Hệ thống pháp luật

Chương 16 Luật tố tụng hành chính 2010

Chương XVI

THỦ TỤC THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN VỀ VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

Điều 241. Những bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính được thi hành

1. Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật.

2. Bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm.

3. Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Toà án.

4. Quyết định theo thủ tục đặc biệt của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao quy định tại Điều 240 của Luật này.

5. Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án mặc dù có khiếu nại, kiến nghị.

Điều 242. Giải thích bản án, quyết định của Toà án

1. Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Toà án và cơ quan thi hành án dân sự có quyền yêu cầu bằng văn bản với Toà án đã ra bản án, quyết định quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 241 của Luật này giải thích những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi hành.

2. Thẩm phán là Chủ toạ phiên toà, phiên họp có trách nhiệm giải thích bản án, quyết định của Toà án. Trong trường hợp họ không còn là Thẩm phán của Toà án thì Chánh án Toà án đó có trách nhiệm giải thích bản án, quyết định của Toà án.

3. Việc giải thích bản án, quyết định của Toà án phải căn cứ vào bản án, quyết định, biên bản phiên toà, phiên họp và biên bản nghị án.

4. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, Toà án phải có văn bản giải thích và gửi cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức đã được cấp, gửi bản án, quyết định trước đó theo quy định của Luật này.

Điều 243. Thi hành bản án, quyết định của Toà án

1. Việc thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính quy định tại Điều 241 của Luật này được thực hiện như sau:

a) Trường hợp bản án, quyết định của Toà án về việc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri thì các bên đương sự phải tiếp tục thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp bản án, quyết định của Toà án đã hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì quyết định hoặc phần quyết định bị hủy không còn hiệu lực. Các bên đương sự căn cứ vào quyền và nghĩa vụ đã được xác định trong bản án, quyết định của Toà án để thi hành;

c) Trường hợp bản án, quyết định của Toà án đã hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì quyết định kỷ luật buộc thôi việc bị hủy không còn hiệu lực. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Toà án, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc phải thực hiện bản án, quyết định của Toà án;

d) Trường hợp bản án, quyết định của Toà án đã tuyên bố hành vi hành chính đã thực hiện là trái pháp luật thì người phải thi hành án phải đình chỉ thực hiện hành vi hành chính đó, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Toà án;

đ) Trường hợp bản án, quyết định của Toà án tuyên bố hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ là trái pháp luật thì người phải thi hành án phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Toà án;

e) Trường hợp bản án, quyết định của Toà án buộc cơ quan lập danh sách cử tri sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri thì người phải thi hành án phải thực hiện ngay việc sửa đổi, bổ sung đó khi nhận được bản án, quyết định của Toà án;

g) Trường hợp Toà án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thi hành ngay khi nhận được quyết định;

h) Các quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Toà án được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

2. Người phải thi hành án phải thông báo bằng văn bản về kết quả thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Toà án đã xét xử sơ thẩm vụ án đó.

Điều 244. Yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Toà án

1. Trường hợp người phải thi hành án không thi hành án thì người được thi hành án có quyền yêu cầu người phải thi hành án thi hành ngay bản án, quyết định của Toà án quy định tại điểm e và điểm g khoản 1 Điều 243 của Luật này.

2. Trường hợp hết 30 ngày, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án hoặc hết thời hạn thi hành án theo bản án, quyết định của Toà án mà người phải thi hành án không thi hành án thì người được thi hành án có quyền yêu cầu bằng văn bản đối với người phải thi hành bản án, quyết định của Toà án theo quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều 243 của Luật này.

3. Trường hợp người phải thi hành án không thi hành bản án, quyết định của Toà án thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có yêu cầu bằng văn bản quy định tại khoản 2 Điều này, người được thi hành án có quyền gửi đơn đề nghị cơ quan thi hành án dân sự nơi Toà án đã xét xử sơ thẩm đôn đốc việc thi hành bản án, quyết định của Toà án. Khi nhận được đơn đề nghị đôn đốc của người được thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự đôn đốc người phải thi hành án thi hành án và thông báo bằng văn bản với cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án để chỉ đạo việc thi hành án và Viện kiểm sát cùng cấp để thực hiện việc kiểm sát thi hành án.

4. Khi nhận được đơn đề nghị đôn đốc của người được thi hành án quy định tại khoản 3 Điều này, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm mở sổ theo dõi, quản lý việc thi hành án của người được thi hành án. Người được thi hành án có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thi hành án dân sự bản sao bản án, quyết định của Toà án và các tài liệu khác có liên quan để chứng minh đã có đơn đề nghị hợp lệ nhưng người phải thi hành án cố tình không thi hành án.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị đôn đốc của người được thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải có văn bản đôn đốc người phải thi hành án thực hiện việc thi hành án theo đúng nội dung của bản án, quyết định của Toà án.

Điều 245. Trách nhiệm thực hiện yêu cầu thi hành án

1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự về việc đôn đốc thi hành bản án, quyết định của Toà án, người phải thi hành án có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự.

2. Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này nhưng người phải thi hành án không thi hành án, không thông báo kết quả thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án biết để xem xét, chỉ đạo việc thi hành án và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật, đồng thời gửi cho cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan quản lý thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp để theo dõi, giúp cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án chỉ đạo việc thi hành án.

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của cơ quan thi hành án quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án phải xem xét, chỉ đạo việc thi hành án theo quy định của pháp luật và thông báo cho cơ quan thi hành án biết.

Điều 246. Quản lý nhà nước về thi hành án hành chính

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước; phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính; định kỳ hàng năm báo cáo Quốc hội về công tác thi hành án hành chính.

2. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án hành chính và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án hành chính;

b) Bảo đảm biên chế, cơ sở vật chất, phương tiện cho công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính;

c) Hướng dẫn, chỉ đạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý thi hành án hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hành chính;

d) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý thi hành án hành chính;

đ) Báo cáo Chính phủ về công tác thi hành án hành chính;

e) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thống kê, theo dõi, tổng kết công tác thi hành án hành chính.

3. Cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính, thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này và theo quy định của Chính phủ.

Điều 247. Xử lý vi phạm trong thi hành án hành chính

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Toà án thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 248. Kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Toà án

Viện kiểm sát trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm sát việc tuân theo pháp luật của đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Toà án nhằm bảo đảm việc thi hành bản án, quyết định kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật.

Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với cá nhân, cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ thi hành án hành chính và cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức phải chấp hành bản án, quyết định của Toà án để có biện pháp tổ chức thi hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Toà án.

Luật tố tụng hành chính 2010

  • Số hiệu: 64/2010/QH12
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 24/11/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Phú Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 169 đến số 170
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH