Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 115/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 24 tháng 11 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 703/QĐ-TTG NGÀY 28/5/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NGHIÊN CỨU, SẢN XUẤT GIỐNG PHỤC VỤ CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021-2030

Thực hiện Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản (sau đây gọi tắt là giống cây trồng, vật nuôi) theo hướng hiện đại nhằm cung cấp cho sản xuất giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2030 đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Lưu giữ, bảo tồn gen Cam Sành Hàm Yên, Bưởi Xuân Vân, Bưởi đặc sản Phúc Ninh, Na Lực Hành, Hồng ngâm Xuân Vân, Lạc Chiêm Hóa, Trâu ngố Tuyên Quang, vịt bầu Minh Hương và 05 loài cá đặc sản, cá bản địa quý hiếm (Chiên, Lăng chấm, Rầm xanh, Anh vũ, Bỗng).

2.2. Nghiên cứu chọn tạo, phục tráng, sản xuất giống, đưa vào sản xuất những giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu và bệnh hại, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

2.3. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất giống, quản lý giống nhằm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống đúng tiêu chuẩn cho sản xuất, tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm; đảm bảo cung ứng đủ giống cho nhu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh (tập trung vào các giống chủ lực, đặc sản, chất lượng cao) và tiến tới mở rộng thị trường trong nước.

- Ngành trồng trọt: Đảm bảo sử dụng trên 99% giống lúa xác nhận và hạt lai F1; sử dụng giống ngô lai đạt trên 99%; 100% diện tích chè, cam, bưởi…trồng mới được sử dụng giống đúng tiêu chuẩn; sản xuất giống rau trong tỉnh đáp ứng 25-30% nhu cầu trồng rau trên địa bàn tỉnh.

- Ngành chăn nuôi: Đưa các giống vật nuôi mới vào sản xuất (Các giống bò cao sản BBB, bò Brahman; trâu Murrah, trâu nội giống tốt; các giống lợn ngoại Duroc, Pietrain, Lợn lai 3 máu, 4 máu...; các giống gia cầm: Vịt bầu Minh Hương, các giống gà Mía, Gà lai, Gà Ri lai...); nâng cao chất lượng đàn trâu, bò bằng thụ tinh nhân tạo, tỷ lệ bê, nghé được sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo trên đàn trâu, bò đạt trên 50%; tỷ lệ đàn lợn hướng nạc đạt trên 85% tổng đàn, hàng năm sản xuất khoảng 800.000 con lợn giống thương phẩm hướng nạc cho nhu cầu chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

- Ngành lâm nghiệp: Nâng cao năng lực sản xuất giống theo phương pháp nuôi cấy mô từ 2,5 triệu cây/năm lên 5 triệu cây/năm vào năm 2030; tỷ lệ cây giống cung cấp cho trồng rừng được kiểm soát nguồn gốc giống đạt 95%.

- Ngành thủy sản: Đảm bảo chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống cho đối tượng thủy sản nuôi đặc sản, chủ lực; 100% giống cá đặc sản được kiểm soát chất lượng và sạch một số bệnh.

2.4. Nâng cao năng lực khoa học và công nghệ cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

II. PHẠM VI, QUY MÔ VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Phạm vi: Ưu tiên triển khai thực hiện trên những đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực quốc gia theo văn bản quy định của cấp có thẩm quyền và đối tượng cây trồng, vật nuôi thuộc Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Tuyên Quang ban hành theo Quyết định số 481/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang. Đối với các cây trồng, vật nuôi khác: Căn cứ yêu cầu thực tiễn và khả năng của ngân sách Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định bổ sung theo từng giai đoạn cụ thể.

2. Quy mô: Triển khai thực hiện bảo tồn, lưu giữ nguồn gen, nghiên cứu chọn tạo giống, phát triển sản xuất giống, hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2021 đến hết năm 2030, chia theo 2 kỳ kế hoạch (2021-2025 và 2026-2030).

III. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Phát triển khoa học công nghệ về giống

1.1. Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen:

- Nhiệm vụ: Thu thập, bảo tồn, lưu giữ, đánh giá, tư liệu hóa, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn gen cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Đánh giá, tư liệu hóa, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn gen Cam Sành Hàm Yên, Bưởi Xuân Vân, Bưởi đặc sản Phúc Ninh, Na Lực Hành, Hồng ngâm Xuân Vân, Lạc Chiêm Hóa, Trâu ngố Tuyên Quang, vịt Minh Hương, cá Chiên, cá Lăng chấm, cá Rầm xanh, cá Anh vũ, cá Bỗng và một số cây dược liệu phân bố trên địa bàn tỉnh.

- Nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ.

1.2. Nghiên cứu chọn tạo giống

- Nhiệm vụ: Đánh giá, lựa chọn, xây dựng cơ cấu giống cây lương thực mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu; chọn tạo giống Cam Sành Hàm Yên, Bưởi Xuân Vân, Bưởi đặc sản Phúc Ninh, Na Lực Hành, Hồng ngâm Xuân Vân, Lạc Chiêm Hóa, một số giống chè năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận; chọn tạo giống vịt bầu Minh Hương, Trâu ngố Tuyên Quang chất lượng cao; nghiên cứu làm chủ và phát triển công nghệ chọn tạo giống bố mẹ và kỹ thuật sản xuất giống sạch bệnh đối với một số giống thủy sản bản địa quý hiếm. cá có giá trị kinh tế cao (Chiên, Lăng chấm, Anh vũ, Chạch sông, Bỗng, nheo Mỹ, Quả...); chọn tạo giống cây lâm nghiệp bản địa, nhập nội giống cây lâm nghiệp sinh khối lớn, chu kỳ ngắn cho phát triển rừng trồng gỗ lớn làm nguyên liệu chế biến gỗ xuất khẩu.

- Nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ.

2. Phát triển sản xuất giống

- Nhiệm vụ: Bình tuyển cây đầu dòng, cây trội và xây dựng nguồn giống Cam Sành Hàm Yên, Bưởi Xuân Vân, Bưởi đặc sản Phúc Ninh, Na Lực Hành, Hồng ngâm Xuân Vân, Lạc Chiêm Hóa, một số giống chè, cây lâm nghiệp năng suất, chất lượng cao; sản xuất giống vịt bầu Minh Hương, Trâu ngố Tuyên Quang; sản xuất giống trâu, bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; sản xuất giống cây trồng bằng nuôi cấy mô (lâm nghiệp, cây mía...); sinh sản bằng phương pháp nhân tạo đối với một số cá bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế cao; xây dựng và chăm sóc vườn cây đầu dòng, rừng giống, vườn giống; đào tạo, tập huấn, mô hình sản xuất, thử nghiệm giống; nâng cao năng lực kiểm soát chất lượng giống.

- Nguồn vốn sự nghiệp kinh tế: Theo cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước, hoặc vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án đầu tư công; vốn huy động hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

3. Hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, sản xuất giống

- Nhiệm vụ: Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ Trung tâm cây ăn quả huyện Hàm Yên, Trung tâm Thực nghiệm, thực hành và Chuyển giao khoa học công nghệ thuộc Trường Đại học Tân Trào, Trại sản xuất giống Hoàng Khai thuộc Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang (thành Trung tâm giống thủy sản cấp I). Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị và xử lý môi trường cho doanh nghiệp có dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, trồng thử nghiệm cây trồng mới có giá trị kinh tế cao được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

- Nguồn vốn đầu tư phát triển: Theo cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước, hoặc vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án đầu tư công; vốn huy động hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

IV. DỰ KIẾN KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng vốn dự kiến thực hiện thực hiện kế hoạch khoảng 950 tỷ đồng, trong đó:

1. Ngân sách Nhà nước 150 tỷ đồng (chiếm 15,8%); trong đó: Vốn sự nghiệp khoa học công nghệ 20 tỷ đồng, vốn sự nghiệp kinh tế 30 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển 100 tỷ đồng; chia theo giai đoạn:

- Giai đoạn: 2021-2025: 90 tỷ đồng; Trong đó: Vốn sự nghiệp khoa học công nghệ 10 tỷ đồng, vốn sự nghiệp kinh tế 10 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển 70 tỷ đồng.

- Giai đoạn: 2025-2030: 60 tỷ đồng; Trong đó: Vốn sự nghiệp khoa học công nghệ 10 tỷ đồng, vốn sự nghiệp kinh tế 20 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển 30 tỷ đồng.

2. Vốn của các tổ chức, cá nhân 800 tỷ đồng (chiếm 84,2%); chia theo giai đoạn:

- Giai đoạn: 2021-2025: 400 tỷ đồng.

- Giai đoạn: 2025-2030: 400 tỷ đồng.

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Cơ chế chính sách

Tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách thuộc Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt tại Quyết định 703/QĐ-TTg ngày 28/5/20220 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án đầu tư công.

2. Công tác quản lý Nhà nước về giống

Thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao năng lực quản lý giống cây trồng, vật nuôi về điều kiện sản xuất, buôn bán, chất lượng giống cây trồng, vật nuôi theo quy định của Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về các quy định của pháp luật đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng giống cây trồng, vật nuôi. Công khai danh sách các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cung ứng giống đúng quy định và danh sách các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống không đúng quy định trên trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Củng cố, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về giống cây trồng, giống vật nuôi của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp huyện, Phòng Kinh tế thành phố (trên cơ sở chức năng quản lý nhà nước của Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trước đây).

Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý; đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ; thiết lập cơ sở dữ liệu số về giống cho cơ quan quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý giống cây trồng, vật nuôi cho cơ cấu lại ngành nông nghiệp và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Nâng cao chất lượng nguồn lực nghiên cứu, sản xuất giống

Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiên cứu, sản xuất giống cho lực lượng viên chức, người lao động Trung tâm Thủy sản, các Ban quản lý rừng, các Công ty TNHH hai thành viên lâm nghiệp tỉnh, Trung tâm Thực nghiệm, thực hành và Chuyển giao khoa học công nghệ thuộc Trường Đại học Tân Trào, Trung tâm cây ăn quả Hàm Yên và cán bộ các đơn vị có liên quan của tỉnh. Tăng cường công tác khuyến nông về giống, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phối hợp với Viện nghiên cứu, Trường... để đào tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ cho các đơn vị sự nghiệp nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi đảm bảo cho mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh hiệu quả, bền vững.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư dự án sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp đề xuất nhu cầu vốn đầu tư thực hiện Kế hoạch gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Chủ trì triển khai cơ chế, chính sách thuộc Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 và các cơ chế, chính sách có liên quan về phát triển giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Kế hoạch; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Trên cơ sở đề án, cơ chế, chính sách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố; Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh về kế hoạch, nguồn vốn đầu tư để tổ chức thực hiện Kế hoạch.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Kế hoạch.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối, bố trí nguồn ngân sách sự nghiệp thực hiện Kế hoạch vào dự toán ngân sách hàng năm.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Kế hoạch.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ về giống cây trồng, vật nuôi theo Kế hoạch.

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng danh mục đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ về bảo tồn, lưu giữ nguồn gen, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với Sở Tài chính bố trí kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Kế hoạch.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Chỉ đạo triển khai Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn.

Chủ động cân đối ngân sách địa phương, vốn lồng ghép các chương trình, thu hút doanh nghiệp đầu tư cho phát triển nghiên cứu, sản xuất giống trên địa bàn.

Yêu cầu các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung Kế hoạch. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết, yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải kịp thời tổng hợp và gửi ý kiến bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT; (Báo cáo)
- Thường trực Tỉnh ủy; (Báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh; (Báo cáo)
- Chủ tịch UBND tỉnh; (Báo cáo)
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ;
- UBND huyện, thành phố;
- CVP và các Phó CVP UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Phòng Tin học và Công báo;
- Chuyên viên NLN,TC;
- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Giang

 

NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 703/QĐ-TTG NGÀY 28/5/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NGHIÊN CỨU, SẢN XUẤT GIỐNG PHỤC VỤ CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021-2030
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số: 115/KH-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

Nội dung

Nguồn vốn

Cơ quan chủ trì thực hiện

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

I

Phát triển khoa học công nghệ về giống

 

 

 

 

1

Xây dựng danh mục đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ về bảo tồn, lưu giữ nguồn gen, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

Vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài chính; các Sở, Ngành có liên quan

Hàng năm

2

Xây dựng danh mục dự án ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao sản xuất giống cây Keo lai, Keo tai tượng, Xoan đào, Vịt bầu Minh Hương, Trâu ngố Tuyên Quang và các loài cá: Rầm xanh, Anh vũ, Bỗng, Chiên, Lăng chấm, chạch sông, nheo Mỹ, cá chình.

Vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài chính; các Sở, Ngành có liên quan

Hàng năm

II

Phát triển sản xuất giống

 

 

 

 

1

Hỗ trợ bình tuyển cây đầu dòng, chọn lọc cây trội, xây dựng nguồn giống cây trồng có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vốn lồng ghép các cơ chế, chính sách

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các Sở, Ngành có liên quan

2021-2025

2

Hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi bằng công nghệ cao (nuôi cấy mô, thụ tinh nhân tạo…).

Vốn lồng ghép các cơ chế, chính sách

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các Sở, Ngành có liên quan

2021-2025

3

Đào tạo, tập huấn, mô hình sản xuất, thử nghiệm giống; nâng cao năng lực kiểm soát chất lượng giống.

Vốn sự nghiệp kinh tế ngân sách tỉnh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; các Sở, Ngành có liên quan

Hàng năm

III

Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, sản xuất giống

 

 

 

 

1

Trại sản xuất giống Hoàng Khai thuộc Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang (thành Trung tâm giống thủy sản cấp I)

Vốn đầu tư công giai đoạnh 2021-2025

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; các Sở, Ngành có liên quan

2021-2025

2

Trung tâm Thực nghiệm-Thực hành chuyển giao Khoa học công nghệ thuộc Trường Đại học Tân Trào.

Vốn đầu tư công giai đoạnh 2021-2025

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; các Sở, Ngành có liên quan

2021-2025

3

Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ Trung tâm Giống cây ăn quả huyện Hàm Yên.

Cân đối ngân sách địa phương

Ủy ban nhân dân huyện Hàm Yên

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; các Sở, Ngành có liên quan

2021-2030

IV

Nâng cao chất lượng nguồn lực nghiên cứu, sản xuất giống

 

 

 

 

1

Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiên cứu, sản xuất giống cho lực lượng viên chức, người lao động Trung tâm Thủy sản, các Ban quản lý rừng, các Công ty TNHH hai thành viên lâm nghiệp tỉnh, Trung tâm Thực nghiệm, thực hành và Chuyển giao khoa học công nghệ thuộc Trường Đại học Tân Trào, Trung tâm Giống cây ăn quả Hàm Yên và cán bộ các đơn vị có liên quan của tỉnh.

Vốn sự nghiệp kinh tế ngân sách tỉnh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; các Sở, Ngành có liên quan

Hàng năm

2

Mô hình khuyến nông về giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vốn sự nghiệp kinh tế ngân sách tỉnh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; các Sở, Ngành có liên quan

Hàng năm

V

Các dự án thu hút đầu tư

 

 

 

 

1

Dự án đầu tư Trung tâm sản xuất giống cây trồng công nghệ cao.

Vốn hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các Sở, Ngành có liên quan

2021-2030

2

Dự án đầu tư Trại sản sản xuất giống trâu, bò công nghệ cao.

Vốn hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các Sở, Ngành có liên quan

2021-2030

3

Dự án đầu tư Tổ hợp sản xuất giống gia súc, gia cầm công nghệ cao.

Vốn hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các Sở, Ngành có liên quan

2021-2030

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 115/KH-UBND năm 2020 thực hiện Quyết định 703/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

  • Số hiệu: 115/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 24/11/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Nguyễn Thế Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản