Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 2 Nghị định 103/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới

MỤC 2. KIỂM DỊCH Y TẾ ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI

Điều 6. Khai báo y tế đối với phương tiện vận tải

1. Chủ phương tiện vận tải phải khai báo y tế phương tiện vận tải khi nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh.

2. Đối với tàu bay:

a) Khai báo y tế theo mẫu số 2 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này khi tàu bay dừng ở vị trí đỗ;

b) Trong trường hợp hành khách hoặc phi hành đoàn trên chuyến bay có triệu chứng hoặc có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm quy định tại mẫu số 2 khoản này, cơ trưởng hoặc tiếp viên trưởng phải liên lạc bằng vô tuyến điện cho tổ chức kiểm dịch y tế biên giới tại cửa khẩu trước khi tàu bay hạ cánh.

3. Đối với tàu thuyền:

a) Khai báo y tế theo mẫu số 3 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này trước khi tàu thuyền đến vùng đón, trả hoa tiêu ít nhất 02 giờ;

b) Trong trường hợp hành khách hoặc thuyền viên trên tàu thuyền có triệu chứng hoặc có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm quy định tại mẫu số 3 khoản này, thuyền trưởng hoặc sĩ quan được ủy quyền trên tàu thuyền phải liên lạc bằng vô tuyến điện cho tổ chức kiểm dịch y tế biên giới tại cửa khẩu trước khi tàu thuyền cập cảng; treo tín hiệu kiểm dịch y tế biên giới quy định tại Điều 9 Nghị định này.

4. Đối với phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt:

Trong trường hợp phương tiện xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch hoặc trên phương tiện có người, hàng hóa có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm, chủ phương tiện vận tải phải khai báo y tế theo mẫu số 4 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này khi phương tiện vào khu vực cửa khẩu.

Điều 7. Kiểm tra y tế đối với phương tiện vận tải

1. Kiểm tra giấy khai báo

a) Đối với tàu bay kiểm tra giấy khai báo y tế quy định tại điểm a và thông tin quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định này;

b) Đối với tàu thuyền kiểm tra giấy khai báo y tế quy định tại điểm a và thông tin quy định tại điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị định này;

c) Đối với phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt kiểm tra giấy khai báo y tế quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định này.

2. Kiểm tra thực tế

a) Các phương tiện vận tải sau đây phải được kiểm tra thực tế:

- Phương tiện vận tải xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch hoặc bị nghi ngờ mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

- Phương tiện vận tải chở người, hàng hóa xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

b) Trình tự kiểm tra thực tế:

- Đánh giá tình trạng vệ sinh chung, trung gian truyền bệnh hoặc tác nhân gây bệnh truyền nhiễm trên phương tiện vận tải.

- Lấy mẫu xét nghiệm trong trường hợp nghi ngờ có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm trên phương tiện vận tải.

3. Việc kiểm tra thực tế đối với một phương tiện vận tải phải hoàn thành trong thời gian tối đa là 01 giờ làm việc tính từ thời điểm hoàn thành xong việc kiểm tra khai báo y tế đối với phương tiện vận tải đó.

Trường hợp phương tiện vận tải bị kiểm tra thuộc diện phải xử lý y tế thì thực hiện việc xử lý y tế theo quy định tại Điều 8 Nghị định này. Trường hợp phương tiện vận tải bị kiểm tra không thuộc diện phải xử lý y tế hoặc đã hết thời gian kiểm tra thực tế, tổ chức kiểm dịch y tế biên giới cấp giấy chứng nhận đã kiểm tra y tế đối với phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không theo mẫu số 5 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; cấp giấy chứng nhận miễn xử lý vệ sinh đối với tàu thuyền theo mẫu số 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và phải thông báo cho cơ quan phụ trách cửa khẩu để làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cho phương tiện vận tải đó.

Điều 8. Xử lý y tế đối với phương tiện vận tải

1. Các phương tiện vận tải phải được xử lý y tế trước khi nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh:

a) Phương tiện vận tải xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A mà chưa được xử lý y tế;

b) Phương tiện vận tải hoặc người, hàng hóa trên phương tiện vận tải mang hoặc có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

c) Tàu thuyền không có giấy chứng nhận miễn hoặc đã xử lý vệ sinh tàu thuyền.

2. Các biện pháp xử lý y tế:

a) Đối với phương tiện vận tải:

- Diệt tác nhân gây bệnh, trung gian truyền bệnh.

- Loại bỏ, tiêu hủy chất thải rắn, chất thải của người hoặc động vật; xử lý nước thải sinh hoạt, nước dằn tàu.

b) Đối với người trên phương tiện vận tải, việc thực hiện xử lý y tế theo quy định tại Điều 5 Nghị định này;

c) Đối với hàng hóa trên phương tiện vận tải, việc thực hiện xử lý y tế theo quy định tại Điều 14 Nghị định này.

3. Sau khi xử lý y tế, tổ chức kiểm dịch y tế biên giới xác nhận đã xử lý y tế và cấp:

a) Giấy chứng nhận xử lý y tế đối với phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, tàu bay theo mẫu 5 quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này;

b) Giấy chứng nhận xử lý vệ sinh đối với tàu thuyền theo mẫu số 6 quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này.

4. Việc áp dụng các biện pháp xử lý y tế theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này phải hoàn thành trong thời gian tối đa là 01 giờ làm việc đối với một phương tiện vận tải đường bộ hoặc một toa tàu hỏa hoặc một tàu bay và tối đa là 06 giờ làm việc đối với cả đoàn tàu hỏa hoặc một tàu thuyền kể từ thời điểm phát hiện ra phương tiện vận tải thuộc diện phải xử lý y tế. Trước khi hết thời gian quy định 10 phút mà vẫn không hoàn thành xong việc xử lý y tế, tổ chức kiểm dịch y tế biên giới phải thông báo việc gia hạn thời gian xử lý y tế bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ phương tiện vận tải. Thời gian gia hạn không được quá 01 giờ đối với một phương tiện vận tải đường bộ hoặc một toa tàu hỏa hoặc một tàu bay và không được quá 06 giờ đối với cả đoàn tàu hỏa hoặc một tàu thuyền kể từ thời điểm có thông báo gia hạn.

Điều 9. Quy định tín hiệu kiểm dịch y tế biên giới cho tàu thuyền khi nhập cảnh

1. Ban ngày tàu thuyền phải treo tín hiệu bằng cờ:

a) Cờ chữ “Q” báo hiệu tàu thuyền yêu cầu được kiểm dịch y tế để nhập cảnh;

b) Cờ chữ “QQ” báo hiệu tàu thuyền nghi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

c) Cờ chữ “QL" báo hiệu tàu thuyền có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

2. Ban đêm tàu thuyền phải treo tín hiệu bằng đèn đỏ và đèn trắng cách nhau 2 m theo chiều dọc trên cột buồm phía trước:

a) Một đèn đỏ báo hiệu tàu thuyền yêu cầu được kiểm dịch y tế để nhập cảnh;

b) Hai đèn đỏ báo hiệu tàu thuyền nghi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

c) Một đèn đỏ và một đèn trắng báo hiệu tàu thuyền có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

3. Trong thời gian tàu thuyền chờ kiểm dịch y tế hoặc đang thực hiện kiểm dịch y tế, người trên tàu thuyền không được lên hay xuống, hàng hóa không được bốc dỡ hay tiếp nhận trừ trường hợp tàu thuyền đang gặp tai nạn.

Điều 10. kiểm dịch y tế đối với tàu bay, tàu thuyền chuyển cảng nội địa

1. Tàu bay, tàu thuyền đã làm thủ tục kiểm dịch y tế khi nhập cảnh ở cảng đầu tiên sau đó chuyển đến các cảng khác thì không phải làm thủ tục kiểm dịch y tế.

2. Căn cứ vào hồ sơ chuyển cảng, tổ chức kiểm dịch y tế biên giới tại cảng đến thực hiện việc giám sát theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định này.

Điều 11. kiểm dịch y tế đối với phương tiện vận tải quá cảnh

1. Phương tiện vận tải quá cảnh mà người, hàng hóa không di chuyển ra khỏi phương tiện vận tải đó thì không thực hiện kiểm dịch y tế.

2. Tổ chức kiểm dịch y tế biên giới thực hiện việc giám sát phương tiện vận tải theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định này.

Nghị định 103/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới

  • Số hiệu: 103/2010/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 01/10/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 16/10/2010
  • Số công báo: Từ số 593 đến số 594
  • Ngày hiệu lực: 01/12/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH