Hệ thống pháp luật

Chương 5 Luật Cán bộ, công chức năm 2025

Chương V

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ KỶ LUẬT

Điều 33. Khen thưởng cán bộ, công chức

1. Cán bộ, công chức có thành tích trong công vụ thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

2. Cán bộ, công chức được khen thưởng do có thành tích xuất sắc hoặc công trạng thì được nâng lương trước thời hạn, được hưởng tiền thưởng từ quỹ tiền thưởng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, được ưu tiên khi xem xét bổ nhiệm chức vụ cao hơn nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu theo quy định của cấp có thẩm quyền và của Chính phủ.

Điều 34. Loại trừ, miễn, giảm trách nhiệm đối với cán bộ, công chức

1. Cán bộ, công chức được xem xét loại trừ, miễn, giảm trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Phải chấp hành quyết định trái pháp luật của cấp trên nhưng đã báo cáo theo quy định tại khoản 5 Điều 7 của Luật này;

b) Đã thực hiện theo đúng quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, không vụ lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng vẫn gây ra thiệt hại vì lý do khách quan;

c) Thực hiện đề xuất về đổi mới, sáng tạo được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cho phép và được cấp có thẩm quyền xác định đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung;

d) Do bất khả kháng theo quy định của pháp luật;

đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và của cấp có thẩm quyền.

2. Việc loại trừ, miễn, giảm trách nhiệm đối với cán bộ, công chức được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và của cấp có thẩm quyền.

Điều 35. Hình thức kỷ luật đối với cán bộ

1. Cán bộ vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Cách chức, áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn, bổ nhiệm hoặc chỉ định giữ chức vụ, chức danh;

d) Bãi nhiệm.

2. Cán bộ bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị bãi nhiệm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; cán bộ bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, chỉ định, bổ nhiệm.

3. Việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Điều 36. Hình thức kỷ luật đối với công chức

1. Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Cách chức, áp dụng đối với công chức lãnh đạo, quản lý;

d) Buộc thôi việc.

2. Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và các nội dung khác có liên quan đến xử lý kỷ luật.

Điều 37. Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật

1. Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm.

Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định như sau:

a) 05 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách;

b) 10 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

2. Các hành vi vi phạm không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:

a) Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;

b) Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;

c) Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;

d) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

3. Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.

4. Trường hợp cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm kỷ luật thì bị xem xét xử lý kỷ luật. Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự không tính vào thời hiệu xử lý kỷ luật.

Điều 38. Các quy định khác liên quan đến việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức

1. Căn cứ vào mức độ vi phạm và hình thức xử lý kỷ luật, cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật còn bị áp dụng quy định tương ứng về việc bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn, quy định về chế độ tuyển dụng, thôi việc, tiền lương, tiền thưởng và các quy định khác có liên quan.

2. Cán bộ, công chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật và quy định của cấp có thẩm quyền.

3. Cán bộ, công chức bị kỷ luật cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý.

4. Trường hợp bị xử lý kỷ luật về hành vi không liên quan đến hoạt động công vụ thì không tính là căn cứ để xếp loại chất lượng trong năm đánh giá.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 39. Tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức trong trường hợp phát hiện cán bộ, công chức có dấu hiệu vi phạm trong thi hành nhiệm vụ hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Luật Cán bộ, công chức năm 2025

  • Số hiệu: 80/2025/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 24/06/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH