Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 95/KH-UBND

Thái Bình, ngày 31 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

BIÊN SOẠN, THẨM ĐỊNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NỘI DUNG GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội: số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 về việc điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Căn cứ Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Căn cứ Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐT ngày 06/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông;

Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;

Căn cứ Thông tư số 51/2019/TT-BTC ngày 15/8/2019 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xây dựng dự toán, thanh quyết toán kinh phí biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục của địa phương thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Căn cứ các Công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo: số 344/BGDĐT-GDTrH ngày 24/01/2019 về việc hướng dẫn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông; số 1106/BGDĐT-GDTrH ngày 20/3/2019 về việc biên soạn và tổ chức thực hiện nội dung Giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông; số 3536/BGDĐT-GDTH ngày 19/8/2019 về việc biên soạn, thẩm định nội dung Giáo dục địa phương cấp tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và tổ chức thực hiện từ năm học 2020-2021;

Căn cứ Quyết định số 3611/QĐ-UBND ngày 02/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tỉnh Thái Bình;

Thực hiện Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 27/11/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh Thái Bình;

Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Kế hoạch biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện nội dung Giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông, gồm các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Biên soạn tài liệu giáo dục địa phương để thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông theo Thông tư số 32/2018/TT- BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông.

b) Góp phần giáo dục kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp của địa phương nhằm hình thành và phát triển ở học sinh các phẩm chất, năng lực chung và năng lực đặc thù được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

c) Tăng cường tính thực tiễn, trải nghiệm của học sinh, gắn giáo dục nhà trường với cộng đồng, gắn những kiến thức đã học trong nhà trường với những vấn đề đặt ra cho địa phương, cộng đồng nơi học sinh sinh sống. Từ đó, bồi dưỡng cho học sinh tỉnh yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư các dân tộc tại địa phương; có trách nhiệm hơn với việc tìm hiểu, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của quê hương, đất nước.

2. Yêu cầu

a) Tài liệu giáo dục địa phương phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật.

b) Tài liệu giáo dục địa phương phải cụ thể hóa được mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông, góp phần giáo dục các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh.

c) Tài liệu giáo dục địa phương phải bảo đảm yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng trong từng cấp học và từng lớp học; đảm bảo thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ, định hướng nghề nghiệp của học sinh, làm cơ sở đánh giá kết quả giáo dục học sinh.

d) Tài liệu giáo dục địa phương phải vận dụng được các phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Sử dụng kết quả kiểm tra để đánh giá học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

đ) Các thuật ngữ chính được giải thích rõ ràng; thể thức, kỹ thuật trình bày bảo đảm quy định hiện hành.

e) Tài liệu giáo dục địa phương được sử dụng thống nhất trong toàn tỉnh và tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ sở giáo dục.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nội dung, tài liệu, thời lượng giáo dục địa phương

a) Nội dung

- Các vấn đề văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương:

+ Về văn hóa: Di sản văn hóa vật thể (di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu); di sản văn hóa phi vật thể (lễ hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật truyền thống, phong tục tập quán, nếp sống văn hóa...); danh nhân văn hóa; thiết chế văn hóa (Bảo tàng tỉnh và các nhà trưng bày truyền thống, nhà lưu niệm danh nhân); xây dựng nếp sống văn minh, tôn trọng kỷ cương, pháp luật.

+ Về lịch sử, truyền thống: Lịch sử hình thành và phát triển của địa phương; truyền thống yêu nước, cách mạng, truyền thống hiếu học, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động...

- Các vấn đề về địa lý, kinh tế, hướng nghiệp của địa phương:

+ Về địa lý địa phương: Địa lý tự nhiên; địa lý dân cư; địa lý kinh tế xã hội; chủ quyền biển đảo; địa lý du lịch.

+ Về kinh tế, hướng nghiệp: Thị trường lao động; các ngành nghề, làng nghề truyền thống; các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương; tiềm năng phát triển kinh tế địa phương và định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

- Các vấn đề về chính trị - xã hội, môi trường của địa phương:

+ Về chính trị - xã hội: Chính sách an sinh xã hội; các vấn đề giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, pháp luật.

+ Về môi trường: Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu.

b) Tài liệu

Bộ tài liệu giáo dục địa phương được biên soạn theo lớp (từ lớp 1 đến lớp 12), mỗi lớp có 02 cuốn, gồm 01 cuốn dành cho học sinh học tập và 01 cuốn hướng dẫn giáo viên giảng dạy.

c) Thời lượng

- Đối với cấp tiểu học: Nội dung giáo dục địa phương được tích hợp trong Hoạt động trải nghiệm và trong dạy học các môn học (Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Toán, Lịch sử và Địa lý...) có thời lượng mỗi lớp tương đương với 35 tiết/năm.

- Đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông: Nội dung giáo dục địa phương có vị trí tương đương các môn học khác, thời lượng dành cho nội dung giáo dục địa phương ở mỗi lớp là 35 tiết/năm.

2. Tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt

a) Để bảo đảm tiến độ và chất lượng của tài liệu giáo dục địa phương, cần lựa chọn, phối hợp với nhà xuất bản có uy tín, năng lực để biên soạn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương.

b) Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Biên soạn, Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục địa phương theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn thành viên và tổ chức hoạt động của các Ban Biên soạn và Hội đồng thẩm định vận dụng theo Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐT ngày 06/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông.

c) Tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Quy trình xây dựng, chỉnh sửa, thẩm định vận dụng theo Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐT ngày 06/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

d) Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, tổ chức biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa tài liệu về giáo dục của địa phương cấp tiểu học, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về tài liệu đã được phê duyệt.

đ) Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì thực hiện biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Hồ sơ gồm có:

- Công văn của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tài liệu nội dung giáo dục địa phương;

- Quyết định thành lập Ban Biên soạn, Hội đồng Thẩm định tài liệu giáo dục địa phương của Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Tài liệu giáo dục địa phương đã được thẩm định; Biên bản Hội đồng Thẩm định từng tài liệu.

3. Triển khai thực hiện tài liệu

a) Xuất bản và phát hành tài liệu

Phối hợp với nhà xuất bản được lựa chọn thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật hiện hành để tiến hành xuất bản, phát hành tài liệu.

b) Tổ chức tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên về nội dung, hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực trong thực hiện nội dung giáo dục địa phương; xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường phát huy tích chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua thiết kế tiến trình dạy học để thực hiện cả trong và ngoài lớp học.

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện nội dung giáo dục địa phương làm căn cứ để tổ chức điều chỉnh, cập nhật tài liệu nếu thấy cần thiết.

4. Lộ trình thực hiện

a) Năm học 2019-2020

- Tháng 6/2020: Hoàn thành hợp đồng với nhà xuất bản được lựa chọn, thành lập Ban Biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; xây dựng Chương trình giáo dục địa phương ở các lớp và tổ chức biên soạn tài liệu cho lớp 1.

- Tháng 8/2020: Hoàn thành thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về tài liệu lớp 1 đã được phê duyệt.

- Tháng 9/2020: Hoàn thành việc tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về nội dung, chương trình giáo dục địa phương và thực hiện tài liệu giáo dục địa phương lớp 1.

b) Năm học 2020-2021

- Thực hiện dạy học nội dung giáo dục địa phương ở lớp 1.

- Tháng 4, 5/2021: Hoàn thành thẩm định tài liệu lớp 2, lớp 6; trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo tài liệu lớp 2 đã được phê duyệt; trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tài liệu lớp 6.

- Tháng 7, 8/2021: Hoàn thành việc tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về nội dung, chương trình giáo dục địa phương và thực hiện tài liệu giáo dục địa phương lớp 2, lớp 6.

c) Năm học 2021-2022

- Thực hiện dạy học nội dung giáo dục địa phương ở lớp 2, lớp 6.

- Tháng 11, 12/2021: Hoàn thành thẩm định tài liệu; trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo tài liệu lớp 3 đã được phê duyệt; trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tài liệu lớp 7 và lớp 10.

- Tháng 7, 8/2022: Hoàn thành việc tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về nội dung, chương trình giáo dục địa phương và thực hiện tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

d) Năm học 2022-2023

- Thực hiện dạy học nội dung giáo dục địa phương ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

- Tháng 4, 5/2022: Hoàn thành thẩm định tài liệu; trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo tài liệu lớp 4 đã được phê duyệt; trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tài liệu lớp 8 và lớp 11.

- Tháng 7, 8/2023: Hoàn thành việc tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về nội dung, chương trình giáo dục địa phương và thực hiện tài liệu giáo dục địa phương lớp 4, lớp 8 và lớp 11.

đ) Năm học 2023-2024

- Thực hiện dạy học nội dung giáo dục địa phương ở lớp 4, lớp 8 và lớp 11.

- Tháng 11, 12/2023: Hoàn thành thẩm định tài liệu; trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo tài liệu lớp 5 đã được phê duyệt; trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tài liệu lớp 9 và lớp 12.

- Tháng 7, 8/2024: Hoàn thành việc tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về nội dung, chương trình giáo dục địa phương và thực hiện tài liệu giáo dục địa phương lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

e) Năm học 2024-2025

- Thực hiện dạy học nội dung giáo dục địa phương ở lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí biên soạn thẩm định chương trình, tài liệu: Được bố trí từ dự toán chi ngân sách nhà nước được giao theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn tài chính, huy động hợp pháp khác.

Nguồn kinh phí đảm bảo cho hoạt động xuất bản tài liệu, kinh phí tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện nội dung giáo dục địa phương được bố trí từ ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành; kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào khối lượng công việc cần thực hiện để bổ sung dự kiến tổng kinh phí thực hiện kế hoạch và kinh phí thực hiện hằng năm.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì tham mưu lựa chọn đơn vị phối hợp biên soạn tài liệu giáo dục địa phương trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục và đào tạo xem xét, quyết định; tham mưu thành lập Ban Biên soạn, Ban Thẩm định; chuẩn bị hồ sơ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

- Theo dõi, đôn đốc quá trình biên soạn, chỉnh sửa, thẩm định tài liệu bảo đảm tiến độ.

- Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu bảo đảm kinh phí biên soạn, thẩm định, xuất bản và triển khai nội dung giáo dục địa phương.

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên về chương trình, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nội dung giáo dục địa phương. Kiểm tra, tư vấn hỗ trợ các cơ sở giáo dục trong triển khai thực hiện. Tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm. Đề xuất bổ sung, sửa đổi tài liệu giáo dục địa phương khi cần thiết.

- Báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh việc thực hiện theo định kỳ vào cuối năm học hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

2. Sở Tài chính

Chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí theo quy định.

3. Các sở, ngành cấp tỉnh

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp tài liệu, tham gia biên soạn, thẩm định và triển khai nội dung giáo dục địa phương khi có yêu cầu. Cụ thể:

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư

Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và những nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá của tỉnh..

b) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Định hướng phát triển ngành Văn hóa Thái Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các nội dung về lễ hội truyền thống; các loại hình nghệ thuật truyền thống; phong tục tập quán địa phương; xây dựng nếp sống văn minh; danh nhân văn hóa; di tích lịch sử, di tích tâm linh; bảo tàng; tiềm năng du lịch.

c) Sở Nội vụ

Các nội dung về địa giới hành chính, các đơn vị hành chính của tỉnh Thái Bình.

d) Sở Khoa học và Công nghệ

Các nội dung về lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Thái Bình.

đ) Sở Tài nguyên và Môi trường

Các nội dung liên quan đến địa lý tự nhiên; địa lý kinh tế - xã hội; các vấn đề về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

e) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Các nội dung liên quan đến chính sách an sinh xã hội; thị trường lao động.

g) Sở Công Thương

Các nội dung về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; các ngành nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh.

h) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các nội dung về tiềm năng, thế mạnh phát triển nông, lâm, ngư nghiệp; các làng nghề, sản phẩm nông nghiệp truyền thống trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn của địa phương.

4. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

Cung cấp tài liệu về văn hóa, lịch sử, truyền thống, kinh tế - chính trị - xã hội, môi trường của địa phương phục vụ công tác biên soạn chương trình, nội dung giáo dục địa phương khi có yêu cầu.

5. Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình

Tham gia biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục địa phương.

6. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Cung cấp các tài liệu liên quan đến lịch sử phát triển của Đảng bộ tỉnh; các vấn đề giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống; tham gia Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục địa phương.

Trên đây là Kế hoạch tổ chức biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện tài liệu Giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VX, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Lĩnh