Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/NQ-HĐND

Cần Thơ, ngày 27 tháng 3 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ THÔNG QUA ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ MƯỜI LĂM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Du lịch số 44/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Sau khi xem xét Tờ trình số 09/TTr-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc đề nghị thông qua Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 100/BC-HĐND-VHXH ngày 17 tháng 3 năm 2015 của Ban văn hóa - xã hội; ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ thống nhất thông qua Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch

- Thứ nhất, hạ tầng và đô thị, thành phố Cần Thơ (TP. Cần Thơ) có hệ thống hạ tầng kỹ thuật phát triển khá cao trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tuy nhiên hệ thống hạ tầng của TP. Cần Thơ vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững về du lịch để TP. Cần Thơ thực sự là trung tâm trung chuyển khách của cả vùng.

- Thứ hai, tài nguyên du lịch, Cần Thơ phát triển nhiều loại hình du lịch, chủ yếu là du lịch sông nước, miệt vườn, chợ nổi, du lịch hội nghị, hội thảo,… Tuy nhiên, chưa quan tâm phát triển những sản phẩm, loại hình du lịch có thế mạnh là đô thị trung tâm vùng. TP. Cần Thơ còn thiếu các khu trung tâm dịch vụ du lịch đô thị, khu vui chơi giải trí quy mô, hiện đại để thu hút khách du lịch.

- Thứ ba, cơ sở vật chất phát triển du lịch, thành phố còn thiếu hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, resort, trung tâm hội nghị, nhà hàng, trung tâm ẩm thực,… cao cấp, mang tầm quốc tế để thu hút và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

- Thứ tư, nguồn nhân lực ngành du lịch TP. Cần Thơ đã có những bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực vẫn là một thách thức lớn đối với ngành Du lịch TP. Cần Thơ, đặc biệt vẫn còn thiếu chuyên gia, cán bộ quản lý nhà nước về du lịch và đội ngũ tác nghiệp trực tiếp với khách du lịch như hướng dẫn viên, thuyết minh viên có năng lực và trình độ chuyên môn cao,…

- Thứ năm, đầu tư phát triển du lịch, Cần Thơ còn nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là chưa thu hút các dự án có quy mô lớn. Còn thiếu các nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch TP. Cần Thơ, có nhiều dự án đang đầu tư nhưng chậm triển khai.

- Thứ sáu, cạnh tranh phát triển du lịch, thành phố có nhiều lợi thế cạnh tranh để phát triển du lịch, tuy nhiên, năng lực cạnh tranh còn thấp, công tác quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng du lịch TP. Cần Thơ.

2. Quan điểm phát triển du lịch

- Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng dựa trên những lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của vùng và cả nước. Phát triển du lịch theo hướng bền vững, phát huy thế mạnh của địa phương.

- Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, phát huy tối đa tiềm năng trong đó đặc biệt chú trọng phát triển du lịch đô thị và liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng và lân cận.

- Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.

3. Mục tiêu phát triển du lịch

a) Mục tiêu chung

Phấn đấu đến năm 2020, du lịch TP. Cần Thơ cơ bản trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ, làm động lực thúc đẩy phát triển các ngành khác cũng như kinh tế - xã hội của toàn thành phố, là trung tâm phát triển du lịch của ĐBSCL, tạo tiền đề đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh và trở thành một điểm đến hấp dẫn và là một trong các trung tâm phát triển du lịch của cả nước.

b) Mục tiêu cụ thể

- Khách du lịch: Năm 2020 thu hút 450 nghìn lượt khách quốc tế, phục vụ 1,8 triệu lượt khách nội địa; năm 2030 thu hút 900 nghìn lượt khách quốc tế, phục vụ 3 triệu lượt khách nội địa.

- Tổng doanh thu từ khách du lịch: Năm 2020 đạt khoảng 3.610 tỷ đồng; năm 2030 đạt khoảng 12.726 tỷ đồng.

- Giá trị du lịch: Năm 2020 giá trị GDP du lịch đạt khoảng 2.625 tỷ đồng; năm 2030 đạt khoảng 8.190 tỷ đồng.

- Cơ sở vật chất phát triển du lịch: Năm 2020 cần 10.900 buồng lưu trú với ít nhất 2 khách sạn 5 sao; năm 2030 cần 20.800 buồng lưu trú với ít nhất 4 khách sạn 5 sao.

- Nhu cầu vốn đầu tư: Đến năm 2020 khoảng 8.810 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 17.693 tỷ đồng.

- Lao động và việc làm: Phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo 39.300 lao động trong lĩnh vực du lịch (trong đó có 13.100 lao động trực tiếp); năm 2030 có 99.900 lao động (trong đó có 33.300 lao động trực tiếp).

4. Định hướng phát triển du lịch

a) Phát triển thị trường và sản phẩm du lịch

- Thị trường khách du lịch:

+ Thị trường khách quốc tế:

. Nhóm thị trường ưu tiên phát triển gồm các quốc gia và vùng lãnh thổ gần Việt Nam nói chung và Cần Thơ nói riêng như một số phân đoạn thuộc thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan), thị trường Đông Nam Á (ASEAN).

. Nhóm thị trường truyền thống: Là thị trường đã được khai thác phát triển khá lâu, tương đối ổn định như các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, châu Đại Dương và Nhật Bản.

. Nhóm thị trường mở rộng: Tập trung các nước Trung Đông, Ấn Độ, … Dòng khách này có thể khai thác theo dọc hành lang Đông Tây, sông Mê Kông, trong khuôn khổ GMS, …

- Thị trường khách nội địa:

Khai thác tốt thị trường nội vùng ĐBSCL, tập trung phát triển thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ, mở rộng phát triển khai thác thị trường Hà Nội, Đồng bằng sông Hồng và thành phố Đà Nẵng. Các phân đoạn thị trường quan trọng là khách du lịch thương mại, công vụ, khách du lịch đô thị, thị trường trung chuyển khách du lịch đi các tỉnh ĐBSCL.

- Sản phẩm chủ yếu:

+ Du lịch đô thị: Tập trung phát triển khu vực Bến Ninh Kiều, sau đó mở rộng phát triển trong quận Ninh Kiều và các khu vực khác lân cận như quận Ô Môn.

+ Du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch thương mại, hội chợ tập trung khu vực quận Ninh Kiều, giai đoạn sau năm 2020 có thể mở rộng thêm quận Bình Thủy, quận Ô Môn.

+ Du lịch nghỉ dưỡng ở khu vực Cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt).

+ Du lịch văn hóa: Tham quan, lễ hội, di tích lịch sử tại các quận, huyện: Ninh Kiều, Bình Thủy, Phong Điền.

+ Du lịch sinh thái miệt vườn huyện Phong Điền.

+ Du lịch sinh thái sông nước: Cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt); Cồn Sơn (quận Bình Thủy); quận Cái Răng.

+ Du lịch sinh thái đường sông dọc sông Hậu và sông Cần Thơ.

+ Các hoạt động vui chơi giải trí đô thị quận Ninh Kiều, quận Cái Răng; vui chơi giải trí cao cấp ở Cồn Ấu, Cồn Cái Khế.

Trong đó xác định du lịch đô thị, thương mại, công vụ và trung chuyển khách du lịch là định hướng mũi nhọn của Cần Thơ.

b) Tổ chức không gian du lịch

- Không gian du lịch:

+ Không gian du lịch trung tâm, là không gian du lịch đóng vai trò đầu mối điều hành hoạt động du lịch toàn thành phố. Về mặt lãnh thổ, không gian du lịch này bao gồm không gian lãnh thổ Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Phong Điền. Hướng khai thác du lịch tại không gian này tập trung vào những khu vực:

. Ưu tiên phát triển du lịch đô thị tại trung tâm nội đô, tập trung ở khu vực quận Ninh Kiều.

. Phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch tâm linh tại khu vực huyện Phong Điền.

. Phát triển du lịch sinh thái sông nước, vui chơi giải trí cao cấp tại Cồn Sơn và Cồn Ấu.

. Phát triển dịch vụ du lịch kết hợp với dịch vụ đô thị tại khu vực Nam Cần Thơ (quận Cái Răng).

+ Không gian du lịch phía Tây, là không gian du lịch quan trọng và là đối trọng của không gian du lịch trung tâm trong tương lai. Về lãnh thổ, không gian du lịch này bao trùm các quận Ô Môn, Thốt Nốt và các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh. Định hướng khai thác du lịch tại không gian này tập trung vào:

. Phát triển du lịch sinh thái sông nước cộng đồng (Cù lao Tân Lộc).

. Phát triển du lịch nông nghiệp (Viện lúa ĐBSCL và các nông trường).

. Phát triển du lịch làng nghề (quận Thốt Nốt).

. Phát triển du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện (tại đô thị mới quận Ô Môn, sau năm 2020).

- Địa bàn trọng điểm phát triển du lịch:

+ Quận Ninh Kiều (mở rộng về phía Cồn Khương, Bình Thủy): Chú trọng phát triển du lịch đô thị; du lịch thương mại, công vụ, tham quan di tích lịch sử văn hóa, tâm linh.

+ Huyện Phong Điền: Du lịch sinh thái miệt vườn, đô thị du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, tâm linh; tham quan chợ nổi.

+ Cồn Ấu: Nghỉ dưỡng cao cấp; vui chơi giải trí cao cấp.

+ Cồn Sơn: Du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng sông nước.

+ Cù lao Tân Lộc: Du lịch sinh thái cộng đồng sông nước.

c) Tổ chức hệ thống các tuyến du lịch

- Tuyến du lịch nội thành:

+ Tuyến du lịch Lộ Vòng Cung;

+ Tuyến du lịch Ninh Kiều - Phong Điền;

+ Tuyến du lịch Ninh Kiều - Cái Răng;

+ Tuyến du lịch Ninh Kiều - Bình Thủy - Ô Môn - Thốt Nốt;

+ Tuyến du lịch Ninh Kiều - Bình Thủy - Thới Lai - Cờ Đỏ - Vĩnh Thạnh;

+ Tuyến du lịch Ninh Kiều - Cờ Đỏ - Vĩnh Thạnh - Thốt Nốt;

+ Tuyến du lịch đường sông Ninh Kiều - Cái Răng - Phong Điền - Bình Thủy;

+ Tuyến du lịch đường sông Ninh Kiều - Cồn Ấu - Cồn Sơn - Cù lao Tân Lộc.

- Tuyến du lịch nội vùng ĐBSCL:

+ Tuyến du lịch Cần Thơ - Vĩnh Long - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh -
Sóc Trăng;

+ Tuyến du lịch Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau - Hậu Giang - Cần Thơ;

+ Tuyến du lịch Cần Thơ - Cà Mau - Kiên Giang - Cần Thơ;

+ Tuyến du lịch Cần Thơ - Kiên Giang - An Giang - Đồng Tháp - Vĩnh Long - Cần Thơ.

- Tuyến du lịch quốc gia và quốc tế: Các tuyến du lịch quốc gia và quốc tế qua Cần Thơ theo đường bộ là các tuyến theo các trục Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 91. Các tuyến đường thủy là dọc sông Mê Kông đi Phnôm Pênh và trong tương lai là tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - An Giang - Phnôm Pênh.

- Tuyến du lịch đường hàng không:

+ Các tuyến du lịch đường hàng không nội địa từ TP. Cần Thơ đi: Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Côn Đảo.

+ Các tuyến du lịch đường hàng không quốc tế từ TP. Cần Thơ đi: Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.

d) Đầu tư phát triển du lịch

- Mục tiêu đầu tư:

+ Phát triển TP. Cần Thơ thực sự trở thành trung tâm du lịch của vùng và quốc gia.

+ Tập trung phát triển du lịch đô thị và du lịch thương mại, công vụ.

+ Tăng cường khả năng kết nối các đầu mối giao thông liên vùng.

+ Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các nhà vườn, làng du lịch, chợ nổi.

+ Phát triển du lịch sinh thái sông nước tại các cồn trên sông Hậu.

+ Phát triển các di tích lịch sử văn hóa, các làng nghề, ...

+ Đa dạng hóa các hình thức du lịch và nghỉ dưỡng, mở rộng các tuyến du lịch sinh thái, sông nước.

+ Phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ của hệ thống khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ vui chơi giải trí trong khu vực đô thị.

- Phân kỳ đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm

TT

Chương trình, dự án đầu tư

Tổng nhu cầu đầu tư

Phân đoạn đầu tư

Đến 2020

2021 - 2025

2026 -2030

A

Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch

Tỷ đồng

 

 

 

1

Trung tâm dịch vụ du lịch đô thị và hạ tầng đô thị phục vụ phát triển du lịch (Ninh Kiều)

1.000

810

190

0

2

Trung tâm văn hóa Tây Đô

1.910

525

860

525

3

Đô thị du lịch sinh thái Phong Điền

2.383,5

420

493,5

1.470

4

Các dự án Khách sạn 5 sao

2.400

1.600

800

0

5

Dự án du lịch sinh thái sông nước Cồn Sơn

1.360

940

210

210

6

Dự án phát triển du lịch và dịch vụ vui chơi giải trí Cồn Ấu

5.250

1.155

1.050

3.045

7

Dự án du lịch sinh thái cộng đồng Cù lao Tân Lộc

850

640

105

105

8

Trung tâm Dịch vụ du lịch đô thị Nam Cần Thơ

1.890

315

525

1.050

9

Các dự án đầu tư các khu du lịch khác

4.775,5

1.271

1.720

1.785

B

Chương trình khác

 

 

 

 

1

Chương trình bảo vệ môi trường, bảo tồn, tôn tạo tài nguyên du lịch

420

168

126

126

2

Chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao nhận thức

210

84

63

63

3

Chương trình quảng bá xúc tiến du lịch, trong đó:

357

147

105

105

 

- Xây dựng (rà soát, cập nhật định kỳ) Chiến lược sản phẩm - thị trường

5

3

1

1

 

- Xây dựng trung tâm thông tin du lịch

40

30

5

5

 

- Tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá, văn phòng đại diện du lịch Cần Thơ tại các thị trường trọng điểm.

312

114

99

99

4

Chương trình phát triển hạ tầng phục vụ du lịch

3.696

735

735

2.226

Tổng cộng:

26.502

8.810

6.983

10.710

Nguồn vốn ngân sách (ngân sách Trung ương, địa phương và vốn ODA) chủ yếu tập trung cho các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường, bảo tồn, tôn tạo tài nguyên và xúc tiến, quảng bá (chiếm từ 8% - 10% tổng vốn đầu tư). Nguồn vốn đầu tư cho cơ sở vật chất, xúc tiến, quảng bá chủ yếu là vốn doanh nghiệp, vốn xã hội hóa và vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 90% - 92% tổng vốn đầu tư).

5. Giải pháp thực hiện

a) Nhóm giải pháp về đầu tư và thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch

- Giải pháp đầu tư: Đầu tư xây dựng quy hoạch, dự án các khu, điểm du lịch trọng điểm; phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, phát huy thế mạnh đô thị vùng; xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở lưu trú, khu vui chơi, giải trí phong phú, đa dạng; bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa lịch sử, cách mạng; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường đảm bảo phát triển du lịch; tập trung đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.

- Giải pháp về huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch: Tập trung đầu tư hạ tầng phát triển du lịch từ nguồn ngân sách nhà nước (Trung ương và địa phương); xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng, tăng cường cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư để thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch; thực hiện xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch; tổ chức các diễn đàn đối thoại giữa chính quyền và các nhà đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch.

b) Nhóm giải pháp hợp tác, liên kết

Thực hiện tốt, có hiệu quả sự liên kết giữa các địa phương, các ngành, các tổ chức kinh tế của thành phố, cả nước và quốc tế để tập trung phát triển ngành Du lịch TP. Cần Thơ theo hướng toàn diện và bền vững.

c) Nhóm giải pháp xúc tiến, quảng bá

Tập trung nâng cao trình độ, năng lực, đổi mới phương pháp đảm bảo chất lượng và hiệu quả trong hoạt động xúc tiến, quảng bá về du lịch TP. Cần Thơ.

d) Nhóm giải pháp tăng cường năng lực quản lý nhà nước về du lịch

Nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ lãnh đạo, quản lý du lịch; phối hợp chặt chẽ giữa ngành Du lịch và các ngành chức năng để thực hiện có hiệu quả các dự án, quy hoạch phát triển du lịch; xây dựng hệ thống thông tin quản lý du lịch theo quy trình quy định.

đ) Nhóm giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch

Nâng cấp, đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo du lịch; phát triển đội ngũ giáo viên, nội dung chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển của thành phố; thu hút, đào tạo chuyên gia quản lý du lịch; đẩy mạnh liên kết đào tạo trong và ngoài nước để phát triển nguồn nhân lực du lịch; thực hiện xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực du lịch; thường xuyên kiểm tra chất lượng đào tạo đội ngũ lao động du lịch đáp ứng các tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định.

e) Nhóm giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ

Phát huy có hiệu quả các đề tài, đề án, kết quả nghiên cứu về du lịch đã được nghiệm thu, đồng thời tiếp tục nghiên cứu để có thêm nhiều đề tài, đề án về đổi mới phương pháp quản lý, điều hành, có những giải pháp đột phá phát triển toàn diện, bền vững du lịch TP. Cần Thơ; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý du lịch TP. Cần Thơ, kết nối các hệ thống thông tin quản lý du lịch của vùng, quốc gia và các trung tâm thông tin trong và ngoài nước.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 67/2006/NQ-HĐND ngày 21 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc thông qua quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khóa VIII, kỳ họp lần thứ mười lăm (họp chuyên đề) thông qua ngày 27 tháng 3 năm 2015 và được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Hiểu

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị Quyết 29/NQ-HĐND năm 2015 về thông qua Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 29/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 27/03/2015
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Phạm Văn Hiểu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản