Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo

Chương 3.

CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHO QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN, HẢI ĐẢO

Điều 21. Kinh phí cho quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo

1. Nguồn kinh phí dành cho quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo bao gồm:

a. Ngân sách nhà nước;

b. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định pháp luật.

2. Ngân sách nhà nước chi đầu tư phát triển được sử dụng cho việc thực hiện các nhiệm vụ sau:

a. Xây dựng đội tàu khảo sát, hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường biển; hệ thống cảnh báo, giám sát tài nguyên và môi trường biển;

b. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, ứng phó sự cố môi trường;

c. Các hạng mục đầu tư khác liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

3. Ngân sách nhà nước chi thường xuyên được sử dụng cho việc thực hiện các nhiệm vụ sau:

a. Điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo;

b. Quy hoạch để quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo;

c. Nghiên cứu khoa học, thăm dò và dự báo về biến động tài nguyên và diễn biến môi trường biển, hải đảo;

d. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo;

đ. Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, ứng phó sự cố môi trường;

e. Hợp tác quốc tế về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo;

g. Các hoạt động khác liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

Điều 22. Phát triển nguồn nhân lực

1. Nhà nước ưu tiên đào tạo và khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức xã hội cùng tham gia đào tạo, xây dựng đội ngũ làm công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

2. Căn cứ dự báo nhu cầu dài hạn đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu, điều tra, khảo sát, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch đào tạo nhân lực thuộc các chuyên ngành phù hợp tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong nước và nước ngoài; xây dựng nội dung đào tạo chuyên ngành phù hợp với yêu cầu phát triển đội ngũ làm công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp trách nhiệm công tác đối với viên chức thực hiện nghiên cứu, điều tra, khảo sát tài nguyên, môi trường biển, hải đảo.

Điều 23. Tuyên truyền về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo

1. Nhà nước ưu tiên đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; khuyến khích các tổ chức, cá nhân chủ động, tích cực tham gia các hình thức tuyên truyền trong cộng đồng về việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

2. Các hình thức tuyên truyền về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, gồm:

a. Tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam để hưởng ứng ngày Đại dương thế giới và các sự kiện lớn trong nước, quốc tế gắn với yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo;

b. Biên tập, phát hành và phổ biến các ấn phẩm, tài liệu; thực hiện các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo;

c. Tổ chức các giải thưởng, các hình thức khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc đưa ra các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên biển hoặc đã thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường biển, hải đảo;

d. Thực hiện các hình thức tuyên truyền khác về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các tỉnh ven biển và các cơ quan thông tin, báo chí trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án tuyên truyền; tổ chức các giải thưởng, hình thức khen thưởng và tìm kiếm, thu hút các nguồn tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để thực hiện công tác tuyên truyền về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo;

b. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn, đưa các chủ đề, nội dung phù hợp về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo vào chương trình giáo dục và đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.

4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan thông tin, báo chí và cơ quan chuyên môn thuộc quyền quản lý thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo trong ngành, lĩnh vực.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển có trách nhiệm:

a. Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí và cơ quan chuyên môn địa phương xây dựng, tổ chức thực hiện đề án, chương trình, kế hoạch tuyên truyền trên địa bàn về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo;

b. Ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương và tìm kiếm, thu hút các nguồn tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên trên địa bàn phục vụ quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

Điều 24. Tham gia của các tổ chức, cá nhân vào quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo

1. Nhà nước khuyến khích việc tham gia phản biện xã hội các chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch hành động và dự án về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho các dự án để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo theo quy định của pháp luật.

2. Nhà nước có chính sách hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng và phổ biến các mô hình quản lý dựa vào cộng đồng đối với việc quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ, ven biển và hải đảo.

Điều 25. Hoạt động khoa học, công nghệ về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo

1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ để quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

2. Nội dung hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo bao gồm:

a. Nghiên cứu, phát hiện quy luật về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường biển và hải đảo;

b. Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ xây dựng các chính sách, các quy định pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo;

c. Nghiên cứu, điều tra, khảo sát làm cơ sở khoa học xây dựng quy trình, quy phạm, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo;

d. Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phục vụ cho việc quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường;

đ. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ khác liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định các hướng ưu tiên, các nhiệm vụ khoa học, công nghệ chủ yếu về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo; tham gia xây dựng chính sách phát triển công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Hợp tác quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo

1. Nhà nước thực hiện hợp tác với các nước, các tổ chức nước ngoài, các tổ chức quốc tế trong các lĩnh vực sau đây:

a. Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo;

b. Điều tra, nghiên cứu tài nguyên và môi trường biển, hải đảo; ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ công tác điều tra nghiên cứu biển; điều tra, đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên và môi trường biển; dự báo thiên tai, ô nhiễm môi trường biển do các hoạt động khai thác tài nguyên biển, hải đảo;

c. Khai thác bền vững tài nguyên biển trên nguyên tắc giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển;

d. Bảo vệ tính đa dạng sinh học biển và duy trì năng suất, tính đa dạng của hệ sinh thái biển và đới bờ;

đ. Xử lý chất thải từ hoạt động kinh tế biển, xử lý ô nhiễm biển, ứng phó sự cố tràn dầu, thích ứng với biến đổi khí hậu;

e. Tìm kiếm, cứu nạn trên biển.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối tổng hợp hoạt động hợp tác quốc tế về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

3. Các Bộ, ngành và địa phương có hoạt động hợp tác quốc tế về biển có trách nhiệm định kỳ hàng năm báo cáo, đánh giá tình hình hoạt động hợp tác quốc tế về biển của cơ quan mình, gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nghị định 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo

  • Số hiệu: 25/2009/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 06/03/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 165 đến số 166
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH