Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1515/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 10 tháng 09 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN “BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRONG DANH MỤC DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA Ở TỈNH BẮC KẠN, GIAI ĐOẠN 2018 - 2020”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”;

Căn cứ Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 6 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;

Căn cứ Công văn số 2189/BVHTTDL-DSVH ngày 02 tháng 6 năm 2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng và phê duyệt dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục Quốc gia trên địa bàn tỉnh;

Căn cứ Công văn số 2897/BVHTTDL-DSVH ngày 04 tháng 7 năm 2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thỏa thuận phê duyệt Dự án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong Danh mục quốc gia 2018 - 2020;

Căn cứ Công văn số 2263-CV/TU ngày 30 tháng 8 năm 2018 của Thường trực Tỉnh ủy về việc trả lời Công văn số 540 của Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh;

Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 50/TTr-SVHTTDL ngày 24 tháng 7 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018 - 2020” (có Dự án chi tiết kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ, hiệu quả, chất lượng.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ VHTT&DL;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- Các sở: VHTT&DL, Tài chính, KH&ĐT, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông;
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Báo Bắc Kạn, Đài PT&TH Bắc Kạn;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, Nhung.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Duy Hưng

 

NỘI DUNG DỰ ÁN “BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRONG DANH MỤC DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA Ở TỈNH BẮC KẠN, GIAI ĐOẠN 2018 - 2020”

(Kèm theo Quyết định số 1515/QĐ-UBND ngày 10/9/2018 của UBND tỉnh Bắc Kạn)

1. Tên gọi, phạm vi, vị trí thực hiện Dự án

1.1. Tên gọi Dự án: “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018-2020”.

1.2. Phạm vi bảo tồn:

Bao hàm cả không gian văn hóa, môi trường tồn tại của di sản; Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục gắn với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Thông qua các nghi thức trong lễ hội cổ truyền, các loại hình tín ngưỡng, diễn xướng dân gian (trò diễn, diễn xướng, lễ tục, trò chơi dân gian...) liên quan đến 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được bảo vệ và phát huy gồm:

- Lễ Cấp sắc của người Tày (Tập quán xã hội và tín ngưỡng).

- Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày (Nghề thủ công truyền thống)

- Nghệ thuật Múa khèn của người Mông (Nghệ thuật trình diễn dân gian).

2. Phương án bảo vệ và phát huy giá trị di sản

2.1. Mục tiêu chung

Xây dựng dự án bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm mục tiêu gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa một cách bền vững, tạo nguồn lực để phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu văn hóa tại nơi các di sản văn hóa phi vật thể được công bố, góp phần chuyển hóa về mặt nhận thức, tạo được sự trân trọng của cộng đồng đối với di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Đồng thời, những di sản văn hóa phi vật thể sẽ mang lại nền tảng vững chắc về mặt tinh thần cho chính những người dân của địa phương, tạo niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước, tin tưởng những gì thuộc về đời sống tinh thần của họ được Nhà nước bảo vệ. Việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể là trách nhiệm của các cấp chính quyền, các địa phương và toàn thể xã hội nhằm tạo mô hình điển hình để cộng đồng tự phát huy giá trị di sản, có thêm nguồn thu nhập và phát triển kinh tế. Điều này là vô cùng cần thiết và quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia. Đồng thời di sản văn hóa sẽ được kế tục, duy trì, phát triển và trao truyền cho các thế hệ mai sau.

2.2. Mục tiêu cụ thể

2.2.1. Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

a) Nghiên cứu thực trạng, phỏng vấn hồi cố và phục dựng các di sản đã và đang có nguy cơ bị mai một, phân kỳ cụ thể như sau:

- Mỗi năm lựa chọn bảo tồn và phát huy 01 di sản VHPVT trong danh mục (ưu tiên di sản có nguy cơ mai một cao nhất).

- Hàng năm xét đề nghị khen thưởng, biểu dương cho những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản.

- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động của các cá nhân, cộng đồng trong hoạt động bảo vệ di sản.

- Tiến hành tổ chức phục dựng các nghi lễ theo đúng phong tục cổ truyền. Thông qua đó cộng đồng dân tộc có di sản được bảo tồn sẽ nhận thức lại và nâng cao được ý thức trong việc gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.

- Mở các lớp truyền dạy bí quyết thực hành di sản tại các địa phương có di sản cần bảo vệ với mục tiêu:

+ Các nghệ nhân, những người đang thực hành di sản kết hợp cùng với cán bộ nghiên cứu, cán bộ làm công tác bảo tồn trao truyền lại tri thức, lễ tục đang dần bị mai một cho thế hệ kế tiếp để duy trì, bảo tồn di sản văn hóa. Trên cơ sở vừa trao truyền nhưng đồng thời cũng vừa bổ sung thêm những vấn đề còn thiếu trong quá trình nghiên cứu thực địa, vừa phát huy tính chủ động trong nhận thức của chủ thể văn hóa (nghệ nhân, những người tham gia vào thực hành di sản và người dân). Đây chính là một trong những yếu tố thúc đẩy quá trình nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân và sẽ có tác động không nhỏ đến cộng đồng cư dân.

+ Đưa ra những phương pháp, cách thức xây dựng mô hình phục hồi, phát huy lễ hội, tập quán, tín ngưỡng và tri thức dân gian. Đồng thời giải quyết những bất cập giữa quản lý nhà nước và ý kiến của cộng đồng cư dân trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

b) Cách thức tổ chức truyền dạy theo phân kỳ như sau:

* Năm 2018:

- Khảo sát, lựa chọn địa điểm tổ chức truyền dạy theo từng di sản văn hóa phi vật thể. Mỗi di sản xây dựng từ 01 - 02 mô hình theo đặc thù và tính ưu tiên và thực trạng của di sản văn hóa phi vật thể;

- Hỗ trợ và xây dựng mô hình điểm của từng di sản có kết quả nhằm nhân rộng mô hình cho các địa phương khác;

* Từ năm 2019 đến năm 2020:

- Tổ chức truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại cộng đồng.

+ Ý nghĩa và các bí quyết trong các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;

+ Tập trung truyền dạy về kỹ năng, kỹ thuật, nghi thức, nghi lễ...

- Tổ chức bảo tồn theo hướng “bảo tồn sống”, bảo tồn trong cộng đồng. Cộng đồng dân cư là chủ thể của di sản trực tiếp bảo tồn theo truyền thống và có thể tạo thành sản phẩm để tạo ra nguồn thu từ chính di sản truyền thống của các dân tộc.

2.2.2 Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Xây dựng 3 bộ phim tư liệu tuyên truyền, quảng bá về các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc Tày, Mông. Những bộ phim này sẽ được trình chiếu và phát sóng truyền hình tỉnh, trung ương. Phim còn được nhân bản để phổ cập, bán cho khách tham quan du lịch và chắc chắn sẽ có những tác động tích cực không nhỏ đến đời sống tinh thần của người dân.

2.3. Phương pháp triển khai Dự án

- Phương pháp tổng hợp tài liệu, thống kê, phân tích tư liệu.

- Phương pháp điền dã dân tộc học, nhân học văn hóa.

- Phương pháp nghiên cứu định tính.

- Sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, máy ghi âm (DAT), máy ghi hình SONY XDCAM PMW 320K - định dạng full HP, hệ thống dựng phim trên phần mềm final cut pro 7, Adobe Photoshop CS6...

2.4. Nội dung

2.4.1. Nội dung 1: Nghiên cứu đánh giá thực trạng 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

- Tập hợp các tài liệu viết, thu thập tư liệu, các công trình nghiên cứu có liên quan đến các dân tộc Tày, Mông và 3 di sản văn hóa đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Chuẩn bị cho công tác phục dựng di sản và triển khai viết các chuyên đề nghiên cứu, tập hợp thành các tập tài liệu phục vụ cho các lớp truyền dạy.

- Nghiên cứu chuyên sâu, điều tra xã hội học nhằm đưa ra những phương pháp, cách thức xây dựng mô hình phục hồi, phát huy tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn dân gian và tri thức dân gian. Đồng thời giải quyết những bất cập giữa quản lý Nhà nước và ý kiến của cộng đồng cư dân trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

- Viết các chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu về di sản.

- Viết báo cáo khoa học.

2.4.2. Nội dung 2: Mở các lớp truyền dạy dân ca, bí quyết thực hành tập quán, tín ngưỡng và tri thức dân gian

- Mở 03 lớp truyền dạy các cung, đoạn Then, hát Then- Đàn tính đặt lời mới của người Tày tại tỉnh Bắc Kạn mời một số nghệ nhân có căn Then hay người am hiểu và thực hành di sản Then tại địa phương truyền dạy. Mời những người có khả năng hát then - Đàn tính ở các huyện, thành phố tham gia học tập (02 lớp); mở 01 lớp truyền dạy hát Then - Đàn tính cho đối tượng là 122 cán bộ văn hóa xã trên địa bàn toàn tỉnh.

- Mở 03 lớp truyền dạy bí quyết thực hành di sản Nghề dệt thủ công truyền thông của người Tày, tỉnh Bắc Kạn.

- Mở 03 lớp truyền dạy dân ca, bí quyết thực hành di sản Nghệ thuật múa khèn của người Mông, xã Lương Thượng, huyện Na Rì (trong đó người truyền dạy là các nghệ nhân hiện đang nắm giữ di sản Nghệ thuật múa khèn của người Mông đã được Bộ VHTTDL công nhận và mời một số nghệ nhân dân tộc Mông có khả năng tiếp thu bí quyết thực hành di sản ở các xã thuộc huyện Na Rì, Pác Nặm, Ba Be trong tỉnh đến học tập, lĩnh hội).

2.4.3. Nội dung 3. Xây dựng, sản xuất 3 bộ phim để quảng bá hình ảnh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (phụ đề tiếng dân tộc).

- Quay phim tư liệu khoa học (Kỹ thuật hiện trường, đạo diễn, quay phim, âm thanh, ánh sáng, biên tập...).

- Dựng phim hậu kỳ (Dựng phim, viết lời dẫn, lồng tiếng, dịch tiếng dân tộc, hiệu đính, làm phụ đề, hoàn thiện phim...)

- In, nhân bản 300 đĩa DVD pro (giấy phép xuất bản, thiết kế bìa, in đĩa...)

2.5. Thời gian thực hiện

Từ năm 2018 đến 2020 tiến hành bảo vệ và phát huy 03 di sản văn hóa phi vật thể đã được công bố đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia, như sau:

Stt

Nội dung thực hiện

Thời gian thực hiện

1

Lễ Cấp sắc của người Tày

Từ quý IV 2018 đến năm 2019

2

Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày

Năm 2019

3

Nghệ thuật Múa khèn của người Mông

Năm 2020

3. Sản phẩm Dự án và công bố kết quả dự án

3.1. Sản phẩm dự án

- Bảo vệ được 03 di sản trong đó gồm các loại hình: Tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn dân gian, Nghề thủ công truyền thống.

- Mở 09 lớp truyền dạy cho 03 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của các dân tộc: Tày, Mông.

- Xây dựng 3 phim quảng bá hình ảnh di sản văn hóa (phụ đề tiếng dân tộc).

- 03 bộ đĩa DVD, mỗi bộ 100 đĩa phim quảng bá hình ảnh di sản văn hóa.

3.2. Công bố kết quả dự án

Tổ chức Lễ công bố kết quả thực hiện dự án sau khi hoàn thành dự án như sau:

+ Tổ chức trưng bày, giới thiệu theo chuyên đề các sản phẩm phim, ảnh, hiện vật liên quan tại Bảo tàng tỉnh về công tác Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

+ Tổ chức biên soạn, xuất bản sách giới thiệu về các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Bắc Kạn nhằm trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, thư viện các huyện và thành phố Bắc Kạn, thư viện các trường học, các khu du lịch, phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu của các học giả.

4. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện Dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018 - 2020 từ nguồn sự nghiệp ngân sách nhà nước của tỉnh.

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Dự án là: 994.825.000 đồng (Chín trăm chín mươi tư triệu, tám trăm hai mươi năm ngàn đồng).

5. Tổ chức thực hiện

5.1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện triển khai dự án; Xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí cụ thể cho từng nội dung trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Nghiên cứu, đề xuất ban hành chế độ chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân dân gian đang thực hành di sản; tôn vinh, phong tặng nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong quá trình bảo vệ di sản;

- Xây dựng nội dung tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, đoàn thể và cộng đồng các dân tộc về việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản trên địa bàn toàn tỉnh;

- Xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động dân ca các dân tộc thiểu số trong nội dung liên hoan dân ca dân vũ, nhạc cụ dân tộc và trình diễn lễ hội truyền thống của tỉnh tổ chức hai năm một lần;

- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho các nghệ nhân dân gian, giáo viên, cộng tác viên có khả năng truyền dạy để không ngừng nâng cao về số lượng và chất lượng phổ biến, truyền dạy di sản, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức điều tra, khảo sát, kiểm kê, đánh giá kết quả hoạt động bảo vệ di sản trong tỉnh. Kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp đối với công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể;

- Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao trong việc triển khai thực hiện công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa.

5.2. Sở Nội vụ

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các nghệ nhân, học sinh và nhân dân tham gia công tác tuyên truyền và học tập thực hành các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện công tác biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân, đặc biệt là các nghệ nhân dân gian có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể và phong tặng danh hiệu nhà nước cho các nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể trong tỉnh có nhiều đóng góp trong lĩnh vực di sản văn hóa.

5.3. Sở Tài chính: Căn cứ khả năng ngân sách tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện dự án, phối hợp hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện dự án.

5.4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Tài chính bố trí nguồn vốn để triển khai, thực hiện dự án.

5.5. Sở Thông tin và truyền thông: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên Báo, Đài, Cổng thông tin điện tử về các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của tỉnh.

5.6. Báo Bắc Kạn, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh

- Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, tin ảnh, viết chuyên đề, tài liệu tuyên truyền, phản ánh các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật của các di sản;

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các chương trình liên hoan, hội thi, hội diễn theo kế hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

5.7. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các sở, ngành liên quan

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức và tích cực hưởng ứng các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản của dự án.

5.8. UBND các huyện Na Rì, Ba Bể, Pác Nặm

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các loại hình giao lưu, liên hoan, hội thi, tổ chức trình diễn trích đoạn một số di sản tại địa phương. Đồng thời thành lập các CLB, đội, nhóm tham dự các hội thi, liên hoan do tỉnh tổ chức;

- Phối hợp chỉ đạo điều tra, khảo sát, kiểm kê, đánh giá kết quả hoạt động bảo vệ di sản tại địa phương. Biểu dương, khen thưởng kịp thời cho các tập thể cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo vệ và phát huy má trị các di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương;

- Chỉ đạo hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở thường xuyên duy trì và phát triển các loại hình sinh hoạt CLB, đội, nhóm thực hành di sản. Đồng thời bố trí kinh phí hỗ trợ hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB, đội, nhóm thực hành di sản tại cơ sở.

Trên đây là nội dung Dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018-2020”./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1515/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018-2020”

  • Số hiệu: 1515/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/09/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Phạm Duy Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/09/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản