Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 117/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 16 tháng 7 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA, DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ, LÀNG NGHỀ, DANH LAM THẮNG CẢNH GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÀNH PHỐ ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 05 tháng 6 năm 2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố;

Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 01 tháng 8 năm 2018 của Thành ủy về việc đẩy mạnh phát triển du lịch;

Căn cứ Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc thông qua điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch thành phố đến năm 2020, cụ thể như sau:

I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc gắn với phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Cần Thơ.

2. Huy động sức mạnh của toàn xã hội trong việc đầu tư trùng tu, tôn tạo, quản lý và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố.

3. Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành thành phố; Ủy ban nhân dân quận, huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch.

4. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo quy định của từng ngành, lĩnh vực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, với truyền thống văn hóa của cộng đồng dân cư nơi có di sản văn hóa, làng nghề.

II- NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố

a) Kiện toàn, tăng cường hoạt động của các Ban Quản lý di tích; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn, đội ngũ thuyết minh viên tại các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng; trong đó, ưu tiên các điểm di tích đang được khai thác phục vụ du lịch.

b) Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường tại các điểm di tích; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định nhằm lập lại trật tự, kỷ cương, nề nếp tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa, tạo môi trường du lịch an toàn và thân thiện.

c) Từ nay đến năm 2020: Tập trung hoàn thành quy hoạch, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo các công trình di tích lịch sử - văn hóa đã được phê duyệt theo đúng tiến độ, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho việc tu bổ, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng, di tích có nguy cơ xuống cấp.

2. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch

a) Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Cần Thơ đến năm 2020”.

b) Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong hoạt động lữ hành, thuyết minh du lịch.

c) Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể thành sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố.

d) Từ nay đến năm 2020: Tập trung thực hiện sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Hiệp Thiên Cung và Lễ hội Kỳ yên Đình Thường Thạnh trên địa bàn quận Cái Răng.

3. Phát huy giá trị làng nghề gắn với du lịch

a) Tập trung đầu tư phát triển các làng nghề tiêu biểu trên địa bàn thành phố thành điểm đến trong các tour, tuyến du lịch.

b) Đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng làng nghề gắn với du lịch.

c) Tập huấn kỹ năng phục vụ du lịch cho các làng nghề.

d) Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy tại các làng nghề gắn với du lịch.

đ) Từ nay đến năm 2020: Tổ chức kết nối tour, tuyến du lịch gắn với tham quan, tìm hiểu làng nghề.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm thực hiện

a) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với phát triển du lịch.

- Kết nối các tour, tuyến du lịch tại các làng nghề tiêu biểu trên địa bàn thành phố.

- Đôn đốc, kiểm tra, giám sát, tổng hợp, đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch này, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố theo thời gian quy định.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan ban hành chính sách hỗ trợ, khôi phục, phát triển nghề truyền thống, làm cơ sở phát triển du lịch làng nghề theo quy định.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, góp phần phát triển du lịch.

c) Sở Tài chính thẩm định kinh phí thực hiện, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt hàng năm theo quy định.

d) Công an thành phố

- Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm di tích, làng nghề có khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu.

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải quan tâm kiểm tra điều kiện hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ và đường thủy nội địa phục vụ du lịch nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch.

đ) Sở Công Thương quan tâm hỗ trợ tìm kiếm thị trường cho sản phẩm làng nghề, hình thành các trung tâm giới thiệu sản phẩm.

e) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có kế hoạch đào tạo nghề cho lao động tại các làng nghề.

g) Sở Thông tin và Truyền thông định hướng nội dung tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, làng nghề tiêu biểu trên địa bàn thành phố.

h) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các đoàn thể thành phố phối hợp tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân nâng cao nhận thức và tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ môi trường di tích, làng nghề, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch của thành phố.

i) Ủy ban nhân dân quận, huyện

- Phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với du lịch trên địa bàn.

- Lồng ghép việc triển khai Kế hoạch này với các chương trình, kế hoạch khác của địa phương.

- Thực hiện rà soát, xác định phạm vi của các điểm di tích, làng nghề, cập nhật vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Kinh phí thực hiện

a) Nguồn kinh phí thực hiện: Ngân sách Nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

b) Hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao, lập dự toán kinh phí thực hiện và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của đơn vị, gửi cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định.

3. Chế độ thông tin, báo cáo

Các sở, ban, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện có liên quan gửi báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch này về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 15 tháng 11 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

Yêu cầu Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch này với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, tham mưu, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ VH,TT&DL;
- TT. Thành ủy;
- TT. HĐND TP;
- CT, các PCT UBND TP;
- UB MTTQVN TP và các đoàn thể TP;
- Công an thành phố;
- Các Sở: VH,TT&DL, NN&PTNT, TC, KH&ĐT, NV, TN&MT, CT, LĐ-TB&XH, XD, TT&TT, GTVT;
- UBND quận, huyện;
- VP UBND TP (3BC,7);
- Lưu: VT, T(Q)
CVĐ 9561/042072018

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Văn Tâm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 117/KH-UBND năm 2018 về bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020

  • Số hiệu: 117/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 16/07/2018
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Lê Văn Tâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/07/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản