Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 2 Luật an toàn thông tin mạng 2015

Mục 1. BẢO VỆ THÔNG TIN MẠNG

Điều 9. Phân loại thông tin

1. Cơ quan, tổ chức sở hữu thông tin phân loại thông tin theo thuộc tính bí mật để có biện pháp bảo vệ phù hợp.

2. Thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước được phân loại và bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Cơ quan, tổ chức sử dụng thông tin đã phân loại và chưa phân loại trong hoạt động thuộc lĩnh vực của mình phải có trách nhiệm xây dựng quy định, thủ tục để xử lý thông tin; xác định nội dung và phương pháp ghi truy nhập được phép vào thông tin đã được phân loại.

Điều 10. Quản lý gửi thông tin

1. Việc gửi thông tin trên mạng phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Không giả mạo nguồn gốc gửi thông tin;

b) Tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Tổ chức, cá nhân không được gửi thông tin mang tính thương mại vào địa chỉ điện tử của người tiếp nhận khi chưa được người tiếp nhận đồng ý hoặc khi người tiếp nhận đã từ chối, trừ trường hợp người tiếp nhận có nghĩa vụ phải tiếp nhận thông tin theo quy định của pháp luật.

3. Doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin gửi thông tin có trách nhiệm sau đây:

a) Tuân thủ quy định của pháp luật về lưu trữ thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng của tổ chức, cá nhân;

b) Áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý khi nhận được thông báo của tổ chức, cá nhân về việc gửi thông tin vi phạm quy định của pháp luật;

c) Có phương thức để người tiếp nhận thông tin có khả năng từ chối việc tiếp nhận thông tin;

d) Cung cấp điều kiện kỹ thuật và nghiệp vụ cần thiết để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo đảm an toàn thông tin mạng khi có yêu cầu.

Điều 11. Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý phần mềm độc hại

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện phòng ngừa, ngăn chặn phần mềm độc hại theo hướng dẫn, yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Chủ quản hệ thống thông tin quan trọng quốc gia triển khai hệ thống kỹ thuật nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời phần mềm độc hại.

3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thư điện tử, truyền đưa, lưu trữ thông tin phải có hệ thống lọc phần mềm độc hại trong quá trình gửi, nhận, lưu trữ thông tin trên hệ thống của mình và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

4. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có biện pháp quản lý, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn phát tán phần mềm độc hại và xử lý theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và bộ, ngành có liên quan tổ chức phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý phần mềm độc hại gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

Điều 12. Bảo đảm an toàn tài nguyên viễn thông

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng tài nguyên viễn thông có trách nhiệm sau đây:

a) Áp dụng biện pháp quản lý và kỹ thuật để ngăn chặn mất an toàn thông tin mạng xuất phát từ tần số, kho số, tên miền và địa chỉ Internet của mình;

b) Phối hợp, cung cấp thông tin liên quan đến an toàn tài nguyên viễn thông theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên Internet có trách nhiệm quản lý, phối hợp ngăn chặn mất an toàn thông tin mạng xuất phát từ tài nguyên Internet, từ khách hàng của mình; cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phối hợp kết nối, định tuyến để bảo đảm hệ thống máy chủ tên miền quốc gia Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm thực hiện bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống máy chủ tên miền quốc gia Việt Nam.

Điều 13. Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng

1. Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng là hoạt động nhằm xử lý, khắc phục sự cố gây mất an toàn thông tin mạng.

2. Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

a) Kịp thời, nhanh chóng, chính xác, đồng bộ và hiệu quả;

b) Tuân thủ quy định của pháp luật về điều phối ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng;

c) Có sự phối hợp giữa cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp viễn thông, chủ quản hệ thống thông tin quan trọng quốc gia phải thành lập hoặc chỉ định bộ phận chuyên trách ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm điều phối ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên toàn quốc; quy định chi tiết về điều phối ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng.

Điều 14. Ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia

1. Ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia là hoạt động ứng cứu sự cố trong tình huống thảm họa hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia.

2. Ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

a) Tổ chức thực hiện theo phân cấp;

b) Thực hiện tại chỗ, nhanh chóng, nghiêm ngặt, phối hợp chặt chẽ;

c) Áp dụng các biện pháp kỹ thuật, bảo đảm hiệu quả, khả thi.

3. Hệ thống phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia gồm:

a) Phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia;

b) Phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;

c) Phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng của địa phương;

d) Phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng của doanh nghiệp viễn thông.

4. Trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định hệ thống phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia;

b) Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì điều phối công tác ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia;

c) Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp, chỉ đạo ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia;

d) Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm thực hiện biện pháp ứng cứu khẩn cấp, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp có liên quan để bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia.

Điều 15. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thông tin mạng

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động an toàn thông tin mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân khác trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ trên mạng có trách nhiệm thông báo kịp thời cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoặc bộ phận chuyên trách ứng cứu sự cố khi phát hiện các hành vi phá hoại hoặc sự cố an toàn thông tin mạng.

Luật an toàn thông tin mạng 2015

  • Số hiệu: 86/2015/QH13
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 19/11/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1239 đến số 1240
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH