Hệ thống pháp luật

Điều 24 Nghị định 04/2017/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ

Điều 24. Ngân hàng phục vụ

1. Ngân hàng phục vụ là yêu cầu bắt buộc đối với dự án đầu tư, do Người được bảo lãnh lựa chọn và đề xuất tại hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ.

2. Ngân hàng phục vụ phải là ngân hàng thương mại được thành lập, hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng của Việt Nam và đáp ứng được điều kiện sau:

a) Thuộc danh sách các ngân hàng thương mại đủ tiêu chuẩn làm ngân hàng phục vụ các dự án ODA, vay ưu đãi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; hoặc

b) Có hệ số tín nhiệm do một trong ba tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm quốc tế (Moody’s, Standard and Poor’s, Fitch) công bố bằng hoặc thấp hơn một bậc so với hệ số tín nhiệm quốc gia.

3. Trách nhiệm của Ngân hàng phục vụ:

a) Thực hiện các nhiệm vụ về thanh toán, theo dõi, giám sát Tài khoản Dự án, rút vốn trả nợ khoản vay, tài sản bảo đảm cho khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được bảo lãnh và chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của báo cáo xác nhận do ngân hàng phục vụ phát hành.

b) Thực hiện kiểm soát hồ sơ, chứng từ rút vốn của Người được bảo lãnh phù hợp với hợp đồng thương mại và thỏa thuận vay đã ký; gửi Người được bảo lãnh và Bộ Tài chính xác nhận về sự phù hợp trong vòng tối đa 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ giải ngân của Người được bảo lãnh, trước khi Người được bảo lãnh gửi hồ sơ rút vốn cho Bên cho vay.

c) Báo cáo Bộ Tài chính về nguyên nhân và giải pháp xử lý trong trường hợp hồ sơ, chứng từ rút vốn không phù hợp.

d) Giám sát số dư Tài khoản Dự án và báo cáo Bộ Tài chính định kỳ 06 tháng/lần về việc thực hiện cam kết của Người được bảo lãnh hoặc đột xuất khi Người được bảo lãnh không thực hiện đúng cam kết; thực hiện việc trích Tài khoản Dự án theo yêu cầu của Bộ Tài chính để trả nợ trong trường hợp Người được bảo lãnh không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ.

đ) Được Người được bảo lãnh trả phí dịch vụ theo quy định của ngân hàng phục vụ và theo thỏa thuận giữa hai bên.

4. Trình tự, thủ tục chấp thuận Ngân hàng phục vụ:

a) Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt cấp bảo lãnh chính phủ, Người được bảo lãnh đăng ký ngân hàng phục vụ với Bộ Tài chính.

Hồ sơ đăng ký gồm:

- Văn bản đề nghị lựa chọn Ngân hàng phục vụ của Người được bảo lãnh (bản chính);

- Hợp đồng giữa Người được bảo lãnh và Ngân hàng phục vụ, trong đó quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan (phù hợp với các quy định về trách nhiệm của Người được bảo lãnh và Ngân hàng phục vụ tại Nghị định này) (bản chính hoặc bản sao có chứng thực);

- Tài liệu chứng minh Ngân hàng phục vụ đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều này (tài liệu được công bố chính thức hoặc bản sao có chứng thực).

b) Bộ Tài chính có ý kiến chấp thuận hoặc từ chối (nêu rõ lý do) bằng văn bản đối với đề xuất Ngân hàng phục vụ của Người được bảo lãnh trong vòng 07 ngày làm việc.

Trường hợp bị từ chối, Người được bảo lãnh có trách nhiệm lựa chọn Ngân hàng phục vụ khác đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều này và đề xuất Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận.

c) Trường hợp Người được bảo lãnh không lựa chọn được Ngân hàng phục vụ, Bộ Tài chính chỉ định Ngân hàng phục vụ sau khi tham khảo ý kiến của Người được bảo lãnh.

Nghị định 04/2017/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ

  • Số hiệu: 04/2017/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 16/01/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 121 đến số 122
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH