Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 13/2011/NĐ-CP về an toàn công trình dầu khí trên đất liền

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định về an toàn các công trình dầu khí trên đất liền (sau đây gọi là các công trình dầu khí) kể cả các đảo, phạm vi cảng biển, sông, ngòi nhưng không bao gồm các công trình dầu khí ngoài khơi để đảm bảo an toàn cho con người, xã hội, môi trường và tài sản.

2. Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có hoạt động liên quan đến công trình dầu khí.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công trình dầu khí trên đất liền bao gồm: công trình dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ; nhà máy chế biến và lọc hóa dầu; công trình khí; công trình tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí và các công trình khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động dầu khí trên đất liền.

2. Công trình khí trên đất liền bao gồm: công trình xử lý, chế biến, vận chuyển, tiếp nhận, tồn chứa và phân phối khí và khí hóa lỏng.

3. Công trình dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ (DM&SPDM) bao gồm: cảng xuất nhập, kho chứa và hệ thống đường ống vận chuyển dầu thô, xăng, dầu diesel (DO), dầu nhiên liệu (FO), dầu hỏa (Kerosene), nhiên liệu máy bay, reformate, naptha, condensate và các chế phẩm có nguồn gốc dầu mỏ pha trộn với nhiên liệu sinh học.

4. Nhà máy chế biến và lọc hóa dầu là cơ sở thực hiện các quá trình công nghệ chế biến dầu thô và các nguyên liệu khác để tạo ra các sản phẩm lọc dầu và hóa dầu, bao gồm: nhà máy, công trình phụ trợ, hệ thống kho, bể chứa nguyên liệu và sản phẩm, hệ thống đường ống vận chuyển, xuất, nhập, đê chắn sóng và các hạng mục công trình biển có liên quan của nhà máy.

5. Đường ống xiên là đường ống vận chuyển khí, dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ được lắp đặt ngầm theo phương pháp khoan xiên (Horizontal Directional Drilling - HDD).

6. Phễu bay (Flying funnel): là khoảng không gian giới hạn các vật cản phía đầu và phía cuối đường cất cánh, hạ cánh để đảm bảo an toàn cho máy bay.

7. Người vận hành là tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm vận hành công trình dầu khí.

8. Đánh giá rủi ro là việc đánh giá các rủi ro tiềm tàng trên cơ sở các tiêu chuẩn rủi ro, đồng thời xác định các biện pháp giảm thiểu rủi ro.

Điều 3. Khoảng cách an toàn

Tổ chức, cá nhân được xác định khoảng cách an toàn nhỏ nhất cho phép trên hình chiếu bằng hoặc hình chiếu đứng, tính từ mép ngoài cùng của công trình dầu khí đến điểm gần nhất của đối tượng tiếp giáp để đảm bảo an toàn cho công trình dầu khí.

Điều 4. Tiêu chuẩn rủi ro

Tổ chức, cá nhân được sử dụng tiêu chuẩn rủi ro để phân tích, đánh giá rủi ro tổng thể trong giai đoạn thiết kế nguyên lý, thiết kế kỹ thuật, xây dựng, lắp đặt thiết bị và quá trình vận hành, hoán cải, tháo dỡ, hủy bỏ công trình.

Điều 5. Phân loại khu vực dân cư

1. Các yêu cầu về thiết kế, thi công, vận hành đường ống phải dựa trên cơ sở phân loại dân cư được xác định trên cơ sở mật độ nhà ở trung bình, cụ thể như sau:

a) Diện tích để tính mật độ trung bình là một hình chữ nhật có hai cạnh song song với tuyến ống được xác định từ mép ống cách đều về 2 phía của đường ống, mỗi bên là 200 m và hai cạnh vuông góc với tuyến ống cách nhau 1000 m. Mỗi ô diện tích này được gọi là một đơn vị diện tích cơ sở;

b) Cơ sở để tính dân cư là số nhà có người ở trong diện tích nói trên. Mỗi nhà không quá một gia đình sinh sống và cấu trúc nhà không nhiều hơn 2 tầng;

c) Nếu trong khu vực có nhà dạng chung cư, dạng biệt thự song lập, tứ lập, nhà có cấu trúc từ 3 tầng trở lên, v.v… phải tính tổng số hộ sống trong căn nhà đó, mỗi hộ được coi là một nhà;

d) Đối với các khu vực có nhà ở tập thể, các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, v.v… phải quy đổi từ số người thường xuyên sống hoặc làm việc thành số hộ gia đình tương đương. Một hộ được tính bốn người.

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện phân loại khu vực dân cư theo quy định tại Phụ lục I của Nghị định này.

Điều 6. Phân loại các công trình dầu khí

Tổ chức, cá nhân được xác định khoảng cách an toàn đối với các công trình dầu khí theo phân loại sau đây:

1. Phân loại kho

Kho chứa dầu khí và các sản phẩm dầu khí bao gồm:

a) Kho chứa khí và các sản phẩm khí hóa lỏng: kho định áp và kho lạnh;

b) Kho chứa DM&SPDM.

2. Phân cấp kho

a) Kho định áp chứa khí hóa lỏng và các sản phẩm khí hóa lỏng bao gồm:

Kho cấp 1: trên 10.000 m3

Kho cấp 2: từ 5.000 m3 đến 10.000 m3

Kho cấp 3: nhỏ hơn 5.000 m3

b) Kho chứa DM&SPDM bao gồm:

Kho cấp 1: trên 10.000 m3

Kho cấp 2: từ 50.000 m3 đến 100.000 m3

Kho cấp 3: nhỏ hơn 50.000 m3

3. Phân cấp cảng xuất nhập dầu khí và các sản phẩm dầu khí

a) Cảng xuất nhập được phân cấp theo loại sản phẩm được tiếp nhận tại cảng và tải trọng cầu cảng bao gồm:

Cảng xuất nhập cấp 1: sản phẩm có nhiệt độ chớp cháy bằng hoặc thấp hơn 37,80C (LPG, LNG, CNG, xăng các loại, nhiên liệu máy bay, condensate, v.v) và có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng trên 50.000 DWT.

Cảng xuất nhập cấp 2: sản phẩm có nhiệt độ chớp cháy bằng hoặc thấp hơn 37,80C (LPG, LNG, CNG, xăng các loại, nhiên liệu máy bay, condensate, v.v) và có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng bằng hoặc nhỏ hơn 50.000 DWT.

Cảng xuất nhập cấp 3: sản phẩm có nhiệt độ chớp cháy trên 37,80C (dầu hỏa, diesel, madut, dầu nhờn, v.v) và có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng trên 50.000 DWT.

Cảng xuất nhập cấp 4: sản phẩm có nhiệt độ chớp cháy trên 37,80C (dầu hỏa, diesel, madut, dầu nhờn, v.v) và có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng bằng hoặc nhỏ hơn 50.000 DWT.

b) Trường hợp cảng xuất nhập đồng thời nhiều loại sản phẩm khác nhau thì cấp của cảng được xác định theo loại sản phẩm có nhiệt độ chớp cháy thấp nhất.

4. Phân loại đường ống

Đường ống vận chuyển dầu khí và các sản phẩm dầu khí bao gồm:

a) Đường ống vận chuyển khí và các sản phẩm khí;

b) Đường ống vận chuyển DM&SPDM.

5. Phân cấp đường ống vận chuyển khí và các sản phẩm khí: đường ống vận chuyển khí và các sản phẩm khí được phân cấp theo áp suất vận hành tối đa cho phép bao gồm:

a) Đường ống vận chuyển khí cấp 1: bằng hoặc lớn hơn 60 bar;

b) Đường ống vận chuyển khí cấp 2: từ 19 bar đến nhỏ hơn 60 bar;

c) Đường ống vận chuyển khí cấp 3: từ 7 bar đến nhỏ hơn 19 bar;

d) Đường ống vận chuyển khí cấp 4: từ 2 bar đến nhỏ hơn 7 bar;

đ) Đường ống vận chuyển khí cấp 5: nhỏ hơn 2 bar.

6. Phân cấp đường ống vận chuyển DM&SPDM: đường ống vận chuyển DM&SPDM được phân cấp theo áp suất vận hành tối đa cho phép bao gồm:

a) Đường ống vận chuyển cấp 1: bằng hoặc lớn hơn 60 bar;

b) Đường ống vận chuyển cấp 2: từ 19 bar đến nhỏ hơn 60 bar;

c) Đường ống vận chuyển cấp 3: nhỏ hơn 19 bar.

7. Phân loại các trạm van, trạm phóng nhận thoi, trạm phân phối khí

Trạm van, trạm phóng nhận thoi, trạm phân phối khí được phân theo áp suất vận hành tối đa cho phép theo các cấp sau:

a) Trạm cấp 1: bằng hoặc lớn hơn 60 bar;

b) Trạm cấp 2: từ 19 bar đến nhỏ hơn 60 bar;

c) Trạm cấp 3: nhỏ hơn 19 bar.

8. Phân loại nhà máy chế biến/xử lý khí

a) Cấp đặc biệt: công suất > 10 triệu m3 khí/ngày;

b) Cấp I: công suất từ 5 - 10 triệu m3 khí/ngày;

c) Cấp II: công suất < 5 triệu m3 khí/ngày.

9. Phân loại nhà máy lọc hóa dầu

a) Cấp đặc biệt: công suất chế biến dầu thô > 500 nghìn thùng/ngày

b) Cấp I: công suất chế biến dầu thô từ 300 nghìn – 500 nghìn thùng/ngày;

c) Cấp II: công suất chế biến dầu thô từ 100 nghìn – 300 nghìn thùng/ngày;

d) Cấp III: công suất chế biến dầu thô từ < 100 nghìn thùng/ngày.

Điều 7. Các đối tượng tiếp giáp công trình dầu khí

Tổ chức, cá nhân xác định đối tượng tiếp giáp với công trình dầu khí bao gồm:

1. Khu vực dân cư

a) Khu dân cư sinh sống được phân loại trên cơ sở mật độ nhà ở trung bình theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Trường học, bệnh viện, nhà hát, trung tâm thương mại, siêu thị hoặc khu chợ tập trung.

2. Khu công nghiệp tập trung có quy định phạm vi giới hạn

a) Chân tường rào ranh giới tiếp giáp của khu công nghiệp;

b) Đường giao thông, công trình cấp thoát nước trong khu công nghiệp tập trung, lắp đặt song song với đường ống hoặc ranh giới tiếp giáp của các công trình dầu khí khác.

3. Nhà máy, xí nghiệp, công trình sản xuất công nghiệp và nông nghiệp độc lập.

4. Khu vực thăm dò, khai thác mỏ khoáng sản (tính từ ranh giới tiếp giáp ngoài cùng của khu vực).

5. Công trình giao thông

a) Đường bộ chạy song song với ranh giới tiếp giáp của công trình dầu khí; đường hầm đường bộ;

b) Đường sắt chạy song song với ranh giới tiếp giáp của công trình dầu khí;

c) Sân bay (tính từ ranh giới phạm vi phễu bay);

d) Bến cảng biển, cảng sông; bến phà;

đ) Bến xuất nhập.

6. Công trình điện

a) Nhà máy thủy điện;

b) Nhà máy nhiệt điện;

c) Đường dây cáp điện cao thế hoặc lưới điện quốc gia (tính từ ranh giới hành lang an toàn của lưới điện); cột điện, trạm biến áp;

d) Các công trình điện khác.

7. Công trình cấp nước sinh hoạt; đập nước, trạm thủy lợi, đê sông, biển; đê kênh dẫn nước tưới tiêu chạy song song với công trình dầu khí.

8. Kho chứa và trạm xuất nhập DM&SPDM; kho chứa các vật liệu dễ cháy nổ.

9. Nhà máy xử lý, chế biến khí, trạm phân phối khí, trạm van, trạm phóng nhận thoi.

10. Vùng, trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng cây công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp tập trung, kho chứa lương thực.

11. Rừng cây (lá kim, cỏ tranh, lá to bản).

12. Di sản văn hóa cấp quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử, văn hóa, di sản tự nhiên, danh lam thắng cảnh đã được nhà nước xếp hạng, khu du lịch, các công trình công cộng khác.

13. Cột thu phát thông tin, vô tuyến.

14. Cáp thông tin, cáp điện, đường ống cấp thoát nước chôn ngầm.

15. Các công trình khác.

Nghị định 13/2011/NĐ-CP về an toàn công trình dầu khí trên đất liền

  • Số hiệu: 13/2011/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 11/02/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 103 đến số 104
  • Ngày hiệu lực: 05/04/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH