Hệ thống pháp luật

Điều 35 Nghị định 106/2015/NĐ-CP về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ

Điều 35. Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật

1. Tổ chức họp Hội đồng kỷ luật

a) Chuẩn bị họp:

- Chậm nhất 07 ngày làm việc trước cuộc họp của Hội đồng kỷ luật, giấy triệu tập họp phải được gửi đến người đại diện có hành vi vi phạm pháp luật. Người đại diện có hành vi vi phạm pháp luật vắng mặt phải có lý do chính đáng. Trường hợp người đại diện có hành vi vi phạm pháp luật vắng mặt sau 02 lần gửi giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng, đến lần thứ 03 sau khi đã gửi giấy triệu tập, nếu tiếp tục vắng mặt thì Hội đồng kỷ luật vẫn họp xem xét và kiến nghị hình thức kỷ luật;

- Hội đồng kỷ luật có thể mời thêm đại diện các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội nơi người đại diện có hành vi vi phạm pháp luật đang công tác dự họp. Người được mời có quyền phát biểu ý kiến và đề xuất hình thức kỷ luật nhưng không được bỏ phiếu về hình thức kỷ luật;

- Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật có nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu, hồ sơ có liên quan đến việc xử lý kỷ luật, ghi biên bản cuộc họp của Hội đồng kỷ luật;

- Hồ sơ kỷ luật trình Hội đồng kỷ luật gồm: Bản tự kiểm điểm, trích ngang sơ yếu lý lịch, biên bản cuộc họp kiểm điểm của tập đoàn, tổng công ty, công ty nơi người đại diện có hành vi vi phạm pháp luật đang công tác và các tài liệu khác có liên quan.

b) Trình tự họp:

- Chủ tịch Hội đồng kỷ luật tuyên bố lý do, giới thiệu các thành viên tham dự;

- Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc trích ngang sơ yếu lý lịch của người đại diện có hành vi vi phạm pháp luật và các tài liệu khác có liên quan;

- Người đại diện có hành vi vi phạm pháp luật đọc bản tự kiểm điểm. Nếu người đại diện có hành vi vi phạm pháp luật vắng mặt thì Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc thay. Nếu người đại diện có hành vi vi phạm pháp luật không làm bản tự kiểm điểm thì Hội đồng kỷ luật tiến hành các trình tự còn lại của cuộc họp theo quy định tại Khoản này;

- Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc biên bản cuộc họp kiểm điểm;

- Các thành viên Hội đồng kỷ luật và người tham dự cuộc họp phát biểu ý kiến;

- Người đại diện có hành vi vi phạm pháp luật phát biểu ý kiến. Nếu người đại diện có hành vi vi phạm pháp luật không phát biểu ý kiến hoặc vắng mặt thì Hội đồng kỷ luật tiến hành các trình tự còn lại của cuộc họp theo quy định tại Khoản này;

- Hội đồng kỷ luật bỏ phiếu kín kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật;

- Chủ tịch Hội đồng kỷ luật công bố kết quả bỏ phiếu kín và thông qua biên bản cuộc họp;

- Chủ tịch và Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật ký vào biên bản cuộc họp.

Trường hợp nhiều người đại diện trong cùng tập đoàn, tổng công ty, công ty có hành vi vi phạm pháp luật thì Hội đồng kỷ luật họp để tiến hành xem xét xử lý kỷ luật đối với từng người đại diện.

2. Quyết định kỷ luật

a) Trình tự ra quyết định kỷ luật:

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc họp, Hội đồng kỷ luật phải có kiến nghị việc xử lý kỷ luật bằng văn bản (kèm theo biên bản và hồ sơ kỷ luật) gửi cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 4 và 5 Nghị định này;

- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Hội đồng kỷ luật trong trường hợp thành lập Hội đồng kỷ luật hoặc biên bản cuộc họp kiểm điểm quy định tại Khoản 3 Điều 32 Nghị định này trong trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật thì người có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật hoặc kết luận người đại diện không vi phạm pháp luật;

- Trường hợp có tình tiết phức tạp thì cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật quyết định kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 26 Nghị định này và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

b) Quyết định kỷ luật phải ghi rõ thời điểm có hiệu lực thi hành;

c) Sau 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực thi hành, nếu người đại diện không tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật chấm dứt hiệu lực thi hành mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực thi hành.

Nghị định 106/2015/NĐ-CP về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ

  • Số hiệu: 106/2015/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 23/10/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1107 đến số 1108
  • Ngày hiệu lực: 10/12/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH