Hệ thống pháp luật

Chương 3 Luật Kiểm toán nhà nước 2015

Chương III

KIỂM TOÁN VIÊN NHÀ NƯỚC VÀ CỘNG TÁC VIÊN KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Điều 20. Các ngạch Kiểm toán viên nhà nước

1. Kiểm toán viên nhà nước gồm các ngạch sau đây:

a) Kiểm toán viên;

b) Kiểm toán viên chính;

c) Kiểm toán viên cao cấp.

2. Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước.

Điều 21. Tiêu chuẩn chung của Kiểm toán viên nhà nước

Kiểm toán viên nhà nước phải bảo đảm các tiêu chuẩn của công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và các tiêu chuẩn sau đây:

1. Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan;

2. Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kiểm toán, kế toán, tài chính, ngân hàng, kinh tế, luật hoặc chuyên ngành khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động kiểm toán;

3. Đã có thời gian làm việc liên tục từ 05 năm trở lên theo chuyên ngành được đào tạo hoặc có thời gian làm nghiệp vụ kiểm toán ở Kiểm toán nhà nước từ 03 năm trở lên, không kể thời gian tập sự;

4. Có chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước.

Điều 22. Trách nhiệm của Kiểm toán viên nhà nước

1. Thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán được phân công; đưa ra ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán.

2. Tuân thủ pháp luật, nguyên tắc hoạt động, chuẩn mực, quy trình, nghiệp vụ kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và các quy định khác có liên quan của Tổng Kiểm toán nhà nước.

3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những bằng chứng, đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán.

4. Thu thập bằng chứng kiểm toán, ghi nhận và lưu giữ tài liệu làm việc của Kiểm toán viên nhà nước theo quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

5. Giữ bí mật thông tin, tài liệu thu thập được trong quá trình kiểm toán.

6. Xuất trình thẻ Kiểm toán viên nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

7. Thường xuyên học tập, rèn luyện để nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp; thực hiện chương trình cập nhật kiến thức hằng năm theo quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

8. Báo cáo kịp thời, đầy đủ với người ra quyết định thành lập Đoàn kiểm toán khi có trường hợp quy định tại Điều 28 của Luật này và các tình huống khác làm ảnh hưởng đến tính độc lập của Kiểm toán viên nhà nước.

Điều 23. Tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch Kiểm toán viên

1. Đáp ứng các tiêu chuẩn chung của Kiểm toán viên nhà nước quy định tại Điều 21 của Luật này.

2. Nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật về kiểm toán nhà nước; có kiến thức về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.

3. Nắm được quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực kiểm toán nhà nước.

4. Đã đỗ kỳ thi ngạch Kiểm toán viên.

Điều 24. Tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch Kiểm toán viên chính

1. Nắm vững và áp dụng thành thạo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước.

2. Có năng lực đề xuất, tham mưu xây dựng chiến lược phát triển ngành, kế hoạch kiểm toán dài hạn, trung hạn và khả năng về tổng kết, nghiên cứu lý luận chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán; có khả năng xây dựng chuẩn mực kiểm toán nhà nước và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chuẩn mực kiểm toán nhà nước.

3. Hiểu biết các thông lệ và chuẩn mực kiểm toán quốc tế.

4. Có thâm niên tối thiểu ở ngạch Kiểm toán viên là 05 năm hoặc ở ngạch tương đương là 08 năm.

5. Đã đỗ kỳ thi ngạch Kiểm toán viên chính.

Điều 25. Tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch Kiểm toán viên cao cấp

1. Nắm vững và có khả năng chỉ đạo áp dụng quy trình, chuẩn mực, phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ ở các lĩnh vực kiểm toán vào hoạt động kiểm toán.

2. Có năng lực chủ trì nghiên cứu đề tài khoa học cấp bộ, cấp nhà nước về lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

3. Có thâm niên tối thiểu ở ngạch Kiểm toán viên chính là 05 năm hoặc ở ngạch tương đương là 08 năm.

4. Đã đỗ kỳ thi ngạch Kiểm toán viên cao cấp.

Điều 26. Thẻ Kiểm toán viên nhà nước

1. Thẻ Kiểm toán viên nhà nước do Tổng Kiểm toán nhà nước cấp cho Kiểm toán viên nhà nước để sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

2. Tổng Kiểm toán nhà nước quy định mẫu và chế độ quản lý, sử dụng thẻ Kiểm toán viên nhà nước.

Điều 27. Miễn nhiệm Kiểm toán viên nhà nước

1. Kiểm toán viên nhà nước được miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Nghỉ hưu, thôi việc, chuyển ngành;

b) Vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà xét thấy không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.

2. Kiểm toán viên nhà nước bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

b) Vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật này;

c) Vi phạm phẩm chất đạo đức Kiểm toán viên nhà nước;

d) Không hoàn thành nhiệm vụ ở ngạch bổ nhiệm;

đ) Có bằng chứng phát hiện người đã được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm toán viên nhà nước có gian lận trong thi cử, hồ sơ bổ nhiệm vào ngạch.

Điều 28. Các trường hợp không được bố trí làm thành viên Đoàn kiểm toán

1. Mua cổ phần, góp vốn hoặc có quan hệ về lợi ích kinh tế với đơn vị được kiểm toán.

2. Đã từng giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán tại đơn vị được kiểm toán của các năm tài chính được kiểm toán.

3. Trong thời hạn ít nhất là 05 năm, kể từ khi thôi giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán tại đơn vị được kiểm toán.

4. Có quan hệ là bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột với người đứng đầu, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán của đơn vị được kiểm toán.

Điều 29. Cộng tác viên Kiểm toán nhà nước

1. Kiểm toán nhà nước được sử dụng cộng tác viên là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và ngoài nước dưới hình thức hợp đồng thực hiện nhiệm vụ. Kinh phí sử dụng cộng tác viên được bố trí trong kinh phí hoạt động hằng năm của Kiểm toán nhà nước.

2. Cộng tác viên Kiểm toán nhà nước có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng;

b) Chấp hành quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước;

c) Chịu trách nhiệm trước Kiểm toán nhà nước và trước pháp luật về kết quả thực hiện nhiệm vụ.

3. Tổng Kiểm toán nhà nước quy định cụ thể việc sử dụng cộng tác viên Kiểm toán nhà nước.

Luật Kiểm toán nhà nước 2015

  • Số hiệu: 81/2015/QH13
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 24/06/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 865 đến số 866
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH