Hệ thống pháp luật

Chương 6 Luật về Hoạt động giám sát của Quốc hội 2003

Chương 6:

QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CHỊU SỰ GIÁM SÁT VÀ CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT

Điều 45. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát; kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết khi được yêu cầu; giải quyết, trả lời yêu cầu, kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

2. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm gửi văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban hữu quan của Quốc hội chậm nhất là ba ngày, kể từ ngày ký văn bản.

Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm gửi văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành đến Đoàn đại biểu Quốc hội chậm nhất là ba ngày, kể từ ngày ký văn bản.

3. Cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát có trách nhiệm trực tiếp trình bày những vấn đề mà Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội nêu ra; trường hợp uỷ quyền cho người khác trình bày thì phải được Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chấp thuận.

4. Cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát có hành vi cản trở hoặc không thực hiện những yêu cầu, quyết định của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Quốc hội khi thực hiện quyền giám sát thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 46. Quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát

Khi Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiến hành hoạt động giám sát, cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có các quyền sau đây:

1. Được thông báo trước về kế hoạch, nội dung giám sát hoặc nội dung được yêu cầu báo cáo, trả lời theo quy định của pháp luật;

2. Trình bày ý kiến về các nội dung liên quan thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

3. Từ chối trả lời, cung cấp thông tin không thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc những thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật;

4. Đề nghị cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội xem xét lại yêu cầu, kiến nghị giám sát liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; trong trường hợp không tán thành với yêu cầu, kiến nghị giám sát của Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Quốc hội thì tự mình hoặc báo cáo với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp để đề nghị Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, kết luận về các yêu cầu, kiến nghị đó.

Điều 47. Trách nhiệm của Văn phòng Quốc hội, Văn phòng giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm bảo đảm điều kiện vật chất và cung cấp thông tin, tư liệu cần thiết, tổ chức phục vụ Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội thực hiện các hoạt động giám sát.

Luật về Hoạt động giám sát của Quốc hội 2003

  • Số hiệu: 05/2003/QH11
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 17/06/2003
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 95
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH