Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 89/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 14 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA, DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ, LÀNG NGHỀ, DANH LAM THẮNG CẢNH GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Căn cứ Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 05 tháng 6 năm 2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố;

Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 01 tháng 8 năm 2018 của Thành ủy Cần Thơ về việc đẩy mạnh phát triển du lịch;

Căn cứ Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 02 tháng 5 năm 2019 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân đồng bộ, hài hòa với phát triển kinh tế và đô thị;

Căn cứ Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc thông qua điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 105/QĐ-UBND ngày 13 tháng 01 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ phê duyệt Quy hoạch phát triển văn hóa thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Kế thừa việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc gắn với phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Cần Thơ.

2. Huy động sự đóng góp của toàn xã hội trong việc đầu tư trùng tu, tôn tạo, quản lý và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh của thành phố.

3. Tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở, Ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch.

4. Tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được trong thời gian qua, từ đó xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn mới theo quy định của từng ngành, lĩnh vực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương với truyền thống văn hóa của cộng đồng dân cư nơi có di sản văn hóa, làng nghề.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố

a) Triển khai thực hiện Quyết định số 85/QĐ-UBND ngày 15 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2021 - 2025.

b) Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn, đội ngũ thuyết minh tại các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng; trong đó, ưu tiên các điểm di tích đang được tạo điều kiện phục vụ du lịch và có tiềm năng khai thác du lịch.

c) Tăng cường công tác quản lý lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa: đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường tại các điểm di tích; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định nhằm lập lại trật tự, kỷ cương, nề nếp, tạo môi trường du lịch an toàn và thân thiện.

d) Giai đoạn 2021 - 2025: tập trung hoàn thành quy hoạch, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo các công trình di tích lịch sử - văn hóa đã được phê duyệt theo đúng tiến độ, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho việc tu bổ, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng, di tích có nguy cơ xuống cấp.

2. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch

a) Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

b) Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong hoạt động lữ hành, thuyết minh du lịch.

c) Phát huy giá trị di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố.

d) Xây dựng sản phẩm lưu niệm đặc trưng gắn với di tích.

3. Phát huy giá trị làng nghề gắn với du lịch

a) Tập trung đầu tư phát triển các làng nghề tiêu biểu trên địa bàn thành phố thành điểm đến trong các tour, tuyến du lịch.

b) Đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng làng nghề gắn với du lịch.

c) Tập huấn kỹ năng phục vụ du lịch cho các làng nghề.

d) Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy tại các làng nghề gắn với du lịch.

đ) Tổ chức kết nối tour, tuyến du lịch gắn với tham quan, tìm hiểu làng nghề và giới thiệu một số sản phẩm tiêu biểu của làng nghề.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công thực hiện

a) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với phát triển du lịch.

- Kết nối với đơn vị lữ hành, du lịch xây dựng các tour, tuyến du lịch tại các làng nghề tiêu biểu trên địa bàn thành phố.

- Đôn đốc, kiểm tra, giám sát, tổng hợp, đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch này, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố theo thời gian quy định.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan ban hành chính sách hỗ trợ, khôi phục, phát triển nghề truyền thống làm cơ sở phát triển du lịch làng nghề theo quy định.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, góp phần phát triển du lịch.

c) Công an thành phố

- Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm di tích, làng nghề có khách du lịch tham quan, nghiên cứu.

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải quan tâm kiểm tra điều kiện hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ và đường thủy nội địa phục vụ du lịch nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch.

d) Sở Công Thương quan tâm hỗ trợ tìm kiếm thị trường cho sản phẩm làng nghề, hình thành các trung tâm giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm mang tính đặc trưng kết nối với việc phục vụ phát triển du lịch.

đ) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có kế hoạch đào tạo nghề cho lao động tại các làng nghề và sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm mang tính đặc trưng kết nối với việc phục vụ phát triển du lịch.

e) Sở Thông tin và Truyền thông định hướng nội dung tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, làng nghề tiêu biểu sản phẩm mang tính đặc trưng trên địa bàn thành phố kết nối với việc phục vụ phát triển du lịch.

g) Sở Tài chính hướng dẫn, thẩm định kinh phí thực hiện các hoạt động, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt hàng năm theo quy định.

h) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các Đoàn thể thành phố phối hợp tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên, Nhân dân nâng cao nhận thức và tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ môi trường di tích, làng nghề, sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm mang tính đặc trưng góp phần xây dựng hình ảnh du lịch của thành phố ngày thêm phát triển.

i) Ủy ban nhân dân quận, huyện

- Phối hợp với các Sở, Ban ngành thành phố có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với du lịch trên địa bàn.

- Lồng ghép việc triển khai Kế hoạch này với các chương trình, kế hoạch khác của địa phương.

- Thực hiện rà soát, xác định phạm vi của các điểm di tích, làng nghề, sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm mang tính đặc trưng cập nhật vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Kinh phí thực hiện

a) Nguồn kinh phí thực hiện: từ Ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

b) Hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao, lập dự toán kinh phí thực hiện và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của đơn vị, gửi cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định.

3. Chế độ thông tin báo cáo

Các Sở, Ban ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện có liên quan gửi báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch này về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 15 tháng 11 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

Trên đây là Kế hoạch Bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, đề nghị Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch này với tinh thần trách nhiệm cao, đạt hiệu quả thiết thực. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, tham mưu, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ VH,TT&DL;
- TT, TU, TT. HĐND TP;
- CT, PCT UBND TP (1AB);
- UBMTTQVN TPCT và các Đoàn thể;
- Các Sở: VH, TT&DL, NN&PTNT, TC,
CT, LĐ-TB&XH, TT&TT, GTVT;
- Công an TP;
- UBND quận, huyện;
- VP. UBND TP (2AD, 3BC);
- Cổng TTĐT TP;
- Lưu: VT.NBMT
(6972)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Tấn Hiển

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 89/KH-UBND năm 2021 về bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 89/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 14/04/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Dương Tấn Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/04/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản