Hệ thống pháp luật

Chương 7 Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2013

Chương VII

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC VỀ GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

Điều 32. Nội dung quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh

1. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh.

2. Tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh.

3. Quy định chương trình, nội dung; biên soạn, xuất bản, in, phát hành giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu; tiêu chuẩn giáo viên, giảng viên, tuyên truyền viên; tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học giáo dục quốc phòng và an ninh và cấp chứng nhận bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh.

4. Quản lý nguồn lực phát triển giáo dục quốc phòng và an ninh.

5. Tổ chức, chỉ đạo việc đào tạo, bồi dưỡng, quản lý giáo viên, giảng viên, tuyên truyền viên giáo dục quốc phòng và an ninh.

6. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực giáo dục quốc phòng và an ninh.

7. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục quốc phòng và an ninh.

8. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; sơ kết, tổng kết, khen thưởng, xử lý vi phạm việc chấp hành pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh.

Điều 33. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh theo thẩm quyền.

4. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh tại địa phương.

Điều 34. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng

1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan lập quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh trên phạm vi cả nước, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; quyết định thành lập trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc nhà trường quân đội.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương có liên quan:

a) Quy định chương trình khung giáo dục quốc phòng và an ninh cho người học trong trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; chương trình khung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư; chương trình, nội dung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng trong cơ quan, tổ chức của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập;

b) Quy định tiêu chuẩn tuyên truyền viên giáo dục quốc phòng và an ninh;

c) Biên soạn giáo trình, tài liệu phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh phù hợp với tình hình, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ.

4. Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức ở trung ương có liên quan thực hiện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng theo quy định của pháp luật; quy định nhiệm vụ, quyền hạn cho cơ quan, đơn vị thuộc quyền, ban chỉ huy quân sự bộ, ngành về giáo dục quốc phòng và an ninh.

5. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, giảng viên, tuyên truyền viên, cán bộ quản lý, cán bộ kiêm nhiệm giáo dục quốc phòng và an ninh; cử cán bộ biệt phái cho trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, cơ sở giáo dục đại học, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

6. Bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật, thiết bị dạy học quân dụng chuyên dùng phục vụ dạy và học môn giáo dục quốc phòng và an ninh cho cơ sở giáo dục trong phạm vi cả nước; bảo đảm phương tiện, vật chất về giáo dục quốc phòng và an ninh cho cơ quan, đơn vị, nhà trường quân đội được giao nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh.

7. Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, thực hiện khen thưởng; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh theo thẩm quyền.

8. Thực hiện hợp tác quốc tế về giáo dục quốc phòng và an ninh.

Điều 35. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an

1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh.

2. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức ở trung ương có liên quan thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định của Luật này; biên soạn giáo trình, tài liệu giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh.

3. Cử cán bộ biệt phái cho trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, cơ sở giáo dục đại học, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

4. Bảo đảm phương tiện, vật chất cho cơ quan, đơn vị, nhà trường công an được giao nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh.

Điều 36. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo

1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trung học cơ sở; quy định chương trình, nội dung, tổ chức thực hiện chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh cho người học từ trung học phổ thông đến đại học, trừ cơ sở dạy nghề.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức ở trung ương có liên quan thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh ở cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định định mức giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh.

5. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan quy định chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh.

6. Bảo đảm phương tiện, vật chất giáo dục quốc phòng và an ninh cho cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục thuộc quyền.

7. Quyết định thành lập trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc cơ sở giáo dục đại học.

Điều 37. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ

1. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn thực hiện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.

2. Bảo đảm phương tiện, vật chất giáo dục quốc phòng và an ninh cho cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục thuộc quyền.

Điều 38. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chương trình, nội dung; tổ chức thực hiện chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh cho người học trong cơ sở dạy nghề.

2. Bảo đảm phương tiện, vật chất giáo dục quốc phòng và an ninh cho cơ quan, đơn vị, cơ sở dạy nghề thuộc quyền.

Điều 39. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức ở trung ương có liên quan hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng chương trình, nội dung phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân.

Điều 40. Nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức ở trung ương

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức ở trung ương có liên quan thực hiện quản lý về giáo dục quốc phòng và an ninh; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản để thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định của pháp luật.

2. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh gắn với thực hiện nhiệm vụ của mình.

3. Bảo đảm phương tiện, vật chất giáo dục quốc phòng và an ninh cho cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục thuộc quyền.

4. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác về giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định của pháp luật.

Điều 41. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp

1. Quyết định ngân sách bảo đảm cho giáo dục quốc phòng và an ninh ở địa phương theo quy định của pháp luật.

2. Giám sát Uỷ ban nhân dân cùng cấp và cơ quan nhà nước ở địa phương trong việc thực hiện pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh.

Điều 42. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án về giáo dục quốc phòng và an ninh theo thẩm quyền.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh tại địa phương.

3. Bồi dưỡng, tập huấn, quản lý đội ngũ tuyên truyền viên, giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

4. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình về giáo dục quốc phòng và an ninh; tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh ở địa phương.

5. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; sơ kết, tổng kết, khen thưởng việc chấp hành pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh.

Điều 43. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên

1. Tổ chức phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho đoàn viên, hội viên của tổ chức mình.

2. Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thường xuyên học tập nâng cao kiến thức quốc phòng và an ninh; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.

3. Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh.

4. Vận động tổ chức, cá nhân tham gia, hỗ trợ hoạt động giáo dục quốc phòng và an ninh.

Điều 44. Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp

1. Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh được thành lập ở trung ương, quân khu, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

2. Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, có chức năng phối hợp liên ngành làm tham mưu, tư vấn cho Đảng, chính quyền các cấp về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh.

3. Cơ quan thường trực Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh ở trung ương là cơ quan Bộ Quốc phòng, ở quân khu là cơ quan quân khu, ở cấp tỉnh, cấp huyện là cơ quan quân sự cùng cấp, ở cấp xã là Ban chỉ huy quân sự cấp xã.

4. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh trung ương, Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh quân khu; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp. Ủy ban nhân dân các cấp quyết định thành lập Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh ở cấp mình.

Điều 45. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức

1. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra cơ quan, tổ chức thuộc quyền thực hiện quy định của pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh.

2. Thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của Ủy ban nhân dân các cấp nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở.

Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2013

  • Số hiệu: 30/2013/QH13
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 19/06/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 405 đến số 406
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH