy định tại Điểm a Khoản này.

2. Trường hợp cần thiết phải trang bị vũ khí quân dụng khác ngoài các loại vũ khí quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này thì phải có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi đã trao đổi và thống nhất với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Điều 9. Quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ độc lập

1. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng phải tuân thủ theo đúng các nguyên tắc quy định tại Khoản 2 Điều 22 và các trường hợp nổ súng quy định tại Khoản 3 Điều 22 Pháp lệnh.

2. Cảnh báo trước khi nổ súng quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 22 Pháp lệnh được thể hiện bằng mệnh lệnh qua lời nói hoặc bắn chỉ thiên.

Điều 10. Nhập khẩu và cấp Giấy phép vận chuyển vũ khí thể thao

1. Căn cứ vào nhu cầu, mục đích sử dụng và sau khi thống nhất với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về số lượng, chủng loại vũ khí thể thao cần nhập khẩu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu vũ khí thể thao.

2. Thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển vũ khí thể thao.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu vũ khí thể thao, doanh nghiệp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ nhập khẩu phải làm thủ tục để được cấp Giấy phép vận chuyển. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển lập thành 01 bộ và nộp tại Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội. Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển nhập khẩu vũ khí thể thao. Nội dung văn bản nêu rõ số lượng, chủng loại vũ khí thể thao, địa điểm và thời gian giao, nhận, loại phương tiện vận chuyển, tuyến đường vận chuyển.

b) Bản sao văn bản cho phép nhập khẩu vũ khí thể thao của Thủ tướng Chính phủ.

c) Giấy giới thiệu của người đến liên hệ.

Người có tên trong Giấy giới thiệu xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ.

Trong thời gian 4 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan Công an phải cấp Giấy phép vận chuyển theo quy định.

3. Thời hạn của Giấy phép vận chuyển là 30 ngày.

Điều 11. Phân loại vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao

1. Vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao phải được phân loại; nếu bị hỏng không khắc phục được phải tiến hành thanh lý, tiêu hủy theo quy định. Việc phân loại vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao phải lập hội đồng.

Hội đồng phân loại gồm: Đại diện cơ quan, đơn vị được trang bị, đại diện cơ quan Công an nơi cấp Giấy phép. Hội đồng phân loại vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao do cơ quan Công an nơi cấp Giấy phép sử dụng thành lập theo đề nghị của cơ quan; đơn vị được trang bị. Sau khi tiến hành kiểm tra, quyết định phân loại thì phải lập biên bản.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc phân loại vũ khí thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng.

Điều 12. Cơ sở, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí

1. Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí tại các cơ sở, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của pháp luật về công nghiệp quốc phòng.

2. Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí tại các cơ sở, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Được Bộ trưởng Bộ Công an giao trách nhiệm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí.

b) Cơ sở hạ tầng, máy móc đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí.

c) Có đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Điều 13. Đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ

1. Các đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ.

2. Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan, đơn vị Hải quan cửa khẩu, An ninh hàng không.

3. Đội kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường; ban, đội bảo vệ chuyên trách của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ; cơ quan thi hành án dân sự.

4. Ban bảo vệ dân phố hoặc tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự xã, phường, thị trấn.

5. Thanh tra chuyên ngành thủy sản, lực lượng kiểm ngư.

6. Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội.

7. Câu lạc bộ, trường, trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao.

8. Trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh.

9. Các bảo tàng, hãng phim, đơn vị biểu diễn nghệ thuật.

Điều 14. Sở hữu vũ khí thô sơ của cá nhân

Cá nhân chỉ được sở hữu vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo hoặc được gia truyền theo phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc.

Điều 15. Thủ tục cấp Giấy phép mua vũ khí thô sơ

1. Việc trang bị vũ khí thô sơ phải đúng đối tượng quy định tại Điều 23 Pháp lệnhĐiều 13 Nghị định này. Bộ Công an căn cứ chức năng, nhiệm vụ, nhu cầu của từng đối tượng (trừ các đơn vị Quân đội, Dân quân tự vệ) để cấp Giấy phép mua theo đúng chủng loại. Hồ sơ lập thành 01 bộ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị mua vũ khí thô sơ. Nội dung văn bản nêu rõ lý do, số lượng, chủng loại vũ khí thô sơ cần mua.

b) Giấy giới thiệu của người đến liên hệ.

Người có tên trong Giấy giới thiệu xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ.

2. Nơi tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy phép mua vũ khí thô sơ

a) Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy phép mua vũ khí thô sơ của cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành ở Trung ương và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ được phép đào tạo nhân viên bảo vệ.

b) Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy phép mua vũ khí thô sơ cho các cơ quan, đơn vị ở địa phương.

Cơ quan Công an khi tiếp nhận hồ sơ tiến hành thẩm định. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan Công an phải cấp Giấy phép mua vũ khí thô sơ theo quy định.

3. Thời hạn của Giấy phép mua vũ khí thô sơ là 30 ngày.

Điều 16. Quản lý, sử dụng vũ khí thô sơ

1. Vũ khí thô sơ khi được trang bị phải làm thủ tục đăng ký với cơ quan Công an có thẩm quyền về số lượng, chủng loại; không làm thủ tục cấp Giấy phép sử dụng. Khi mang ra sử dụng phải được phép của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó.

2. Vũ khí thô sơ là hiện vật trong bảo tàng, được sử dụng làm đạo cụ làm phim, biểu diễn nghệ thuật, đồ gia bảo hoặc được gia truyền theo phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc phải khai báo với Công an xã, phường, thị trấn và chỉ được phép trưng bày, triển lãm, biểu diễn, thờ cúng hoặc sử dụng trong các nghi lễ của đồng bào các dân tộc.

3. Các hãng phim, đơn vị biểu diễn nghệ thuật chỉ được sử dụng vũ khí thô sơ để làm đạo cụ; các bảo tàng chỉ được sử dụng vũ khí thô sơ để trưng bày, triển lãm.

Nghị định 25/2012/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

  • Số hiệu: 25/2012/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 05/04/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/05/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH