Hệ thống pháp luật

Chương 1 Luật Kiểm toán nhà nước 2015

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Kiểm toán nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán viên nhà nước; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động kiểm toán nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Kiểm toán nhà nước.

2. Cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đối với hoạt động kiểm toán nhà nước.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là văn bản do Kiểm toán nhà nước lập và công bố sau mỗi cuộc kiểm toán để đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước do Tổng Kiểm toán nhà nước hoặc người được Tổng Kiểm toán nhà nước ủy quyền ký tên, đóng dấu.

2. Bằng chứng kiểm toán là tài liệu, thông tin do Kiểm toán viên nhà nước thu thập liên quan đến cuộc kiểm toán, làm cơ sở cho việc đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán.

3. Đơn vị được kiểm toán là cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

4. Hồ sơ kiểm toán của cuộc kiểm toán là các tài liệu do Kiểm toán nhà nước thu thập, phân loại, sử dụng, lập, lưu trữ và quản lý theo quy định.

5. Hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là việc đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính công, tài sản công hoặc báo cáo tài chính liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

6. Kiểm toán nhà nước chuyên ngành là đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước, thực hiện kiểm toán đối với đơn vị được kiểm toán ở trung ương và các nhiệm vụ theo sự phân công của Tổng Kiểm toán nhà nước.

7. Kiểm toán nhà nước khu vực là đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước, thực hiện kiểm toán đối với đơn vị được kiểm toán ở địa phương và các nhiệm vụ theo sự phân công của Tổng Kiểm toán nhà nước.

8. Kiểm toán viên nhà nước là công chức nhà nước được Tổng Kiểm toán nhà nước bổ nhiệm vào các ngạch kiểm toán viên nhà nước để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

9. Ngạch Kiểm toán viên nhà nước là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của Kiểm toán viên nhà nước, bao gồm các ngạch: Kiểm toán viên, Kiểm toán viên chính và Kiểm toán viên cao cấp.

10. Tài chính công bao gồm: ngân sách nhà nước; dự trữ quốc gia; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; tài chính của các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị cung cấp dịch vụ, hàng hóa công, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng kinh phí, ngân quỹ nhà nước; phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; các khoản nợ công.

11. Tài sản công bao gồm: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời; tài nguyên thiên nhiên khác; tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; tài sản công được giao cho các doanh nghiệp quản lý và sử dụng; tài sản dự trữ nhà nước; tài sản thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Điều 4. Đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước

Đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

Điều 5. Nguyên tắc hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước

1. Độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

2. Trung thực, khách quan, công khai, minh bạch.

Điều 6. Chuẩn mực kiểm toán nhà nước

1. Chuẩn mực kiểm toán nhà nước là những quy định và hướng dẫn về yêu cầu, nguyên tắc, thủ tục kiểm toán và xử lý các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động kiểm toán mà Kiểm toán viên nhà nước phải tuân thủ khi tiến hành hoạt động kiểm toán; là cơ sở để kiểm tra, đánh giá chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên nhà nước.

2. Tổng Kiểm toán nhà nước xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 7. Giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán

1. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

2. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là căn cứ để:

a) Quốc hội sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định và giám sát việc thực hiện: mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hằng năm của đất nước; chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước;

b) Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cơ quan khác của Nhà nước sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

c) Hội đồng nhân dân sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

d) Đơn vị được kiểm toán thực hiện quyền khiếu nại.

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước và cộng tác viên Kiểm toán nhà nước:

a) Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán;

b) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán;

c) Đưa, nhận, môi giới hối lộ;

d) Báo cáo sai lệch, không đầy đủ kết quả kiểm toán;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi;

e) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán;

g) Tiết lộ thông tin về tình hình và kết quả kiểm toán chưa được công bố chính thức.

2. Nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan:

a) Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước;

b) Cản trở công việc của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước;

c) Báo cáo sai lệch, không trung thực, không đầy đủ, kịp thời hoặc thiếu khách quan thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán của Kiểm toán nhà nước;

d) Mua chuộc, đưa hối lộ cho Kiểm toán viên nhà nước và cộng tác viên Kiểm toán nhà nước;

đ) Che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công.

3. Nghiêm cấm mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước, cộng tác viên Kiểm toán nhà nước.

Luật Kiểm toán nhà nước 2015

  • Số hiệu: 81/2015/QH13
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 24/06/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 865 đến số 866
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH