Hệ thống pháp luật

Chương 7 Luật Giao thông đường bộ 2001

Chương 7:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 68. Nội dung quản lý nhà nước về giao thông đường bộ

1. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phát triển giao thông đường bộ; xây dựng và chỉ đạo thực hiện chương trình quốc gia về an toàn giao thông và các biện pháp bảo đảm giao thông đường bộ thông suốt, an toàn.

2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về giao thông đường bộ.

3. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ.

4. Tổ chức, quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

5. Đăng ký, cấp, thu hồi biển số phương tiện giao thông đường bộ; cấp, thu hồi giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông đường bộ.

6. Quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe.

7. Tổ chức, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về giao thông đường bộ; đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật giao thông đường bộ.

8. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

9. Hợp tác quốc tế về giao thông đường bộ.

Điều 69. Trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông đường bộ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

2. Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

3. Bộ Công an thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp trong việc cung cấp số liệu đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, dữ liệu về tai nạn giao thông và cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe.

4. Bộ Quốc phòng thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

5. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

6. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường bộ và có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương.

Điều 70. Thanh tra giao thông đường bộ

1. Thanh tra giao thông đường bộ là thanh tra chuyên ngành.

2. Thanh tra giao thông đường bộ có các nhiệm vụ sau đây:

a) Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ và phương tiện tham gia giao thông tại các điểm giao thông tĩnh;

b) Thanh tra việc đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Việc thanh tra đào tạo, sát hạch lái xe của lực lượng quân đội, công an do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định;

c) Thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về hoạt động vận tải tại các điểm giao thông tĩnh.

3. Thanh tra giao thông đường bộ có các quyền hạn sau đây:

a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu và trả lời những vấn đề cần thiết cho việc thanh tra;

b) Lập biên bản và kiến nghị biện pháp giải quyết;

c) Xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

4. Đoàn thanh tra, thanh tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình.

5. Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của Thanh tra giao thông đường bộ.

Điều 71. Quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra

1. Đối tượng thanh tra có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu đoàn thanh tra xuất trình quyết định thanh tra, thanh tra viên xuất trình thẻ thanh tra viên và thực hiện đúng pháp luật về thanh tra;

b) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quyết định thanh tra, hành vi của thanh tra viên và kết luận thanh tra khi thấy có căn cứ cho là không đúng pháp luật;

c) Yêu cầu bồi thường thiệt hại do các biện pháp xử lý không đúng pháp luật của đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên gây ra.

2. Đối tượng thanh tra có nghĩa vụ thực hiện yêu cầu của đoàn thanh tra, thanh tra viên; tạo điều kiện để thanh tra thực hiện nhiệm vụ; chấp hành các quyết định xử lý của đoàn thanh tra, thanh tra viên theo quy định của pháp luật.

Điều 72. Tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ

Cảnh sát giao thông đường bộ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý các vi phạm luật giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình.

Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn về tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ.

Điều 73. Quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, khởi kiện về quyết định hoặc biện pháp xử lý của đoàn thanh tra, thanh tra viên, cảnh sát giao thông theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền những hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

3. Cơ quan nhận được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện có trách nhiệm xem xét và giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật.

Luật Giao thông đường bộ 2001

  • Số hiệu: 26/2001/QH10
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 29/06/2001
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 32
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH