Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/CT-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC PHỤC HỒI SẢN XUẤT TẠI CÁC KHU VỰC SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID- 19

Dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19.

Với sự vào cuộc tích cực của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tới nay dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát và cơ bản được đẩy lùi. Tại Hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, cơ quan Trung ương, các doanh nghiệp đã có phản ánh và kiến nghị về các khó khăn trong sản xuất kinh doanh: nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, phải hủy nhiều đơn hàng sản xuất trong nước, thiếu hụt lao động phục vụ sản xuất, v.v... Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp với nguyên tắc sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Các doanh nghiệp với vai trò là chủ thể của quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thống nhất phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa, đi lại và ăn ở của người lao động, phương án phải bảo đảm an toàn tuyệt đối phòng, chống dịch trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với trách nhiệm là cơ quan trực tiếp quản lý doanh nghiệp trên địa bàn, khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất, phân công nhiệm vụ cụ thể (có thể hình thành nhiều tổ công tác) để triển khai kế hoạch, thông qua phương án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, bảo đảm vừa duy trì sản xuất kinh doanh vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chủ động phối hợp với Bộ Y tế để phân bổ kịp thời vắc xin tiêm phòng cho người lao động tại các doanh nghiệp; xem xét quyết định cho mở lại một số dịch vụ cần thiết để phục vụ đời sống người lao động; phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý và thống nhất phương án di chuyển của người lao động giữa các địa phương bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tại các địa phương dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

3. Bộ Y tế khẩn trương ban hành các quy định cụ thể về giãn cách, xét nghiệm trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; quy định về điều kiện sản xuất và cách thức xử lý khi phát hiện người lao động trong khu,
cụm công nghiệp nhiễm COVID-19; quy định về biện pháp cách ly người tiếp xúc gần nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tổ chức phân bổ kịp thời vắc xin cho các địa phương để tiêm phòng cho người lao động tại các doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận kịp thời nguồn cung cấp kit xét nghiệm để các doanh nghiệp chủ động về vật tư y tế trong kiểm soát phòng, chống dịch.

4. Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương bảo đảm lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm của các tập thể, cá nhân không thực hiện đúng các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lưu thông, vận tải hàng hóa.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế.

6. Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, lao động nước ngoài được nhập cảnh và thực hiện cách ly theo quy định của Bộ Y tế.

7. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, kịp thời hướng dẫn các chính sách, quy định về miễn giảm thuế, triển khai để ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất, tín dụng cho các doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ.

Yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của QH;
- Ủy ban Xã hội của QH;
- Các Thành viên BCĐ quốc gia phòng chống dịch Covid-19;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc VN;
- Cơ quan trung ương các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, PTTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KGVX, KTTH, QHQT, QHĐP, NN, TH, TKBT
- Lưu: VT, CN (2)

KT.THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Văn Thành

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 27/CT-TTg năm 2021 về phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 27/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 03/10/2021
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Văn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản