Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 135/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 26 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

BIÊN SOẠN, THẨM ĐỊNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NỘI DUNG TÀI LIỆU GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;

Căn cứ Văn bản số 1106/BGDĐT-GDTrH ngày 20/3/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc biên soạn và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông; Văn bản số 3536/BGDĐT-GDTH ngày 19/8/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục địa phương cấp tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức thực hiện từ năm học 2020-2021;

Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện nội dung tài liệu giáo dục địa phương (GDĐP) trong Chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp, giáo dục quốc phòng an ninh,... trên địa bàn tỉnh. Từ đó, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, tìm hiểu và vận dụng những kiến thức đã học để góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc.

- Góp phần hình thành các năng lực học sinh như: Năng lực tự phục vụ, tự quản, hợp tác, tự học và giải quyết vấn đề đối với học sinh tiểu học; tự chủ, tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo đối với học sinh cấp trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT); phẩm chất chăm học, chăm làm, tự tin, trách nhiệm (đối với học sinh tiểu học), yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm (đối với học sinh cấp THCS và THPT). Bên cạnh đó, phát triển cho học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp; năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội; vận dụng kiến thức (tự nhiên, văn hóa, xã hội) vào thực tiễn, ứng xử với tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường tại địa phương.

2. Yêu cầu

- Tài liệu GDĐP được xây dựng trên cơ sở đảm bảo các quy định của pháp luật và theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Văn bản số 1106/BGDĐT-GDTrH ngày 20/3/2019 và Văn bản số 3536/BGDĐT-GDTH ngày 19/8/2019; cụ thể hóa được mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông góp phần giáo dục các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh; bảo đảm các thuật ngữ chính được giải thích rõ ràng, thể thức, kỹ thuật trình bày bảo đảm quy định hiện hành.

- Tài liệu GDĐP được xây dựng đủ thời lượng theo phân phối chương trình của từng khối lớp, nội dung đảm bảo đẩy đủ các chủ đề, tính tiêu biểu, đặc sắc về văn hóa, lịch sử truyền thống, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị - xã hội, môi trường của địa phương; có tính mở để giáo viên và học sinh vận dụng, cập nhật, bổ sung các thông tin mới phù hợp với mỗi địa phương trong tỉnh và phù hợp với nội dung, phương pháp dạy học các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông.

- Tổ chức biên soạn, phát hành, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo tài liệu đã biên soạn đảm bảo tính thiết thực, phù hợp với điều kiện của địa phương.

II. ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG GDĐP

1. Các vấn đề về văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương

Lịch sử hình thành và phát triển, truyền thống quê hương; các lễ hội, nghệ thuật truyền thống, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa; bảo tàng, phong tục tập quán của địa phương.

2. Các vấn đề về địa lý, kinh tế, hướng nghiệp của địa phương

- Về địa lý địa phương: Địa lý tự nhiên, địa lý dân cư, địa lý kinh tế xã hội, du lịch, các dịch vụ homestay và định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

- Về kinh tế, hướng nghiệp: Thị trường lao động; các ngành nghề, làng nghề truyền thống; các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương; tiềm năng phát triển kinh tế địa phương.

3. Các vấn đề về chính trị - xã hội, môi trường của địa phương

Một số nội dung về chính sách an sinh xã hội; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; xây dựng nếp sống văn minh, tôn trọng kỉ cương, pháp luật; bảo vệ môi trường tự nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Thành lập Ban biên soạn tài liệu GDĐP tỉnh

- Thành phần Ban biên soạn tài liệu GDĐP tỉnh, gồm:

+ Trưởng Ban: Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

+ Phó Trưởng Ban thường trực: Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

+ Thư ký: Cán bộ, chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo.

+ Các thành viên, gồm: Lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo; các sở, ban, ngành của tỉnh; giảng viên Trường Đại học Tân Trào; cán bộ quản lý, giáo viên thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố; cán bộ quản lý, giáo viên các trường Tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh; các chuyên gia, cán bộ khoa học, công nghệ; các nhà hoạt động văn hóa, nghệ sỹ và nghệ nhân tiêu biểu về địa phương...

- Số lượng thành viên: Tổng số 55 người.

- Tiêu chuẩn lựa chọn thành viên; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức hoạt động của Ban biên soạn tài liệu GDĐP vận dụng theo Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐT ngày 06/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông.

2. Tổ chức biên soạn tài liệu GDĐP

- Xây dựng các quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa tài liệu GDĐP.

- Tổ chức tập huấn cho Ban biên soạn về biên soạn tài liệu GDĐP, về: Chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức hoạt động dạy học tích cực và kiểm tra đánh giá theo tinh thần đổi mới giáo dục, nhằm phát triển năng lực, phẩm chất người học; nội dung và thời lượng, phân phối chương trình của GDĐP trong Chương trình giáo dục phổ thông.

- Khảo sát thực trạng, sưu tập và tập hợp tư liệu.

- Phương án biên soạn: Biên soạn theo lớp (từ lớp 1 đến lớp 12), mỗi lớp học có 01 cuốn tài liệu GDĐP bảo đảm việc thực hiện kế hoạch dạy học ở mỗi cấp học như sau:

+ Cấp tiểu học: Thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục địa phương trong nội dung hoạt động trải nghiệm và trong dạy học các môn học Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý hoặc xây dựng cuốn tài liệu dạy học đủ 35 tiết/khối lớp/năm học (lấy 01 tiết ở nội dung hoạt động trải nghiệm) để dạy nội dung giáo dục địa phương.

+ Cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông: Xây dựng kế hoạch dạy học đủ 35 tiết/lớp học/năm học, là một nội dung giáo dục bắt buộc, đồng thời có kế hoạch tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục địa phương trong nội dung dạy học các môn học có liên quan.

- Tổ chức thiết kế, vẽ minh họa trang bìa và minh họa trong các tiết dạy.

- Tổ chức dạy thử nghiệm tại một số lớp, trường trên địa bàn thành phố Tuyên Quang; tổ chức các Hội thảo về nội dung, kỹ thuật biên soạn tài liệu GDĐP.

- Chỉnh sửa, hoàn thiện tài liệu GDĐP trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định bộ tài liệu GDĐP tỉnh; trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đối với tài liệu GDĐP cấp tiểu học; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đối với tài liệu GDĐP cấp THCS và THPT theo quy định.

3. Thẩm định tài liệu GDĐP

- Thành lập Hội đồng thẩm định bộ tài liệu GDĐP tỉnh Tuyên Quang, gồm:

+ Chủ tịch: Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

+ Phó Chủ tịch: Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo.

+ Thư ký: Đại diện Phòng GDTH-GDTrH Sở Giáo dục và Đào tạo.

+ Các thành viên: Lãnh đạo, Chuyên viên các sở, ngành của tỉnh; giảng viên Trường Đại học Tân Trào, giáo viên các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.

- Nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định bộ tài liệu GDĐP: Tổ chức thẩm định toàn bộ nội dung tài liệu giáo dục địa phương các cấp học bảo đảm tính khoa học, tính đúng đắn và các yêu cầu về nội dung theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Văn bản số 1106/BGDĐT-GDTrH ngày 20/3/2019.

- Tổ chức hội nghị tổng kết công tác thẩm định.

4. In tài liệu GDĐP

Tổ chức in ấn và xuất bản tài liệu GDĐP theo đúng quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 07/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

5. Triển khai thực hiện tài liệu GDĐP

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn tài liệu GDĐP cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.

+ Thành phần dự tập huấn: Ban giám hiệu, toàn bộ giáo viên phụ trách nội dung GDĐP (đối với cấp Tiểu học tập huấn cho những giáo viên dạy văn hóa; đối với cấp Trung học tập huấn theo lĩnh vực).

+ Báo cáo viên: Thành viên Ban biên soạn tài liệu GDĐP.

+ Nội dung tập huấn: Tài liệu GDĐP, phương pháp giảng dạy, việc thực hiện nội dung GDĐP trong Chương trình giáo dục phổ thông.

- Triển khai thực hiện nội dung GDĐP đối với các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh từ năm học 2020-2021 đảm bảo theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông.

IV. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Từ tháng 12/2019 đến tháng 01/2020

- Thành lập Ban biên soạn; tập huấn cho Ban biên soạn về biên soạn tài liệu GDĐP.

- Xây dựng các tiêu chuẩn, quy định về tài liệu GDĐP cho cả 03 cấp học.

2. Từ tháng 12/2019 đến tháng 02/2020

- Khảo sát, thu thập tài liệu và biên soạn tài liệu đồng bộ cả 3 cấp học.

- Thành lập Hội đồng thẩm định, chọn giáo viên dạy thử nghiệm.

3. Từ tháng 03/2020 đến tháng 4/2020: Thẩm định bộ tài liệu GDĐP.

4. Từ tháng 5/2020 đến tháng 7/2020: Tập huấn giáo viên và dạy thử nghiệm.

5. Từ tháng 7/2020 đến 8/2020: Điều chỉnh hoàn thiện tài liệu, trình Bộ Giáo dục và Đào tạo (đối với tài liệu GDĐP cấp THCS và THPT), Ủy ban nhân dân tỉnh (đối với tài liệu GDĐP cấp Tiểu học) phê duyệt.

6. Tháng 8/2020: Hoàn thành công tác tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên.

7. Từ năm học 2020-2021: Triển khai thực hiện nội dung GDĐP theo đúng tiến độ triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí biên soạn tài liệu, thẩm định, tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên các cấp, tài liệu tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên và tổ chức thực hiện tài liệu GDĐP được thực hiện từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục của địa phương.

2. Kinh phí mua sách giáo khoa của học sinh (tài liệu GDĐP) được thực hiện từ nguồn xã hội hóa (phụ huynh học sinh tự đảm bảo sách giáo khoa cho con em học tập).

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai biên soạn, thẩm định tài liệu GDĐP bảo đảm đúng quy định của pháp luật; tổng hợp, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

- Lập dự toán kinh phí biên soạn tài liệu GDĐP theo hướng dẫn của Bộ Tài Chính tại Thông tư số 51/2019/TT-BTC ngày 15/8/2019; gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, khảo sát, thu thập tài liệu; biên soạn tài liệu GDĐP đảm bảo chất lượng, hiệu quả; in ấn và xuất bản tài liệu GDĐP; tổ chức tập huấn và chỉ đạo các đơn vị trường học tổ chức triển khai thực hiện tài liệu GDĐP theo đúng quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí, phân bổ kinh phí và các nguồn vốn đầu tư phát triển để triển khai Kế hoạch theo quy định của pháp luật.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện Kế hoạch; thẩm định kinh phí tổ chức thực hiện Kế hoạch, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định; cấp kinh phí và hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí đảm bảo đúng quy định.

4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan cung cấp tài liệu có liên quan về văn hóa địa phương, phục vụ công tác biên soạn tài liệu địa phương đúng tiến độ.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác truyền thông, tạo đồng thuận xã hội về đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông và bộ tài liệu GDĐP; đưa tin biểu dương kịp thời những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong việc triển khai thực hiện tài liệu GDĐP trong chương trình giáo dục phổ thông.

6. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong nhân dân về Chương trình giáo dục phổ thông và bộ tài liệu GDĐP; phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo khảo sát, thu thập tài liệu về văn hóa địa phương khi có yêu cầu.

- Bố trí kinh phí tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và giáo viên triển khai thực hiện tài liệu GDĐP.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn quản lý, triển khai tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông và bộ tài liệu GDĐP bảo đảm theo đúng lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương triển khai thực hiện Kế hoạch. Trong quá trình thực hiện, trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp) chỉ đạo, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- Chánh VP UBND tỉnh;
- Các Phó Chánh VP UBND tỉnh;
- Trưởng phòng: KGVX, TH,
- Lưu: VT, KGVX (Bắc).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Giang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 135/KH-UBND năm 2019 về biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện nội dung tài liệu giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông do tỉnh Tuyên Quang ban hành

  • Số hiệu: 135/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 26/12/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Nguyễn Thế Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/12/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản