Chương 1 Luật Du lịch 2017
Luật này quy định về tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến du lịch; quản lý nhà nước về du lịch.
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cơ quan khác, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến du lịch.
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác.
2. Khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc để nhận thu nhập ở nơi đến.
3. Hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến du lịch.
4. Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa.
5. Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch.
6. Khu du lịch là khu vực có ưu thế về tài nguyên du lịch, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Khu du lịch bao gồm khu du lịch cấp tỉnh và khu du lịch quốc gia.
7. Điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch được đầu tư, khai thác phục vụ khách du lịch.
8. Chương trình du lịch là văn bản thể hiện lịch trình, dịch vụ và giá bán được định trước cho chuyến đi của khách du lịch từ điểm xuất phát đến điểm kết thúc chuyến đi.
9. Kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch.
10. Hướng dẫn du lịch là hoạt động cung cấp thông tin, kết nối dịch vụ, dẫn khách du lịch, hỗ trợ khách du lịch sử dụng các dịch vụ theo chương trình du lịch.
11. Hướng dẫn viên du lịch là người được cấp thẻ để hành nghề hướng dẫn du lịch.
12. Cơ sở lưu trú du lịch là nơi cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch.
13. Xúc tiến du lịch là hoạt động nghiên cứu thị trường, tổ chức tuyên truyền, quảng bá, vận động nhằm tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội phát triển và thu hút khách du lịch.
14. Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.
15. Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi.
16. Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường.
17. Du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại.
18. Môi trường du lịch là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội nơi diễn ra các hoạt động du lịch.
Điều 4. Nguyên tắc phát triển du lịch
1. Phát triển du lịch bền vững, theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm.
2. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng.
3. Bảo đảm chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
4. Bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch.
5. Phát triển đồng thời du lịch nội địa và du lịch quốc tế; tôn trọng và đối xử bình đẳng đối với khách du lịch.
Điều 5. Chính sách phát triển du lịch
1. Nhà nước có chính sách huy động mọi nguồn lực cho phát triển du lịch để bảo đảm du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất khi Nhà nước ban hành, áp dụng các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.
3. Nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí cho các hoạt động sau đây:
a) Điều tra, đánh giá, bảo vệ, tôn tạo, phát triển giá trị tài nguyên du lịch;
b) Lập quy hoạch về du lịch;
c) Xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, địa phương;
d) Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch.
4. Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các hoạt động sau đây:
a) Đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch chất lượng cao;
b) Nghiên cứu, định hướng phát triển sản phẩm du lịch;
c) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch;
d) Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới có tác động tích cực tới môi trường, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa và sản phẩm du lịch đặc thù khác;
đ) Ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại phục vụ quản lý và phát triển du lịch;
e) Phát triển du lịch tại nơi có tiềm năng du lịch; sử dụng nhân lực du lịch tại địa phương;
g) Đầu tư hình thành khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô lớn; hệ thống cửa hàng miễn thuế, trung tâm mua sắm phục vụ khách du lịch.
5. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, cư trú, thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, hải quan, hoàn thuế giá trị gia tăng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp khác cho khách du lịch.
Điều 6. Sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch
1. Cộng đồng dân cư có quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.
2. Cộng đồng dân cư được tạo điều kiện để đầu tư phát triển du lịch, khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, ngành, nghề thủ công truyền thống, sản xuất hàng hóa của địa phương phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.
Điều 7. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp về du lịch
1. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp về du lịch được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội.
2. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp về du lịch có trách nhiệm sau đây:
a) Tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên;
b) Tham gia xây dựng, phổ biến, giáo dục, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật, chính sách về du lịch;
c) Tham gia xúc tiến du lịch, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch; đánh giá, tư vấn, thẩm định tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng dịch vụ cho doanh nghiệp và lao động trong ngành du lịch; xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh cho các hội viên; huy động các nguồn lực xã hội để triển khai hoạt động du lịch theo quy định của pháp luật;
d) Tổ chức triển khai việc thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp, vận động hội viên kinh doanh du lịch bảo đảm chất lượng dịch vụ;
đ) Phát hiện và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về du lịch, bảo vệ môi trường.
Điều 8. Bảo vệ môi trường du lịch
1. Môi trường du lịch phải được bảo vệ, tôn tạo và phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, lành mạnh và văn minh.
2. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ban hành quy định nhằm bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch.
3. Chính quyền địa phương các cấp có biện pháp bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch phù hợp với thực tế của địa phương.
4. Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch có trách nhiệm thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh trong hoạt động kinh doanh; khắc phục tác động tiêu cực do hoạt động của mình gây ra đối với môi trường; có biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội trong hoạt động kinh doanh của mình.
5. Khách du lịch, cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, môi trường, bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc; có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự nhằm nâng cao hình ảnh đất nước, con người và du lịch Việt Nam.
Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch
1. Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
2. Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật.
3. Xâm hại tài nguyên du lịch, môi trường du lịch.
4. Phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch; tranh giành khách du lịch, nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ.
5. Kinh doanh du lịch khi không đủ điều kiện kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh hoặc không duy trì điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
6. Sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành khác hoặc cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh.
7. Hành nghề hướng dẫn du lịch khi không đủ điều kiện hành nghề.
8. Quảng cáo không đúng loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; quảng cáo về loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
9. Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật khác có liên quan.
Luật Du lịch 2017
- Số hiệu: 09/2017/QH14
- Loại văn bản: Luật
- Ngày ban hành: 19/06/2017
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 515 đến số 516
- Ngày hiệu lực: 01/01/2018
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Nguyên tắc phát triển du lịch
- Điều 5. Chính sách phát triển du lịch
- Điều 6. Sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch
- Điều 7. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp về du lịch
- Điều 8. Bảo vệ môi trường du lịch
- Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch
- Điều 10. Các loại khách du lịch
- Điều 11. Quyền của khách du lịch
- Điều 12. Nghĩa vụ của khách du lịch
- Điều 13. Bảo đảm an toàn cho khách du lịch
- Điều 14. Giải quyết kiến nghị của khách du lịch
- Điều 15. Các loại tài nguyên du lịch
- Điều 16. Điều tra tài nguyên du lịch
- Điều 17. Trách nhiệm quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch
- Điều 20. Nguyên tắc lập quy hoạch về du lịch
- Điều 21. Nội dung quy hoạch về du lịch
- Điều 22. Lập, quản lý và thực hiện quy hoạch về du lịch
- Điều 23. Điều kiện công nhận điểm du lịch
- Điều 24. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận điểm du lịch
- Điều 25. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch
- Điều 26. Điều kiện công nhận khu du lịch
- Điều 27. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận khu du lịch cấp tỉnh
- Điều 28. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận khu du lịch quốc gia
- Điều 29. Quản lý khu du lịch
- Điều 30. Phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành
- Điều 31. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành
- Điều 32. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
- Điều 33. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
- Điều 34. Cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành
- Điều 35. Cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành
- Điều 36. Thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành
- Điều 37. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành
- Điều 38. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ lữ hành
- Điều 39. Hợp đồng lữ hành
- Điều 40. Kinh doanh đại lý lữ hành
- Điều 41. Hợp đồng đại lý lữ hành
- Điều 42. Trách nhiệm của bên giao đại lý lữ hành
- Điều 43. Trách nhiệm của đại lý lữ hành
- Điều 44. Văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài
- Điều 45. Kinh doanh vận tải khách du lịch
- Điều 46. Cấp biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch
- Điều 47. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải khách du lịch
- Điều 48. Các loại cơ sở lưu trú du lịch
- Điều 49. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch
- Điều 50. Xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch
- Điều 51. Công bố, kiểm tra chất lượng cơ sở lưu trú du lịch
- Điều 52. Thu hồi quyết định công nhận hạng, thay đổi hạng cơ sở lưu trú du lịch
- Điều 53. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch
- Điều 54. Các loại dịch vụ du lịch khác
- Điều 55. Phát triển các loại dịch vụ du lịch khác
- Điều 56. Công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch
- Điều 57. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch
- Điều 58. Hướng dẫn viên du lịch, thẻ hướng dẫn viên du lịch
- Điều 59. Điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch
- Điều 60. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa
- Điều 61. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm
- Điều 62. Cấp đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch
- Điều 63. Cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch
- Điều 64. Thu hồi thẻ hướng dẫn viên du lịch
- Điều 65. Quyền và nghĩa vụ của hướng dẫn viên du lịch
- Điều 66. Trách nhiệm quản lý hướng dẫn viên du lịch
- Điều 67. Nội dung xúc tiến du lịch
- Điều 68. Hoạt động xúc tiến du lịch
- Điều 69. Thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan du lịch nước ngoài, tổ chức du lịch quốc tế và khu vực
- Điều 70. Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch
- Điều 71. Mục đích của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch
- Điều 72. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch