Hệ thống pháp luật

Chương 2 Luật về Hoạt động giám sát của Quốc hội 2003

Chương 2:

HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT TỐI CAO CỦA QUỐC HỘI

Điều 7. Các hoạt động giám sát của Quốc hội

Quốc hội giám sát thông qua các hoạt động sau đây:

1. Xem xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

2. Xem xét báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội;

3. Xem xét văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội;

4. Xem xét việc trả lời chất vấn của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

5. Thành lập Uỷ ban lâm thời để điều tra về một vấn đề nhất định và xem xét báo cáo kết quả điều tra của Uỷ ban.

Điều 8. Chương trình giám sát của Quốc hội

Quốc hội quyết định chương trình giám sát hàng năm của mình theo đề nghị của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm của năm trước và tổ chức thực hiện chương trình đó.

Điều 9. Xem xét báo cáo công tác

1. Tại kỳ họp cuối năm, Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo công tác hàng năm của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tại kỳ họp giữa năm, các cơ quan này gửi báo cáo công tác đến đại biểu Quốc hội; khi cần thiết, Quốc hội có thể xem xét, thảo luận.

Tại kỳ họp cuối nhiệm kỳ, Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởngViện kiểm sát nhân dân tối cao.

Quốc hội có thể yêu cầu Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về những vấn đề khác khi xét thấy cần thiết.

2. Các báo cáo công tác quy định tại khoản 1 Điều này, trừ các báo cáo của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước, phải được Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội thẩm tra theo sự phân công của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

3. Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo theo trình tự sau đây:

a) Người đứng đầu cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này trình bày báo cáo;

b) Chủ tịch Hội đồng dân tộc hoặc Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra;

c) Quốc hội thảo luận;

d) Người đứng đầu cơ quan trình bày báo cáo có thể trình bày thêm những vấn đề có liên quan mà đại biểu Quốc hội quan tâm;

đ) Quốc hội ra nghị quyết về công tác của cơ quan đã báo cáo khi xét thấy cần thiết.

Điều 10. Xem xét văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội

1. Khi phát hiện văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, đình chỉ việc thi hành và trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản đó tại kỳ họp gần nhất.

Khi phát hiện văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội thì đại biểu Quốc hội đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước sửa đổi hoặc huỷ bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản đó; Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước có trách nhiệm xem xét, trả lời đại biểu Quốc hội. Trong trường hợp đại biểu Quốc hội không đồng ý với trả lời của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước thì yêu cầu Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất.

2. Quốc hội xem xét văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội theo trình tự sau đây:

a) Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội;

b) Quốc hội thảo luận.

Trong quá trình thảo luận, người đứng đầu cơ quan đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật có thể trình bày bổ sung những vấn đề có liên quan;

c) Quốc hội ra nghị quyết về việc văn bản quy phạm pháp luật không trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; quyết định bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Điều 11. Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp

Tại kỳ họp Quốc hội, việc chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện như sau:

1. Đại biểu Quốc hội ghi rõ nội dung chất vấn, người bị chất vấn vào phiếu ghi chất vấn và gửi đến Chủ tịch Quốc hội để chuyển đến người bị chất vấn. Đoàn thư ký kỳ họp giúp Chủ tịch Quốc hội tổng hợp các chất vấn của đại biểu Quốc hội để báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội;

2. Uỷ ban thường vụ Quốc hội dự kiến danh sách những người có trách nhiệm trả lời chất vấn tại kỳ họp và báo cáo Quốc hội quyết định;

3. Việc trả lời chất vấn tại phiên họp toàn thể của Quốc hội được tiến hành theo trình tự sau đây:

a) Người bị chất vấn trả lời trực tiếp, đầy đủ nội dung các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn và xác định rõ trách nhiệm, biện pháp khắc phục;

b) Đại biểu Quốc hội có thể nêu câu hỏi liên quan đến nội dung đã chất vấn để người bị chất vấn trả lời.

Thời gian trả lời chất vấn, thời gian nêu câu hỏi và trả lời thêm được thực hiện theo quy định tại Điều 43 của Nội quy kỳ họp Quốc hội;

4. Sau khi nghe trả lời chất vấn, nếu đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị Quốc hội tiếp tục thảo luận tại phiên họp đó, đưa ra thảo luận tại phiên họp khác của Quốc hội hoặc kiến nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn. Quốc hội ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn khi xét thấy cần thiết;

5. Người đã trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, tại phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội bằng văn bản có trách nhiệm báo cáo với các đại biểu Quốc hội bằng văn bản về việc thực hiện những vấn đề đã hứa khi trả lời chất vấn tại kỳ họp tiếp theo.

Điều 12. Thành lập Uỷ ban lâm thời của Quốc hội

1. Khi xét thấy cần thiết, Uỷ ban thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội hoặc của đại biểu Quốc hội trình Quốc hội quyết định thành lập Uỷ ban lâm thời để điều tra về một vấn đề nhất định.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban lâm thời do Quốc hội quyết định.

2. Quốc hội xem xét báo cáo kết quả điều tra của Uỷ ban lâm thời theo trình tự sau đây:

a) Chủ nhiệm Uỷ ban lâm thời trình bày báo cáo kết quả điều tra;

b) Quốc hội thảo luận;

c) Quốc hội ra nghị quyết về vấn đề đã được điều tra.

Điều 13. Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm

1. Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo quy định sau đây:

a) Uỷ ban thường vụ Quốc hội tự mình hoặc khi có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm (20%) tổng số đại biểu Quốc hội hoặc kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;

b) Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước Quốc hội;

c) Quốc hội thảo luận và bỏ phiếu tín nhiệm.

2. Trong trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm không được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội tín nhiệm thì cơ quan hoặc người đã giới thiệu để bầu hoặc đề nghị phê chuẩn người đó có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức người đó.

Điều 14. Thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát

Căn cứ vào kết quả giám sát, Quốc hội có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội;

2. Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội;

3. Ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn khi xét thấy cần thiết;

4. Miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.

Luật về Hoạt động giám sát của Quốc hội 2003

  • Số hiệu: 05/2003/QH11
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 17/06/2003
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 95
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH