Chương 5 Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ TRONG THANH TOÁN
Điều 29. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải
1. Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động thanh toán điện tử giao thông đường bộ, bảo đảm chính xác, khách quan, minh bạch.
2. Quản lý, kiểm soát hoạt động của Hệ thống thanh toán điện tử giao thông theo quy định của pháp luật.
3. Đầu tư, tổ chức quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ theo quy định.
4. Thực hiện nhiệm vụ cơ quan có thẩm quyền đối với các dự án có thu tiền sử dụng đường bộ theo quy định; thanh toán điện tử các loại phí, giá, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện.
5. Xử lý hoặc kiến nghị xử lý các nội dung phát sinh theo thẩm quyền.
6. Phối hợp với Bộ Công an kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các cấu thành Hệ thống thanh toán điện tử giao thông.
Điều 30. Trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan
1. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng
Chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện việc gắn thẻ đầu cuối cho các phương tiện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh tham gia giao thông.
2. Bộ Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quản lý hướng dẫn Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông, đơn vị quản lý thu sử dụng hoá đơn điện tử theo quy định của pháp luật về hoá đơn trong hoạt động thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông
a) Cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và xử lý nhiễu có hại (nếu có) cho thiết bị vô tuyến điện thuộc Hệ thống thanh toán điện tử giao thông theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.
b) Hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị có liên quan trong việc bảo đảm an toàn thông tin, cho các cấu thành Hệ thống thanh toán điện tử giao thông theo quy định của pháp luật.
c) Kiểm tra, giám sát các đơn vị có liên quan thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin có liên quan đến hoạt động thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
d) Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến lợi ích cũng như các quy định của pháp luật về thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
4. Các bộ, ngành khác
Thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, thẩm quyền trong việc thanh toán điện tử các loại phí, giá, dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện do bộ, ngành quản lý.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Thực hiện nhiệm vụ cơ quan có thẩm quyền đối với các dự án có thu tiền sử dụng đường bộ theo quy định; thanh toán điện tử các loại phí, giá, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện.
Điều 31. Quyền và nghĩa vụ của chủ phương tiện
1. Thực hiện gắn thẻ đầu cuối cho phương tiện tại lần kiểm định gần nhất hoặc trước khi đến hạn kiểm định hoặc khi qua trạm thu phí đường bộ lần đầu hoặc ngay khi thẻ đầu cuối bị mất, hỏng do lỗi của chủ phương tiện hoặc sau khi hết hạn bảo hành. Chi trả tiền gắn thẻ đầu cuối cho Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ theo quy định.
2. Cung cấp thông tin để mở tài khoản giao thông, khai báo và sửa đổi thông tin tài khoản giao thông khi có thay đổi; cung cấp các thông tin cần thiết để Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông giao hoàn trả tiền vào phương tiện thanh toán liên kết với tài khoản giao thông của chủ phương tiện khi cần thiết.
3. Thực hiện dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đường bộ theo đúng hướng dẫn của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông.
4. Phối hợp với Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện việc chuyển đổi tài khoản thu phí đã có theo Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ sang tài khoản giao thông và thực hiện kết nối phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt với tài khoản giao thông trước ngày 01 tháng 10 năm 2025.
5. Đọc, hiểu quyền, nghĩa vụ của chủ phương tiện và đồng ý tuân thủ các quy định về bảo mật dữ liệu cá nhân khi cung cấp, cho phép chia sẻ thông tin dữ liệu cá nhân chủ phương tiện, các Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông, các đơn vị quản lý thu và đơn vị vận hành thu nhằm định danh, xác thực, xử lý và lưu trữ dữ liệu trong quá trình cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đường bộ cho phương tiện.
6. Quyết định việc sử dụng thông tin tài khoản giao thông để thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
7. Thanh toán các loại phí, giá, dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện theo quy định.
8. Chấp hành các hướng dẫn về giao thông khi lưu thông qua điểm thu.
1. Hướng dẫn sử dụng, bảo hành thẻ đầu cuối gắn cho chủ phương tiện trong trường hợp Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ.
2. Hướng dẫn chủ phương tiện cách thức sử dụng dịch vụ.
3. Tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin tra soát, khiếu nại của chủ phương tiện
a) Áp dụng tối thiểu hai hình thức tiếp nhận thông tin tra soát, khiếu nại bao gồm qua tổng đài điện thoại (có ghi âm, hoạt động 24/24 giờ trong ngày và 7/7 ngày trong tuần) và qua trụ sở/chi nhánh của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông; bảo đảm xác thực những thông tin cơ bản mà chủ phương tiện đã cung cấp cho Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông;
b) Thời hạn xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại không quá 45 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị tra soát, khiếu nại lần đầu của chủ phương tiện.
4. Xử lý kết quả tra soát, khiếu nại
a) Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày thông báo kết quả tra soát, khiếu nại cho chủ phương tiện, Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông thực hiện bồi hoàn tổn thất cho khách hàng theo thỏa thuận và quy định của pháp luật hiện hành đối với những tổn thất phát sinh không do lỗi của chủ phương tiện và/hoặc không thuộc các trường hợp bất khả kháng theo thỏa thuận về điều khoản và điều kiện sử dụng dịch vụ.
b) Trong trường hợp hết thời hạn xử lý tra soát, khiếu nại được quy định tại điểm b khoản 3 Điều này mà vẫn chưa xác định được nguyên nhân hay lỗi thuộc bên nào thì trong vòng 15 ngày làm việc tiếp theo, Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông thỏa thuận với chủ phương tiện về phương án xử lý hoặc tạm thời bồi hoàn tổn thất cho chủ phương tiện cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền phân định rõ lỗi và trách nhiệm của các bên.
5. Trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông thực hiện thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam; đồng thời, thông báo bằng văn bản cho chủ phương tiện về tình trạng xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại. Việc xử lý kết quả tra soát, khiếu nại thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo kết quả giải quyết không có yếu tố tội phạm, trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông thỏa thuận với chủ phương tiện về phương án xử lý kết quả tra soát, khiếu nại.
6. Trường hợp Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông, chủ phương tiện và các bên liên quan không thỏa thuận được và/hoặc không đồng ý với quá trình xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật.
7. Hướng dẫn chủ phương tiện về việc thu thập, xử lý, sử dụng, lưu trữ thông tin dữ liệu cá nhân và yêu cầu chủ phương tiện xác nhận đồng ý trước khi chia sẻ một phần hoặc toàn bộ thông tin dữ liệu cá nhân với các bên liên quan phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đường bộ cho phương tiện.
8. Lưu trữ các dữ liệu hoạt động về "Quyền được biết", "Quyền đồng ý", "Quyền truy cập", "Quyền rút lại sự đồng ý", "Quyền xóa" hoặc "Quyền hạn chế xử lý dữ liệu", "Quyền cung cấp dữ liệu" của chủ phương tiện khi sử dụng dịch vụ.
9. Thực hiện các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân theo tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu cá nhân và theo quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ phương tiện và của các Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân.
Điều 33. Quyền và nghĩa vụ khác của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông
1. Đối với đơn vị quản lý thu
a) Ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thu với đơn vị quản lý thu; Thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng ký kết;
b) Hoàn trả doanh thu theo quy định.
2. Xây dựng, ban hành quy trình nghiệp vụ theo quy định tại các Điều 16, 17, 21, 22 Nghị định này.
3. Đồng bộ thông tin tài khoản giao thông và thông tin giao dịch thanh toán điện tử giao thông đường bộ về Hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ theo các quy định tại Nghị định này.
4. Thông báo cho cơ quan Cảnh sát giao thông khi phát hiện các trường hợp xe gắn biển số giả, biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
5. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
6. Kê khai và nộp các loại thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí.
7. Mở tài khoản trên hệ thống ngân hàng thương mại để tiếp nhận tiền từ việc thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ của chủ phương tiện.
8. Cung cấp hình ảnh, thông tin hành trình, lịch trình di chuyển của phương tiện khi có đề nghị của cơ quan có thẩm quyền.
9. Các trách nhiệm khác theo hợp đồng với các đơn vị có liên quan, theo các quy định tại Nghị định này.
Điều 34. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị vận hành thu
1. Thực hiện nhiệm vụ được đơn vị quản lý thu giao hoặc thực hiện theo hợp đồng dịch vụ thu ký kết với đơn vị quản lý thu. Phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương nơi đặt điểm thu để giữ gìn an ninh, trật tự trong quá trình thanh toán điện tử giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn giao thông, tránh ùn tắc giao thông, bảo đảm không xảy ra các hiện tượng tiêu cực, cản trở, gây phiền hà trong hoạt động thanh toán điện tử giao thông đường bộ; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong quá trình thanh toán.
2. Trong trường hợp hệ thống thiết bị lắp đặt tại điểm thu bị trục trặc, hư hỏng, đơn vị vận hành thu phải kịp thời có báo cáo cơ quan có thẩm quyền hoặc báo cáo đơn vị quản lý thu; đồng thời, khẩn trương khắc phục các sự cố của hệ thống. Thời gian khắc phục sự cố không quá 48 giờ, kể từ thời điểm hệ thống bị trục trặc, hư hỏng. Trong thời gian khắc phục sự cố, đơn vị vận hành thu phải thông báo công khai tại điểm thu và trên phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng; có biện pháp bảo đảm thu nhanh gọn, an toàn, tránh ùn tắc giao thông và có biện pháp giám sát chống thất thoát doanh thu.
3. Thực hiện các quy trình nghiệp vụ do Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông ban hành.
4. Đồng bộ thông tin giao dịch thanh toán điện tử giao thông đường bộ về Hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ theo các quy định tại Nghị định này.
5. Thực hiện các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân theo tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu cá nhân và theo quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ phương tiện và của đơn vị vận hành thu trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân.
6. Các trách nhiệm khác theo hợp đồng với các đơn vị có liên quan, theo các quy định tại Nghị định này.
Điều 35. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị quản lý thu
1. Chủ trì xây dựng và phê duyệt quy trình thanh toán điện tử giao thông đường bộ phù hợp với hình thức và phương thức thanh toán điện tử tại điểm thu; quy định nội bộ về kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý sự cố trong quá trình thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
2. Thực hiện hoặc ký hợp đồng giao đơn vị vận hành thu thực hiện việc thiết kế, đầu tư, xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành hệ thống thiết bị lắp đặt tại các điểm thu theo quy định.
3. Ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thu với Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông; thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng ký kết.
4. Thực hiện các quy trình nghiệp vụ do Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông ban hành.
5. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
6. Kê khai và nộp các loại thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí.
7. Thực hiện các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân theo tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu cá nhân và theo quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ phương tiện và của các đơn vị quản lý thu trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân.
8. Các trách nhiệm khác theo hợp đồng với các đơn vị có liên quan, theo các quy định tại Nghị định này.
Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Nguyên tắc chung
- Điều 5. Những hành vi không được thực hiện trong hoạt động thanh toán điện tử giao thông đường bộ
- Điều 6. Cấu thành hệ thống thanh toán điện tử giao thông
- Điều 7. Thẻ đầu cuối gắn trên các phương tiện
- Điều 8. Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ
- Điều 9. Hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông
- Điều 10. Hệ thống thiết bị lắp đặt tại các điểm thu
- Điều 11. Mở tài khoản giao thông
- Điều 12. Sử dụng tài khoản giao thông
- Điều 13. Khoá tài khoản giao thông
- Điều 14. Đóng tài khoản giao thông
- Điều 15. Thanh toán tiền sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng
- Điều 16. Đối soát doanh thu thu tiền sử dụng đường bộ
- Điều 17. Hoàn trả doanh thu thu tiền sử dụng đường bộ
- Điều 18. Xử lý các trường hợp miễn thu, thu theo tháng, theo quý, theo năm
- Điều 19. Chi phí tổ chức, quản lý, giám sát thu tiền sử dụng đường bộ
- Điều 20. Thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ khác
- Điều 21. Đối soát doanh thu dịch vụ
- Điều 22. Hoàn trả doanh thu dịch vụ
- Điều 23. Xử lý các trường hợp miễn thu, thu theo tháng, theo quý, theo năm
- Điều 24. Chi phí tổ chức, quản lý, giám sát thu phí, giá, tiền dịch vụ khác
- Điều 25. Quyền về thông tin, báo cáo
- Điều 26. Nghĩa vụ về thông tin, báo cáo
- Điều 27. Bảo mật và an toàn thông tin mạng
- Điều 28. Bảo đảm an toàn trong thanh toán
- Điều 29. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải
- Điều 30. Trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan
- Điều 31. Quyền và nghĩa vụ của chủ phương tiện
- Điều 32. Quyền và nghĩa vụ của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đối với chủ phương tiện
- Điều 33. Quyền và nghĩa vụ khác của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông
- Điều 34. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị vận hành thu
- Điều 35. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị quản lý thu