Hệ thống pháp luật

Điều 37 Nghị định 100/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội

Điều 37. Trình tự, thủ tục cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn

1. Trình tự, thủ tục cho thuê nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công thực hiện theo quy định sau:

a) Người có nhu cầu thuê nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh hoặc đơn vị quản lý vận hành nhà ở theo phân cấp của địa phương. Hồ sơ bao gồm đơn đăng ký thuê nhà ở xã hội theo Mẫu số 01 tại Phụ lục II của Nghị định này, giấy tờ chứng minh đối tượng theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê nhà ở xã hội (nếu có).

Đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 76 của Luật Nhà ở trong trường hợp không có Hợp đồng lao động thì phải có xác nhận về đối tượng của Ủy ban nhân dân cấp xã theo mẫu hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Đối tượng quy định tại khoản 10 Điều 76 của Luật Nhà ở phải có xác nhận về đối tượng của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo mẫu hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

b) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra và phân loại hồ sơ; nếu hồ sơ không có đủ các giấy tờ theo quy định thì phải trả lời ngay để người nộp đơn bổ sung giấy tờ. Trường hợp đơn vị quản lý vận hành nhà ở tiếp nhận hồ sơ thì sau khi kiểm tra và phân loại hồ sơ, đơn vị này phải có báo cáo Danh sách người đủ điều kiện thuê nhà ở kèm theo hồ sơ hợp lệ gửi cơ quan quản lý nhà ở xem xét, kiểm tra;

c) Trên cơ sở Danh sách người đủ điều kiện thuê nhà ở kèm theo hồ sơ hợp lệ, thì cơ quan quản lý nhà ở tổ chức lập Danh sách người được thuê nhà ở xã hội và có tờ trình kèm theo Danh sách báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định.

Trường hợp tổng số hồ sơ đăng ký thuê (hợp lệ) bằng hoặc ít hơn tổng số căn nhà ở xã hội để cho thuê thì Danh sách người được thuê là Danh sách người đủ điều kiện thuê đã đăng ký.

Trường hợp tổng số hồ sơ đăng ký thuê (hợp lệ) nhiều hơn tổng số căn nhà ở xã hội để cho thuê thì việc xét duyệt, lựa chọn đối tượng được thuê thực hiện theo hình thức bốc thăm (trực tiếp hoặc trực tuyến) do cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh hoặc đơn vị quản lý vận hành nhà ở theo phân cấp của địa phương tổ chức việc bốc thăm, trường hợp đơn vị quản lý vận hành nhà ở thực hiện thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh giám sát bốc thăm. Việc bốc thăm phải có biên bản kết quả bốc thăm.

Trường hợp dự án có đối tượng ưu tiên theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 79 của Luật Nhà ở thì được thuê nhà ở xã hội mà không phải bốc thăm với tỷ lệ nhất định. Số lượng căn nhà ở xã hội để cho thuê dành cho các đối tượng ưu tiên này (không thông qua bốc thăm) được xác định bằng tỷ lệ giữa tổng số hồ sơ của 05 nhóm đối tượng ưu tiên này trên tổng số hồ sơ đăng ký nhân với tổng số căn nhà ở xã hội để cho thuê. Danh sách của nhóm đối tượng ưu tiên được sắp xếp theo thứ tự theo thời điểm nộp hồ sơ. Các căn nhà ở xã hội để cho thuê dành cho các đối tượng ưu tiên được bố trí theo thứ tự của Danh sách ưu tiên cho đến khi hết, các đối tượng còn lại được tiếp tục tham gia bốc thăm;

d) Trên cơ sở báo cáo của cơ quan quản lý nhà ở, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở xem xét, ban hành quyết định phê duyệt Danh sách người được thuê nhà ở và gửi cho đơn vị quản lý vận hành nhà ở để ký Hợp đồng thuê nhà với người được thuê nhà ở;

đ) Thời gian giải quyết việc cho thuê nhà ở xã hội là không quá 30 ngày, kể từ ngày đơn vị tiếp nhận hồ sơ nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

e) Căn cứ điều kiện của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quy định việc ưu tiên các đối tượng được thuê nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công trên địa bàn.

2. Trình tự, thủ tục cho thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn thực hiện theo quy định sau đây:

a) Công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội có nhu cầu thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp cho tổ chức được giao quản lý, vận hành nhà ở của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc Liên đoàn Lao động tỉnh tại địa phương. Hồ sơ bao gồm đơn đăng ký thuê nhà ở xã hội theo Mẫu số 01 tại Phụ lục II của Nghị định này, giấy tờ chứng minh đối tượng theo quy định;

b) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra và phân loại hồ sơ; nếu hồ sơ không có đủ các giấy tờ theo quy định thì phải trả lời ngay để người nộp đơn bổ sung giấy tờ. Trường hợp Liên đoàn Lao động tỉnh tại địa phương tiếp nhận hồ sơ thì sau khi kiểm tra và phân loại hồ sơ, đơn vị này lập Danh sách người đủ điều kiện thuê nhà ở kèm theo hồ sơ hợp lệ gửi tổ chức được giao quản lý, vận hành nhà ở của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, kiểm tra.

Trường hợp tổng số hồ sơ đăng ký thuê (hợp lệ) bằng hoặc ít hơn tổng số căn nhà ở xã hội để cho thuê thì Danh sách người được thuê là Danh sách người đủ điều kiện thuê đã đăng ký.

Trường hợp tổng số hồ sơ đăng ký thuê (hợp lệ) nhiều hơn tổng số căn nhà ở xã hội để cho thuê thì việc xét duyệt, lựa chọn đối tượng được thuê thực hiện theo hình thức bốc thăm trực tiếp do cơ quan quản lý nhà ở của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện. Việc bốc thăm phải có biên bản kết quả bốc thăm. Trường hợp dự án có đối tượng ưu tiên theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 79 của Luật Nhà ở và đoàn viên công đoàn thì được thuê nhà ở xã hội mà không phải bốc thăm.

c) Trên cơ sở Danh sách người đủ điều kiện thuê nhà ở kèm theo hồ sơ hợp lệ, thì tổ chức được giao quản lý, vận hành nhà ở của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xét duyệt và ký Hợp đồng thuê nhà với người được thuê nhà ở;

d) Thời gian giải quyết việc cho thuê nhà ở xã hội là không quá 10 ngày, kể từ ngày tổ chức được giao quản lý, vận hành nhà ở của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

3. Trình tự, thủ tục cho thuê mua nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công được thực hiện theo quy định sau:

a) Người có nhu cầu thuê mua nhà ở xã hội nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp cho Sở Xây dựng địa phương hoặc đơn vị quản lý vận hành nhà ở theo phân cấp của địa phương. Hồ sơ bao gồm đơn đăng ký thuê mua nhà ở xã hội theo Mẫu số 01 tại Phụ lục II của Nghị định này, các giấy tờ chứng minh đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định.

Đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 76 của Luật Nhà ở trong trường hợp không có Hợp đồng lao động thì phải có xác nhận về đối tượng của Ủy ban nhân dân cấp xã theo mẫu hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Đối tượng quy định tại khoản 10 Điều 76 của Luật Nhà ở phải có xác nhận về đối tượng của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo mẫu hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

b) Trình tự thuê mua thực hiện theo quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều này.

Nghị định 100/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội

  • Số hiệu: 100/2024/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 26/07/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Hồng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH