Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 3 Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định về thành lập,tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý cơ sở trợ giúp xã hội

Mục 2. THÀNH LẬP VÀ GIẢI THỂ CƠ SỞ TRỢ GIÚP XÃ HỘI NGOÀI CÔNG LẬP

Điều 14. Quyền thành lập và quản lý cơ sở

1. Tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ thành lập và quản lý cơ sở theo quy định của Nghị định này.

2. Tổ chức, cá nhân tự kê khai hồ sơ đăng ký thành lập và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký thành lập cơ sở.

3. Cơ quan hoặc người có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập (sau đây gọi tắt là cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập) chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký thành lập, không chịu trách nhiệm về những hoạt động vi phạm pháp luật của cơ sở xảy ra trước và sau đăng ký thành lập.

4. Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập không giải quyết tranh chấp giữa các thành viên của cơ sở với nhau hoặc với tổ chức, cá nhân khác trong quá trình hoạt động.

Điều 15. Hồ sơ đăng ký thành lập

1. Tờ khai đăng ký thành lập theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Phương án thành lập cơ sở.

3. Dự thảo Quy chế hoạt động của cơ sở theo Mẫu số 03b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

4. Bản sao có chứng thực đối với giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc hợp đồng cho thuê, mượn đất đai, cơ sở vật chất và tài sản gắn liền với đất phục vụ cho hoạt động của cơ sở.

5. Phiếu lý lịch tư pháp của các sáng lập viên.

6. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân. Đối với sáng lập viên là cá nhân nước ngoài, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các sáng lập viên;

b) Quyết định thành lập hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của tổ chức.

Đối với sáng lập viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao quyết định thành lập hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự.

Điều 16. Quy chế hoạt động của cơ sở

1. Quy chế hoạt động của cơ sở phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên cơ sở, địa chỉ trụ sở, số điện thoại, số fax.

b) Các nhiệm vụ của cơ sở;

c) Vốn điều lệ;

d) Họ và tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các sáng lập viên; phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên sáng lập;

đ) Quyền và nghĩa vụ của thành viên sáng lập;

e) Cơ cấu tổ chức quản lý;

g) Người đại diện theo pháp luật của cơ sở;

h) Thể thức thông qua quyết định của cơ sở; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;

i) Căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho cán bộ và nhân viên tại cơ sở;

k) Những trường hợp thành viên có quyền yêu cầu cơ sở mua lại phần vốn góp;

l) Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ;

m) Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản của cơ sở;

n) Thể thức sửa đổi, bổ sung Quy chế của cơ sở.

2. Dự thảo Quy chế hoạt động của cơ sở khi đăng ký thành lập phải có họ, tên và chữ ký của các sáng lập viên.

3. Quy chế hoạt động của cơ sở được sửa đổi, bổ sung phải có họ, tên và chữ ký của các sáng lập viên.

Điều 17. Đăng ký thành lập

1. Tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại Điều 15 Nghị định này đến cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập.

2. Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập cơ sở biết và nêu rõ lý do.

3. Cơ sở được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc cơ sở được thành lập theo quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và cơ sở trợ giúp xã hội dưới 10 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn không phải thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký thành lập theo quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định này.

Điều 18. Điều kiện, nội dung giấy chứng nhận đăng ký thành lập

1. Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập

a) Tên của cơ sở được đặt theo đúng quy định tại Điều 5 Nghị định này;

b) Có hồ sơ đăng ký thành lập hợp lệ quy định tại Điều 15 Nghị định này.

2. Giấy chứng nhận đăng ký thành lập

Giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở có nội dung chính theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này:

a) Tên cơ sở, địa chỉ trụ sở, số điện thoại, số fax;

b) Họ và tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các sáng lập viên;

c) Loại hình cơ sở;

d) Các nhiệm vụ của cơ sở (Ghi cụ thể một nhiệm vụ hay nhiều nhiệm vụ quy định tại Điều 7 Nghị định này);

đ) Vốn điều lệ; vốn của doanh nghiệp thành lập (Vốn đầu tư);

e) Thông tin đăng ký thuế.

Điều 19. Thẩm quyền cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thành lập và giải thể cơ sở

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở hoạt động trên phạm vi liên tỉnh hoặc liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố, có trụ sở chính đặt tại địa phương.

2. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở hoạt động trên phạm vi cấp huyện, có trụ sở chính đặt tại địa phương.

3. Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập là cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thành lập và giải thể cơ sở.

Điều 20. Đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký thành lập

1. Khi thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở phải đăng ký với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập.

2. Hồ sơ đề nghị đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký thành lập của cơ sở, gồm:

a) Văn bản đề nghị về việc đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký thành lập;

b) Bản chính đăng ký thành lập cơ sở đã được cấp;

c) Giấy tờ có liên quan chứng minh sự thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký thành lập.

3. Trình tự, thủ tục đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký thành lập như sau:

a) Cơ sở gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị đăng ký thay đổi đến cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập;

b) Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập có trách nhiệm xem xét hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới theo đề nghị của cơ sở trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị đăng ký.

Trường hợp từ chối thì phải thông báo bằng văn bản cho cơ sở đề nghị đăng ký thay đổi biết và phải nêu rõ lý do hoặc các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Điều 21. Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thành lập

1. Cơ sở bị thu hồi giấy chứng, nhận đăng ký thành lập trong các trường hợp sau:

a) Giấy chứng nhận đăng ký thành lập được cấp cho cơ sở không đúng quy định của pháp luật;

b) Sau 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập nhưng cơ sở chưa nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động cho cơ quan có thẩm quyền;

c) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Cơ sở phải có trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho đối tượng, người lao động và các bên liên quan khi bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thành lập.

Điều 22. Giải thể

1. Cơ sở bị giải thể trong các trường hợp sau:

a) Cơ sở bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thành lập;

b) Cơ sở không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật và có kiến nghị của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương;

c) Tổ chức, cá nhân đăng ký thành lập cơ sở có đơn đề nghị giải thể;

d) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Hồ sơ đề nghị giải thể gồm:

a) Đơn đề nghị giải thể cơ sở của tổ chức, cá nhân đăng ký thành lập cơ sở, trong đó có nêu rõ lý do đề nghị giải thể theo Mẫu số 04b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản kê khai tài sản, tài chính và phương án xử lý;

c) Danh sách đối tượng và phương án giải quyết khi cơ sở giải thể;

d) Các tài liệu liên quan khác (nếu có);

đ) Kiến nghị giải thể cơ sở của cơ quan có thẩm quyền (nếu có).

3. Trình tự, thủ tục giải thể:

a) Đối với các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b và điểm d khoản 1 Điều 22 Nghị định này, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương phối hợp với cơ sở có văn bản đề nghị giải thể cơ sở gửi đến cơ quan có thẩm quyền quyết định giải thể kèm theo hồ sơ đề nghị giải thể quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định này. Đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Nghị định này, tổ chức cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ giải thể cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định này đến cơ quan có thẩm quyền quyết định giải thể.

b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải có quyết định giải thể. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền không đồng ý việc giải thể cơ sở thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Cơ sở trợ giúp xã hội không được tự động giải thể khi chưa nhận được quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền.

Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định về thành lập,tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý cơ sở trợ giúp xã hội

  • Số hiệu: 103/2017/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 12/09/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 699 đến số 700
  • Ngày hiệu lực: 01/11/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH