Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 421/KH-UBND

Lào Cai, ngày 16 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VỀ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐƯỢC GHI DANH VÀO CÁC DANH SÁCH CỦA UNESCO GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Căn cứ văn bản số 3094/BVHTTDL-DSVH ngày 26/8/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường công tác Quản lý nhà nước và tiếp tục thực hiện Chương trình hành động quốc gia đã cam kết với UNESCO; Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào danh sách của UNESCO giai đoạn 2021 - 2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào danh sách của UNESCO.

- Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình hành động quốc gia đối với di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu:

- Bám sát các quy định của Công ước UNESCO và văn bản hướng dẫn thực hiện Công ước.

- Phát huy được ý thức, trách nhiệm của các nghệ nhân, đặc biệt là đội ngũ nghệ nhân ưu tú tại địa phương đã được vinh danh trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa tại cộng đồng.

- Tổ chức thực hiện các nội dung bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, trọng tâm.

II. NỘI DUNG

1. Tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa di sản (rà soát đánh giá tổng thể hiện trạng 2 di sản văn hóa đại diện của nhân loại ở các địa phương):

- Nghi lễ và trò chơi kéo co Tày Giáy (10 xã, thị trấn): Bảo Nhai, Tà Chải, Thị trấn Bắc Hà (huyện Bắc Hà); Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Việt Tiến (huyện Bảo Yên); Tả Van (thị xã Sa Pa); Quang Kim (huyện Bát Xát); Làng Giàng, Khánh Yên Trung (huyện Văn Bàn).

- Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái (9 xã): Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Việt Tiến (huyện Bảo Yên); Phú Nhuận, Gia Phú (huyện Bảo Thắng); Bảo Nhai (Bắc Hà); Võ Lao, Thẩm Dương, Dương Quỳ (huyện Văn Bàn).

- Phối hợp với UBND các xã khuyến khích nghệ nhân có kỹ năng trao truyền bí quyết, kiến thức thực hành, truyền dạy tại địa phương.

- Quay phim, chụp ảnh tư liệu hóa về di sản Kéo co Tày, Giáy và thực hành Then Tày, Nùng, Thái cộng đồng đang lưu giữ, đánh giá thực trạng và biến đổi.

2. Tạo điều kiện cho cộng đồng thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản, tăng cường các hình thức giáo dục di sản phù hợp trong và ngoài trường học:

2.1. Mở các lớp truyền dạy tại cộng đồng :

- Lựa chọn các cá nhân có năng khiếu để đào tạo đội ngũ nghệ nhân kế cận có trình độ và hiểu biết về thực hành, trao truyền bài hát Then cổ; nhân rộng mô hình truyền dạy, đối tượng tham gia; tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, phương pháp bảo tồn di sản của đội ngũ công chức văn hóa xã, cán bộ thôn, chủ nhiệm các câu lạc bộ liên quan đến di sản.

- Nội dung truyền dạy, thực hành:

Truyền dạy kỹ năng, kỹ thuật, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản để bảo tồn sống trong cộng đồng: bài giảng về giá trị của di sản, phương pháp bảo tồn di sản trong cộng đồng, phương pháp ứng dụng di sản thực hành Then, Tày vào việc phát triển du lịch cộng đồng.

Trao truyền, hướng dẫn thực hành di sản trong cộng đồng do nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian trên địa bàn, trực tiếp truyền dạy cho các thế hệ trong cộng đồng; xây dựng được mô hình hoặc Câu lạc bộ bảo tồn sau khi kết thúc thời gian truyền dạy.

- Đối tượng tham gia: Nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian, người am hiểu, hạt nhân tiêu biểu trong cộng đồng.

- Chương trình mở 04 lớp, mỗi lớp 20 học viên và người hướng dẫn, tổ chức truyền dạy trong 3 ngày.

- Địa điểm tổ chức: Lựa chọn trong các địa điểm khảo sát, mỗi năm tổ chức ở một địa phương đang nắm giữ di sản.

2.2. Tăng cường đưa di sản vào trường học, tuyên truyền nâng cao sự tự hào dân tộc của học sinh trong cộng đồng đang nắm giữ di sản:

- Mở lớp truyền dạy cho giáo viên Tiểu học và Trung học cơ sở dạy Thực hành Then; Nghi lễ và trò chơi kéo co:

Nội dung: Truyền dạy về nội dung, ý nghĩa, giá trị của di sản cho đội ngũ giáo viên; tổ chức thực hành cho đội ngũ giáo viên do nghệ nhân trực tiếp hướng dẫn thực hành hát Then đàn tính dân tộc Tày, trải nghiệm cách thức làm đàn tính truyền thống của người Tày; nghi lễ và trò chơi kéo co của dân tộc Tày, Giáy; trải nghiệm thực tế tại cộng đồng đang nắm giữ di sản.

Chương trình: mở 2 lớp/2 di sản.

Số lượng: 50 học viên/lớp.

Đối tượng: Giáo viên tiểu học và trung học cơ sở.

Địa điểm: Khảo sát lựa chọn tổ chức tại địa phương.

- Xây dựng 02 câu lạc bộ hát then đàn tính trong nhà trường: lựa chọn 20 học sinh xây dựng câu lạc bộ do nghệ nhân ưu tú truyền dạy tại các huyện Bảo Yên, Bắc Hà,Văn Bàn, Bát Xát.

3. Tôn vinh, khen thưởng các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản:

3.1. Tọa đàm đánh giá hiệu quả triển khai thực hiện chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại :

- Thời gian: vào dịp ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11/2025.

- Địa điểm tổ chức: Bảo tàng tỉnh Lào Cai.

- Đối tượng: 120 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Bảo tàng tỉnh; Hội Văn học nghệ thuật, UBND huyện; Phòng Văn hóa Thông tin cấp huyện; UBND xã có cộng đồng đang nắm giữ di sản; Nghệ nhân ưu tú trên địa bàn tỉnh; nghệ nhân dân gian, các hạt nhân tiêu biểu tham gia trực tiếp vào kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa đại diện của nhân loại của giai đoạn 2021 - 2025; giáo viên, học sinh tiêu biểu trong công tác tìm hiểu và tuyên truyền về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh;….

- Nội dung:

Kết quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và định hướng các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới (tài liệu giấy, tài liệu phim, ảnh).

Trao đổi của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các sở, ban, ngành liên quan; các nghệ nhân, đại biểu tham dự.

3.2. Khen thưởng các nghệ nhân, cá nhân, tổ chức có thành tích tham gia thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của chương trình giai đoạn 2021-2025:

- Đề nghị Bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh.

- Giấy khen của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3.3. Tổ chức tham quan thực tế học hỏi mô hình và phương pháp bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa đại diện của nhân loại :

- Địa điểm: lựa chọn học hỏi mô hình tại Phú Thọ hoặc Tuyên Quang.

- Đại biểu tham dự: Lựa chọn nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian, các cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện tổ chức Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Văn học Nghệ thuật; một số nhà nghiên cứu.

4. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quảng bá về giá trị di sản:

- Xây dựng phim tài liệu giới thiệu về di sản, quảng bá trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lào Cai.

- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Lào Cai tham gia quay phim, đưa tin, bài quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng; Xây dựng chuyên mục giới thiệu về các di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia trên Website.

- Thường xuyên cập nhật, viết bài đưa tin quảng bá di sản trên Website của tỉnh, của ngành, Báo Lào Cai và các báo chuyên ngành có liên quan.

5. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa:

- Tăng cường quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên địa bàn tỉnh Lào Cai, bảo đảm thực hành đúng nội dung, không gian văn hóa của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, làm sai lệch bản chất di sản và có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hiện tượng lợi dụng danh hiệu của di sản, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi, làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của cộng đồng, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự đa dạng văn hóa và sự đối thoại văn hóa giữa các cộng đồng.

- Hàng năm triển khai các nhiệm vụ trọng tâm công tác bảo tồn và phát huy di sản được ghi danh vào các danh sách của UNESCO trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện các chương trình bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa trong cộng đồng, góp phần phát huy giá trị của di sản vào đời sống kinh tế, văn hóa, du lịch.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

6. Kinh phí thực hiện:

Các cơ quan, đơn vị căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng dự toán kinh phí thực hiện hàng năm, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Là đơn vị chủ trì triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào các danh sách của UNESCO giai đoạn 2021-2025; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về chất lượng, hiệu quả, tiến độ thực hiện kế hoạch.

- Xây dựng dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt; thực hiện thanh quyết toán kinh phí theo quy định.

2. Sở Tài chính:

Cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch trên cơ sở khả năng cân đối của ngân sách.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức giáo dục di sản trong trường học.

4. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Lào Cai:

- Xây dựng phim tài liệu về di sản văn hóa quảng bá trên Đài Phát thanh và Truyền hình.

- Xây dựng chuyên mục giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

trên Website: http://laocaitv.vn/ của Đài Phát thanh và Truyền hình.

- Tổ chức tuyên truyền, quảng bá di sản trên các phương tiện thông tin đại chúng.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã: Đẩy mạnh hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa tại địa phương; Phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch tại địa phương.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào các danh sách của UNESCO giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai; căn cứ Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- TT. UBND tỉnh;
- Cục Di sản Văn hóa;
- Các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài Chính; Giáo dục và Đào tạo;
- Báo Lào Cai, Đài PT - TH tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu VT, VX3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Giàng Thị Dung

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 421/KH-UBND năm 2021 triển khai nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào danh sách của UNESCO giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Lào Cai ban hành

  • Số hiệu: 421/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 16/12/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Giàng Thị Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/12/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản