Hệ thống pháp luật

Mục 4 Chương 3 Nghị định 04/2017/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ

Mục 4. CHUYỂN NHƯỢNG, CHUYỂN GIAO

Điều 36. Chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay, khoản phát hành trái phiếu

1. Việc chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của Người nhận bảo lãnh phải được sự chấp thuận của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính chỉ xem xét đề nghị chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay, khoản phát hành trái phiếu của Người nhận bảo lãnh trong trường hợp việc chuyển nhượng, chuyển giao không làm tăng thêm nghĩa vụ của Người bảo lãnh.

Bộ Tài chính trả lời bằng văn bản ý kiến chấp thuận hoặc từ chối trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị chuyển nhượng, chuyển giao của Người nhận bảo lãnh gồm:

a) Văn bản đề nghị chấp thuận về việc chuyển nhượng, chuyển giao của Người nhận bảo lãnh nêu rõ lý do chuyển nhượng, chuyển giao và Người nhận chuyển nhượng, chuyển giao; đồng thời xác nhận về việc không làm tăng thêm nghĩa vụ của Người bảo lãnh sau khi chuyển nhượng, chuyển giao (bản gốc).

b) Ý kiến bằng văn bản, chấp thuận việc chuyển nhượng, chuyển giao của Người được bảo lãnh (bản gốc).

c) Dự thảo văn bản chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay, khoản phát hành trái phiếu (nếu có) đã được các bên thống nhất, trong đó có quy định Người nhận chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay, khoản phát hành trái phiếu chấp nhận kế thừa nghĩa vụ, trách nhiệm của Người nhận bảo lãnh ban đầu theo thỏa thuận vay, thỏa thuận phát hành trái phiếu.

2. Việc chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay được Chính phủ bảo lãnh của Người được bảo lãnh phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Người nhận chuyển nhượng, chuyển giao phải đáp ứng được các điều kiện đối với Người được bảo lãnh theo quy định của pháp luật và của Nghị định này.

Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ của Người được bảo lãnh, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hoặc từ chối. Hồ sơ (bản chính) gồm có:

a) Đề án chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, trong đó nêu rõ: Tên Người nhận chuyển nhượng, chuyển giao; lý do chuyển nhượng, chuyển giao; năng lực của Người nhận chuyển nhượng, chuyển giao; kế hoạch hoạt động của Người nhận chuyển nhượng, chuyển giao đối với dự án; chứng minh khả năng tài chính của Người nhận chuyển nhượng, chuyển giao về khả năng trả nợ đối với dư nợ còn lại của khoản vay (bản gốc).

b) Báo cáo tài chính 03 năm gần nhất của Người nhận chuyển nhượng, chuyển giao đã được kiểm toán của Kiểm toán nhà nước hoặc kiểm toán độc lập (bản sao có chứng thực).

c) Cam kết của Người nhận chuyển nhượng, nhận chuyển giao khoản vay, khoản phát hành trái phiếu của Người được bảo lãnh về việc kế thừa nghĩa vụ, trách nhiệm đối với khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh tương ứng với phạm vi nhận chuyển nhượng, chuyển giao từ Người được bảo lãnh (bản gốc);

d) Ý kiến bằng văn bản, không phản đối về việc chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay của Người nhận bảo lãnh (bản sao có chứng thực).

Bộ Tài chính trả lời bằng văn bản cho Người được bảo lãnh trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 37. Chuyển nhượng, chuyển giao cổ phần, vốn góp

1. Công ty mẹ, các tổ chức, cá nhân góp vốn thuộc danh sách nhóm cổ đông nắm giữ 65% vốn điều lệ thực góp của Người được bảo lãnh đã cam kết và đăng ký với Bộ Tài chính trước khi cấp bảo lãnh không được chuyển nhượng, chuyển giao phần vốn góp của mình cho các cổ đông là tổ chức, cá nhân khác, không thuộc danh sách nhóm cổ đông nắm giữ 65% vốn điều lệ thực góp đã cam kết và đăng ký với Bộ Tài chính trước khi cấp bảo lãnh, nếu không được sự chấp thuận của Bộ Tài chính.

2. Trường hợp công ty mẹ, các tổ chức, cá nhân góp vốn thuộc danh sách nhóm cổ đông nắm giữ 65% vốn điều lệ thực góp của Người được bảo lãnh đã cam kết và đăng ký với Bộ Tài chính trước khi cấp bảo lãnh đề nghị chuyển nhượng, chuyển giao phần vốn góp của mình cho các cổ đông là tổ chức, cá nhân khác (không thuộc danh sách nhóm cổ đông đã đăng ký), Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc chuyển nhượng, chuyển giao cổ phần, vốn góp của Người được bảo lãnh trong vòng 15 ngày làm việc nếu người nhận chuyển nhượng, chuyển giao cổ phần, vốn góp (không thuộc danh sách nhóm cổ đông đã đăng ký) đáp ứng tiêu chí về năng lực tài chính ít nhất bằng cổ đông chuyển nhượng, chuyển giao của Người được bảo lãnh và sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ sau đây:

a) Công văn đề nghị chuyển nhượng, chuyển giao của Người được bảo lãnh, trong đó nêu rõ: Tên Người chuyển nhượng, chuyển giao; Tên Người nhận chuyển nhượng, chuyển giao; lý do chuyển nhượng, chuyển giao (bản gốc).

b) Tài liệu chứng minh năng lực của Người nhận chuyển nhượng, chuyển giao (bản sao có chứng thực).

c) Báo cáo tài chính 03 năm gần nhất của Người nhận chuyển nhượng, chuyển giao đã được kiểm toán của kiểm toán nhà nước hoặc kiểm toán độc lập (bản sao có chứng thực).

d) Cam kết bằng văn bản của Người nhận chuyển nhượng, chuyển giao về việc kế thừa mọi trách nhiệm và nghĩa vụ của Người chuyển nhượng, chuyển giao tương ứng với cổ phần, vốn góp nhận chuyển nhượng, chuyển giao (bản gốc).

3. Người được bảo lãnh là doanh nghiệp, tổ chức tín dụng nhà nước thực hiện cổ phần hóa có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến Bộ Tài chính về phương án cổ phần hóa và phương án xử lý các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Người được bảo lãnh báo cáo xin ý kiến Bộ Tài chính bằng văn bản khi chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ cổ phần của công ty thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân Việt Nam cho cổ đông chiến lược nước ngoài trước khi thực hiện.

5. Trước khi thực hiện việc niêm yết trên thị trường chứng khoán và giao dịch cổ phần theo quy định của pháp luật, Người được bảo lãnh phải báo cáo Bộ Tài chính về thời điểm dự kiến niêm yết, nơi niêm yết.

6. Trong mọi trường hợp có phát sinh việc chuyển nhượng, chuyển giao cổ phần, vốn góp của Người được bảo lãnh, Người được bảo lãnh vẫn có đầy đủ trách nhiệm đối với khoản vay được Chính phủ bảo lãnh phù hợp với cam kết của Hợp đồng vay, Thư bảo lãnh và các cam kết khác với Bộ Tài chính.

Điều 38. Chuyển nhượng, chuyển giao dự án, tài sản sau đầu tư

1. Việc chuyển nhượng, chuyển giao dự án, tài sản sau đầu tư của Người được bảo lãnh phải xin ý kiến của Bộ Tài chính trước khi thực hiện.

2. Việc chuyển nhượng, chuyển giao dự án, tài sản sau đầu tư nếu làm thay đổi về quyền của Người được bảo lãnh đối với tài sản đã thế chấp, Người được bảo lãnh có trách nhiệm bổ sung tài sản khác để bảo đảm cho nghĩa vụ của mình trước khi thực hiện chuyển nhượng, chuyển giao.

3. Việc chuyển giao tài sản sau đầu tư không làm thay đổi các nghĩa vụ có liên quan của Người được bảo lãnh đối với người cho vay và Bộ Tài chính.

4. Các bên có liên quan trong giao dịch chuyển nhượng, chuyển giao dự án, tài sản có trách nhiệm điều chỉnh Hợp đồng thế chấp tài sản hoặc Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai và các Phụ lục kèm theo trước khi chuyển giao và thực hiện đăng ký lại giao dịch bảo đảm sau khi chuyển giao.

Nghị định 04/2017/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ

  • Số hiệu: 04/2017/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 16/01/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 121 đến số 122
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH