Hệ thống pháp luật

Chương 1 Luật bưu chính 2010

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hoạt động bưu chính; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động bưu chính và quản lý nhà nước về hoạt động bưu chính.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện, tham gia thực hiện hoạt động bưu chính tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hoạt động bưu chính gồm các hoạt động đầu tư, kinh doanh, cung ứng, sử dụng dịch vụ bưu chính, dịch vụ bưu chính công ích, tem bưu chính.

2. Bưu gửi bao gồm thư, gói, kiện hàng hoá được chấp nhận, vận chuyển và phát hợp pháp qua mạng bưu chính.

3. Dịch vụ bưu chính là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi bằng các phương thức từ địa điểm của người gửi đến địa điểm của người nhận qua mạng bưu chính, trừ phương thức điện tử.

4. Dịch vụ bưu chính công ích là dịch vụ bưu chính được cung ứng theo yêu cầu của Nhà nước, gồm dịch vụ bưu chính phổ cập, dịch vụ bưu chính phục vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ đặc thù khác.

5. Dịch vụ bưu chính phổ cập là dịch vụ bưu chính được cung ứng thường xuyên đến người dân theo các điều kiện về khối lượng, chất lượng và giá cước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

6. Thư là thông tin trao đổi dưới dạng văn bản viết tay hoặc bản in, có địa chỉ nhận hoặc không có địa chỉ nhận, trừ ấn phẩm định kỳ, sách, báo, tạp chí.

7. Thư không có địa chỉ nhận là thư không có thông tin liên quan đến người nhận trên thư, trên bao bì của thư, bao gồm cả thư để quảng cáo, tuyên truyền.

8. Dịch vụ thư cơ bản là dịch vụ thư không có các yếu tố làm tăng thêm giá trị của dịch vụ.

9. Mạng bưu chính là hệ thống cơ sở khai thác bưu gửi, điểm phục vụ bưu chính được kết nối bằng các tuyến vận chuyển và tuyến phát để cung ứng dịch vụ bưu chính.

10. Mạng bưu chính công cộng là mạng bưu chính do Nhà nước đầu tư và giao cho doanh nghiệp được chỉ định quản lý, khai thác.

11. Điểm phục vụ bưu chính là nơi chấp nhận, phát bưu gửi, gồm bưu cục, kiốt, đại lý, thùng thư công cộng và hình thức khác để chấp nhận, phát bưu gửi.

12. Thùng thư công cộng là điểm phục vụ bưu chính thuộc mạng bưu chính công cộng được dùng để chấp nhận thư cơ bản.

13. Hộp thư tập trung là tập hợp các hộp thư gia đình được lắp đặt tại vị trí thuận lợi cho việc phát và nhận bưu gửi của chung cư cao tầng, toà nhà văn phòng có nhiều địa chỉ nhận thư độc lập.

14. Thời gian toàn trình của bưu gửi là khoảng thời gian tính từ khi bưu gửi được chấp nhận cho đến khi được phát cho người nhận.

15. Thông tin về sử dụng dịch vụ bưu chính gồm nội dung bưu gửi, thông tin về họ tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của người gửi, người nhận và các thông tin có liên quan.

16. Người sử dụng dịch vụ bưu chính là tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ bưu chính, bao gồm người gửi và người nhận.

17. Người gửi là tổ chức, cá nhân có tên tại phần ghi thông tin về người gửi trên bưu gửi, trên hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.

18. Người nhận là tổ chức, cá nhân có tên tại phần ghi thông tin về người nhận trên bưu gửi, trên hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.

19. Doanh nghiệp được chỉ định là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính được Nhà nước chỉ định để thực hiện nghĩa vụ bưu chính công ích và tham gia hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, các dịch vụ khác trong khuôn khổ điều ước quốc tế của Liên minh Bưu chính Thế giới, điều ước quốc tế khác trong lĩnh vực bưu chính mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

20. Tem Bưu chính Việt Nam là ấn phẩm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính của Việt Nam quyết định phát hành để thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính trên mạng bưu chính công cộng và được công nhận trong mạng lưới của Liên minh Bưu chính Thế giới.

21. Tem bưu chính nước ngoài là ấn phẩm do các nước thành viên của Liên minh Bưu chính Thế giới phát hành để thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính và được công nhận trong mạng lưới của Liên minh Bưu chính Thế giới.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động bưu chính

1. Bảo đảm an ninh, an toàn, kịp thời, chính xác, tiện lợi trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.

2. Bảo đảm bí mật thư theo quy định của pháp luật.

3. Kinh doanh dịch vụ bưu chính theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

4. Bảo đảm cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thường xuyên, ổn định cho xã hội.

5. Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bưu chính.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về bưu chính

1. Xây dựng và phát triển ngành bưu chính hiện đại nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đời sống của nhân dân.

2. Xây dựng và hoàn thiện môi trường cạnh tranh theo quy định của pháp luật để các thành phần kinh tế tham gia hoạt động bưu chính.

3. Khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển bưu chính.

4. Tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế và thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bưu chính.

5. Áp dụng cơ chế ưu đãi đối với việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Điều 6. Các trường hợp bưu gửi được ưu tiên chấp nhận, vận chuyển và phát trong trường hợp khẩn cấp

1. Phòng, chống hoả hoạn, thiên tai và thảm hoạ khác.

2. Phòng, chống dịch bệnh.

3. Cứu nạn, cứu hộ.

4. Phục vụ quốc phòng, an ninh.

Điều 7. Các hành vi bị cấm

1. Gửi, chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi có nội dung kích động, gây mất an ninh, phá hoại đoàn kết dân tộc, chống phá Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Gửi, chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi chứa vũ khí, vật, chất gây nổ, chất độc, chất phóng xạ, ma túy, vi trùng dịch bệnh nhằm khủng bố, xâm hại tính mạng, tài sản công dân, gây mất trật tự, an toàn xã hội.

3. Gửi, chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi chứa văn hóa phẩm trái đạo đức xã hội, trái thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

4. Mạo danh người khác khi sử dụng dịch vụ bưu chính.

5. Chiếm đoạt, trộm cắp bưu gửi; tráo đổi nội dung bưu gửi.

6. Tiết lộ thông tin về sử dụng dịch vụ bưu chính, bóc mở, huỷ bưu gửi trái pháp luật.

7. Xâm hại công trình bưu chính công cộng; cản trở hoạt động bưu chính hợp pháp.

8. Thực hiện hành vi cạnh tranh trái pháp luật trong hoạt động bưu chính.

9. Sản xuất, kinh doanh, sử dụng tem Bưu chính Việt Nam và tem bưu chính nước ngoài trái pháp luật.

10. Hoạt động bưu chính trái pháp luật.

Luật bưu chính 2010

  • Số hiệu: 49/2010/QH12
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 17/06/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Phú Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 562 đến số 563
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH