Chương 3 Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ
MỞ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN GIAO THÔNG
Điều 11. Mở tài khoản giao thông
1. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ mở tài khoản giao thông và cung cấp tài khoản truy cập ứng dụng thanh toán điện tử giao thông đường bộ cho chủ phương tiện ngay lần đầu gắn thẻ đầu cuối.
2. Tại thời điểm thực hiện giao dịch thanh toán điện tử giao thông đường bộ, tài khoản giao thông chỉ được kết nối với một phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật ngân hàng để thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt do tổ chức cung ứng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cung cấp thông qua hợp đồng dịch vụ với Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông.
3. Mỗi tài khoản giao thông có thể sử dụng để chi trả cho nhiều phương tiện tham gia giao thông thuộc sở hữu của chủ phương tiện; mỗi phương tiện tham gia giao thông chỉ được nhận chi trả từ một tài khoản giao thông.
4. Đối tượng mở tài khoản giao thông bao gồm:
a) Chủ phương tiện là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật;
b) Chủ phương tiện là tổ chức được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật.
5. Hồ sơ mở tài khoản giao thông phải bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin tài khoản giao thông theo quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.
6. Xác thực thông tin chủ phương tiện mở tài khoản giao thông
a) Chủ phương tiện phải cung cấp, cập nhật đầy đủ, chính xác các thông tin trong hồ sơ mở tài khoản giao thông cho Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ và chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin mà mình cung cấp.
b) Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu; xác minh thông tin nhận biết chủ phương tiện đối với trường hợp chủ phương tiện là tổ chức và xác thực thông tin nhận biết chủ phương tiện thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với chủ phương tiện là cá nhân.
7. Thông tin tài khoản giao thông phải được Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đồng bộ sau khi mở hoặc sau mỗi lần có thay đổi thông tin với Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Thông tin phương tiện thanh toán phải được Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ đồng bộ sau khi kết nối hoặc sau mỗi lần có thay đổi hoặc bổ sung phương tiện thanh toán với Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Các thông tin này phải được đồng bộ với Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ trong vòng 06 giờ kể từ khi có sự cập nhật, thay đổi trên Hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông.
8. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ phải công khai cho chủ phương tiện các điều khoản về việc đăng ký mở và sử dụng tài khoản giao thông; trình tự, thủ tục tiếp nhận, xử lý hồ sơ mở tài khoản giao thông; phương thức và địa điểm ký hợp đồng mở, sử dụng tài khoản giao thông cho từng đối tượng phù hợp với điều kiện và khả năng cung ứng của mình nhưng phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về tính chính xác, chặt chẽ, đầy đủ của hồ sơ và hợp đồng mở, sử dụng tài khoản giao thông.
9. Trong trường hợp có sự thay đổi thông tin trong hồ sơ mở tài khoản giao thông, chủ tài khoản giao thông phải thông báo cho Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ để cập nhật trên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ trong thời hạn tối đa 10 ngày kể từ ngày thay đổi. Chủ tài khoản giao thông chịu toàn bộ trách nhiệm trong trường hợp không thông báo cho Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ theo quy định tại khoản này.
Điều 12. Sử dụng tài khoản giao thông
1. Chủ phương tiện phải bảo đảm đủ tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông khi thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
2. Trường hợp số tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông không đủ để thực hiện thanh toán tiền sử dụng đường bộ trên đường cao tốc thì phương tiện không được đi qua trạm thu phí đường bộ trên đường cao tốc.
3. Trường hợp số tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông không đủ để thực hiện thanh toán tiền sử dụng đường bộ thì phương tiện phải sử dụng làn thu phí hỗn hợp tại trạm thu phí đường bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Trường hợp số tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông không đủ để thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này thì thực hiện các hình thức thanh toán khác tại điểm thu.
5. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ sử dụng trực tiếp các tài khoản giao thông do mình quản lý để thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ đối với các dịch vụ do Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ cung cấp.
6. Khi có yêu cầu hoặc được sự đồng ý của chủ tài khoản giao thông, Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ sử dụng thông tin tài khoản giao thông thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ để thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ đối với các dịch vụ do Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ cung cấp. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ cung cấp tài khoản truy cập ứng dụng thanh toán điện tử giao thông đường bộ cho chủ phương tiện.
7. Trong trường hợp Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông không duy trì được dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đường bộ, Bộ Giao thông vận tải quyết định việc sử dụng tài khoản giao thông để bảo đảm không gián đoạn hoạt động thanh toán điện tử giao thông đường bộ trên cơ sở đồng ý của chủ tài khoản giao thông.
Điều 13. Khoá tài khoản giao thông
1. Khóa tài khoản giao thông theo đề nghị của chủ tài khoản giao thông
a) Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện khóa tài khoản giao thông khi có đề nghị của chủ tài khoản giao thông hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản giao thông hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản giao thông với Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.
b) Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ từ chối yêu cầu khóa tài khoản giao thông khi chủ tài khoản giao thông chưa thanh toán xong khoản nợ phải trả cho Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ hoặc Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ. Thông tin khoản nợ phải trả cho Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ được đồng bộ từ Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
c) Thời gian khóa tài khoản giao thông thực hiện theo yêu cầu của chủ tài khoản giao thông hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản giao thông hoặc theo văn bản thỏa thuận giữa chủ tại khoản giao thông với Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông.
2. Khóa tài khoản giao thông theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật
a) Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện khóa tài khoản giao thông theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
b) Ngay sau khi thực hiện khóa tài khoản giao thông, Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ phải thông báo cho chủ tài khoản giao thông hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của chủ tài khoản giao thông biết về lý do khóa tài khoản giao thông.
c) Thời gian khóa tài khoản giao thông thực hiện theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong văn bản yêu cầu khóa tài khoản giao thông hoặc trong văn bản yêu cầu chấm dứt khóa tài khoản giao thông.
Điều 14. Đóng tài khoản giao thông
1. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện đóng tài khoản giao thông trong các trường hợp sau:
a) Có đề nghị đóng tài khoản giao thông của chủ tài khoản giao thông hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của chủ tài khoản giao thông và chủ tài khoản giao thông đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản giao thông;
b) Chủ tài khoản giao thông là cá nhân bị chết, bị tuyên bố là đã chết, bị mất tích; Chủ tài khoản giao thông là tổ chức bị chấm dứt hoạt động, phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật;
c) Các trường hợp đóng tài khoản giao thông theo thỏa thuận giữa Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ và chủ tài khoản giao thông;
d) Chủ tài khoản giao thông thực hiện một trong các hành vi không được thực hiện quy định tại Điều 5 của Nghị định này hoặc vi phạm thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản giao thông với Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ;
đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Sau khi đóng tài khoản giao thông, chủ tài khoản giao thông muốn sử dụng tài khoản giao thông phải làm thủ tục mở tài khoản giao thông theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này.
Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Nguyên tắc chung
- Điều 5. Những hành vi không được thực hiện trong hoạt động thanh toán điện tử giao thông đường bộ
- Điều 6. Cấu thành hệ thống thanh toán điện tử giao thông
- Điều 7. Thẻ đầu cuối gắn trên các phương tiện
- Điều 8. Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ
- Điều 9. Hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông
- Điều 10. Hệ thống thiết bị lắp đặt tại các điểm thu
- Điều 11. Mở tài khoản giao thông
- Điều 12. Sử dụng tài khoản giao thông
- Điều 13. Khoá tài khoản giao thông
- Điều 14. Đóng tài khoản giao thông
- Điều 15. Thanh toán tiền sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng
- Điều 16. Đối soát doanh thu thu tiền sử dụng đường bộ
- Điều 17. Hoàn trả doanh thu thu tiền sử dụng đường bộ
- Điều 18. Xử lý các trường hợp miễn thu, thu theo tháng, theo quý, theo năm
- Điều 19. Chi phí tổ chức, quản lý, giám sát thu tiền sử dụng đường bộ
- Điều 20. Thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ khác
- Điều 21. Đối soát doanh thu dịch vụ
- Điều 22. Hoàn trả doanh thu dịch vụ
- Điều 23. Xử lý các trường hợp miễn thu, thu theo tháng, theo quý, theo năm
- Điều 24. Chi phí tổ chức, quản lý, giám sát thu phí, giá, tiền dịch vụ khác
- Điều 25. Quyền về thông tin, báo cáo
- Điều 26. Nghĩa vụ về thông tin, báo cáo
- Điều 27. Bảo mật và an toàn thông tin mạng
- Điều 28. Bảo đảm an toàn trong thanh toán
- Điều 29. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải
- Điều 30. Trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan
- Điều 31. Quyền và nghĩa vụ của chủ phương tiện
- Điều 32. Quyền và nghĩa vụ của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đối với chủ phương tiện
- Điều 33. Quyền và nghĩa vụ khác của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông
- Điều 34. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị vận hành thu
- Điều 35. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị quản lý thu