Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 540/KH-UBND

Gia Lai, ngày 14 tháng 5 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TIẾP TỤC BIÊN SOẠN VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NỘI DUNG GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI

Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;

Căn cứ Thông tư số 33/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc thẩm định tài liệu giáo dục địa phương.

Căn cứ Công văn số 1106/BGDĐT-GDTrH ngày 20/3/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về việc biên soạn và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông; Công văn số 3536/BGDĐT-GDTrH ngày 19/8/2019 của Bộ GDĐT về việc biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục của địa phương cấp tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức thực hiện từ năm học 2020-2021.

Căn cứ tình hình tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương theo Kế hoạch số 2088/KH-UBND ngày 23/9/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về việc biên soạn và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Để tài liệu giáo dục địa phương được thực hiện đảm bảo đúng lộ trình theo các quy định hiện hành, tình hình thực tiễn của địa phương và những điểm mới về quy định việc thẩm định tài liệu giáo dục địa phương tại Thông tư số 33/2020/TT-BGDĐT, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch tiếp tục biên soạn và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông mới cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Chương trình giáo dục địa phương (GDĐP) nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về Văn hóa, Lịch sử, Địa lý, Kinh tế, Xã hội, Môi trường, Hướng nghiệp, Giáo dục Quốc phòng An ninh... trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Từ đó, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc, góp phần xây dựng văn hóa, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.

- Chương trình GDĐP tỉnh Gia Lai góp phần hình thành các năng lực, phẩm chất học sinh được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Bên cạnh đó, phát triển cho học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp; năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội; vận dụng kiến thức (tự nhiên, văn hóa, xã hội) vào thực tiễn, ứng xử với tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường tại địa phương.

2. Yêu cầu

- Tài liệu GDĐP được xây dựng thống nhất trong toàn bậc học phổ thông, đảm bảo tính đồng nhất; không có sự trùng lặp về nội dung giữa các lớp.

- Tài liệu GDĐP được biên soạn, ban hành và tổ chức thực hiện đảm bảo thống nhất, phù hợp với tài liệu hướng dẫn dạy học các môn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới; Tài liệu GDĐP có tính mở để giáo viên áp dụng phù hợp tại mỗi địa phương trong tỉnh.

- Nội dung GDĐP có vị trí tương đương các môn học, được xây dựng thành các chủ đề của các lĩnh vực về những vấn đề cơ bản hoặc thời sự của địa phương để tăng cường, bổ sung cho Chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục bắt buộc, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học vào thực tiễn của quê hương.

- Nội dung kiến thức, kỹ năng cơ bản của Tài liệu GDĐP phải tinh giản, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế, năng lực nhận thức, đồng thời phát triển được phẩm chất, năng lực của học sinh từng cấp học.

- Tổ chức biên soạn, phát hành, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo Tài liệu GDĐP đã biên soạn đảm bảo tính thiết thực, phù hợp với điều kiện của địa phương.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Thành lập mới, điều chỉnh Ban Biên soạn, Hội đồng thẩm định đúng, đủ thành phần theo quy định; triển khai thực hiện theo lộ trình của Kế hoạch.

2. Xây dựng quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa tài liệu GDĐP trên cơ sở quy định tại Chương II, Chương III ban hành kèm theo Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và Khoản 1 Điều 1 ban hành kèm theo Thông tư số 23/2020/TT-BGDĐT ngày 06/8/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đông quốc gia thẩm định sách giáo khoa ban hành kèm theo Thông tư số 33/2017/TT-BGDDT ngày 22/12/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

3. Tổ chức Hội thảo, tập huấn cho toàn bộ Ban Biên soạn, Hội đồng thẩm định Tài liệu.

4. Khảo sát thực trạng, sưu tập và tập hợp tư liệu, biên soạn tài liệu, thẩm định, dạy thử nghiệm.

5. Biên soạn Tài liệu GDĐP với nội dung gắn liền với thực tiễn địa phương về các lĩnh vực: Văn hóa, Lịch sử, Địa lý, Kinh tế, Xã hội, Môi trường, Hướng nghiệp, Giáo dục Quốc phòng An ninh... để đảm bảo thực hiện tốt nội dung GDĐP trong Chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm các lĩnh vực sau:

a) Các vấn đề về văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương

- Về văn hóa: Lễ hội truyền thống; các loại hình nghệ thuật truyền thống; truyền thống quê hương; phong tục, tập quán địa phương; xây dựng nếp sống văn minh, tôn trọng kỷ cương, pháp luật.

- Về lịch sử truyền thống: Danh nhân văn hóa; di tích lịch sử; bảo tàng, lịch sử hình thành và phát triển của địa phương.

b) Các vấn đề về địa lí, kinh tế, hướng nghiệp của địa phương

- Về địa lí địa phương: Địa lí tự nhiên; địa lí dân cư; địa lí kinh tế xã hội; địa lí du lịch.

- Về kinh tế, hướng nghiệp: Thị trường lao động; các ngành nghề, làng nghề truyền thống; các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

c) Các vấn đề về chính trị - xã hội, môi trường của địa phương

- Về chính trị - xã hội: Chính sách an sinh xã hội; các vấn đề giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kĩ năng sống.

- Về môi trường: Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu.

6. Định hướng bộ Tài liệu gồm một số lĩnh vực sau:

- Lĩnh vực Văn hóa gồm: Phong tục tập quán, văn hóa địa phương, Văn học địa phương, Mĩ thuật, Âm nhạc;

- Các lĩnh vực khác gồm: Lịch sử, Địa lý, Kinh tế, Xã hội, Môi trường, Hướng nghiệp, Giáo dục Quốc phòng An ninh...

7. Xây dựng Kế hoạch dạy học

- Đối với cấp tiểu học: Thực hiện lồng ghép trong nội dung Hoạt động trải nghiệm (đảm bảo 35 tiết/lớp học/năm học, mỗi tiết 35 phút);

- Đối với cấp THCS và THPT: Xây dựng đủ 35 tiết/lớp học/năm học (mỗi tiết 45 phút), là một môn học bắt buộc.

8. Phương án biên soạn: Tài liệu GDĐP được biên soạn theo lớp (từ lớp 1 đến lớp 12).

Tài liệu GDĐP cấp tiểu học, cấp trung học phổ thông được biên soạn theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT.

Tài liệu GDĐP cấp trung học cơ sở thực hiện theo Kế hoạch số 118/KH- BGDĐT ngày 13/02/2019 của Bộ GDĐT hỗ trợ xây dựng tài liệu GDĐP theo Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT và các văn bản hướng dẫn của Dự án Giáo dục trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2.

9. Thẩm định tài liệu GDĐP; hồ sơ, trình tự đề nghị phê duyệt tài liệu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 33/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định việc thẩm định tài liệu GDĐP.

10. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

III. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Công việc chung của 03 cấp học

Từ tháng 2/2020 đến tháng 5/2021

- Thảnh lập mới, điều chỉnh Ban Biên soạn, Hội đồng thẩm định tài liệu GDĐP cho từng cấp học.

- Phê duyệt quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa tài liệu GDĐP.

- Hoàn thành Chương trình GDĐP của 3 (ba) cấp học.

2. Công việc cụ thể của từng cấp học

2.1. Cấp tiểu học: Tài liệu GDĐP cấp tiểu học được triển khai thực hiện đáp ứng lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT và các hướng dẫn của Bộ GDĐT. Cụ thể:

a) Năm học 2020-2021 (đối với lớp 1)

- Tháng 3/2020 đến tháng 10/2020: Khảo sát thực tế, thu thập ngữ liệu, biên soạn Tài liệu GDĐP lớp 1.

- Tháng 11/2020: Tổ chức dạy thực nghiệm.

- Tháng 12/2020 đến tháng 5/2021: Tổ chức lấy ý kiến góp ý tài liệu của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, nghệ sỹ, nghệ nhân tiêu biểu, các chuyên gia, cán bộ khoa học, các nhà hoạt động văn hóa, lịch sử, cán bộ quản lý giáo dục có kinh nghiệm và các cá nhân liên quan theo quy định; chỉnh sửa hoàn thiện Tài liệu GDĐP lớp 1; Thẩm định Tài liệu GDĐP lớp 1.

- Tháng 6/2021: UBND tỉnh gửi hồ sơ đề nghị Bộ GDĐT phê duyệt.

- Sau khi được Bộ GDĐT phê duyệt tài liệu, tổ chức hướng dẫn dạy học và triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên.

b) Năm học 2021-2022 (đối với lớp 2)

- Tháng 01/2021 đến tháng 5/2021: Khảo sát thực tế, thu thập ngữ liệu, biên soạn tài liệu; tổ chức dạy thực nghiệm.

- Tháng 6/2021: Tổ chức lấy ý kiến góp ý tài liệu của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, nghệ sỹ, nghệ nhân tiêu biểu, các chuyên gia, cán bộ khoa học, các nhà hoạt động văn hóa, lịch sử, cán bộ quản lý giáo dục có kinh nghiệm và các cá nhân liên quan theo quy định; chỉnh sửa hoàn thiện Tài liệu GDĐP lớp 2; thẩm định Tài liệu GDĐP lớp 2.

- Tháng 7/2021: UBND tỉnh gửi hồ sơ đề nghị Bộ GDĐT phê duyệt.

- Sau khi được Bộ GDĐT phê duyệt tài liệu, tổ chức hướng dẫn dạy học và triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên.

c) Năm học 2022-2023 (đối với lớp 3)

- Tháng 9/2021 đến tháng 12/2021: Khảo sát thực tế, thu thập ngữ liệu và biên soạn tài liệu.

- Tháng 01/2022 đến tháng 5/2022: Tổ chức lấy ý kiến góp ý tài liệu của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, nghệ sỹ, nghệ nhân tiêu biểu, các chuyên gia, cán bộ khoa học, các nhà hoạt động văn hóa, lịch sử, cán bộ quản lý giáo dục có kinh nghiệm và các cá nhân liên quan theo quy định; chỉnh sửa hoàn thiện Tài liệu GDĐP lớp 3; thẩm định Tài liệu GDĐP lớp 3.

- Tháng 6/2022: UBND tỉnh gửi hồ sơ đề nghị Bộ GDĐT phê duyệt.

- Sau khi dược Bộ GDĐT phê duyệt tài liệu, tổ chức hướng dẫn dạy học và triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên.

d) Năm học 2023-2024 (đối với lớp 4) và năm học 2024-2025 (đối với lớp 5): Thực hiện theo lộ trình tương tự Tài liệu GDĐP lớp 3.

2.2. Cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông

a) Cấp trung học cơ sở: Thực hiện theo Kế hoạch của Dự án Giáo dục trung học cơ sở vùng khó khăn nhất giai đoạn 2 (dự kiến làm cho bốn khối lớp, bao gồm lớp 6, lớp 7, lớp 8 và lớp 9); đáp ứng đúng theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT và các hướng dẫn của Bộ GDĐT. Cụ thể:

- Từ tháng 10/2020 đến tháng 12/2020: Làm việc với nhà thầu phụ trách công tác biên soạn tài liệu GDĐP tại tỉnh; khảo sát thu thập dữ liệu; xây dựng chương trình tài liệu chi tiết.

- Từ tháng 12/2020 đến tháng 3/2021: Hoàn thành bài mẫu, dạy thực nghiệm bài mẫu; tiến hành biên soạn toàn bộ tài liệu.

- Từ tháng 3/2021 đến tháng 6/2021: Hoàn chỉnh bàn thảo bộ tài liệu; Tổ chức lấy ý kiến góp ý tài liệu của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, nghệ sỹ, nghệ nhân tiêu biểu, các chuyên gia, cán bộ khoa học, các nhà hoạt động văn hóa, lịch sử, cán bộ quản lý giáo dục có kinh nghiệm và các cá nhân liên quan theo quy định; chỉnh sửa hoàn thiện tài liệu GDĐP; thẩm định tài liệu GDĐP; báo cáo UBND tỉnh xem xét gửi hồ sơ đề nghị Bộ GDĐT phê duyệt.

- Sau khi được Bộ GDĐT phê duyệt tài liệu, triển khai tập huấn cho cán bộ, giáo viên cấp trung học cơ sở.

b) Cấp trung học phổ thông: Tài liệu GDĐP cấp trung học phổ thông được triển khai thực hiện đáp ứng lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT và các hướng dẫn của Bộ GDĐT. Cụ thể:

- Năm học 2022-2023 (đối với lớp 10)

+ Từ tháng 01/2021 đến tháng 5/2021: Làm việc với đơn vị phối hợp biên soạn tài liệu GDĐP cấp trung học phổ thông; xây dựng chương trình tài liệu chi tiết; thống nhất cấu trúc; hoàn thành bài mẫu, dạy thực nghiệm bài mẫu.

+ Từ tháng 6/2021 đến tháng 12/2021: Hoàn chỉnh bản thảo bộ tài liệu; Tổ chức lấy ý kiến góp ý tài liệu của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, nghệ sỹ, nghệ nhân tiêu biểu, các chuyên gia, cán bộ khoa học, các nhà hoạt động văn hóa, lịch sử, cán bộ quản lý giáo dục có kinh nghiệm và các cá nhân liên quan theo quy định; chỉnh sửa hoàn thiện Tài liệu GDĐP lớp 10; thẩm định Tài liệu GDĐP lớp 10.

+ Tháng 01/2022: UBND tỉnh gửi hồ sơ đề nghị Bộ GDĐT phê duyệt.

+ Sau khi được Bộ GDĐT phê duyệt tài liệu, triển khai tập huấn cho cán bộ, giáo viên trung học phổ thông.

- Năm học 2023-2024 (đối với lớp 11) và năm học 2024-2025 (đối với lớp 12): Thực hiện theo lộ trình tương tự Tài liệu GDĐP lớp 10.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện đối với cấp tiểu học và trung học phổ thông

Sử dụng nguồn ngân sách địa phương; kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; nguồn thu của các cơ sở GDĐT; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa khác (theo quy định tại Thông tư số 51/2019/TT-BTC ngày 15/8/2019 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xây dựng dự toán, thanh quyết toán kinh phí biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục của địa phương thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông).

2. Kinh phí thực hiện đối với cấp trung học cơ sở

Dự án Giáo dục trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2 hỗ trợ chi trả theo Kế hoạch số 118/KH-BGDĐT ngày 13/02/2019 của Bộ GDĐT.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai biên soạn, thẩm định Tài liệu GDĐP.

- Sở GDĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và lập dự toán kinh phí biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục của địa phương theo nguồn ngân sách, gửi Sở Tài chính xem xét, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

- Chủ trì tổ chức triển khai biên soạn và chỉ đạo thực hiện trong các cơ sở giáo dục; chỉ đạo về chuyên môn, theo dõi tiến độ thực hiện, kiểm tra, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện; đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch trong trường hợp cần thiết.

- Phối hợp với các sở/ngành có liên quan khảo sát, thu thập tài liệu phục vụ công tác biên soạn đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và GBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp, cân đối, phân bổ các nguồn vốn đầu tư phát triển đế triển khai Kế hoạch theo quy định của pháp luật.

3. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT; UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì phối hợp với Sở GDĐT và các cơ quan liên quan xây dựng phương án phân bổ dự toán kinh phí biên soạn Tài liệu GDĐP cho các đơn vị sử dụng ngân sách, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

4. Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch

Chủ trì cung cấp tài liệu có liên quan về Văn hóa địa phương, nhằm phục vụ công tác biên soạn Tài liệu địa phương đúng tiến độ.

5. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND cấp xã phối hợp với ngành giáo dục đào tạo khảo sát, thu thập tài liệu về Văn hóa địa phương khi có yêu cầu.

- Bố trí kinh phí tập huấn, bồi dưỡng cho CBQL và giáo viên triển khai thực hiện tài liệu GDĐP.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện nội dung GDĐP trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong Chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp nối Kế hoạch số 2088/KH-UBND ngày 23/9/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai kể từ ngày 07/5/2021. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở GDĐT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các Sở: GD-ĐT, KH-ĐT, Tài chính, Văn hóa, Thể thao Du lịch;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, KGVX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thanh Lịch

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 540/KH-UBND năm 2021 về tiếp tục biên soạn và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo phổ thông mới do tỉnh Gia Lai ban hành

  • Số hiệu: 540/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 14/05/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Nguyễn Thị Thanh Lịch
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản