Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/KH-UBND

An Giang, ngày 19 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NĂM 2022 TỈNH AN GIANG

Thực hiện Công điện số 1184/CĐ-VPCP ngày 12/8/2021 của Văn phòng Chính phủ, ngày 13 tháng 8 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh có Thư mời số 344/TM-UBND dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương về công tác quy hoạch Căn cứ Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022.

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2022, trong đó đưa ra chỉ tiêu cụ thể cho từng quý để các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai thực hiện với quyết tâm đạt kết quả cao nhất, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả năm 2022 đã đề ra.

I. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022

1. Mục tiêu:

Tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông để tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; Khai thác lợi thế so sánh của Tỉnh trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất và chế biến; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh An Giang trên 03 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới. Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, từng bước giảm thiểu tai nạn giao thông.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu:

(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) là 5,20%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,70%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,75%; khu vực dịch vụ tăng 6,87%; thuế sản phẩm trừ trợ giá sản phẩm tăng 0,01%.

(2) GRDP bình quân đầu người là 52,660 triệu đồng/người/năm.

(3) Tổng vốn đầu tư xã hội là 30.127 tỷ đồng.

(4) Kim ngạch xuất khẩu là 1.155 triệu USD.

(5) Thu ngân sách là 6.183 tỷ đồng.

(6) Tỷ lệ đô thị hóa đạt 41%.

(7) Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia là 47,45%.

(8) Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân là 68%.

(9) Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 1 -1,2% năm.

(10) Số bác sĩ trên 01 vạn dân là 9,5 bác sĩ/01 vạn dân.

(11) Số giường bệnh trên 01 vạn dân 26,93 giường/01 vạn dân.

(12) Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế là 92%.

(13) Có thêm 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

(14) Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh là 94%.

(15) Tỷ lệ cơ quan nhà nước các cấp hoàn thiện chính quyền điện tử đạt 40%.

II. KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NĂM 2022

Căn cứ mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 của tỉnh An Giang tăng 5,20%, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kịch bản tăng trưởng với mục tiêu cụ thể từng quý như sau:

- Mục tiêu Quý I/2022 so với Quý I/2021: Tăng trưởng GRDP là 4,28%, trong đó: Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,73%; Khu vực Công nghiệp và xây dựng tăng 5,87%; Khu vực Dịch vụ tăng 6,78%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 0,06%.

- Mục tiêu Quý II/2022 so với Quý II/2021: Tăng trưởng GRDP là 5,56%, trong đó: Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,91%; Khu vực Công nghiệp và xây dựng tăng 6,79%; Khu vực Dịch vụ tăng 5,13%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp giảm 0,09%;

Lũy kế 6 tháng: Tăng trưởng GRDP là 4,72%, trong đó: Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%; Khu vực Công nghiệp và xây dựng tăng 6,34%; Khu vực Dịch vụ tăng 6,14%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp giảm 0,01%;

- Mục tiêu Quý III/2022 so với Quý III/2021: Tăng trưởng GRDP là 6,32%, trong đó: Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,05%; Khu vực Công nghiệp và xây dựng tăng 13,46%; Khu vực Dịch vụ tăng 7,98%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 0,51%;

Lũy kế 9 tháng: Tăng trưởng GRDP là 5,28%, trong đó: Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,86%; Khu vực Công nghiệp và xây dựng tăng 8,51%; Khu vực Dịch vụ tăng 8,02%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 0,13%.

- Mục tiêu Quý IV/2022 so với Quý IV/2021: Tăng trưởng GRDP là 4,98%, trong đó: Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,25%; Khu vực Công nghiệp và xây dựng tăng 6,03%; Khu vực Dịch vụ tăng 7,23%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 0,02%.

Lũy kế cả năm 2022: Tăng trưởng GRDP là 5,20%, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,70%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,75%; khu vực dịch vụ tăng 6,87%; thuế sản phẩm trừ trợ giá sản phẩm tăng 0,01%.

(Phụ lục chi tiết kèm theo)

III. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chịu trách nhiệm đối với các chỉ tiêu: (1) Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,70%; (2) Có thêm 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đảm bảo kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có những chính sách, giải pháp thực hiện phù hợp để đạt được các chỉ tiêu này.

b) Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

(1) Triển khai Kế hoạch “Thúc đẩy sản xuất ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay.

(2) Thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 29 tháng 6 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025.

(3) Tiếp tục triển khai Chương trình Tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025; kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030.

(4) Rà soát, xác lập các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng điểm cho từng sản phẩm cụ thể phù hợp tình hình thực tiễn và tầm nhìn đến 2030; hình thành, phát triển các hệ thống sản xuất và cung ứng giống nông nghiệp chất lượng cao tập trung tổ chức sản xuất hình thành các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao qui mô hàng hóa cho từng địa phương cụ thể theo hướng mỗi địa phương 01 - 02 sản phẩm chủ lực.

(5) Tiếp tục thực hiện chuyển dịch đất lúa kém hiệu quả sang những loại cây hoa màu có giá trị kinh tế cao hơn. Xây dựng kế hoạch chuyển đổi từ lúa sang màu.Triển khai áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, mở rộng áp dụng Global GAP, Viet GAP để giảm giá thành, nâng cao năng suất và lợi nhuận cho người dân.

(6) Tập trung chỉ đạo xã điểm và chỉ đạo xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch. Tăng cường hơn nữa công tác vận động tuyên truyền, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, làm rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới, quyền lợi và vai trò của người dân để tranh thủ sự đồng tình của toàn dân tham gia. Tăng cường công tác mời gọi đầu tư các doanh nghiệp về nông thôn; chủ động tranh thủ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, các nhà mạnh thường quân và nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

2. Sở Công thương:

a) Chịu trách nhiệm đối với các chỉ tiêu: (1) Tốc độ tăng trưởng khu công nghiệp - xây dựng tăng 7,75%, trong đó khu vực công nghiệp tăng 7,80%; (2) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 89.810 tỷ đồng; (3) Kim ngạch xuất khẩu là 1.155 triệu USD.

Đảm bảo kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có những chính sách, giải pháp thực hiện phù hợp để đạt được các chỉ tiêu này.

b) Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

(1) Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài các cụm công nghiệp tổ chức lại sản xuất, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo các điều kiện và tiêu chí về an toàn phòng chống dịch COVID-19. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ theo quy định về thu hút đầu tư theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

(2) Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 05/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

(3) Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp nền tảng, nhất là các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo,… trong đó, ưu tiên phát triển các ngành sử dụng nguyên liệu, vật liệu có lợi thế tại địa phương.

(4) Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình khuyến công tỉnh An Giang; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh An Giang từ năm 2017 đến năm 2025; Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025;…

(5) Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

(6)Tăng cường mời gọi nhà đầu tư xây dựng mới các công trình phát triển hạ tầng thương mại, cụ thể là hỗ trợ doanh nghiệp (như Công ty CP Bách hóa xanh; Công ty CP DV TM tổng hợp Vincommerce, Công ty TNHH MTV TP Saigon Co.op,...) phát triển các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh để kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nông sản an toàn phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân; hỗ trợ Công ty CP Tập đoàn Uniland đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Uni Retail trên địa bàn tỉnh;…

(7) Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ thương mại: Đề xuất, phối hợp Vụ thị trường trong nước-Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư và thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại biên giới An Giang (Việt Nam) năm 2022.

(8) Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất xây dựng website thương mại điện tử, tăng cường công tác đào tạo tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất; Phối hợp các Sở, ngành, đơn vị có liên quan triển khai kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu trong tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang.

(9) Tiếp tục kết nối với các Tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan xúc tiến, cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam dể hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh An Giang, vừa đảm bảo việc lưu thông hàng hoá, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối trong thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu của tỉnh.

(10) Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, triển khai các kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP, EVFTA; triển khai xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, ổn định những thị trường truyền thống, đổi mới phương thức tiếp thị xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường đẩy mạnh xuất khẩu vào EU và thị trường các nước tham gia Hiệp định CPTPP và RCEP.

3. Sở Xây dựng:

a) Chịu trách nhiệm đối với các chỉ tiêu: (1) Tỷ lệ đô thị hóa đạt 41%; (2) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng khu vực xây dựng đạt khoảng 7,60%.

Đảm bảo kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có những chính sách, giải pháp thực hiện phù hợp để đạt được các chỉ tiêu này.

b) Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

(1) Điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh An Giang theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030; xây dựng kế hoạch, lộ trình nâng cấp và phát triển các đô thị trung tâm, khu đô thị mới để tạo sự lan tỏa về phát triển kinh tế.

(2) Hoàn thiện hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt theo quy hoạch, phấn đấu các đô thị từ loại III trở lên và đô thị loại IV quy mô dân số lớn có hệ thống xử lý nước thải.

(3) Theo dõi và nhắc nhỡ các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu thi công xây dựng.

4. Sở Giao thông vận tải:

Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

(1) Thường xuyên cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh và các thông báo hướng dẫn từ Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam để kịp thời thông tin đến các đơn vị kinh doanh vận tải biết và có kế hoạch khôi phục hoạt động vận tải, sản xuất, kinh doanh phù hợp.

(2) Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện lồng ghép đầu tư phát triển hạ tầng giao thông với hạ tầng các khu, điểm du lịch.

(3) Thực hiện duy tu sửa chữa kịp thời các tuyến đường xuống cấp, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân; thực hiện phân luồng, phân tuyến đảm bảo an toàn giao thông các tuyến đường đang đầu tư, nâng cấp và bảo đảm sự an toàn, thuận tiện cho nhân dân và khách du lịch khi đi lại, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

(4) Nghiên cứu, đề xuất nâng cấp các tuyến Đường tỉnh (mặt nhựa hoặc bê tông tối thiểu 7m) để phục vụ du lịch và phát triển kinh tế xã hội cho các huyện vùng biên giới và miền núi.

(5) Tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp Bộ Giao thông vận tải triển khai dự án Tuyến nối Quốc lộ 91 và tránh thành phố Long Xuyên giai đoạn 2019 - 2023; hỗ trợ các thủ tục để triển khai thực hiện dự án Xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ thị xã Tân Châu đến thành phố Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và tỉnh Đồng Tháp.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

(1) Tiếp tục thực hiện Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2023.Xây dựng và triển khai đề án truyền thông về biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2025 cho các sở ban ngành và cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

(2) Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh An Giang thống nhất,đồng bộ; Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo tính đồng bộ, kế thừa phát huy thế mạnh của từng địa phương; đảm bảo ổn định diện tích đất phục vụ cho an ninh lương thực theo Kế hoạch số 11-KH/TU ngày 10 tháng 5 năm 2021 của Tỉnh ủy.

(3) Triển khai hiệu quả Chương trình trọng điểm về phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất và mời gọi đầu tư các công trình, dự án trọng điểm tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025.

(4) Tổ chức kiểm kê tài nguyên nước đối với nguồn nước nội tỉnh trên địa bàn An Giang; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước và bản đồ tài nguyên nước mặt và nước dưới đất; tăng tần suất đo đạc cảnh báo sạt lở định kỳ và đột xuất để cảnh báo kịp thời; xây dựng, mở rộng hệ thống cảnh báo sạt lở và cảnh báo sạt lở sớm và thực hiện các mô hình tích trữ nước cho vùng khô hạn thích ứng với biến đổi khí hậu.

(5) Tổ chức quan trắc môi trường định kỳ, liên tục và đột xuất để kịp thời cảnh báo các tai biến môi trường; kiểm soát chất lượng môi trường và bảo vệ các khu bảo tồn đa dạng sinh học, tập trung xử lý dứt điểm các khu, điểm ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

(6) Thực hiện tốt công tác bảo vệ, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường kiểm soát, kiểm tra các hoạt động khai thác tài nguyên, hoạt động gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính.

6. Sở Khoa học và Công nghệ:

Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

(1) Triển khai Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Hỗ trợ kinh phí phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm địa phương và sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 2163/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

(2) Thực hiện Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ. Xúc tiến, thúc đẩy hoạt động ươm tạo và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Hỗ trợ doanh nghiệp thành lập tổ chức nghiên cứu và phát triển, ưu tiên hỗ trợ nâng cao năng lực và tăng cường tiềm lực cho các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm các sản phẩm chủ lực, thế mạnh, các sản phẩm mới có triển vọng phát triển.

(3) Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 26 tháng 9 năm 2012 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

7. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Chịu trách nhiệm đối với chỉ tiêu: Tỷ lệ cơ quan nhà nước các cấp hoàn thiện chính quyền điện tử đạt 40%.

Đảm bảo kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có những chính sách, giải pháp thực hiện phù hợp để đạt được các chỉ tiêu này.

b) Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

(1) Tiếp tục triển khai mục tiêu đề án An Giang điện tử; chuyển đổi số: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; phát triển xã hội điện tử an toàn, an ninh, lành mạnh. Tập trung xây dựng và đưa vào vận hành“Trung tâm giám sát, điều hành thông minh” (IOC) tỉnh An Giang.

(2) Triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.

8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

a) Chịu trách nhiệm đối với các chỉ tiêu:(1) Tổng lượt khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 4,6 triệu lượt khách; (2) Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 3.000 tỷ đồng.

Đảm bảo kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có những chính sách, giải pháp thực hiện phù hợp để đạt được các chỉ tiêu này.

b) Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

(1) Chuẩn bị chu đáo và tổ chức các hoạt động Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang.

(2) Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các khu điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh hoạt động kinh doanh theo quy định pháp luật, đặc biệt là thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

(3) Triển khai thực hiện hoạt động hợp tác phát triển du lịch giữa An Giang và Cụm liên kết hợp tác, phát triển du lịch phía Tây vùng ĐBSCL; Chương trình Liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long; Tham gia các sự kiện do Cụm liên kết dự kiến tổ chức.

(4) Tiếp tục triển khai Chương trình hành động phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025 thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đảm bảo chất lượng, hiện đại, tiện nghi, đồng bộ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

9. Sở Tài chính:

a) Chịu trách nhiệm đối với chỉ tiêu: Thu ngân sách đạt 6.183 tỷ đồng.

Đảm bảo kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có những chính sách, giải pháp thực hiện phù hợp để đạt được các chỉ tiêu này.

b) Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

(1) Bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh để triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp tăng thu, chống thất thu ngân sách. Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu, phân tích, đánh giá và dự báo nguồn thu, phân tích cụ thể các nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo từng địa bàn, từng lĩnh vực, tổng hợp báo cáo kịp thời, đề xuất các giải pháp quản lý có hiệu quả.

(2) Theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời tiếp tục tham mưu đề xuất các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế khôi phục sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

(3) Phối hợp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư để thu hút được các dự án đầu tư trọng điểm mang lại nguồn thu lớn và ổn định cho ngân sách nhà nước.

10. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

(1) Phối hợp với Cục Thống kê và các Sở, ngành có liên quan theo dõi tình hình kinh tế - xã hội; kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp điều hành để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

(2) Chủ động phối hợp với các Sở ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

(3) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương, Kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn vốn ngân sách địa phương.

(4) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh theo dõi việc triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022nguồn vốn ngân sách địa phương; kịp thời xử lý (hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý nếu vượt thẩm quyền) các khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư nhằm phấn đấu giải ngân 100% số vốn kế hoạch được giao.

(5) Xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021-2025, kế hoạch năm 2022. Triển khai Đề án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020-2025; khuyến khích, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp FDI, đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi liên kết của doanh nghiệp FDI.

(6) Xây dựng và triển khai kế hoạch 05 năm 2021-2025 về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Triển khai kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2022. Xây dựng Đề án của tỉnh An Giang về lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025.

(7) Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; nhanh chóng kịp thời ban hành các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm xử lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

(8) Tăng cường đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để lắng nghe đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp và giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc nhất là làm việc với các nhà đầu tư có dự án chậm tiến độ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư nhằm rà soát, thu hồi các dự án đầu tư đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư mà không triển khai thực hiện để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư mới tiếp cận các dự án mời gọi đầu tư của tỉnh.

11. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang:

Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

(1) Tổ chức kênh đối thoại giữa doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng để xây dựng mối quan hệ hợp tác, đàm phán cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vốn vay… Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi của nhà nước, như: đầu tư nhà ở xã hội, tín dụng xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp…

(2) Thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao...), hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, gắn với thực hiện các chính sách tín dụng trọng điểm của ngành, các chương trình, đề án của tỉnh, nhất là tổ chức thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TU ngày 27/6/2012 của Ban Chấp hành Tỉnh ủy An Giang về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

(3) Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp để giảm thất thu thuế.

12. Cục Thống kê tỉnh:

Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

(1) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ngành có liên quan theo dõi tình hình kinh tế - xã hội; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp điều hành để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

(2) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2022.

13. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh:

Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

(1) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường thu hút và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phục vụ cho sự phát triển bền vững của các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu.

(2) Tập trung thu hút đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu có chọn lọc theo các ngành có lợi thế cạnh tranh, có ý nghĩa chiến lược đối với sự tăng trưởng nhanh và bền vững của tỉnh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, giải quyết việc làm, đóng góp nhiều cho ngân sách như công nghiệp chế biến nông sản công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sinh thái, công nghiệp nhẹ.

 (1) Căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2022 và Chương trình công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát, bổ sung kế hoạch, chương trình công tác của đơn vị và địa phương cụ thể và đầy đủ; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể để triển khai thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ và hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra theo từng quý của năm.

(2) Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh những giải pháp tháo gỡ vướng mắc của các doanh nghiệp và các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

14. Các chủ đầu tư, Giám đốc các ban Quản lý dự án:

Các chủ đầu tư, Giám đốc các ban Quản lý dự án có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau:

(1) Chủ động theo dõi, đôn đốc quyết liệt việc thực hiện và giải ngân các dự án do đơn vị quản lý; tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, nỗ lực để giải ngân 100% số vốn kế hoạch được giao trong năm 2022.

(2) Chủ động phối hợp với các Sở ngành có liên quan để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xảy ra chậm trễ trong giải ngân vốn.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2022 và Chương trình công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát, bổ sung kế hoạch, chương trình công tác của đơn vị và địa phương cụ thể và đầy đủ; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể để triển khai thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ và hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra theo từng quý của năm.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh những giải pháp tháo gỡ vướng mắc của các doanh nghiệp và các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiệm vụ của năm 2022 là hết sức nặng nề, hướng đến mục tiêu phục hồi nền kinh tế, đòi hỏi phải có sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và nhân dân. Từng ngành, từng cấp căn cứ vào kịch bản tăng trưởng này, xây dựng kế hoạch chi tiết, chủ động đề ra các giải pháp tích cực, khả thi, hiệu quả; tận dụng tốt thời cơ, chủ động vượt qua mọi thách thức để đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Sở, Ban, ngành tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo VP, các phòng thuộc VP;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 31/KH-UBND về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2022 tỉnh An Giang

  • Số hiệu: 31/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 19/01/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Nguyễn Thanh Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản