Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2415/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 13 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH NĂM 2020

TRIỂN KHAI PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TẠI NGUỒN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Thực hiện Nghị quyết 204/NQ-HĐND ngày 19/12/2018 của Hội đồng nhân dân thành phố về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố, ngày 11/4/2019, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1577/QĐ-UBND về việc triển khai kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến năm 2025. Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố, UBND thành phố tổng hợp, đánh giá nhũng mặt đạt được, tồn tại hạn chế trong năm 2019 và xây dựng kế hoạch triển khai năm 2020 với các nội dung như sau:

I. TỔNG HỢP KẾT QUẢ TRIỂN KHAI NĂM 2019

1. Kết quả hoạt động

a) Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong tổ chức, cộng đồng;

- 100% quận, huyện đã ban hành kế hoạch triển khai tại địa phương, xây dựng nội dung hoạt động và nhu cầu trang thiết bị, dụng cụ, tài liệu thực hiện phân loại rác theo phương thức chung của thành phố. UBND các quận, huyện đã tổ chức các hoạt động phong phú như các hội thi, Ngày hội thu đổi chất thải tài nguyên, thu hút sự quan tâm của tổ chức, cộng đồng tích cực tham gia phân loại rác thải tại nguồn.

- 100% cán bộ đại diện tổ dân phố, khu dân cư của 56/56 phường, xã được truyền thông, tập huấn trực tiếp về phân loại rác tại nguồn do UBND các quận, huyện, các hội, đoàn thể triển khai;

- 100% cán bộ UBMTTQ các cấp của thành phố, 100% cán bộ Hội cựu chiến binh thành phố, Hội Phụ nữ các cấp của thành phố đã được tập huấn chuyên đề về triển khai phân loại rác thải tại nguồn, chủ trương thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

- Trên 200 tin, bài, phóng sự liên quan đến hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn, góp phần vào công tác tuyên truyền đến cộng đồng, người dân.

b) Tài liệu, dụng cụ, thiết bị thực hiện, sự hỗ trợ trong và ngoài nước

Trong năm 2019, với ngân sách thành phố và quận, huyện, đã triển khai thí điểm trang bị các tài liệu, dụng cụ thực hiện tại hộ gia đình1. Đồng thời, huy động một số doanh nghiệp địa phương đã tham gia hỗ trợ, tài trợ hoạt động tuyên truyền phân loại rác ở cấp thành phố, hơn 05 tổ chức quốc tế quan tâm đến kế hoạch triển khai phân loại rác của thành phố, Phong trào chống rác thải nhựa, như: JICA, UNDP và WWF, IDE, IUCN, Plymouth,..

Tại 02 phường thí điểm Hải Châu 1 và Hòa Cường Nam, UBND quận Hải Châu đã chỉnh trang 02 kho chứa rác tài nguyên (tại Trạm tập kết Ngô Gia Tự 30 m2 và Lê Thanh Nghị 60 m2); UBND quận hỗ trợ Xí nghiệp Môi trường Hải Châu sửa chữa 08 xe và đóng mới 01 xe thu gom rác tài nguyên có gắn loa phát thanh để tổ chức công tác thu gom rác tài nguyên sau phân loại và chi trả nhân công thu gom rác tài nguyên (với tần suất 02 lần/tuần: thứ tư và chủ nhật); cấp 7.000 túi đựng rác tài nguyên sau phân loại và 04 thùng chứa rác nguy hại bố trí tại trụ sở UBND 02 phường; cấp phát 3.300 túi đựng rác tài nguyên đến hộ gia đình tại phường Thạch Thang và Thuận Phước.

c) Kết quả thực hiện phân loại rác thải tại nguồn

Năm 2019, UBND Quận Hải Châu đã triển khai công tác phân loại rác tại 13 phường. Tại các phường đã thực hiện các mô hình cụ thể như sau:

- Mô hình thu gom rác tài nguyên do các tổ chức hội đoàn thể tại địa bàn triển khai: Áp dụng tại các phường Thuận Phước, Thạch Thang và một số địa bàn khu dân cư thuộc các phường còn lại.

- Mô hình thu gom rác tài nguyên do Xí nghiệp Môi trường Hải Châu phối hợp (theo lịch trình cụ thể tại các khu dân cư): Áp dụng tại hai phường thí điểm Hải Châu 1 và Hòa Cường Nam.

Trong 10 tháng năm 2019, kết quả thu được trên 288 tấn rác tài nguyên, thu về khoảng 980 triệu đồng. Kết quả điều tra xã hội trên địa bàn quận Hải Châu cho thấy: 80% hộ gia đình nắm rõ chủ trương của thành phố đang triển khai PLCTRSH hộ gia đình thành 03 loại: rác tài nguyên, rác nguy hại, rác còn lại. Đối với rác nguy hại: 86,6 % hộ gia đình biết phân loại rác nguy hại ra khỏi rác sinh hoạt; tuy nhiên chưa có thùng lưu chứa và vị trí tập kết để thực hiện, về kết quả điều tra phương thức thu gom sau phân loại hiện tại trên địa bàn quận Hải Châu: 31,7 % hộ gia đình đóng góp vào quỹ hoạt động phúc lợi tại khu vực; 52,1 % hộ gia đình phân loại, lưu chứa và tự bán cho đơn vị thu mua phế liệu; 11,9 % cho công nhân vệ sinh môi trường.

Tình hình thực hiện các mô hình thí điểm ở các quận, huyện: UBND quận Thanh Khê tiếp tục triển khai Mô hình thu gom rác tài nguyên tại 06 phường do Dự án “Quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy phân loại và tái chế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” do JICA và Dự án “Đại dương không nhựa tài trợ. UBND huyện Hòa Vang triển khai Mô hình thùng rác hữu cơ tại một số địa bàn xã. UBND Quận Cẩm Lệ triển khai Mô hình thu gom rác tài nguyên tại 01 khu chung cư Phong Bắc. Như vậy, năm 2019, hầu hết UBND các quận, huyện chưa triển khai đồng bộ công tác phân loại rác tại nguồn.

2. Đánh giá

a) Kết quả đạt được

- Sau khi thành phố ban hành kế hoạch, UBND các cấp đã cụ thể hóa thành các kế hoạch địa phương, sớm thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ nòng cốt các cấp và người dân với nhiều hình thức đa dạng. Tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, việc triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn trong năm 2019 thuận lợi nhờ có sự chuẩn bị, kế thừa từ các hoạt động thí điểm trước đây.

- Công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại rác đã nhận được sự quan tâm kịp thời của UBMTTQ Việt Nam thành phố; sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, một số sở, ngành, doanh nghiệp. Qua đó, đã huy động được sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, đã hình thành một số phong trào, mô hình, hoạt động với sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, người dân thành phố về thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, bước đầu tạo sức lan tỏa nhanh và đạt hiệu quả nhất định.

- Công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình được UBND các phường, xã chú trọng, lồng ghép vào các hoạt động nên thấy được hiệu quả.

b) Những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, cải thiện

- Tỷ lệ chủ nguồn thải, hộ gia đình tham gia công tác phân loại rác tại nguồn chưa cao (chủ yếu mới triển khai tại Hải Châu đạt 80% đối tượng hộ gia đình, các quận, huyện còn lại thực hiện ở quy mô thí điểm), do đó khối lượng thu gom rác tái chế trên toàn thành phố mới đạt tỷ lệ ở mức thấp (ước đạt mức dưới 5%), chưa triển khai đồng bộ đến đối tượng là các cơ sở công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ thực hiện.

- Việc mua sắm, cung cấp hang thiết bị, dụng cụ thực hiện phân loại CTRSH chậm, chưa đảm bảo tiến độ. Do đó, các quận, huyện còn bị động, chưa chủ động tổ chức triển khai các hoạt động theo kế hoạch năm 2019.

- Còn thiếu sự chuẩn bị, kết nối doanh nghiệp thu gom rác tái chế để làm tốt quy trình tổ chức từ phân loại tại nguồn đến thu gom, vận chuyển và tái chế, tái sử dụng rác thải hiệu quả. Chưa thu hút, tạo được mạng lưới các cơ sở tái chế chất thải trên địa bàn thành phố.

- Sự tham gia của Công ty cổ phần Môi trường đô thị trong công tác tổ chức thu gom rác tài nguyên chưa rõ nét (ở phạm vi thí điểm tại 02 phường, kinh phí thu được từ bán rác tái chế chưa đủ bù đắp kinh phí đầu tư phương tiện, vật dụng và nhân công), do đó Mô hình thu gom tập trung rác tài nguyên vận hành chưa thực sự hiệu quả.

II. KẾ HOẠCH NĂM 2020

Tiếp tục triển khai chi tiết Quyết định số 1577/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 của UBND thành phố, kế hoạch năm 2020 gồm các nội dung như sau:

1. Mục tiêu cụ thể

- Tập trung, triển khai đồng bộ về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo phương thức chung của thành phố tại Quyết định 1577/QĐ-UBND ngày 11/04/2019.

- 100% các hộ gia đình, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn;

- Đảm bảo đạt tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái sử dụng, tái chế đạt ít nhất 12% theo Nghị quyết số 204/NQ-HĐND ngày 19/12/2018 của Hội đồng nhân dân thành phố về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

2. Phương thức tổ chức phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt

Chú thích:

MH: Mô hình

RTN1 - HĐT: Mô hình thu gom Rác tài nguyên do Hội, đoàn thể tại địa phương thực hiện.

RTN2 - DN: Mô hình thu gom Rác tài nguyên do Đơn vị/Doanh nghiệp thu gom được chọn thực hiện.

RNH1 - ĐCĐ: Mô hình thu gom Rác nguy hại tại điểm cố định.

RNH2 - XNMT: Mô hình thu gom Rác nguy hại do Xí nghiệp môi trường thực hiện.

MHRXD1 - UBND P/X: Mô hình thu gom Rác xây dựng, rác kích cỡ lớn do UBND Phường/xã triển khai.

MHRXD2 - DN: Mô hình thu gom Rác xây dựng, rác kích cỡ lớn do Doanh nghiệp thực hiện.

a ) Nhóm chất thải rắn sinh hoạt tái chế (RTN):

Tùy thuộc điều kiện triển khai tại mỗi khu vực dân cư, UBND các quận, huyện quyết định phương thức tổ chức phân loại, thu gom CTRSH tại nguồn theo từng địa bàn phường, xã với các mô hình khuyến khích lựa chọn như sau:

- Mô hình RTN1 - HĐT (Hội, đoàn thể tại địa phương): (1) Chủ nguồn thải/Hộ gia đình thực hiện phân loại, lưu giữ - (2) Hội đoàn thể tại địa phương tổ chức thu gom định kỳ (tối thiểu 1 lần/tuần) - (3) Doanh nghiệp/Tổ chức thu mua rác tài nguyên được chọn thực hiện thu gom định kỳ.

Đối với mô hình này, UBND các quận, huyện quy định cụ thể về địa điểm, thời gian tổ chức thu gom tại mỗi khu vực dân cư; cần bố trí khu vực tập kết RTN trong các khu vực dân cư phù hợp (kết hợp với điểm công cộng, nhà sinh hoạt cộng đồng); tổ chức rà soát, lựa chọn các doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động thu mua, vận chuyển đối với RTN, hướng đến tổ chức chuyển đổi mô hình hoạt động của các cơ sở thu mua phế liệu không đảm bảo về vệ sinh môi trường, an toàn trong khu vực dân cư.

- Mô hình RTN2 - DN (Được doanh nghiệp hoặc đơn vị/ tổ chức thu gom được chọn): (1) Chủ nguồn thải/Hộ gia đình thực hiện phân loại, lưu giữ - (2) Doanh nghiệp/Đơn vị tổ chức thu gom RTN được chọn thực hiện thu gom (tách riêng hoàn toàn với rác sinh hoạt còn lại, tần suất thu gom ít nhất 1 lần/tuần) - (3) Đơn vị tổ chức thu gom hợp đồng mua bán rác tài nguyên với doanh nghiệp thu mua/vận chuyển tái chế.

Đối với mô hình này, UBND các quận, huyện quy định cụ thể về thời gian tổ chức thu gom, yêu cầu đơn vị tổ chức thu gom RNT bố trí vật dụng, phương tiện thu gom phù hợp; bố trí kinh phí địa phương cho đơn vị thu gom để triển khai công tác phân loại rác.

Lưu ý: Đối với các trường hợp chủ nguồn thải/ hộ gia đình chưa tham gia phân loại rác tài nguyên, hoặc đã có thực hiện phân loại và cho công nhân vệ sinh môi trường, giao UBND các cấp tuyên truyền, vận động tham gia vào các mô hình RTN được quyết định trên địa bàn mình.

b) Nhóm chất thải rắn sinh hoạt nguy hại (RNH):

UBND quận, huyện triển khai đồng thời theo 02 mô hình RNH tại từng địa bàn như sau:

- Mô hình RNH1 - ĐCĐ (Điểm thu gom RNH cố định tại mỗi địa bàn phường, xã): (1) Hộ gia đình thực hiện phân loại, lưu giữ RNH phù hợp - (2) Định kỳ mang RNH đến các điểm có bố trí thùng chứa chuyên dụng đối với RNH của xã, phường đã được quy định - (3) Đơn vị thực hiện vệ sinh môi trường địa phương tiến hành vận chuyển, xử lý theo quy định RNH.

Đối với mô hình này, UBND các quận, huyện quy định, thông báo cụ thể các địa điểm bố trí cố định các thùng chứa RNH. Tại khu vực để thùng chứa RNH, lắp đặt bảng hiệu hướng dẫn, quy định với đơn vị thực hiện vệ sinh môi trường địa phương tiến hành vận chuyển, xử lý theo quy định (tần suất vận chuyển).

- Mô hình RNH2-XNMT (RNH do đơn vị vệ sinh môi trường thực hiện): Kết hợp thu gom cùng với nhóm RTN nếu cùng là đơn vị thu gom và có chức năng thu gom RNH: (1) Hộ gia đình thực hiện phân loại, lưu giữ RNH phù hợp - (2) Đơn vị tổ chức thu gom RNH được chọn thực hiện thu gom và lưu trữ theo lịch trình RTN - (3) Đơn vị thực hiện vệ sinh môi trường địa phương tiến hành vận chuyển, xử lý theo quy định KNH.

c) Nhóm chất thải rắn sinh hoạt còn lại

Quy trình thực hiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo Phương án thu gom, vận chuyển rác thải được UBND quận, huyện phê duyệt.

d) Nhóm chất thải rắn xây dựng và chất thải rắn kích thước lớn, cồng kềnh (gọi tắt là RXD)

Căn cứ theo nhu cầu phát sinh, UBND các quận, huyện xác định các vị trí tập kết đối với RXD, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, triển khai đồng thời theo 02 mô hình RXD tại từng địa bàn như sau:

- Mô hình RXD1 - UBNDP/X: (1) UBND các xã, phường thông báo định kỳ về thời gian, địa điểm việc tổ chức thu gom RXD và là đầu mối triển khai - (2) Xí nghiệp dịch vụ vệ sinh môi trường/đơn vị dịch vụ có chức năng được UBND quận huyện lựa chọn thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý.

- Mô hình RXD2 - DN: (1) Chủ nguồn thải/Hộ gia đình liên hệ trực tiếp với Xí nghiệp dịch vụ vệ sinh môi trường/đơn vị dịch vụ có chức năng được UBND Quận, huyện lựa chọn để thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định - (2) Xí nghiệp/đơn vị thực hiện vận chuyển về khu vực tập kết để tái sử dụng/xử lý.

Đối với các mô hình này, UBND quận, huyện tổ chức kêu gọi, huy động các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư sản xuất tái chế đối với RXD để triển khai; quy định, thông báo cụ thể về tổ chức hoạt động thu gom, đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực tập kết, thông tin rộng rãi đến chủ nguồn thải/hộ gia đình thực hiện.

3. Các nhóm nhiệm vụ triển khai

a) Xây dựng Quy trình chi tiết thực hiện thu gom CTHSH sau khi phân loại: CTRSH tái chế (RTN), CTRSH nguy hại (RNH), CTR xây dựng và rác kích cỡ lớn, cồng kềnh (RXD)

- Đơn vị chủ trì thực hiện: UBND các quận, huyện;

- Đơn vị phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, BQL KCN cao và các KCN (thuộc địa bàn), Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng.

- Thời gian hoàn thành: Tháng 5/2020;

- Các nhiệm vụ cụ thể: (1) Tổ chức khảo sát, xác định các địa điểm tập kết thu gom các nhóm CTRSH (tái chế, nguy hại, còn lại, CTR xây dựng và chất thải rắn cồng kềnh); (2) Tổ chức xây dựng, công bố Quy trình chi tiết thực hiện thu gom các loại chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại trên địa bàn (theo từng phường, xã).

b) Công tác tuyên truyền, hướng dẫn việc phân loại CTRSH tại nguồn

b1) UBND các quận, huyện ch trì

- Tổ chức tập huấn về quy trình chi tiết thực hiện phân loại, thu gom CTRSH sau phân loại của mỗi phường, xã đến từng Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận, các hội đoàn thể địa phương. Thời gian: xuyên suốt trong năm 2020.

- Chỉ đạo UBND các phường, xã tổ chức nói chuyện, tuyên truyền, hướng dẫn phân loại CTRSH của mỗi địa bàn đến từng hộ dân, chủ nguồn thải thuộc địa bàn; tuyên truyền trên loa, trạm truyền thanh; Cổng thông tin điện tử của UBND quận, huyện, phường, xã; tổ chức họp tổ dân phố, nói chuyện. Thời gian: xuyên suốt trong năm 2020.

- Tại mỗi trụ sở quận, huyện, phường, xã, bố trí các áp phích, pano tuyên truyền về thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; lồng ghép tuyên truyền thông qua thiết kế nội dung về phân loại rác tại nguồn trong các tài liệu, văn bản hướng dẫn về thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

b2) Các Sở, ngành liên quan

- Sở Tài nguyên và Môi trường: chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành tổ chức triển khai tuyên truyền trên: Các báo, đài truyền hình; Cổng thông tin điện tử thành phố, Trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành, phát hành các phim tuyên truyền về phân loại CTRSH của thành phố. Thời gian xuyên suốt trong năm 2020; tổ chức thiết kế và cung cấp các thông điệp, hướng dẫn thực hiện phân loại rác thải tại nguồn vào các phiếu hẹn thủ tục hành chính để lồng ghép tuyên truyền tại tất cả các Sở, ngành.

- Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng triển khai ứng dụng App trên điện thoại di động để phối hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và tổ chức thu gom rác tài nguyên trên địa bàn thành phố.

- Đài Phát thanh truyền hình Đà Nẵng: Xây dựng phim và phát sóng thường xuyên (tần suất: mỗi buổi tối hàng ngày, giờ cao điểm) trên sóng truyền hình thành phố.

- Sở Văn hóa và Thể thao: Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân đang quản lý màn hình LED đăng tải nội dung tuyên truyền về thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của thành phố trên các màn hình LED theo thời lượng dành cho tuyên truyền của thành phố. Dung lượng đăng tải: 30 giây/nội dung/lần; thời gian đăng tải: 15 ngày/tháng trong vòng 02 đợt (Đợt 1: từ Tháng 4/2020 đến tháng 6/2020; Đợt 2: từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2020).

- Đề nghị UBMTTQVN thành phố, Thành Đoàn Đà Nẵng, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Hội Cựu Chiến binh thành phố, các Sở, ngành, đoàn thể chủ trì tổ chức hoạt động tuyên truyền, tập huấn đến các đối tượng thuộc phạm vi quản lý. Tần suất: ít nhất được 02 hoạt động tuyên truyền/năm.

c) Trang thiết bị, dụng cụ thực hiện tuyên truyền, phân loại CTRSH

- Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương cung cấp thiết bị (thùng đựng rác tài nguyên, thùng đựng rác nguy hại, túi đựng rác tài nguyên hộ gia đình) thuộc phạm vi quận Hải Châu: Hoàn thành trong tháng 4/2020.

- Ban Quản lý dự án xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị khẩn trương tổ chức đấu thầu, cung cấp trang thiết bị cho các quận, huyện còn lại. Thời gian bàn giao từng đợt kể từ Tháng 5/2020 và hoàn thành trong Tháng 6/2020.

d) Công bố, triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn

- UBND Quận Hải Châu: Xây dựng chi tiết các điểm tập kết CTRSH sau phân loại để tiếp tục triển khai tại 13 phường; trang bị đồng bộ thiết bị, dụng cụ và công bố triển khai chính thức trong tháng 5/2020; tiếp tục triển khai thí điểm theo Kế hoạch 4356/KH-UBND ngày 01/07/2019 tại 02 phường Hải Châu 1 và Hòa Cường Nam trong năm 2020 để đánh giá, tổng kết mô hình.

- UBND các Quận, huyện: Khẩn trương xây dựng Quy trình chi tiết tại từng địa bàn phường, xã với các mô hình cụ thể; đảm bảo tiến độ triển khai đồng bộ công tác phân loại CTRSH tại nguồn trong tháng 7/2020.

- Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND thành phố các hoạt động công bố, truyền thông trên toàn địa bàn thành phố. Thời gian: Tháng 8/2020.

đ) Hợp tác, nghiên cứu triển khai các mô hình khác có liên quan đến Kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn

đ1) Hợp tác với Chương trình Đối tác JICA về Quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy việc phân loại và tái chế tại thành phố - Giai đoạn 2

- Nội dung: Hỗ trợ về nâng cao hệ thống tái chế hiện tại: xây dựng dữ liệu về các tuyến đường tái chế, cải thiện hoạt động của các cơ sở thu mua phế liệu, nghiên cứu để tìm kiếm các tuyến đường tái chế tiềm năng khác,...

- Đơn vị chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Đơn vị phối hợp: Sở kế hoạch và Đầu tư (cơ quan đầu mối của thành phố về Diễn đàn hợp tác giữa Thành phố Yokohama, Nhật Bản và Thành phố Đà Nẵng), UBND các quận, huyện; Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng.

đ2) Hợp tác với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP)

- Nội dung: Triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại CTRSH tại nguồn; nghiên cứu phát triển các hoạt động tái chế, quản lý chất thải.

- Đơn vị chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ngành, UBND các quận, huyện; Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng.

đ3) Hợp tác với T chức Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên

- Nội dung: Xây dựng Kế hoạch hành động về quản lý chất thải nhựa và triển khai thực hiện các hoạt động quản lý rác thải nhựa trên địa bàn thành phố.

- Đơn vị chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng.

đ4) Nghiên cứu, đề xuất Dự án thí điểm “Sản xuất thức ăn thừa thành thức ăn chăn nuôi"

- Nội dung: Xác định địa điểm triển khai, cơ chế triển khai thí điểm thu gom, sản xuất thức ăn thừa thành thức ăn chăn nuôi với công suất <5tấn/ngày. Thời gian thí điểm 02- 03 năm.

- Đơn vị chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Đơn vị phối hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thành phố Yokohama, Nhật Bản.

- Đơn vị thực hiện: Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng, Công ty Takemaxu Shoji - Nhật Bản.

- Nguồn hỗ trợ dự kiến: JICA.

đ5) Triển khai “Mô hình thu gom hộp sữa tại các trường học”

- Nội dung thực hiện: Tổ chức thu gom toàn bộ hộp sữa tại các trường học tham gia chương trình sữa học đường trên địa bàn thành phố, tổ chức vận chuyển đến đơn vị có chức năng xử lý.

- Đơn vị chủ trì: Sở Giáo dục và đào tạo.

- Đơn vị phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng, UBND các quận, huyện.

- Nguồn hỗ trợ dự kiến: UNDP và các đối tác.

đ6) Triển khai Dự án “Mô hình Quản lý chất thải rắn khu vực đô thị và khu vực nông thôn”

- Nội dung thực hiện: Triển khai thí điểm Mô hình phân loại rác thải tại khu vực đô thị du lịch thuộc quận Ngũ Hành Sơn và khu vực thông thôn huyện

- Đơn vị chủ trì: Hội liên hiệp phụ nữ thành phố.

- Đơn vị phối hợp: Phòng TN&MT Quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng, Sở TN&MT,....

- Nguồn kinh phí: Chương trình môi trường liên hợp quốc (GEF- UNDP) và địa phương.

đ7) Triển khai Mô hình Bi giếng trên đồng ruộng huyện Hòa Vang (phân loại rác vô cơ)

- Đơn vị chủ trì: Hội Nông dân thành phố.

- Đơn vị thực hiện: Hội Nông dân huyện Hòa Vang.

- Đơn vị phối hợp: Phòng TN&MT huyện Hòa Vang, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng.

- Nguồn kinh phí: Địa phương.

e) Xây dựng phương án đầu tư, cơ chế thu mua chất thải rắn sinh hoạt tái chế

- Nội dung: Xây dựng phương án đầu tư, cơ chế thu mua chất thải rắn sinh hoạt tái chế từ các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố.

- Đơn vị chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Đơn vị thực hiện: Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng;

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ngành, UBND các quận, huyện.

g) Điều tra xã hội học, đánh giá kết quả thực hiện và tổng kết năm 2020

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, hướng dẫn công tác tổ chức điều tra, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch.

- UBND các quận huyện triển khai điều tra xã hội, đánh giá kết quả thực hiện và tổng kết năm 2020 trên địa bàn quận, huyện. Thời gian: hoàn thành trong tháng 11/2020.

4. Kinh phí thực hiện

- Ngân sách sự nghiệp: Chi điều tra, khảo sát, đánh giá, xây dựng phương thức triển khai phân loại; tổ chức công bố và ngày hội tái chế; tập huấn, tuyên truyền, truyền thông; tổ chức chỉnh trang các điểm tập kết, bố trí chi phí nhân công, trang thiết bị thực hiện phân loại tại điểm tập kết;...

- Xã hội hóa: Huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ, đóng góp theo danh mục các dụng cụ, vật tư, trang thiết bị của thành phố.

5. Tổ chức thực hiện

a) Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tổ chức triển khai các nhiệm vụ đã nêu trong Kế hoạch;

- Là đầu mối cập nhật, tham mưu UBND thành phố triển khai Kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn và Ngày hội tái chế trên toàn địa bàn thành phố; Tuyên truyền, phổ biến kế hoạch; họp định kỳ, đột xuất để giải quyết khó khăn, vướng mắc các Sở, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện; báo cáo UBND thành phố theo định kỳ hàng năm và đột xuất.

- Chủ trì đề xuất, tham mưu UBND thành phố ban hành chính sách về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm liên quan đến phân loại CTRSH.

- Phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn UBND quận, huyện, các sở, ban, ngành tổ chức sơ kết, tổng kết hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn.

b) UBND các quận, huyện

- Tổ chức triển khai các nhiệm vụ đã nêu trong Kế hoạch.

- Chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH sau phân loại; yêu cầu các đơn vị, cá nhân tham gia cân đối, đầu tư thêm các trang thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển để đảm bảo thu gom, vận chuyển CTRSH sau phân loại.

- Kiểm tra thường xuyên hệ thống các điểm thu gom, tập kết CTRSH trên địa bàn, đảm bảo vệ sinh chung (quy định cụ thể việc quản lý, vệ sinh các điểm tập kết CTRSH các loại).

- Theo dõi, kiểm tra, điều tra, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch; xem xét giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị gửi Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

- Ghi nhận, biểu dương và đề xuất biểu dương các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chấp hành việc phân loại CTRSH tại nguồn theo quy định.

c) Sở Xây dựng

Chủ trì đề xuất, tham mưu UBND thành phố triển khai Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ Xây dựng quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng và Thông tư số 02/2018/TT-BXD ngày 6/2/2018 của Bộ Xây dựng quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành xây dựng.

d) Đề nghị UBMTTQ Việt Nam thành phố, Các sở, ban, ngành; Cơ quan thông tin, truyền thông; cá nhân, hộ gia đình; tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị có liên quan

- UBMTTQ Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội (Đoàn Thanh niên, Hội Cựu Chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Hội Nông dân thành phố, ....) hỗ trợ UBND các quận, huyện, các sở, ngành và các cấp hội liên quan tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại.

- Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp: Chủ trì tổ chức triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp.

- Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện triển khai Kế hoạch đến các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố; lồng ghép giáo dục, truyền thông về phân loại CTRSH tại nguồn thông qua các hoạt động chính khóa và ngoại khóa, các phong trào thi đua tại trường học; Chủ trì triển khai “Mô hình thu gom hộp sữa tại các trường học”.

- Sở Y tế: Chủ trì tổ chức triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ phân loại CTRSH tại nguồn tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.

- Sở Du lịch, Sở Công thương: Chủ trì tổ chức triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ phân loại CTRSH tại nguồn đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý.

- Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng: Chủ động phối hợp với UBND các quận, huyện thực hiện nhiệm vụ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; xây dựng phương án đầu tư, cơ chế thu mua chất thải rắn sinh hoạt tái chế từ các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố trình Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, trình UBND thành phố ban hành.

- Các sở, ban, ngành khác: căn cứ các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1577/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 của UBND thành phố và các nhóm nhiệm vụ cụ thể tại kế hoạch này, đề nghị các đơn vị tích cực tham gia, chủ động triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, đề xuất.

Trên đây là Kế hoạch năm 2020 của UBND thành phố về triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thành phố, Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần thiết bổ sung, điều chỉnh, các sở ngành, địa phương chủ động phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đề xuất UBND thành phố xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Như mục II.5;
- TTr TU ĐN;
- TTr HĐND TP;
- ĐB HĐND thành phố; Đoàn ĐBQH thành phố;
- UBND, UBMTTQVN thành phố;
- VP Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND thành phố;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố;
- Quận, huyện ủy; HĐND, UBND, UBMTTQVN các quận, huyện, HĐND, UBND phường, xã;
- Báo ĐN, Báo CATP ĐN, Đài PTTH ĐN, Cổng TTĐT thành phố;
- Lưu: VT, ĐTĐT, STNMT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Thơ

 



1 Cụ thể: (1) Ở Hải Châu: Cung cấp 2.000 sổ tay hướng dẫn phân loại rác thải tại hộ gia đình; 750 cuốn sổ ghi chép theo dõi công tác phân loại rác tài nguyên cho tổ trưởng tổ dân phố; 44.000 tờ dán phân loại rác dành cho hộ gia đình; (2) Ở Hòa Vang: Cung cấp 1.100 thùng rác cho các hộ dân để thực hiện phân loại rác vô cơ và hữu cơ hỗ trợ 30 thùng rác (loại 1201) các màu xanh, vàng, đen thực hiện phân loại rác tài nguyên, rác sinh hoạt và rác nguy hại, phân bổ về 05 trường Tiểu học; (3) Ở Thanh Khê: Tổ chức cấp phát 3500 túi đựng rác tài nguyên đến các hộ gia đình; (4) Sơn Trà: Đầu tư 56 thùng rác phân loại 02 ngăn; 30 pano tuyên truyền cho các trường học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 2415/KH-UBND năm 2020 thực hiện Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

  • Số hiệu: 2415/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 13/04/2020
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Huỳnh Đức Thơ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản