Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 659/KH-UBND | Bắc Kạn, ngày 03 tháng 10 năm 2023 |
Thực hiện Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 - 2030”, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2023 - 2030, với các nội dung như sau:
1. Mục tiêu chung
- Bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm (ATTP) trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật.
- Xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với gia súc, gia cầm trên địa bản tỉnh, phục vụ tiêu dùng trong tỉnh, trong nước, đảm bảo sức khỏe người dân và hướng tới xuất khẩu.
- Kiểm soát thuốc, vắc xin thú y bảo đảm đạt yêu cầu chất lượng, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh động vật, an toàn thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc.
- Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý chuyên ngành thú y, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Về tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người, giai đoạn 2023 - 2030:
- Xây dựng cơ sở, vùng ATDB đối với bệnh Cúm gia cầm (CGC), Newcastle,... theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
+ Đến năm 2025, có 04 cơ sở ATDB được công nhận; cụ thể: Huyện Chợ Mới 02 cơ sở, huyện Chợ Đồn 01 cơ sở và thành phố Bắc Kạn 01 cơ sở.
+ Từ năm 2026 đến năm 2030, các cơ sở ATDB tiếp tục được duy trì, có 6 xã xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát bệnh CGC và Newcastle... tiến tới xây dựng các địa phương này được công nhận ATDB.
- Xây dựng cơ sở, vùng ATDB đối với bệnh Lở mồm long móng (LMLM), Dịch tả lợn cổ điển (DTCĐ) và Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
+ Đến năm 2025, có 05 cơ sở ATDB được công nhận đối với các bệnh LMLM, DTCĐ và DTLCP; cụ thể: Huyện Chợ Mới 01 cơ sở, huyện Chợ Đồn 01 cơ sở, huyện Na Rì 02 cơ sở, huyện Bạch Thông 01 cơ sở.
+ Từ năm 2026 đến năm 2030, các cơ sở ATDB tiếp tục được duy trì, có 10 xã xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát bệnh LMLM, DTCĐ và DTLCP tiến tới xây dựng các vùng này được công nhận ATDB.
- Xây dựng, duy trì vùng ATDB Dại động vật theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
+ Đến năm 2025: Duy trì 02 vùng đã được công nhận và còn hiệu lực: Phường Đức Xuân và Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn.
+ Từ năm 2026 đến năm 2030: (i) Thành phố Bắc Kạn đảm bảo 04 phường nội thị đạt vùng ATDB Dại; (ii) Huyện Ba Bể có 03 xã, thị trấn đạt vùng ATDB Dại (thị trấn Chợ Rã, xã Khang Ninh và Nam Mẫu); (iii) các huyện còn lại xây dựng khoảng 8 xã, thị trấn (cấp xã) đạt vùng ATDB đối với bệnh Dại (gồm huyện Chợ Đồn 4 xã; Chợ Mới 1 xã; Na Rì 1 xã; Ngân Sơn 1 xã; Bạch Thông 1 xã).
b) Về tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật, giai đoạn 2023 - 2030:
- Xây dựng Trạm kiểm soát liên ngành trên Quốc lộ 3 mới Chợ Mới - Thái Nguyên.
- Xây dựng các cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh: Rà soát, quy hoạch, xây dựng ít nhất 08 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung quy mô vừa, quy mô nhỏ tại Trung tâm các huyện và thành phố Bắc Kạn.
- Thực hiện Chương trình giám sát ATTP đối với thịt lợn, thịt gia cầm và các sản phẩm động vật dùng làm thực phẩm do Cục Thú y, Cục Chăn nuôi chủ trì triển khai trên địa bàn tỉnh.
c) Về nâng cao năng lực quản lý thuốc, vắc xin thú y đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả, giai đoạn 2023 - 2030:
Hằng năm, có ít nhất 10% thuốc, vắc xin thú y lưu hành trên thị trường thuộc địa bàn tỉnh được giám sát chất lượng, đánh giá hiệu lực; phấn đấu trên 50% các cửa hàng buôn bán thuốc thú y được kiểm tra, giám sát.
d) Về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thú y, giai đoạn 2023 - 2030:
- Tham gia xây dựng Kho dữ liệu số dùng chung của ngành thú y và tích hợp với dữ liệu dùng chung của ngành Nông nghiệp và PTNT.
- Thực hiện kết nối với các Hệ thống trực tuyến phục vụ công tác báo cáo, phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản đến cấp huyện, xã;
- Kết nối Hệ thống trực tuyến phục vụ công tác kiểm dịch động vật; hệ thống trực tuyến phục vụ công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm (ATTP); hệ thống trực tuyến phục vụ công tác quản lý thuốc thú y của Cục Thú y theo quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM GIAI ĐOẠN 2023-2030
a) Xác định và thiết lập cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) phù hợp với quy hoạch của tỉnh, các quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch và quy định của Tổ chức thú y thế giới (WOAH/OIE).
b) Thông tin tuyên truyền, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về phòng, chống dịch bệnh, vùng, cơ sở ATDB theo tiêu chuẩn của Việt Nam và của WOAH; giám sát, chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật.
c) Chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý chăn nuôi bảo đảm ATDB.
d) Hằng năm, tổ chức giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cao; tổ chức triển khai giám sát, lấy mẫu xét nghiệm chứng nhận ATDB, an toàn thực phẩm (ATTP); mua vắc xin, hóa chất và tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi tại vùng ATDB, vùng đệm; xây dựng hồ sơ, thẩm định hồ sơ công nhận vùng, cơ sở ATDB.
đ) Tổ chức kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào vùng ATDB, vùng đệm; kiểm soát giết mổ động vật, vệ sinh thú y bảo đảm an toàn dịch bệnh. g) Duy trì, nâng cấp phần mềm quản lý dữ liệu bảo đảm yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
h) Hằng năm xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh để có các giải pháp ứng phó khi phát hiện dịch bệnh động vật.
i) Duy trì, tăng cường và củng cố năng lực hệ thống thú y từ tỉnh đến cấp xã, đảm bảo mục tiêu theo Kế hoạch số 386/KH-UBND ngày 30/6/2021của UBND tỉnh về triển khai Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
k) Áp dụng công nghệ mới trong nghiên cứu, quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật. l) Tổ chức giám sát, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết.
a) Tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, ATTP
- Hoàn thành xây dựng Trạm kiểm soát liên ngành trên Quốc lộ 3 mới Chợ Mới - Thái Nguyên trong năm 2023.
- Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ công tác xét nghiệm các đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y và ATTP.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ động vật, sản phẩm lưu thông trên thị trường. Thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với động vật và sản phẩm của động vật kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
b) Giám sát vệ sinh thú y, ATTP đối với sản phẩm động vật tiêu dùng trong tỉnh.
- Thực hiện giám sát vệ sinh thú y, ATTP (vi sinh vật, tồn dư hóa chất, thuốc thú y, chất cấm,...) tại các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
- Đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác giám sát, kiểm tra vệ sinh thú y, ATTP.
c) Xây dựng và triển khai chương trình thông tin, tuyên truyền về vệ sinh thú y, ATTP.
d) Tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin với các địa phương trên cả nước về quản lý kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và ATTP đối với động vật, sản phẩm động vật.
a) Tăng cường năng lực quản lý thuốc, vắc xin thú y.
- Rà soát, cập nhật, góp ý các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuốc, vắc xin thú y.
- Tăng cường năng lực và định kỳ tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý thuốc thú y tại các huyện, thành phố và cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc, vắc xin thú y.
- Rà soát, kiện toàn, bổ sung nhân lực, tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý thuốc thú y cho các công chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo quy định.
b) Giám sát chất lượng thuốc thú y.
- Thực hiện các chương trình giám sát thuốc thú y do Cục Thú y chủ trì như: Giám sát chất lượng thuốc thú y có chứa hoạt chất thuộc nhóm kháng sinh đặc biệt quan trọng; giám sát chất lượng hóa chất sát trùng, khử trùng trong thú y;
- Giám sát chất lượng, đánh giá hiệu lực các loại vắc xin do ngân sách nhà nước hỗ trợ trên địa bàn tỉnh (vắc xin Dại động vật, xin Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục) và một số loại vắc xin quan trọng khác.
c) Giám sát sử dụng kháng sinh và kháng thuốc
Thực hiện các chương trình giám sát thuốc thú y do Cục Thú y, Cục Chăn nuôi chủ trì như: Giám sát việc phối trộn và sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi; Kiểm tra, giám sát việc kê đơn, bán và sử dụng thuốc thú y theo đơn; Xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát kháng thuốc.
a) Xây dựng, sử dụng kho dữ liệu số dùng chung của ngành Thú y.
- Dữ liệu về đối tượng làm thủ tục dịch vụ công (người dân, doanh nghiệp, các cơ quan liên quan); dữ liệu về đối tượng xử lý thủ tục (công chức, viên chức ngành thú y); hồ sơ, kết quả xử lý; hệ thống văn bản tài liệu pháp lý.
- Dữ liệu chuyên ngành thú y: Về phòng, chống dịch bệnh động vật; chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật; kiểm dịch vận chuyển trong nước, xuất khẩu, động vật, sản phẩm động vật; giết mổ động vật, vệ sinh thú y, ATTP; kinh doanh, sử dụng thuốc thú y và kháng thuốc; thống kê và báo cáo số liệu thống kê ngành.
- Sử dụng bộ công cụ quản lý, phân tích dữ liệu, phục vụ tác nghiệp; kết nối kho dữ liệu dùng chung của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Sử dụng hiệu quả hệ thống trực tuyến báo cáo dịch bệnh động vật.
Tiếp tục kết nối, sử dụng hiệu quả hệ thống VAHIS để: Báo cáo dịch bệnh, quản lý thông tin về kết quả giám sát dịch bệnh trên động vật; dữ liệu chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật; dữ liệu về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật; dữ liệu về quản lý chó, mèo nuôi và phòng, chống bệnh Dại trên chó, mèo; thông tin dịch bệnh động vật hoang dã; kết nối với hệ thống dữ liệu các cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan, dữ liệu dịch bệnh của Tổ chức thú y thế giới.
c) Kết nối hệ thống trực tuyến phục vụ công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật do Cục Thú y thực hiện.
- Kết nối hệ thống trực tuyến quản lý thông tin về trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, kiểm dịch vận chuyển, lưu thông trong nước.
- Kết nối hệ thống trực tuyến quản lý thông tin kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu, nhập khẩu.
d) Kết nối hệ thống trực tuyến phục vụ công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, ATTP do Cục Thú y thực hiện.
Thực hiện kết nối hệ thống trực tuyến quản lý cơ sở dữ liệu về giết mổ động vật, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật, vệ sinh thú y và ATTP.
đ) Kết nối hệ thống trực tuyến phục vụ công tác quản lý thuốc.
Thực hiện kết nối hệ thống trực tuyến quản lý thông tin về quản lý thuốc và vắc xin thú y được xây dựng trên cơ sở kết nối, liên thông với Dịch vụ công trực tuyến và Một cửa quốc gia nhằm đảm bảo thực hiện được các nhiệm vụ chuyên môn về quản lý thuốc thú y.
e) Nâng cấp cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh động vật chỉ đạo điều hành của ngành thú y.
- Thiết lập (thuê) cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin và dịch vụ vận hành cho các hệ thống trực tuyến chuyên ngành thú y nêu trên đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt và đáp ứng yêu cầu hoạt động 24/24h.
- Cử công chức, viên chức tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, sử dụng, duy trì các Hệ thống trực tuyến do Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức theo quy định.
1. Ngân sách tỉnh: Đảm bảo kinh phí cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ chi của các cơ quan cấp tỉnh trong đó có Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Ngân sách huyện, thành phố: Đảm bảo kinh phí cho các hoạt động của cấp huyện trong việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hoặc bố trí kinh phí lồng ghép với các nguồn kinh phí thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
3. Kinh phí do doanh nghiệp, chủ cơ sở chăn nuôi trang trại: Tự đảm bảo kinh phí tổ chức xây dựng, đánh giá, chứng nhận, duy trì ATDB theo quy định hiện hành; cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới cơ sở giết mổ; kinh phí lấy mẫu, xét nghiệm mẫu khi thực hiện kiểm dịch; phí, lệ phí kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giểt mổ.
4. Các nguồn vốn hợp pháp khác
Kinh phí do các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, xã hội hoá và từ các nguồn vốn hợp pháp khác.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Đối với Kế hoạch tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người, giai đoạn 2023 - 2030
- Chủ trì tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định, chính sách về phòng, chống dịch bệnh, ATDB động vật.
- Hằng năm xây dựng và triển khai xây dựng cơ sở, vùng ATDB theo đúng quy định của Luật Thú y, Thông tư số 24/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật và quy định của Tổ chức thú y thế giới (WOAH/OIE) nếu có.
- Hướng dẫn, giám sát, đôn đốc các địa phương, các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi kiểm soát tốt các loại dịch bệnh; hướng dẫn tổ chức xây dựng, đánh giá, công nhận cơ sở, vùng ATDB theo quy định của Việt Nam và WOAH (nếu có).
- Hàng năm, xây dựng kế hoạch chi tiết về giám sát dịch bệnh, giám sát sau tiêm phòng, lấy mẫu xét nghiệm để chứng minh cơ sở, vùng ATDB thuộc chương trình của tỉnh.
- Hằng năm tổ chức tập huấn bổ sung, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho thú y viên cấp xã đáp ứng yêu cầu kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh từ cơ sở.
- Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào vùng ATDB, vùng đệm; kiểm soát giết mổ động vật, vệ sinh thú y trong vùng ATDB, vùng đệm, bảo đảm không để dịch bệnh xâm nhiễm từ ngoài vào bên trong, lây lan trong vùng, lây lan giữa các vùng.
b) Đối với Kế hoạch tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật, giai đoạn 2023 - 2030.
- Chủ trì tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Nông nghiệp và PTNT; hằng năm xây dựng kế hoạch giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; thực hiện giám sát vệ sinh thú y, ATTP (vi sinh vật, tồn dư hóa chất, thuốc thú y, chất cấm...) tại các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh trong chuỗi thịt gia súc, gia cầm.
- Hướng dẫn các quy định về quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, kinh doanh sản phẩm thịt gia súc, gia cầm theo quy định; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về kiểm soát giết mổ động vật trên cạn.
- Hằng năm, chủ động triển khai các kế hoạch của Trung ương về giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu ATTP đối với động vật, sản phẩm động vật tiêu dùng trong nước, xuất khẩu. Xây dựng kế hoạch giám sát ATTP, đào tạo nguồn nhân lực thực hiện của tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí kinh phí thực hiện; hướng dẫn các địa phương triển khai, thực hiện giám sát ATTP.
c) Đối với Kế hoạch nâng cao năng lực quản lý thuốc, vắc xin thú y lưu hành trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2030
- Hàng năm, chủ động triển khai các kế hoạch của Cục Thú y, Cục Chăn nuôi về lấy mẫu giám sát chất lượng thuốc thú y, thuốc sát trùng, giám sát kháng thuốc trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; giám sát chất lượng, đánh giá hiệu lực các loại vắc xin.
- Tổ chức thực hiện việc kiểm tra, giám sát kê đơn, bán và sử dụng thuốc thú y theo đơn; giám sát việc phối trộn và sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi.
- Chỉ đạo rà soát, kiện toàn, bổ sung nhân lực, tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý thuốc thú y cho các cán bộ có chuyên môn được giao nhiệm vụ.
d) Về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thú y, giai đoạn 2023 - 2030
- Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, sử dụng kho dữ liệu số dùng chung của ngành Thú y.
- Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, sử dụng (thuê) hạ tầng Công nghệ thông tin, các hệ thống trực tuyến phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; quản lý thuốc thú y; quản lý thông tin thống kê và công tác chỉ đạo điều hành của ngành thú y.
đ) Hằng năm, xây dựng dự toán kinh phí thực hiện các nội dung của Kế hoạch và tổng hợp chung trong dự toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Sở Tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
e) Chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, kiểm tra, thực hiện báo cáo hằng năm, sơ kết và tổng kết việc thực hiện Kế hoạch và báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
2. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai các hoạt động về phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người; phòng chống kháng thuốc, chia sẻ kịp thời thông tin về kháng thuốc trong y tế.
- Tăng cường các biện pháp ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán kháng sinh trong y tế để sử dụng trong nông nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP theo quy định của pháp luật; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan đến mức dư lượng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và các chất tồn dư độc hại có trong thực phẩm có nguồn gốc động vật.
- Phối hợp, chia sẻ thông tin với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý ATTP trong chuỗi cung ứng thực phẩm có nguồn gốc động vật.
3. Sở Tài chính
Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành liên quan, ưu tiên bố trí nguồn vốn trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của ngân sách tỉnh, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cân đối, bố trí kinh phí trong dự toán chi của các cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn để thực hiện.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2023 - 2030 và hàng năm.
5. Sở Công Thương
Phối hợp, chia sẻ thông tin với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý ATTP trong chuỗi cung ứng thực phẩm có nguồn gốc động vật.
6. Cục Quản lý thị trường tỉnh
Phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương, tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm soát, kiểm dịch, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường, các trường hợp kinh doanh thịt gia súc không có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem vệ sinh thú y.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan để hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức triển khai Kế hoạch, bảo đảm phù hợp, đáp ứng mục tiêu, giải pháp phù hợp với Chiến lược phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
- Hỗ trợ kết nối, đồng bộ dữ liệu ngành Nông nghiệp và PTNT (lĩnh vực chuyên ngành thú y) vào hệ thống dữ liệu của tỉnh, Trung ương khi cần.
- Phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về chuyển đổi số trong lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Về tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người, giai đoạn 2023 - 2030
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện, UBND cấp xã, các cơ sở chăn nuôi, doanh nghiệp kiểm soát tốt các loại dịch bệnh; tập trung, ưu tiên bố trí kinh phí, nguồn lực để đẩy mạnh xây dựng kế hoạch chi tiết về giám sát dịch bệnh, giám sát sau tiêm phòng, lấy mẫu xét nghiệm để chứng minh cơ sở, vùng ATDB và kinh phí duy trì vùng, cơ sở ATDB thuộc địa bàn quản lý.
- Chỉ đạo tổ chức kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào vùng ATDB, vùng đệm; kiểm soát giết mổ động vật, vệ sinh thú y trong vùng ATDB, vùng đệm.
b) Đối với kế hoạch tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật, giai đoạn 2023 - 2030.
- Rà soát, quy hoạch, bố trí quỹ đất, kêu gọi tổ chức, cá nhân đầu tư để xây dựng Cơ sở giết mổ động vật tập trung tại địa phương.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị chức năng và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ động vật, sản phẩm động vật vận chuyển, lưu thông trên thị trường; yêu cầu thịt gia súc khi buôn bán, vận chuyển phải có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem vệ sinh thú y. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Chủ động, phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được phân công, được phân cấp quản lý tại địa phương.
c) Đối với kế hoạch nâng cao năng lực quản lý thuốc, vắc xin thú y đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả, giai đoạn 2023 - 2030.
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, đánh giá các cơ sở buôn bán thuốc thú y đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn. Kiểm tra việc kê đơn, bán và sử dụng thuốc thú y theo đơn.
- Phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
d) Đối với nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thú y, giai đoạn 2023 - 2030.
Căn cứ tình hình cụ thể của địa phương để đưa các nội dung, nhiệm vụ về chuyển đổi số lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT vào Kế hoạch thực hiện hằng năm. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng, hoàn thành cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chuyên ngành thú y nói riêng đảm bảo tính đồng bộ, kết nối và chia sẻ dự liệu.
đ) Căn cứ nội dung Kế hoạch, điều kiện thực tế của địa phương, chỉ đạo tổ chức thực hiện bảo đảm kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý chuyên ngành thú y tại địa phương.
e) Hằng năm, bố trí ngân sách cấp huyện và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch tại địa phương.
g) Tổ chức thông tin, tuyên truyền về các nội dung Kế hoạch của địa phương; phát triển các bộ công cụ truyền thông; phổ biến, hướng dẫn, tuyên truyền các nội dung của Kế hoạch của địa phương.
9. Cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chăn nuôi
- Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chăn nuôi (sau đây gọi chung là doanh nghiệp chăn nuôi) có nhu cầu xây dựng vùng, cơ sở ATDB chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn thú y các cấp và các đơn vị liên quan của địa phương lập kế hoạch/đề án xây dựng chuỗi chăn nuôi ATDB.
- Kê khai hoạt động chăn nuôi theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tuyển chọn, bố trí nguồn nhân lực đã được đào tạo, tập huấn và nắm rõ các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật về chăn nuôi An toàn sinh học, ATDB và ATTP.
- Thành lập Tổ công tác kỹ thuật của doanh nghiệp để phân công nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch/ Đề án đã đề ra.
- Tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng của từng hợp phần trong chuỗi sản xuất ATDB; bố trí và tập trung nguồn lực để triển khai bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về ATDB và ATTP.
- Xây dựng, hoàn thiện và vận hành các quy trình có liên quan đến sản xuất, bảo đảm An toàn sinh học, ATDB và ATTP; tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn thực hiện nghiêm ngặt từng quy trình của từng công đoạn của chuỗi sản xuất.
- Xây dựng và vận hành hệ thống quản lý thông tin, hệ thống truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật.
- Tham gia tổ chức thực hiện phòng, chống và giám sát dịch bệnh tại vùng đệm xung quanh chuỗi ATDB; chủ động và tích cực thực hiện các giải pháp về phòng, chống và giám sát dịch bệnh theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn của địa phương nơi xây dựng chuỗi ATDB; hỗ trợ tối đa trong điều kiện cho phép và bảo đảm lợi ích chung của doanh nghiệp và người dân địa phương trong công tác phòng, chống và giám sát dịch bệnh.
- Xây dựng hồ sơ đăng ký chứng nhận cơ sở ATDB theo quy định của Việt Nam; đồng thời chuẩn bị hồ sơ và tham gia mời cơ quan thẩm quyền của nước nhập khẩu đến đánh giá, công nhận chuỗi sản xuất ATDB theo quy định của Việt Nam, quy định của Tổ chức Thú y thế giới.
10. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật và các cá nhân có liên quan
- Xây dựng và bố trí kinh phí, nhân sự để triển khai các chương trình giám sát theo nội dung được phê duyệt tại Kế hoạch này.
- Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị từng công đoạn của chuỗi sản xuất, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về ATTP.
- Xây dựng và vận hành các quy trình vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ cơ sở chăn nuôi đến cơ sở giết mổ, chế biến; quy trình giết mổ, chế biến bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, ATTP.
- Xây dựng và vận hành hệ thống quản lý thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm động vật dùng làm thực phẩm.
Căn cứ nội dung Kế hoạch, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai, thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc gửi văn bản về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 2913/KH-UBND năm 2023 thực hiện “Kế hoạch quốc gia triển khai nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023-2030” trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 2Kế hoạch 573/KH-UBND năm 2023 triển khai nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2023-2030
- 3Kế hoạch 3776/KH-UBND năm 2023 triển khai nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2023-2030
- 4Quyết định 3722/QĐ-UBND năm 2023 về “Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2023 – 2030”
- 5Kế hoạch 8918/KH-UBND năm 2023 triển khai nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2023-2030
- 6Quyết định 1923/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt phương án quản lý dịch bệnh động vật tại chợ trâu, bò Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn
- 7Kế hoạch 209/KH-UBND năm 2023 thực hiện nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- 1Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2Luật thú y 2015
- 3Luật Quy hoạch 2017
- 4Kế hoạch 386/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030 do tỉnh Bắc Kạn ban hành
- 5Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6Quyết định 889/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt "Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023-2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Kế hoạch 2913/KH-UBND năm 2023 thực hiện “Kế hoạch quốc gia triển khai nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023-2030” trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 8Kế hoạch 573/KH-UBND năm 2023 triển khai nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2023-2030
- 9Kế hoạch 3776/KH-UBND năm 2023 triển khai nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2023-2030
- 10Quyết định 3722/QĐ-UBND năm 2023 về “Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2023 – 2030”
- 11Kế hoạch 8918/KH-UBND năm 2023 triển khai nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2023-2030
- 12Quyết định 1923/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt phương án quản lý dịch bệnh động vật tại chợ trâu, bò Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn
- 13Kế hoạch 209/KH-UBND năm 2023 thực hiện nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Kế hoạch 659/KH-UBND năm 2023 triển khai nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2023-2030
- Số hiệu: 659/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 02/10/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
- Người ký: Nông Quang Nhất
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 02/10/2023
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra