Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 4 Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại

Mục 3. XÁC MINH ĐIỀU KIỆN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Điều 43. Thẩm quyền, phạm vi xác minh điều kiện thi hành án

1. Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.

2. Khi thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án, Thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.

Điều 44. Thỏa thuận về xác minh điều kiện thi hành án

1. Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án có quyền thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại về việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án kể cả trong trường hợp vụ việc đó đang do cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp tổ chức thi hành.

2. Thỏa thuận về xác minh điều kiện thi hành án giữa người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại được ký kết dưới hình thức hợp đồng dịch vụ, bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Nội dung cần xác minh, trong đó nêu cụ thể yêu cầu xác minh thông tin về tài sản, thu nhập hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án;

b) Thời gian thực hiện xác minh;

c) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

d) Chi phí xác minh;

đ) Các thỏa thuận khác (nếu có).

3. Khi thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại về xác minh điều kiện thi hành án, đương sự phải cung cấp bản án, quyết định của Tòa án và các tài liệu khác có liên quan (nếu có); người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án phải cung cấp tài liệu chứng minh có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự.

Điều 45. Thủ tục xác minh điều kiện thi hành án

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng dịch vụ, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải ra quyết định xác minh điều kiện thi hành án, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Quyết định xác minh phải ghi rõ căn cứ, nội dung xác minh và được ghi vào sổ xác minh điều kiện thi hành án được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

Quyết định xác minh phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở và cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.

2. Việc xác minh điều kiện thi hành án được thực hiện trực tiếp hoặc bằng văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin.

3. Khi trực tiếp xác minh, Thừa phát lại xuất trình giấy giới thiệu của Văn phòng Thừa phát lại, Thẻ Thừa phát lại kèm theo các tài liệu có liên quan quy định tại điểm a khoản 4 Điều này và phải công bố quyết định xác minh hoặc quyết định thi hành án trong trường hợp Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án; lập biên bản về việc xác minh. Biên bản phải có chữ ký của Thừa phát lại, người cung cấp thông tin, xác nhận của cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin. Nếu chưa thực hiện được ngay việc cung cấp thông tin thì phải ghi rõ lý do trong biên bản. Biên bản được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời cơ quan chuyên môn hoặc chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh.

4. Trường hợp xác minh bằng văn bản thì văn bản đề nghị cung cấp thông tin phải có các nội dung sau đây:

a) Căn cứ đề nghị cung cấp thông tin bao gồm: Tên bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; Quyết định xác minh, bản sao văn bản thỏa thuận xác minh về điều kiện thi hành án; Quyết định thi hành án trong trường hợp Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án;

b) Thông tin về người phải thi hành án bao gồm: Tên, địa chỉ trụ sở chính của người phải thi hành án là tổ chức; họ, tên, địa chỉ nơi cư trú của người phải thi hành án là cá nhân và các thông tin cần thiết khác;

c) Các thông tin đề nghị cung cấp trong phạm vi, thẩm quyền của Thừa phát lại quy định tại Nghị định này;

d) Thời điểm, thời hạn cung cấp thông tin;

đ) Các thông tin khác có liên quan.

Văn bản đề nghị cung cấp thông tin kèm theo các tài liệu liên quan được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, đồng thời gửi Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở. Trường hợp thực hiện xác minh ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thì Thừa phát lại phải đồng thời gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi thực hiện xác minh.

5. Các quy định khác của pháp luật thi hành án dân sự được áp dụng trong việc xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại.

Điều 46. Từ chối cung cấp thông tin

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền từ chối cung cấp thông tin trong các trường hợp sau đây:

a) Vụ việc không thuộc thẩm quyền xác minh của Thừa phát lại;

b) Đề nghị cung cấp thông tin về cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là người có nghĩa vụ thi hành án thuộc thẩm quyền xác minh của Thừa phát lại;

c) Hồ sơ đề nghị cung cấp không đủ các tài liệu quy định tại Điều 45 của Nghị định này;

d) Các thông tin tài liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp thông tin phải trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Điều 47. Bảo mật thông tin xác minh điều kiện thi hành án

1. Thông tin xác minh điều kiện thi hành án chỉ được sử dụng cho mục đích thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và được bảo quản theo chế độ mật theo quy định của pháp luật.

2. Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại, người yêu cầu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm bảo mật thông tin được cung cấp.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2 Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Điều 48. Sử dụng kết quả xác minh điều kiện thi hành án

1. Người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền sử dụng kết quả xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại để yêu cầu thi hành án hoặc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền thi hành án căn cứ kết quả xác minh để tổ chức thi hành án.

2. Trong trường hợp có căn cứ xác định kết quả xác minh không khách quan, chính xác thì cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại có quyền không sử dụng kết quả đó nhưng phải trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Điều 49. Ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án

1. Văn phòng Thừa phát lại có thể ủy quyền một phần hoặc toàn bộ nội dung công việc theo hợp đồng dịch vụ xác minh điều kiện thi hành án cho Văn phòng Thừa phát lại khác thực hiện, nếu người yêu cầu đồng ý.

2. Việc ủy quyền giữa các Văn phòng Thừa phát lại phải được thể hiện bằng văn bản và có các nội dung sau đây: Thông tin của các Văn phòng Thừa phát lại; thông tin về người yêu cầu xác minh, nội dung xác minh theo hợp đồng dịch vụ đã ký kết; nội dung ủy quyền, các nội dung đã thực hiện (nếu có), nội dung tiếp tục xác minh, thù lao ủy quyền và các thỏa thuận khác (nếu có).

Việc ủy quyền phải được thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại ủy quyền, Văn phòng Thừa phát lại nhận ủy quyền đặt trụ sở để thực hiện việc kiểm sát theo quy định của pháp luật.

3. Văn phòng Thừa phát lại nhận ủy quyền thực hiện việc xác minh theo quy định của Nghị định này và pháp luật thi hành án dân sự.

Điều 50. Phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án

1. Công chức tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường, cán bộ, công chức cấp xã khác, cơ quan bảo hiểm xã hội, tổ chức tín dụng, cơ quan đăng ký đất đai, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, tổ chức hành nghề công chứng và các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án phối hợp, hỗ trợ Thừa phát lại trong xác minh điều kiện thi hành án; phối hợp cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và chịu trách nhiệm về các nội dung thông tin đã cung cấp.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án ký vào biên bản khi Thừa phát lại xác minh trực tiếp hoặc cung cấp thông tin bằng văn bản theo đề nghị của Thừa phát lại trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, trường hợp từ chối cung cấp phải trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Văn bản cung cấp thông tin bao gồm các nội dung sau đây: Thời điểm cung cấp thông tin; nội dung thông tin cung cấp theo đề nghị trong phạm vi, thẩm quyền của Thừa phát lại quy định tại Nghị định này.

3. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thanh toán các chi phí phát sinh, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại

  • Số hiệu: 08/2020/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 08/01/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: 23/01/2020
  • Số công báo: Từ số 81 đến số 82
  • Ngày hiệu lực: 24/02/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH