Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2732/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 31 tháng 12 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH BẮC KẠN THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2020 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN 2035

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số: 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”;

Căn cứ Quyết định số: 2078/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số: 04-NQ/TU ngày 26/4/2016 Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ ba (khóa XI) về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường giai đoạn 2016 - 2020;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số: 188/TTr-SNN ngày 30/12/2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2035.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2035, đảm bảo đúng quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Công Thương; Tài nguyên và Môi trường; Nội vụ; Lao động, Thương binh và Xã hội; Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhanh tỉnh; các hội, hiệp hội, tổ chức chính trị xã hội; Thủ trưởng các đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Thị Minh Hoa

 

ĐỀ ÁN

CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH BẮC KẠN THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2020 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN 2035

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT

Căn cứ Quyết định số: 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Ngày 26/4/2016, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số: 04-NQ/TU về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường giai đoạn 2016 - 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch hành động số: 06/KH-UBND ngày 08/01/2016 về việc thực hiện Quyết định số: 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 - 2020 và Quyết định số: 851/QĐ-UBND ngày 14/6/2016 về việc phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường; tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 - 2020.

Sau 04 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những thành tựu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp thể hiện trên các mặt: Bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chế biến; chăn nuôi có bước phát triển theo hướng gia trại, trang trại; lâm nghiệp từng bước chuyển từ khai thác gỗ rừng tự nhiên là chủ yếu sang trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng, phát triển rừng gỗ lớn, đến hết năm 2019 tỷ lệ che phủ rừng đạt 72,6%; nhiều sản phẩm nông sản, đặc biệt là các nông sản bản địa bước đầu được sản xuất thành hàng hóa có liên kết và gắn với chế biến.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp còn bộc lộ nhiều hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay, như giá trị gia tăng trong sản xuất thấp; quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, tự phát, thiếu ổn định; trình độ sản xuất không đồng đều, chất lượng, mẫu mã sản phẩm thấp, giá thành cao, khả năng cạnh tranh kém. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, như: Sử dụng các loại giống cho ra các sản phẩm có ưu thế trên thị trường, kỹ thuật canh tác bền vững, sản xuất có liên kết theo chuỗi giá trị gắn kết với thị trường và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa còn hạn chế; giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích canh tác còn thấp. Công nghiệp chế biến nông sản, nhất là công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến sau thu hoạch phát triển chậm. Thu nhập của người lao động khu vực nông, lâm nghiệp thấp và chịu nhiều rủi ro so với lao động ở các khu vực kinh tế khác...

Để khắc phục những hạn chế đang tạo thành điểm nghẽn trong phát triển đối với ngành nông nghiệp và lấy cơ cấu ngành nông nghiệp làm trọng tâm để phát triển kinh tế tỉnh Bắc Kạn trong giai đoạn 2020 - 2025 thì yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu phát triển là hết sức cần thiết.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Nghị định số: 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

Quyết định số: 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”;

Quyết định số: 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Quyết định số: 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020;

Quyết định số: 2078/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Quyết định số: 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020;

Quyết định số: 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020;

Quyết định số: 1384/QĐ-BNN-KH ngày 18/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”;

Chỉ thị số: 2039/CT-BNN-KH ngày 20/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Nghị quyết số: 02-NQ/ĐH ngày 17/10/2015 Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015 - 2020);

Nghị quyết số: 04-NQ/TU ngày 26/4/2016 của Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ ba (khóa XI) về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường giai đoạn 2016 - 2020;

Nghị quyết số: 05/2019/NQ-HĐND ngày 17/4/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;

Nghị quyết số: 08/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;

Nghị quyết số: 36/NQ- HĐND ngày 07/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 03 loại rừng tỉnh Bắc Kạn.

Quyết định số: 851/QĐ-UBND ngày 14/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường; tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 - 2020;

Kế hoạch hành động số: 06/KH-UBND ngày ngày 08/01/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc thực hiện Quyết định số: 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 - 2020;

Các Văn bản pháp lý của Chính phủ, Bộ, Ngành Trung ương, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh có liên quan...

Phần II

THỰC TRẠNG SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP

1. Những thành tựu cơ bản

- Ngành nông, lâm nghiệp vẫn là ngành sản xuất chính và chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực:

Giai đoạn 2000 - 2019: Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 6,39%/năm (năm 2000 tăng 6,24%; năm 2005 tăng 6,76%; năm 2010 tăng 7,25%; năm 2015 tăng 8,53%; năm 2019 tăng 2,71%).

Tỷ trọng kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2019 giảm so với năm 2000 là 28,78% là do những năm gần đây khu vực công nghiệp và dịch vụ phát triển mạnh, cụ thể: Năm 2000, cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 58,24% tổng sản phẩm trong tỉnh; năm 2005 tương ứng chiếm 42,75%; năm 2010 chiếm 44,48%; năm 2015 chiếm 35,95%; năm 2019 chiếm 29,46%.

Tổng giá trị sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá so sánh năm 2010 tăng dần theo các giai đoạn, cụ thể: Năm 2010 đạt 1.180,1 tỷ đồng; năm 2015 đạt 1.852,5 tỷ đồng; năm 2019 đạt 2.031,1 tỷ đồng. (Nguồn số liệu theo Niên giám thống kê năm 2014, 2015 và Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 của Cục Thống kê).

Tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá hiện hành toàn ngành năm 2010 đạt 1.180,1 tỷ đồng; năm 2015 đạt 2.812,06 tỷ đồng; năm 2019 đạt 3.275,7 tỷ đồng (Nguồn số liệu theo Niên giám thống kê năm 2014, 2015 và Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 của Cục Thống kê).

Như vậy, giai đoạn 2010 - 2015 tổng giá trị sản phẩm toàn ngành theo giá so sánh tăng 1,57 lần, giá trị hiện hành tăng 2,38 lần. Giá trị gia tăng được tạo ra ở giai đoạn này chủ yếu là tăng về diện tích gieo trồng đặc biệt tăng trưởng mạnh nhất vào các năm 2011 - 2013, các năm 2014, 2015 mức tăng trưởng bắt đầu chậm dần lại. Diện tích các cây trồng tăng mạnh trong giai đoạn này, như: Cây dong riềng tăng 16 lần, từ 182ha lên 2.943ha (vào năm 2013); cây thuốc lá tăng 1,89 lần, từ 744 ha lên 1408 ha; cây cam, quýt cho thu hoạch tăng 1,82 lần, từ 656ha tăng lên 1.191ha, sản lượng gỗ khai thác tăng 2,58 lần, từ 50.958 m3/năm tăng lên 131.650 m3/năm, diện tích trồng rừng tăng từ trung bình 3.000ha/năm lên trên 10.000ha/năm. Giai đoạn 2015 - 2019 tổng giá trị sản phẩm toàn ngành theo giá so sánh tăng 1,1 lần, giá trị hiện hành tăng 1,17 lần. Giá trị tăng trưởng chậm lại do không còn dư địa tăng về diện tích sản xuất, vì một số nguyên nhân cơ bản, như: Không còn diện tích có khả năng để mở rộng sản xuất; chế biến chậm phát triển không đáp ứng mở rộng tăng diện tích vùng nguyên liệu; thị trường không được mở rộng; đặc biệt là lao động khu vực nông thôn chuyển dịch mạnh sang các lĩnh vực khác, lao động còn lại trong nông thôn chủ yếu là người già dẫn đến tình trạng khu vực nông thôn thiếu lao động cả về số lượng và chất lượng. Qua đó có thể đánh giá việc giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp chủ yếu là dựa vào việc tăng diện tích canh tác, chưa phát huy được các yếu tố tăng trưởng theo chiều sâu như tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; phát triển khu vực chế biến và tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị có định hướng thị trường chưa được khai thác mạnh mẽ dẫn đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành ở giai đoạn này chậm lại mức độ tăng trưởng thấp, đây chính là điểm nghẽn của ngành nông nghiệp hiện nay.

- Nông, lâm nghiệp góp phần tích cực đảm bảo an ninh lương thực và tạo thu nhập chính cho người dân

Đến hết năm 2019, năng suất, sản lượng một số loại cây trồng chính tăng so với năm 2000, như: Cây lúa ruộng năng suất tăng 36%, sản lượng tăng 77%; cây ngô năng suất tăng sấp xỉ 02 lần và sản lượng tăng gần 03 lần so với năm 2000; lương thực bình quân đầu người từ 350kg/người vào năm 2000 tăng lên 564kg/người/năm vào năm 2019 (tăng 214kg/người/năm); hằng năm trên địa bàn có 90% diện tích lúa, 100% diện tích ngô đã sử dụng giống mới, trong đó diện tích trồng lúa chất lượng trên 3.000ha, hình thành một số vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, đặc sản có giá trị; đã có 02 sản phẩm lúa chất lượng được chứng nhận nhãn hiệu tập thể và bước đầu có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và tổ chức sản xuất theo hợp tác xã.

 Các sản phẩm cây trồng chủ lực của địa phương như: Cây cam, quýt toàn tỉnh hiện có 3.200ha, trong đó có 2.100ha đang cho thu hoạch, sản lượng bình quân đạt 16.000 tấn/năm; cây dong riềng diện tích trung bình đạt 1.000ha, sản lượng miến hàng năm đạt trên 1.000 tấn; cây chè diện tích hiện có 2.100ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch 2.000ha, sản lượng đạt 8.000 tấn; cây rau diện tích hiện có khoảng 2.000ha, sản lượng bình quân đạt 20.000 tấn.

- Đàn vật nuôi trong 10 năm trở lại đây đã có sự thay đổi rõ rệt về cơ cấu chăn nuôi, trong đó đàn đại gia súc giảm mạnh năm 2010 là 101.035 con, đến năm 2015 còn 82.924 con và đến 2019 còn 67.000 con (tính cả số xuất mổ, giết thịt là 80.800 con); đàn lợn và đàn gia cầm tăng nhanh, đàn lợn năm 2010 là 190.146 con, 2015 là 221.111 con và 2019 là 126.337 con (năm 2019 cả số xuất bán giết mổ là 303.702 con, trong năm do ảnh hưởng của Dịch tả lợn Châu Phi đàn lợn giảm); đàn gia cầm năm 2010 là 1.212.734 con, năm 2015 là 2.023.713 con, năm 2019 là 2.276.349 con.

Bên cạnh đó chăn nuôi chuyển đổi phương thức từ chăn nuôi quy mô nhỏ hộ gia đình, mục tiêu chính phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình về thực phẩm và sức kéo sang chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại, với mục tiêu sản xuất hàng hóa, bước đầu có hình thành các chuỗi liên kết và có đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng đàn vật nuôi. Kết quả chuyển đổi đó đã tăng dần sản lượng thịt hơi qua các năm, cụ thể năm 2010 là 14.625 tấn, năm 2015 là 19.056 tấn, năm 2019 là 22.265 tấn tăng 1,52 lần so với năm 2010.

Công tác trồng rừng luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo và xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong việc phát triển kinh tế của địa phương, đến nay diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh là 97.161,9ha, (trong đó rừng trồng đã có trữ lượng 77.900,8ha và rừng trồng chưa thành rừng 19.261ha), các cây trồng chính chủ yếu là keo, mỡ, quế, thông, hồi, xoan và một số loài cây trồng khác..., tỷ lệ che phủ rừng đạt 72,6%, sản lượng gỗ khai thác đạt 160.000m3.

Đến năm 2019, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi được 1.656ha từ đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao. Diện tích đất canh tác đạt thu nhập cao trên một diện tích đất canh tác hàng năm luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra: Năm 2009, diện tích đất canh tác đạt thu nhập 50 triệu đồng/ha trở lên thực hiện 2.838ha, đến năm 2019 có 3.348,7ha diện tích đất canh tác đạt 100 triệu đồng/ha trở lên.

- Khoa học kỹ thuật được áp dụng trong sản xuất nông, lâm nghiệp

Công tác chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã được quan tâm, có nhiều mô hình sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất và duy trì, nhân rộng những nguồn gen cây trồng, vật nuôi quý hiếm trong sản xuất đem lại hiệu quả.

Hệ thống cán bộ hỗ trợ kỹ thuật của ngành đã thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phù hợp với điều kiện tiểu khí hậu, thổ nhưỡng của mỗi địa phương; cập nhập các thông tin về thị trường và giá cả các mặt hàng nông sản để thông báo cho người dân có định hướng đầu tư sản xuất.

- Hợp tác xã và doanh nghiệp ngày càng có bước phát triển rõ rệt, bước đầu đã tạo được sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân

Trong lĩnh vực phát triển nông thôn luôn thực hiện tốt các nội dung về lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể; hướng dẫn thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) tại cơ sở. Hiện nay, toàn tỉnh có 144 hợp tác xã nông nghiệp (49 HTX trồng trọt, 31 HTX chăn nuôi, 04 HTX lâm nghiệp, 02 HTX nước sạch nông thôn, 58 HTX nông nghiệp tổng hợp); có 122 tổ hợp tác, trong đó có 101 tổ hợp tác có xác nhận của địa phương, 15 tổ hợp tác có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông sản; có 798 hộ tổ chức sản xuất theo quy mô trang trại, gia trại, trong đó có 12 trang trại được cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thông qua hoạt động của các doanh nghiệp, HTX đã góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển tư duy phát triển sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Chuyển sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang hướng sản xuất hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa. Khu vực kinh tế tập thể đã giải quyết việc làm cho lao động nông thôn có thu nhập ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Nhiều HTX, tổ hợp tác thực sự trở thành tổ chức kinh tế của nông dân, là bàn đỡ cho kinh tế hộ phát triển. Vai trò, vị trí của HTX, tổ hợp tác ngày càng được củng cố và khẳng định trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

- Kết quả thực hiện Nghị quyết số: 04-NQ/TU ngày 26/4/2016 của Tỉnh ủy và thực hiện Quyết định số: 851/QĐ-UBND ngày 14/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh

 Sau 04 năm thực hiện Nghị quyết và Đề án sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn hằng năm đạt kết quả khá: Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,53%/năm (mục tiêu là 4,5%/năm), bằng 56% mục tiêu Nghị quyết đề ra; bước đầu đã chuyển sang sản xuất hàng hóa, một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã dần tạo được thương hiệu trên thị trường, một số diện tích đã chuyển sang sản xuất theo mô hình VietGap, một số mô hình sản xuất đã phát huy hiệu quả, chương trình OCOP đã được triển khai gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp chiếm 35% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đạt 111% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra.

- Đối với lĩnh vực trồng trọt: Sản lượng lương thực có hạt trên địa bàn tỉnh trong 3 năm (2016 - 2018) tương đối ổn định, đạt bình quân 179.659 tấn, tăng 4.659 tấn lương thực/năm so với mục tiêu đến năm 2020; lương thực bình quân đầu người đạt 565kg/người/năm, tăng 35kg/người/năm so với mục tiêu đến năm 2020; toàn tỉnh có 3.000ha trồng lúa chất lượng, có giá trị kinh tế, chủ yếu là lúa bao thai thì đến năm 2018 tăng lên diện tích là 3.500ha lúa chất lượng/1.000ha mục tiêu đề ra (đạt 350%); cây dong riềng diện tích bình quân đạt 838ha; cây cam, quýt: Sản lượng năm 2019 đã đạt trên 20.000 tấn....

- Đối với lĩnh vực chăn nuôi: Đàn vật nuôi phát triển ổn định, biến động tổng đàn đầu kỳ so với cuối kỳ không đáng kể nhưng sản lượng thịt hơi các loại tăng dần theo từng năm. Năm 2016 đạt 20.159 tấn/năm đến năm 2018 đạt 22.523 tấn/năm, năm 2019 đạt 22.265 tấn.

- Đối với lĩnh vực lâm nghiệp: Tổng diện tích trồng rừng trồng mới trong 04 năm qua đạt 26.600ha, bình quân đạt 6.250ha/năm, trong đó diện tích cây gỗ lớn 03 năm đạt trên 13.000ha. Độ che phủ rừng tăng từ 71% năm 2016 lên 72,6% năm 2019 (vượt so với mục tiêu Nghị quyết đề ra).

2. Những tồn tại, hạn chế

- Công tác tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ của một số ngành, địa phương chưa mang tính tổng thể, không theo bài bản, công tác tuyên truyền trong cả hệ thống chính trị còn nhiều hạn chế:

Từ giai đoạn 2015 đến nay Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định, văn bản để tổ chức thực hiện việc tái cơ cấu ngành, tuy nhiên việc tổ chức thực hiện chưa được đồng bộ, công tác tuyên truyền triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, đặc biệt ở cấp cơ sở, người dân và các doanh nghiệp chưa có thông tin và tiếp cận được các chính sách cũng như định hướng thực hiện.

 - Chất lượng tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa cao, chuyển dịch cơ cấu nội ngành còn chậm, năng suất lao động thấp:

Từ năm 2015 đến năm 2019, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp có xu hướng giảm dần bởi việc tăng trưởng dựa vào các yếu tố đầu vào để phát triển theo chiều rộng nhờ mở rộng diện tích, các yếu tố tăng trưởng theo chiều sâu về tăng năng suất, chất lượng hiệu quả các sản phẩm còn thấp, cụ thể: Tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp[1] đạt mức cao nhất 15,3% năm 2013, giảm xuống còn khoảng 2,71% năm 2019.

Trong giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp chỉ chiếm 21,8% tổng giá trị sản xuất, tỷ lệ này cơ bản không thay đổi trong nhiều các năm, mặc dù được đánh giá là ngành có tiềm năng để phát triển.

- Sản xuất nông, lâm nghiệp còn nhiều điểm nghẽn làm hạn chế khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất:

Quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, tốc độ chuyển dịch nội bộ ngành còn chậm, công tác chỉ đạo hướng dẫn của ngành chuyên môn và các cấp chính quyền để người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn còn hạn chế; sản lượng mỗi loại sản phẩm chưa nhiều, chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng chưa cao, đa phần các sản phẩm nông sản chủ yếu bán ở dạng tươi sống, chưa qua chế biến chưa đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định, mẫu mã bao bì thô sơ chưa được công nhận đảm bảo an toàn thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao nên không đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Vai trò, hoạt động của các HTX đạt hiệu quả thấp, trình độ năng lực quản lý, điều hành của nhiều HTX nói chung còn yếu, việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cụ thể gặp nhiều khó khăn, chưa mạnh dạn đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nguồn vốn và cơ sở vật chất thiếu thốn, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa sản xuất ra chưa cao, do đó phát huy vai trò của hợp tác xã trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hiện nay còn nhiều hạn chế.

Việc khai thác, tiềm năng thế mạnh trong phát triển kinh tế rừng chưa được quan tâm về chiều sâu, như: Nâng cao giá trị trên một diện tích, ổn định lâu dài cả kinh tế và môi trường sinh thái, trị thủy. Hiện nay, người dân chú trọng phát triển trên diện tích lớn, chu kỳ kinh doanh ngắn. Vì vậy, giá trị trên một đơn vị diện tích thấp. Tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng vẫn còn diễn ra khá phức tạp làm suy giảm chất lượng rừng tự nhiên hiện có của tỉnh. Việc quản lý rừng tận gốc còn bộc lộ nhiều yếu kém, một số chính quyền xã chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo việc tổ chức, xây dựng phương án, kế hoạch quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Bắc Kạn có diện tích rừng sản xuất khá lớn (306.000ha), tuy nhiên diện tích rừng tự nhiên chiếm trên 50% diện tích (khoảng 160.000ha) thực hiện chủ trương đóng cửa rừng nên người dân gặp khá nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất lâm nghiệp, khả năng mở rộng diện tích trồng theo quy mô lớn mộ số loài cây trồng là rất khó khăn.

Tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp hầu hết xảy ra ở các địa phương, do việc thu nhập từ nông nghiệp thấp nên lao động chính của gia đình thoát ly đi làm các công việc khác dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân chỉ sử dụng một phần đất nông nghiệp sản xuất để đảm bảo về an ninh lương thực gây ra tình trạng thiếu lao động tại địa phương khi mở rộng sản xuất.

Khả năng nhận thức, trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế; một số bộ phận người dân còn trông chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần cũng do kiểu hỗ trợ dự án, chính sách theo hình thức ban phát từ trên xuống, định hướng xóa đói giảm nghèo chưa khuyến khích, trao quyền cho cộng đồng tự vươn lên làm chủ quá trình phát triển.

Mối liên kết “04 nhà” trong sản xuất chưa chặt chẽ, thiếu gắn kết lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau; chưa xây dựng được chuỗi sản xuất theo nhóm sản phẩm. Vì thế, sản phẩm nông, lâm nghiệp chưa được công nhận đảm bảo an toàn thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao; các sản phẩm nông, lâm chủ yếu bán ở dạng tươi sống, chưa qua chế biến.

Trong thời gian qua mối liên kết giữa công nghiệp và nông nghiệp chưa chặt chẽ; hoạt động sản xuất nông nghiệp chưa gắn với chương trình phát triển nông thôn mới; hoạt động phát triển cộng đồng, cải thiện đời sống và huy động năng lực của đồng bào dân tộc, của phụ nữ còn hạn chế.

- Việc phát triển các thành phần kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn

Theo tổng điều tra Dân số tại thời điểm 01/4/2019 của tỉnh Bắc Kạn có 82.835 hộ, với dân số 313.905 người; tổng số hộ dân thuộc vùng nông thôn là 64.976 hộ, chiếm 78,44%; dân số thuộc vùng nông thôn 248.773 người, chiếm 79,25%, sống chủ yếu bằng thu nhập từ nông nghiệp, với quy mô bình quân đất đai thấp và mật độ lao động cao nên công tác tập trung, tích tụ đất đai gặp nhiều khó khăn.

Ngành nông, lâm nghiệp chưa thu hút được sự đầu tư của các doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ sản phâm nông, lâm nghiệp mặc dù đã có nhiều chính sách thu hút đươc ban hành.

Việc thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp còn nhiều bất cập; sự tuân thủ hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân không cao, thiếu chặt chẽ, chưa bền vững và chưa có chế tài xử lý khi vi phạm hợp đồng.

3. Nguyên nhân

- Nguyên nhân khách quan

Xuất phát điểm về kinh tế - xã hội của tỉnh ở mức thấp, môi trường cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa ngày càng gay gắt.

Do địa hình chia cắt, dân cư phân tán, thiên tai liên tiếp xảy ra gây thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân trong khi khả năng và nguồn lực cho phòng, chống khắc phục còn hạn chế và không kịp thời. Bên cạnh đó, dịch, bệnh trên cây trồng vật nuôi liên tiếp phát sinh, gây hại ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Chính sách khuyến khích hỗ trợ sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung hỗ trợ trực tiếp cho nông dân phục vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Do nguồn lực hạn chế nên chưa có chính sách đủ mạnh trong liên kết tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp nông thôn.

- Nguyên nhân chủ quan

Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện chương trình thiếu sự chủ động; năng lực một số cán bộ nhất là mạng lưới cán bộ ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, việc cụ thể hóa nội dung chương trình, kế hoạch ở một số nơi còn lúng túng; chính quyền cấp cơ cở tại một số địa phương chưa thực sự vào cuộc trong công tác chỉ đạo, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.

Người dân chưa mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; một số mô hình đã thành công nhưng khi nhân rộng vào sản xuất người dân không áp dụng theo kỹ thuật, đầu tư hạn chế nên hiệu quả chưa đạt như mong muốn; việc khai thác lợi thế của địa phương chưa tốt; việc ứng dụng phát triển sản xuất của một số nơi không theo quy hoạch, còn mang tính tự phát, lắp ghép từ kết quả của nhiều vùng nên hiệu quả chưa như mong đợi.

Chất lượng kết cấu hạ tầng và dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, đặc biệt là hệ thống đường phục vụ sản xuất, đường lâm nghiệp hầu như chưa được đầu tư; nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải cách hành chính còn nhiều hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp còn thấp.

Các cấp, các ngành chưa dự báo được xu hướng phát triển của nông nghiệp, nông thôn. Những vướng mắc trong phát triển kinh tế tập thể, gia trại chưa được thống nhất giải quyết; chưa có chiến lược giải quyết đầu ra cho nông dân một cách ổn định, đời sống của nông dân còn nhiều khó khăn.

Chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đạt mục tiêu, việc triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm về xây dựng nông thôn mới ở nhiều xã chưa đáp ứng yêu cầu; vệ sinh môi trường nông thôn ở nhiều khu dân cư chưa tốt; công tác quản lý, khai thác các công trình sau đầu tư trên địa bàn thôn, xã chưa được chú trọng.

Phần III

MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG, NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

I. THỜI CƠ VÀ THÁCH THỨC

1. Thời cơ

Hiện nay, sản lượng lương thực có hạt hằng năm ổn định, đảm bảo về an ninh lương thực, tạo sự ổn định về đời sống cho người dân; trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 40 mô hình, sản phẩm nông sản đặc sản có giá trị cao, được thị trường ưa chuộng và có tiềm năng củng cố, hỗ trợ thúc đẩy nhân rộng như: Chè Shan tuyết, cam, quýt, hồng không hạt, mơ, chanh leo, ba kích tím, các loại rau sạch/rau hữu cơ; các mô hình chế biến sản phẩm chăn nuôi và trồng trọt như thịt trâu khô, lợn quay, xúc xích, sản xuất tinh dầu, chuối khô, miến dong, miến gạo…. Tỉnh đã ban hành và tổ chức thực hiện đề án OCOP đã có kết quả tốt.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng nguyên liệu, phát triển mô hình sản xuất mới, như: Vùng trồng cây dong riềng, vùng trồng cam, quýt, vùng trồng chè, vùng trồng chuối tây,.... bước đầu tạo được vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa phục vụ cho công tác chế biến nông sản đặc sản của địa phương được thị trường ưa chuộng.

Người dân tỉnh Bắc Kạn đã có kinh nghiệm về kiến thức, kỹ thuật và các giống, cây con bản địa có giá trị cao trên thị trường bao gồm các giống cây trồng, vật nuôi, cây thuốc... Thực tế hiện nay, môi trường sản phẩm bản địa của tỉnh hiện đang rất có lợi thế về việc sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ nếu được thúc đẩy phát triển và liên kết thị trường đúng hướng, đây sẽ là một tiềm năng to lớn cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

 Lĩnh vực lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn có sự đầu tư phát triển nhanh về diện tích rừng trồng tập trung, tỷ lệ che phủ rừng đạt 72,6% cao nhất trên toàn quốc với nhiều khu rừng đặc dụng còn phong phú về tài nguyên thực vật, hệ thống hang động còn giữ được nguyên sơ là tạo cơ hội cho tỉnh thu hút đầu tư, phát triển về du lịch sinh thái đặc thù cho Bắc Kạn nói riêng vùng Đông Bắc nói chung.

Toàn tỉnh, có trên 97.000ha đất có rừng trồng sản xuất, đây là vùng nguyên liệu khá lớn để đáp ứng cho chế biến; có trên 4.000ha là cây vầu, nứa xen cây gỗ/ 250.000ha rừng tự nhiên, đây là thế mạnh để phát triển khai thác chế biến các loại lâm sản ngoài gỗ, như: Măng các loại, giấy đế, đũa xuất khẩu... Đặc biệt, với địa hình vùng cao, chia cắt, có nhiều vùng khí hậu là nơi thích hợp phát triển các loài cây dược liệu dưới tán rừng qua đó có thể hình thành các khu vực trồng cây dược liệu tập trung đáp ứng nhu cầu của thị trường đảm bảo có truy xuất nguồn gốc, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất, chế biến dược liệu trên địa bàn.

 Mặt khác với vị trí trung tâm của vùng Đông Bắc, giao thông khá thuận tiện có thể lấy Bắc Kạn làm vùng tập trung cho phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản (gỗ) xuất khẩu, hạn chế cung ứng nguyên liệu thô để tăng giá thành và lợi nhuận trong sản xuất.

Bước đầu đã có thay đổi trong nhận thức về phương thức chăn nuôi như: Từ sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng gia trại, trang trại, đây cũng là cơ hội để thay đổi về nhận thức của cả người chăn nuôi và hệ thống quản lý thuộc lĩnh vực chăn nuôi - thú y cũng như ý thức của người tiêu dùng sử dụng sản phẩm từ lĩnh vực chăn nuôi. Từ những bài học kinh nghiệm thực tiễn, cần có những cơ chế chính sách và biện pháp triệt để thay đổi tập quán chăn nuôi, thói quen tiêu dùng, tổ chức lại sản xuất lĩnh vực chăn nuôi, củng cố hệ thống thú y, cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh các sản phẩm thịt chăn nuôi chấp hành theo quy định của pháp luật.

Hiện nay và trong tương lai, mối quan tâm của đất nước và xã hội đối với vấn đề môi trường càng trở nên quan trọng, dịch vụ bảo vệ môi trường đang và sẽ trở thành một nguồn sinh kế cụ thể cho các địa phương có lợi thế như Bắc Kạn.

2. Thách thức

Cơ cấu lại nông nghiệp với quy mô sản xuất lớn, có thể sẽ làm giá thành sản phẩm cao hơn nông dân tự sản xuất trên quy mô nhỏ trong một giai đoạn nhất định, do phải đầu tư nhiều hơn và thậm chí trong một số trường hợp không thành công, có thể trở thành rào cản cho tăng trưởng, làm giảm thu nhập của nông dân, khả năng rủi ro cao hơn, thậm chí làm cho nông dân phá sản. Nếu không có các chính sách trợ giá, trợ giúp, xây dựng cơ sở hạ tầng của nhà nước trong cơ cấu lại nông nghiệp, với một cơ chế trợ giúp hiệu quả theo định hướng thị trường, thì chỉ có các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân có điều kiện (nhân lực, đất đai, tài chính) tham gia phát triển sản xuất, chế biến có mới có thể cơ cấu lại nông nghiệp thành công về dài hạn. Vì cơ cấu lại theo quy mô sản xuất lớn, ít nhất là trong 03 - 04 năm đầu, nông dân sẽ không có lãi, hoặc lãi ít và các tác nhân thị trường cần cân nhắc kỹ, phải có thị trường rất tiềm năng cho các sản phẩm dự kiến sau khi tái cơ cấu nông nghiệp.

Nguy cơ định hướng tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn có thể tạo điều kiện phát triển cho các gia trại, trang trại có điều kiện và doanh nghiệp mà bỏ lại đa số đối tượng sản xuất nhỏ, nhất là nhóm người yếu thế như phụ nữ và và đồng bào dân tộc ít người, có ít tư liệu sản xuất và quy mô sản xuất nhỏ.

Hầu hết nông sản của tỉnh phần lớn hiện nay đều được bán dưới dạng thô, với giá thấp hơn so với các mặt hàng cùng chủng loại cạnh tranh trong nước do thua kém về mẫu mã mặc dù sản phẩm nông sản của Bắc Kạn được đánh giá có chất lượng tốt và đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, với thị trường cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi cả về chất lượng, mẫu mã ngày càng nâng cao, các sản phẩm yêu cầu phải đảm bảo sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Sự phối hợp của các cấp, các ngành, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp chưa được quyết liệt; người dân chưa rõ, thiếu thông tin về công nghệ, giá cả và thị trường để giải quyết những khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Nguồn lực của địa phương để đầu tư cho phát triển nông nghiệp rất hạn chế, đối với các nhà đầu tư lớn muốn vào đầu tư tại địa phương lại mắc phải rào cản là diện tích đất manh mún, nhiều chủ sở hữu, diện tích đất rừng khá nhưng chủ yếu lại là rừng tự nhiên nhiều nên khó có thể thực hiện được các dự án đầu tư.

Hiện nay, trồng rừng sản xuất tuy đã có bước phát triển nhưng chưa tạo thành vùng nguyên liệu lớn đủ cung ứng cho công nghiệp chế biến gỗ. Ngành lâm nghiệp chưa phát huy được lợi thế, trồng phát triển các loại cây dược liệu, cây đa mục đích, việc khai thác các nguồn dược liệu chủ yếu là vẫn dựa vào khai thác sẵn có từ tự nhiên.

Trong sản xuất nông nghiệp vẫn trong tình trạng tự phát, phân tán, tận dụng, quy mô hộ gia đình, rất hạn chế về sự liên kết tạo ra khu vực sản xuất lớn, tập trung, đồng bộ. Nhận thức và tập quán của phần lớn nông dân chậm được thay đổi, chưa quan tâm áp dụng kỹ thuật mới nên một số cây trồng, vật nuôi có tiềm năng sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn, tập trung chưa phát triển.

Lực lượng cán bộ ngành nông nghiệp trong toàn tỉnh hiện nay khá mỏng, hiện phải đảm đương nhiều công việc liên quan đến công tác quản lý, trong khi đó việc phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các trường đại học, các chuyên gia có chuyên môn về kỹ thuật, các công ty, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các tổ chức của nông dân..., luôn luôn là một thách thức và đòi hỏi trong giai đoạn tới cần có một phương pháp tiếp cận đột phá và một nguồn lực hỗ trợ phù hợp để thúc đẩy liên kết và tổng hợp nguồn lực mới đảm bảo thực hiện tái cơ cấu một cách hiệu quả.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp để tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và của ngành nông nghiệp nói riêng, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp phải phù hợp với từng giai đoạn để nâng cao giá trị gia tăng của từng ngành hàng theo chuỗi giá trị góp phần tăng trưởng ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn thấp nhất bằng mức tăng trưởng chung của cả nước và đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

 2. Mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2020-2025 [2]

- Tăng trưởng nông nghiệp ổn định hằng năm, thấp nhất bằng mức tăng trưởng nông nghiệp chung của cả nước.

- Chuyển dịch cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp đến năm 2025: Lấy lâm nghiệp, chế biến gỗ và dược liệu là trọng tâm của đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

- Giá trị gia tăng (VA) của lĩnh vực lâm nghiệp, chế biến gỗ đến năm 2025 theo giá so sánh đạt 2.099,1 tỷ đồng/815,7 tỷ đồng, trong đó lâm nghiệp 1.661,63/794,65 tỷ đồng tăng 2,09 lần so với hiện tại; chế biến gỗ, tre nứa 437 tỷ đồng/21,7 tỷ đồng, tăng thêm 20,1 lần so với năm 2018.

- Giá trị tăng thêm của lĩnh vực trồng trọt đến năm 2025 theo giá so sánh đạt 2.380,33/1.845,44 tỷ đồng tăng 1,29 lần so với hiện tại.

- Giá trị tăng thêm của lĩnh vực chăn nuôi đến năm 2025 theo giá so sánh đạt 1.161,82/721,28 tăng 1,61 lần so với hiện tại.

=> Tổng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp đến năm 2025 là 5.641,25 tỷ đồng, trong đó: Trồng trọt chiếm 42,21%, chăn nuôi chiếm 20,6%, lâm nghiệp chiếm 37,2%, thủy sản chiếm 1,16% (cơ cấu tương ứng năm 2018: Trồng trọt chiếm 54,8%, chăn nuôi chiếm 20,9%, lâm nghiệp chiếm 23,0%, thủy sản chiếm 1,3%).

- 40% các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực (gỗ, dược liệu, cam, quýt, hồng không hạt, trâu, bò, lợn, miến dong, chè) có truy xuất nguồn gốc và đạt các tiêu chuẩn hữu cơ hoặc VietGap, tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững hoặc FSC.

- Góp phần cải thiện môi trường sinh thái, bảo tồn nguồn gen quý đồng thời tăng thu nhập cho nông dân. Ứng dụng công nghệ tăng trưởng xanh cho từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

3. Tầm nhìn đến năm 2035

- Tiếp tục giữ mức tăng trưởng nông nghiệp ổn định hằng năm thấp nhất bằng mức tăng trưởng nông nghiệp chung của cả nước.

 - Giá trị tăng thêm của lĩnh vực lâm nghiệp, chế biến gỗ đến năm 2035 theo giá so sánh đạt 2.683,1/2.099,1 tỷ đồng tăng 1,28 lần so với 2025 (sản lượng gỗ khai thác ổn định như năm 2025. Giá trị tăng thêm của chế biến gỗ, tre nứa 584 tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với năm 2025).

- Giá trị tăng thêm của lĩnh vực trồng trọt đến năm 2035 theo giá so sánh đạt 3.233,6/2.380,33 tỷ đồng tăng 1,35 lần so với 2025.

- Giá trị tăng thêm của lĩnh vực chăn nuôi đến năm 2035 theo giá so sánh đạt 1.493,9/1.161,82 tăng 1,28 lần so với 2025.

=> Tổng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp đến năm 2035 là: 7.410,6 tỷ đồng/5.641,25 tỷ đồng, tăng 1,32 lần so với năm 2025, trong đó: Trồng trọt chiếm 43,6%, chăn nuôi chiếm 20,2%, lâm nghiệp chiếm 36,2%.

III. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG

1. Quan điểm

- Phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Kạn phải dựa trên nền tảng lợi thế của tỉnh là sản xuất nông, lâm nghiệp. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp thực chất là định hướng lại việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Lấy việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp làm trọng tâm để cơ cấu lại nền kinh tế chung của tỉnh. Đồng thời, cơ cấu lại các ngành khác theo mục tiêu khai thác phát triển ngành nông nghiệp.

- Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp phải dựa trên phát triển chuỗi giá trị của các ngành hàng có lợi thế; nghiên cứu, phát triển thị trường là bước đi đầu tiên cho quá trình thực hiện mục tiêu phát triển. Đặc biệt, quan tâm phát triển các sản phẩm bản địa, sản phẩm chủ lực, OCOP. Hỗ trợ thúc đẩy các nhóm đối tượng có ít tư liệu sản xuất/quy mô sản xuất nhỏ song cũng có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP.

- Lấy khoa học công nghệ, huy động tài nguyên con người và đổi mới quan hệ sản xuất làm động lực cho tăng trưởng, tăng thu nhập, tạo tích lũy, phát triển nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội; chủ động tạo việc làm, có thu nhập ổn định cho lao động nông thôn tại các địa phương đang xa rời sản xuất nông nghiệp để lãng phí tài nguyên đất đai, ruộng vườn tìm công việc khác ở các công ty.

- Lấy liên kết sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm và dịch vụ tiêu thụ nông sản làm trung tâm của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Thúc đẩy sự tham gia, chia sẻ lợi ích công bằng, liên kết sản xuất giữa các hộ gia đình với các công ty (doanh nghiệp), các tổ chức của nông dân, các đơn vị nghiên cứu, chế biến kinh doanh và liên kết thị trường, tập trung phát triển kinh tế hợp tác và thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu.

- Nhà nước làm tốt vai trò kiến tạo phát triển thông qua đổi mới cơ chế, chính sách, thể chế và các hỗ trợ cần thiết, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động. Phát huy tinh thần tự chủ, tự lực của cộng đồng dân cư nông thôn, phát triển sản phẩm đặc thù của từng vùng, miền, thôn bản, lấy nông dân và các tổ chức của nông dân làm chủ thể của quá trình phát triển thông qua các cơ chế chính sách hỗ trợ liên kết giữa các hộ nông dân/hình thành nhóm hộ sản xuất để liên kết với các tác nhân khác trên thị trường.

- Thông qua các giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ tăng trưởng xanh cho từng lĩnh vực tại địa phương để cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo định hướng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, bình đẳng giới và các phúc lợi xã hội khác cho người dân.

2. Định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp và nâng cao giá trị gia tăng

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp và nâng cao giá trị gia tăng xác định những ngành hàng có lợi thế, tiềm năng để tập trung phát triển sản xuất theo định hướng sau:

Đối với lâm nghiệp: Đã được Luật Lâm nghiệp xác định là một ngành kinh tế kỹ thuật thực hiện theo chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu quản lý rừng, trồng rừng, khai thác, chế biến, thương mại và tiêu thụ sản phẩm. Lợi thế trong sản xuất lâm nghiệp của tỉnh trên cơ sở cơ cấu lại nội bộ ngành lấy chế biến lâm sản làm trung tâm; phát huy lợi thế sản phẩm bản địa; cơ cấu lại lao động, áp dụng khoa học công nghệ với kết cấu hạ tầng đồng bộ; sản xuất gắn với tiêu thụ, trên cơ sở phát huy vai trò của kinh tế hợp tác, liên kết đa dạng. Mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đối với trồng trọt: Với cây lúa, chủ động chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiêu quả cao hơn, một phần chuyển sang lúa chất lượng cao sản xuất thành hàng hóa, gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm; duy trì một số diện tích lúa nhất định kết hợp với thâm canh tăng năng suất để đảm bảo an ninh lương thực; hằng năm đánh giá chất lượng các loại giống, chọn lọc những giống có chất lượng, năng suất để đảm bảo thâm canh trên một đơn vị diện tích đạt năng suất cao. Với cây ngô, giữ ổn định diện tích ngô soi bãi, chuyển diện tích ngô đồi sang cây trồng khác, như: Cây công nghiệp, lâm nghiệp đa mục đích, cây ăn quả,… để nâng cao giá trị thu nhập cho một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ môi trường, chống xói mòn đất.

Đối với chăn nuôi: Cải tiến hệ thống tổ chức sản xuất chăn nuôi trên địa bàn, từng bước tạo sự dịch chuyển phát triển chăn nuôi theo chiều sâu mang tính bền vững, như: Chuyển từ phương thức chăn nuôi truyền thống, phân tán, quy mô nhỏ sang phương thức chăn nuôi gia trại, trang trại, hợp tác xã và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi có liên kết trong tiêu thụ sản phẩm đầu ra trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế và lợi ích về môi trường. Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng về sản lượng thịt, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản xuất, tập trung vào các loại vật nuôi chính mà địa phương có thế mạnh như: Trâu thịt, bò thịt, lợn địa phương, tận dụng tối đa các lợi thế của từng tiểu vùng và gắn sản xuất với nhu cầu thị trường.

2.1. Đối với các sản phẩm ngành hàng tham gia trục sản phẩm quốc gia

2.1.1. Ngành hàng gỗ và chế biến lâm sản

Phát triển trồng rừng và chế biến gỗ từ rừng trồng là sản phẩm chủ lực của địa phương tham gia vào ngành hàng chủ lực của quốc gia theo hướng bền vững và có giá trị gia tăng cao. Tiến hành rà soát, phân vùng trồng các loại cây, đánh giá tiềm năng, nhu cầu của các chủ sở hữu rừng để chuyển đổi theo hướng tập trung để tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng đủ nhu cầu cho công tác chế biến với quy mô lớn. Chủ động nghiên cứu, tuyển chọn đưa vào trồng các loài cây lâm nghiệp có giá trị cao, chú trọng các loài cây lâm nghiệp bản địa có giá trị trên thị trường, nghiên cứu đổi mới phương thức trồng, chu kỳ kinh doanh theo hướng kinh doanh cây gỗ lớn, tiến tới cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) cho đa số diện tích rừng trồng. Hoàn thiện hệ thống đường giao thông và đường lâm nghiệp (vận xuất, vận chuyển), đẩy mạnh cơ giới hóa trong việc trồng, chăm sóc, khai thác, vận chuyển lâm sản.

2.1.2. Ngành hàng trồng và chế biến dược liệu

Phát triển trồng và chế biến dược liệu thành ngành hàng chủ lực của địa phương tham gia vào ngành hàng chủ lực của quốc gia theo hướng bền vững và có giá trị gia tăng cao. Tiến hành rà soát, đánh giá tiềm năng và nhu cầu của các hộ gia đình, các chủ sở hữu đất phù hợp với phát triển cây dược liệu, tiến hành phân vùng trồng các loại cây dược liệu để tăng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng đủ nhu cầu cho công tác chế biến với quy mô lớn. Chủ động nghiên cứu, tuyển chọn đưa vào trồng các loài cây dược liệu có giá trị cao, đặc biệt là các loại cây dược liệu bản địa đã phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu của địa phương; khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với người dân địa phương nơi có cây dược liệu để đầu tư vào trồng, chế biến tiêu thụ sản phẩm dược liệu cho địa phương. Đồng thời, nghiên cứu thị trường cho cây dược liệu được xuất khẩu ra thế giới.

2.2. Đối với các sản phẩm ngành hàng tham gia trục sản phẩm cấp tỉnh

2.2.1. Ngành hàng cây ăn quả đặc sản cam, quýt, hồng không hạt, mơ, chuối

Phát triển ngành hàng cây ăn quả đặc sản cam, quýt, hồng không hạt, mơ, chuối thành ngành hàng chủ lực của địa phương (trục sản phẩm cấp tỉnh) theo hướng bền vững và có giá trị gia tăng. Tiến hành rà soát, đánh giá tiềm năng và nhu cầu của các hộ gia đình có đất đai phù hợp với phát triển cây ăn quả, phân vùng trồng các loại cây ăn quả để có điều kiện thâm canh tăng năng suất, quy mô đủ lớn để đảm bảo cho công tác chế biến, tiêu thụ sản phẩm đáp ứng theo yêu cầu của thị trường thu mua. Chủ động nghiên cứu, tuyển chọn giống, phương thức trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến để tạo ra được vùng phát triển các loại cây ăn quả đặc sản của địa phương, tiến tới sản xuất cây ăn quả theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và đảm bảo được truy xuất nguồn gốc. Tập trung nghiên cứu thị trường cho các sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương. Thu hút các doanh nghiệp vào liên doanh liên kết với nông dân và các tổ chức của nông dân để trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả đặc sản cho địa phương.

2.2.2. Ngành hàng chăn nuôi đại gia súc và lợn địa phương

Phát triển chăn nuôi đại gia súc và lợn địa phương thành chuỗi ngành hàng cấp tỉnh. Thực hiện nghiên cứu tuyển chọn các nguồn gen quý của trâu, bò, lợn tại địa phương, đưa ra các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, áp dụng khoa học công nghệ mới để nhân giống để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường chăn nuôi để sản phẩm chăn nuôi đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn và có truy xuất nguồn gốc. Tăng cường liên doanh liên kết để thu hút đầu tư đặc biệt khâu chế biến, bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm.

2.2.3. Ngành hàng chế biến một số sản phẩm nông nghiệp chè, miến dong

Với định hướng cơ cấu lại vùng phát triển cho nguyên liệu cây chè và dong riềng để phát huy những lợi thế về cây chè và cây dong riềng thành ngành hàng chính của địa phương hạn chế đến mức thấp nhất việc bán nguyên liệu thô ra ngoài tỉnh các cấp, các ngành của tỉnh và địa phương tập trung các nguồn lực để đẩy mạnh công tác chế biến chè và dong riềng. Đồng thời, thúc đẩy việc đầu tư về mẫu mã, bao bì sản phẩm, xúc tiến đầu tư xây dựng thương hiệu chè và miến dong tỉnh Bắc Kạn.

Tiếp tục xác định và thúc đẩy phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương có giá trị khác trong quá trình thực hiện triển khai Đề án.

2.3. Đối với các sản phẩm ngành hàng tham gia trục sản phẩm OCOP

Thực hiện theo các nội dung của Đề án mỗi xã, phường một sản phẩm tỉnh Bắc Kạn (OCOP) phê duyệt cho giai đoạn 2020 - 2025 tầm nhìn đến năm 2035.

IV. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP CƠ CẤU LẠI

1. Giai đoạn 2020 - 2025

1.1. Đối với ngành hàng chế biến gỗ

1.1.1. Tạo vùng nguyên liệu

Trồng lại rừng tập trung sau khai thác, ứng dụng khoa hoạc kỹ thuật trong chăm sóc thâm canh rừng là mục tiêu chính trong giai đoạn 2020 - 2025, để tạo ra nguồn nguyên liệu đảm bảo về số lượng và chất lượng, cung cấp nguyên liệu để chế biến làm hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu là đột phá. Hiện tại toàn tỉnh có khoảng 97.000ha rừng trồng, trong giai đoạn 2020 - 2025 đưa diện tích rừng trồng của toàn tỉnh đạt 100.000ha, diện tích khai thác trung bình từ 5.500 - 6.500ha/năm với trữ lượng khoảng 700.000 - 900.000m3/năm, sản xuất ra 300.000m3 sản phẩm; sau khi khai thác thì tiến hành trồng lại rừng sau khai thác trong đó cố gắng khoảng 1/3 diện tích này trồng theo hướng kinh doanh cây gỗ lớn. Các diện tích trồng rừng tập trung nguyên liệu cho chế biến phấn đấu 40% có chứng chỉ quản lý rừng bền vững hoặc chứng chỉ FSC.

 Căn cứ vào điều kiện địa hình, khí hậu và thực tế sản xuất của người dân hiện nay cần tập trung phân vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ theo định hướng phát triển loài cây chính là keo các loại, cây mỡ, các loài cây phù trợ, gồm: Lát, trám, xoan, quế, hồi, sao (tông dù), thông để tạo ra được vùng nguyên liệu đảm bảo phục vụ công tác chế biến, cụ thể như sau:

- Cây keo

Vùng trồng tập trung tại các huyện: Chợ Mới, Bạch Thông, thành phố Bắc Kạn, phía Nam và phía Đông huyện Ba Bể; phía Nam huyện Ngân sơn; phía Nam huyện Chợ Đồn; một phần huyện Na Rì và một số xã của huyện Pác Nặm.

Chọn những nơi có địa hình thấp chân đồi để trồng với phương thức trồng chủ yếu là trồng thâm canh, đối với những nơi có điều kiện thuận lợi hơn thì tiến hành trồng xen với một số cây khác như: Lát, trám, sao.

Toàn tỉnh có khoảng 35.000ha cây keo được trồng từ các năm 2010 trở về đây, mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có khoảng 40.000ha. Với chu kỳ kinh doanh là 10 năm trung bình mỗi năm khai thác 4.000ha, năng suất trung bình phải nâng lên 110-130m3/ha, sản lượng đạt 440.000 - 520.000m3.

- Cây mỡ

Vùng trồng tập trung, gồm: Khu vực còn lại của huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Na Rì, Pác Nặm.

Toàn tỉnh có trên 30.000ha cây mỡ được trồng từ các năm 1992 trở lại đây, mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có khoảng 35.000ha, với chu kỳ kinh doanh là 15- 20 năm trung bình mỗi năm khai thác 2.000 ha, năng suất phải nâng lên 150 -170m3/ha, sản lượng đạt 300.000 - 340.000m3.

- Các cây trồng khác (lát, trám, xoan, quế, hồi, sao, thông)

Cùng với việc tập trung trồng 02 loài cây nguyên liệu chính (keo, mỡ) để tận dụng lợi thế của địa phương và nâng cao giá trị thì có thể phát triển trồng thêm các loài cây khác ở những địa phương có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho những loài cây này phát triển, như: Cây hồi, cây quế phát triển tốt tại 03 xã vùng cao huyện Chợ Mới, một số xã phía Bắc huyện Bạch Thông, Na Rì, một số xã phía Nam huyện Chợ Đồn, Ngân Sơn. Ngoài ra, cây quế phát triển tốt tại thành phố Bắc Kạn, huyện: Ba Bể, Pác Nặm; cây thông ở huyện Ngân Sơn. Phấn đấu toàn tỉnh có 7.000ha cây quế, hồi và 4.000ha cây thông.

Ngoài ra đối với các loài cây lát, trám, xoan, sao... cần đẩy mạnh việc thực hiện trồng rừng theo phương thức trồng xen và trồng phân tán với diện tích khoảng 15.000ha.

1.1.2. Mục tiêu sản phẩm

- Đối với sản phẩm lâm sản (gỗ): 100% sản phẩm lâm sản (gỗ) khai thác rừng trồng phải có truy xuất nguồn gốc theo quy định tại Thông tư số: 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.

- Đối với các sản phẩm chủ lực: Phấn đấu toàn tỉnh có trên 50% diện tích cây keo và 30% diện tích cây mỡ được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững hoặc FSC; 100% sản lượng khai thác gỗ keo và mỡ phải được chế biến tại địa phương, trong đó:

+ Đối với gỗ keo: Phấn đấu 50% sản lượng gỗ khai thác được chế biến sâu (ván ghép thanh, ván sàn, ván MDF, hàng thủ công mỹ nghệ); 30% sản lượng được sơ chế (ván bóc, gỗ thanh); 20% còn lại được đưa vào chế biến thành các sản phẩm khác (viên nén, gỗ băm, giấy đế).

+ Đối với gỗ mỡ: Phấn đấu 70% sản lượng gỗ khai thác được chế biến sâu (đũa xuất khẩu, ván ghép thanh…) có thể tham gia xuất khẩu; 30% còn lại được sơ chế.

+ Đối với các loài lâm sản khác: 50% được chế biến thành các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong gia đình…; 50% được sơ chế (gỗ thanh, ván ép, gỗ xẻ).

+ Đối với các loài cây lâm sản đa tác dụng (quế, hồi): Phấn đấu 100% sản phẩm được chế biến tại địa phương (trưng cất tinh dầu quế, hồi).

- Ngoài ra khi chính sách đóng cửa rừng tự nhiên được gỡ bỏ thì trên địa bàn tỉnh còn có trên 100.000ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên đủ điều kiện thực hiện phương án điều chế rừng sẽ cho một sản lượng gỗ khá lớn, giá trị kinh tế cao là các cây rừng tự nhiên đến tuổi khai thác, đây là một trong những nguồn thu rất lớn cho người dân, cũng như nguồn nguyên liệu lớn phục vụ cho các nhà máy chế biến.

1.1.3. Cơ sở chế biến

Để đạt được mục tiêu chế biến như trên thì cần phân vùng định hướng cho việc xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản, cụ thể:

- Tập trung chuyển đổi Khu công nghiệp Thanh Bình thành khu chế biến gỗ tập trung và mở thêm cụm công nghiệp chế biến tại xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới trong đó: Thu hút được các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến có công nghệ, thiết bị đồng bộ để tập trung chế biến ra sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu với công suất:

+ Ván dán: 100.000m3/năm với 02 nhà máy.

+ Ván ghép thanh: 50.000m3/năm, từ 01 - 02 nhà máy.

+ Sản phẩm gỗ thanh đạt tiêu chuẩn CoC: 50.000m3/năm, từ 01 - 02 xưởng chế biến.

+ Sản phẩm gỗ viên nén: 50.000 tấn/năm, từ 01 - 02 xưởng chế biến.

+ Đũa xuất khẩu: 50.000 tấn/năm, từ 01 - 02 xưởng chế biến.

+ Nhà máy chế biến gỗ thủ công mỹ nghệ và hàng tiêu dùng: 10.000 sản phẩm/năm.

- Mở rộng các xưởng chế biến gỗ tại phía Nam huyện Chợ Đồn với công suất:

+ Ván ghép thanh: 50.000m3/năm, từ 01- 02 nhà máy.

+ Sản phẩm gỗ thanh đạt tiêu chuẩn CoC: 20.000m3/năm, từ 01 - 02 xưởng chế biến.

+ Sản phẩm gỗ viên nén: 30.000 tấn/năm, từ 01 - 02 xưởng chế biến.

+ Đũa xuất khẩu: 50.000 tấn/năm, từ 01 - 02 xưởng chế biến.

- Hình thành khu công nghiệp chế biến gỗ tại khu vực xã Hà Hiệu huyện Ba Bể, xã Bằng Vân huyện Ngân Sơn để chế biến gỗ với công xuất:

+ Ván ghép thanh: 50.000m3/năm, từ 01 - 02 nhà máy.

+ Sản phẩm gỗ thanh đạt tiêu chuẩn CoC: 20.000m3/năm, từ 01 - 02 xưởng chế biến.

+ Sản phẩm gỗ viên nén: 50.000 tấn/năm, từ 01 - 02 xưởng chế biến.

+ Đũa xuất khẩu: 20.000 tấn/năm, 01 xưởng chế biến.

- Ngoài ra tại các địa phương tiến hành rà soát và duy trì một số xưởng gỗ bóc để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy ván ép và các xưởng gỗ răm để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy ván ép MDF, đồng thời tận thu toàn bộ các sản phẩm dư thừa, vỏ cây, mùn cưa, ván hỏng cung cấp cho nhà máy tạo viên nén xuất khẩu.

- Phấn đấu đến năm 2025, có 02 cơ sở chế biến tinh dầu hồi và quế tại địa phương; khuyến khích các xưởng chế biến mộc làm hàng thủ công mỹ nghệ và sản xuất hàng tiêu dùng, đồ dùng gia đình như hiện có trên địa bàn tỉnh (hiện có khoảng trên 100 xưởng mộc).

1.1.4. Thị trường

- Đối với các sản phẩm đũa với chính sách đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu sẽ trực tiếp xuất khẩu sang các nước, như: Hàn Quốc, Nhật Bản (hiện tại trên địa bàn đã có doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp được các sản phẩm này).

- Đối với các sản phẩm ván ép sẽ tham gia xuất khẩu sang các nước, như: Mỹ, EU và một phần tiêu thụ nội địa.

- Đối với sản phẩm gỗ thanh đạt chứng chỉ CoC sẽ được các đơn vị thu mua và xuất khẩu sang các nước EU và Mỹ (Công ty Woodsland).

- Đối với sản phẩm gỗ viên nén sẽ được các công ty trong nước bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu.

- Đối với các sản phẩm gỗ thanh khác đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, thúc đẩy liên kết với các công ty chế biến gỗ trong nước bao tiêu (như các công ty chế biến gỗ tại tỉnh Đồng Nai).

- Ngoài ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng được tiêu thụ tại thị trường trong nước và từng bước tham gia thị trường xuất khẩu.

1.1.5. Chính sách

Để thực hiện được mục tiêu là cơ cấu lại ngành hàng gỗ thì cần có một số chính sách, cụ thể:

- Có chính sách phân vùng và khuyến khích các hộ trồng rừng tuân thủ theo quy trình, đưa được diện tích khai thác đồng tuổi theo chu kỳ của cây keo là 5.000ha/năm và cây mỡ là 2.000ha/năm để đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định theo kế hoạch khai thác hằng năm.

- Có chính sách khuyến khích về cấp cây giống chất lượng cao (cây mô) cho các hộ trồng lại rừng sau khai thác để tạo ra được nguyên liệu có mức độ đồng đều cao phục vụ chế biến.

- Vận dụng tốt các chính sách hiện có để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản.

- Có chính sách ưu đãi cho các nhà máy, doanh nghiệp thu mua nguyên liệu và chế biến trên địa bàn tỉnh để các nhà máy, doanh nghiệp tăng giá thu mua nguyên liệu cho người dân, giảm việc nguyên liệu được chuyển về các địa phương khác chế biến.

- Cần có sự chỉ đạo trong việc phân vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp, nhà máy; có thể phân vùng theo địa bàn hoặc phân vùng theo loài cây hoặc kết hợp giữ địa bàn và loài cây để tránh chồng chéo và đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến, giúp doanh nghiệp đảm báo ký được các hợp đồng cung cấp sản phẩm ổn định.

- Ngoài các chính sách hỗ trợ nêu trên thì rất cần nhà nước đầu tư thêm về hệ thống đường giao thông và đường lâm nghiệp để hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa việc trồng, chăm sóc, khai thác và vận chuyển gỗ cũng như hỗ trợ phòng, chống sâu bệnh hại và cháy rừng.

1.2. Đối với ngành hàng dược liệu

1.2.1. Tạo vùng nguyên liệu

a) Vùng dược liệu tự nhiên

- Triển khai điều tra, đánh giá và xác định số loài, trữ lượng và vùng có khả năng khai thác.

- Phân vùng khai thác các loài dược liệu tự nhiên đã xác định theo 04 tiểu vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh: Tiểu vùng Trung tâm (huyện Chợ Mới, Bạch Thông và thành phố Bắc Kạn); tiểu vùng phía Đông (huyện Na Rì); tiểu vùng phía Tây (huyện Chợ Đồn); tiểu vùng phía Bắc và Tây Bắc (gồm các huyện: Ba Bể, Pác Nặm và Ngân Sơn).

- Xây dựng kế hoạch và các giải pháp khai thác bền vững góp phần cung cấp nguồn dược liệu tự nhiên phục vụ nhu cầu sản xuất và sử dụng trong khám chữa bệnh.

- Xây dựng hệ thống các vườn bảo tồn nguồn gen cây dược liệu, cây thuốc quý bản địa.

 - Triển khai các hoạt động bảo hộ, bảo tồn và đánh giá giá trị nguồn gen, tập trung vào các nguồn gen đặc hữu, bản địa, có giá trị và có nguy cơ bị tuyệt chủng.

- Xây dựng 04 vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia đại diện cho các tiểu vùng sinh thái phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển dược liệu.

b) Vùng trồng dược liệu

Phân thành 04 vùng trồng tập trung các loài dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái và nhu cầu của các hộ có tiềm năng đất đai để đáp ứng nhu cầu thị trường, mỗi vùng phấn đấu trồng được 50ha cây dược liệu theo hình thức thâm canh và 50ha trồng xen dưới tán rừng, cụ thể:

- Tiểu vùng Trung tâm: Tập trung phát triển 12 loài cây dược liệu có thế mạnh của tỉnh, gồm: Ba kích, Hà Thủ ô, Bình vôi, Bảy lá một hoa, Cát sâm, Đinh lăng, Kê huyết đằng, Giảo cổ lam, Ích mẫu, Kim tiền thảo, Gừng gió, Củ tắc kè...

- Tiểu vùng phía Đông: Tập trung phát triển 08 loài cây dược liệu là thế mạnh của vùng, gồm: Ba kích, Hà thủ ô, Bình vôi, Gừng gió, Củ tắc kè, Kê huyết đằng, Dong riềng đỏ, Sâm cau.

- Tiểu vùng phía Tây: Tập trung phát triển 09 loài cây dược liệu có giá trị là thế mạnh của địa phương, gồm: Ba kích, Hà thủ ô, Bình vôi, Cát sâm, Đinh lăng, Kê huyết đằng, Giảo cổ lam, Ích mẫu, Kim tiền thảo.

- Tiểu vùng phía Bắc và Tây Bắc: Tập trung phát triển 10 loài cây dược liệu có giá trị kinh tế là thế mạnh của vùng, gồm: Ba kích, Hà thủ ô, Bình vôi, Bảy lá một hoa, Cát sâm, Kê huyết đằng, Giảo cổ lam, Ích mẫu, Lan kim tuyến, Củ tắc kè.

1.2.2. Mục tiêu sản phẩm

- Trước mắt trong những năm đầu tập trung phát triển trồng các loài cây dược liệu để cung cấp cho các cơ sở chế biến trong nước.

- Sau khi phát triển tốt nguồn nguyên liệu và tổ chức xây dựng được các cơ sở chế biến phấn đấu 50% sản lượng cây dược liệu sẽ được chế biến tại địa phương trong đó 30% được chế biến sâu.

1.2.3. Cơ sở chế biến

- Nâng cấp, cải tạo đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, đổi mới trang thiết bị các cơ sở sơ chế, chế biến, chiết xuất, bảo quản dược liệu hiện có trên địa bàn tỉnh. Củng cố, liên kết các cơ sở sơ chế, chế biến, sản xuất hiện đang có của người dân. Đầu tư xây dựng mới một số cơ sở theo hướng hiện đại, đồng bộ để đảm bảo mỗi vùng có ít nhất 01 nhà máy sơ chế, chế biến, chiết xuất cao dược liệu đạt tiêu chuẩn.

- Phát triển hệ thống các nhà máy chế biến, chiết xuất dược liệu tập trung vào 05 nhóm sản phẩm chủ lực sau:

+ Sản xuất nguồn nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp dược, mỹ phẩm, hương liệu, thực phẩm chức năng và nguyên liệu xuất khẩu.

+ Sản xuất sản phẩm từ chiết xuất: Cao tiêu chuẩn, bột nguyên liệu; chiết xuất các loại tinh dầu, hoạt chất tinh khiết. Sử dụng các công nghệ mới, như: Chiết xuất bằng khí hóa lỏng, chiết xuất bằng siêu âm.

+ Sản xuất thuốc thành phẩm từ dược liệu phục vụ cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh.

+ Nghiên cứu phát triển một số thuốc từ dược liệu có tác dụng phòng, chống ung thư, thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường, ...

1.2.4. Thị trường

Thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh với tốc độ tăng trưởng khoảng 25% mỗi năm và đạt giá trị (sản xuất trong nước và xuất khẩu) trên 02 tỷ USD/năm, theo dự đoán của hãng nghiên cứu thị trường Business Monitor International Ltd (BMI) của Anh Quốc: Trong 05 năm tới thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ là mảnh đất giàu tiềm năng cho các công ty nước ngoài do thị trường bắt đầu mở cửa rộng hơn cho các doanh nghiệp vào thị trường Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 17% - 19%/năm và kinh phí mua thuốc chữa bệnh tăng gấp đôi sau 05 năm.

Theo cam kết của WTO, các công ty dược phẩm nước ngoài có quyền mở chi nhánh tại Việt Nam và được tham gia nhập khẩu trực tiếp dược phẩm, mặc dù chưa được quyền phân phối. Thêm vào đó, Việt Nam sẽ giảm thuế cho sản phẩm y tế là 5% và 2,5% cho thuốc nhập khẩu trong vòng 05 năm sau khi gia nhập WTO.

 Nhu cầu trong nước: Với trên 96 triệu dân Việt Nam, hứa hẹn cho dược liệu một thị trường tiềm năng khi nhu cầu sử dụng mặt hàng này ngày càng lớn, có tốc độ tăng trưởng bình quân cao 11,7%/năm. Không chỉ là thuốc, xu thế mỹ phẩm dùng nguyên liệu từ thiên nhiên thay thế nguyên liệu tổng hợp đã chiếm 90% tổng số mỹ phẩm được sản xuất, do vậy thị trường dược liệu của tỉnh (70%) hướng tới chính là phục vụ nhu cầu trong nước.

Khả năng xuất khẩu dược phẩm: Trong những năm gần đây thị trường dược liệu của Việt Nam xuất khẩu cũng có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, sản phẩm dược chủ yếu của các công ty là thuốc có nguồn gốc từ thảo mộc tự nhiên, thuốc kháng sinh, một số loại Vitamin tổng hợp... và một số mặt hàng khác theo yêu cầu của đối tác như: Châu Phi, Nga, một số nước láng giềng... song so với giá trị sản xuất thuốc trong nước con số này còn quá khiêm tốn. Với tiềm năng sẵn có về nguồn dược liệu tự nhiên, kết hợp với quy hoạch phát triển cây dược liệu, đồng thời xây dựng một số nhà máy chế biến và chiết xuất thì khả năng cung ứng, xuất khẩu dược liệu và thuốc từ dược liệu của tỉnh Bắc Kạn trong giai đoạn tới là rất khả quan. Hằng năm khối lượng dược liệu xuất khẩu của cả nước có thể đạt tới 15.000 - 20.000 tấn nguyên liệu/năm, cung ứng cho sản xuất trong nước khoảng 20.000 tấn/năm, các sản phẩm từ dược liệu đảm bảo sức cạnh tranh với thị trường quốc tế, do vậy về lâu dài thì 30% sản phẩm cây dược liệu là hướng vào thị trường này.

- Các giải pháp về thị trường được thực hiện theo 03 hướng chính

+ Liên kết với các trường đại học, các chuyên gia trong lĩnh vực thị trường tiến hành khảo sát, đánh giá thị trường cho các sản phẩm dược liệu tiềm năng của tỉnh Bắc Kạn bao gồm cả thị trường cho sản phẩm thô, thị trường cho sản phẩm sơ chế và thị trường cho sản phẩm chế biến cuối cùng.

+ Gắn việc phát triển hệ thống thu hái, sản xuất và các nhà máy chế biến, chiết xuất dược liệu với nhu cầu của thị trường.

+ Liên kết thị trường song phải đảm bảo các bí quyết/kỹ thuật truyền thống về dược liệu, các bài thuốc liên quan và lợi ích thuộc về chủ sở hữu là các cộng đồng người dân tỉnh Bắc Kạn, góp phẩn phát triển kinh tế cho tỉnh Bắc Kạn nói chung và các cộng đồng người dân tỉnh Bắc Kạn nói riêng.

1.2.5. Giải pháp về cơ chế chính sách phát triển dược liệu

- Xây dựng các cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, nguồn vốn... tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp, người dân tham gia bảo tồn và phát triển dược liệu.

- Xây dựng và phát triển các vùng trồng dược liệu tập trung theo nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO) đối với các loài dược liệu trong quy hoạch, gắn liền với chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để bảo vệ quyền lợi của người trồng dược liệu.

- Tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý về dược liệu trên địa bàn.

- Xây dựng chính sách ưu tiên trong sản xuất, đăng ký, lưu hành sản phẩm đối với dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu đáp ứng với thực tiễn và phù hợp quy định hiện hành hành.

1.3. Đối với cây ăn quả đặc sản cam, quýt, hồng không hạt, mơ, chuối

1.3.1. Tạo vùng nguyên liệu

 - Để tạo ra được vùng nguyên liệu cho mục tiêu phát triển ngành hàng cây ăn quả cần phân vùng trồng các loài cây cụ thể như sau:

+ Đối với cây cam, quýt: Tập trung tại các xã Dương Phong, Đôn Phong, Quang Thuận huyện Bạch Thông; các xã Đông Viên, Phương Viên, Rã Bản huyện Chợ Đồn; huyện Na Rì và huyện Ba Bể với diện tích đạt 4.000ha, năng suất đạt 120 tạ/ha, sản lượng đạt 48.000 tấn (hiện nay diện tích 3.300ha, năng suất đạt 100,8 tạ/ha).

+ Đối với cây hồng không hạt: Tập trung tại các huyện Ba Bể, Chợ Đồn và Ngân Sơn với diện tích đạt 1.000ha, năng suất đạt 70 tạ/ha, sản lượng đạt 7.000 tấn (hiện nay năng suất đạt 56 tạ/ha).

+ Đối với cây mơ: Tập trung tại các xã: Cao Kỳ, Thanh Mai, Thanh Vận huyện Chợ Mới; các xã Đôn Phong, Dương Phong, Mỹ Thanh, Dương Phong huyện Bạch Thông; huyện Chợ Đồn và thành phố Bắc Kạn với diện tích đạt 1.000ha, năng suất đạt 80 tạ/ha, sản lượng đạt 8.000 tấn (hiện nay năng suất đạt 50 tạ/ha).

+ Đối với cây chuối: Toàn tỉnh hiện có 1.800ha phát triển tập trung tại các huyện: Chợ Mới, Ba Bể, Bạch Thông và thành phố Bắc Kạn; năng suất trung bình 120 tạ/ha; phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có khoảng 2.500ha trồng chuối, sản lượng 30.000 tấn.

Ngoài ra, các huyện: Ngân Sơn, Pác Nặm phát triển cây ăn quả như: Lê, hạt dẻ thành hàng hóa với diện tích 300ha, sản lượng đạt 500 - 700 tấn; xây dựng vườn giống lê, dẻ bản địa đảm bảo nhu cầu về cây giống phục vụ phát triển sản xuất.

1.3.2. Mục tiêu sản phẩm

- Mục tiêu đặt ra cho các sản phẩm cây ăn quả là 100% diện tích phải được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó ít nhất 50% được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm hữu cơ; 30% đạt tiêu chuẩn về VietGAP; phấn đấu 50% diện tích cây ăn quả có mã vùng (truy xuất được nguồn gốc).

- Đối với cây quýt: Duy trì diện tích khoảng 2.000ha có thực hiện các biện pháp kỹ thuật để tăng vị ngọt của sản phẩm quýt, tăng năng suất, sản lượng, mẫu mã quả, không tiến hành trồng mới giống quýt địa phương; đối với diện tích cây quýt già cỗi thì tiến hành trồng thay thế bằng các loài cây khác như: Cam sành địa phương, cam đường canh,... Sản phẩm quýt chủ yếu trong giai đoạn tới vẫn là phục vụ tiêu thụ trực tiếp, một phần được đưa chế biến thành các sản phẩm như tinh dầu quýt.

- Đối với cây cam: Thực hiện việc cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng mẫu mã quả, tiến hành cải tạo các vườn cam già cỗi phấn đấu toàn tỉnh có khoảng 2.000ha cây cam với các giống là cam địa phương, cam đường canh, cam V2… Sản phẩm cam chủ yếu trong giai đoạn tới vẫn là phục vụ tiêu thụ trực tiếp, một phần được đưa chế biến thành các sản phẩm như tinh dầu cam.

- Đối với cây mơ: Toàn tỉnh hiện nay có khoảng 438ha cây mơ, với lợi thế là đã có cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại địa phương do vậy phấn đấu thời gian tới đẩy mạnh diện tích cây mơ đạt 1.000ha, sản lượng mơ quả 8.000 tấn phấn đấu 100% sẽ được thu mua và sơ chế tại địa phương.

- Đối với cây hồng không hạt: Toàn tỉnh hiện có khoảng 760ha, phấn đấu đến năm 2025 thực hiện được 1.000ha, sản lượng đạt 7.000 tấn, trong đó có khoảng 30% sản lượng hồng không hạt sẽ được chế biến thành các sản phẩm như: Hồng sấy dẻo, mứt hồng. Sản phẩm hồng không hạt chủ yếu trong giai đoạn tới vẫn là phục vụ tiêu thụ trực tiếp.

- Đối với cây chuối: Toàn tỉnh hiện có 1.800ha trồng chuối theo hướng hàng hóa, trong đó có khoảng 30 - 40% đã được đưa vào chế biến thành các sản phẩm chuối sấy dẻo, rượu chuối… phấn đấu đến năm 2025 có 2.500ha trồng chuối, sản lượng 30.000 tấn, trong đó 70 - 80% sản lượng chuối sẽ được đưa vào chế biến thành các sản phẩm như chuối sấy dẻo, rượu chuối, mứt chuối, chuối sấy khô.

1.3.3. Cơ sở chế biến

Để thúc đẩy sản xuất chuỗi ngành hàng cây ăn quả cần tập trung nâng cấp cơ sở chế biến mơ hiện có (Misaki) để tiêu thụ 100% sản lượng quả mơ trên địa bàn (khoảng 8.000 tấn). Ngoài ra, kêu gọi thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, HTX đầu tư công nghệ và chế biến quả hồng không hạt thành các sản phẩm hồng sấy dẻo, mứt hồng.

Thành lập một số cơ sở chế biến tinh dầu cam, quýt để tận dụng sản phẩm là vỏ cam, quýt và những quả loại thải đưa vào chế biến.

Đối với cây chuối cần tập trung nâng cấp các cơ sở chế biến rượu chuối và các HTX chế biến chuối dẻo, mứt chuối và chuối sấy khô; phấn đấu đến năm 2025, 70% sản lượng chuối (20.000 tấn) sẽ được đưa vào chế biến tại địa phương.

1.3.4. Thị trường

Việc phát triển thị trường ổn định cho các sản phẩm cây ăn quả có thế mạnh của địa phương là việc làm rất cần thiết nhất là đối với các sản phẩm tiêu thụ trực tiếp (cam, quýt, hồng không hạt, chuối). Định hướng thị trường tiêu thụ các sản phẩm cụ thể như sau:

+ Đối với quả quýt duy trì các thị trường tiêu thụ hiện nay là các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, giải pháp là tăng cường quảng bá và giới thiệu sản phẩm quýt Bắc Kạn thông qua các Hội chợ, và Tuần lễ trưng bày sản phẩm.

+ Đối với sản phẩm quả cam và hồng không hạt và chuối: Cần tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tổ chức các Tuần lễ giới thiệu sản phẩm tại các thị trường lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là liên kết với các hệ thống siêu thị lớn như: BigC, HaproMard… để đưa được sản phẩm quả cam Bắc Kạn, hồng không hạt, chuối và các sản phẩm từ chuối vào được các hệ thống siêu thị này.

+ Đối với sản phẩm quả mơ cần tiếp tục đầu tư công nghệ hiện đại trong chế biến nhằm nâng cao chất lượng quả mơ, cải tiến về cách thu hái đảm bảo mẫu mã quả để duy trì được việc cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho cơ sở chế biến Misaki. Từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm quả mơ Bắc Kạn.

+ Từng bước xem xét, nghiên cứu, liên kết và phát triển xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

1.3.5. Chính sách

- Các chính sách đề nghị cụ thể như sau:

+ Chính sách hỗ trợ xây dựng mã vùng nguyên liệu đối với cây ăn quả.

+ Hỗ trợ trồng mới và đầu tư thâm canh, cải tạo các vườn cây ăn quả hiện có.

+ Hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quy chuẩn (QCVN 01-132:2013/BNNPTNT).

+ Hỗ trợ kinh phí cấp chứng nhận an toàn thực phẩm và các chứng chỉ liên quan khác.

+ Hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm.

1.4. Đối với chăn nuôi đại gia súc và lợn địa phương

1.4.1. Tạo vùng nguyên liệu

Tạo vùng nguyên liệu phát triển chăn nuôi tại các địa phương sau:

- Đàn trâu: Tập trung cải tạo con giống, phương thức chăn nuôi để tăng năng suất, sản lượng thịt, phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại tại các huyện: Ngân Sơn, Chợ Đồn, Ba Bể, Na Rì, Pác Nặm; phấn đấu đến năm 2025 đàn trâu toàn tỉnh ổn định 45.000 con; xuất chuồng bình quân 15.000 con/năm; tương đương với sản lượng thịt trâu hơi khoảng 3.600 tấn/năm.

- Đàn bò: Tập trung phát triển tại các huyện: Ngân Sơn, Chợ Mới, Ba Bể, Pác Nặm; phấn đấu đến năm 2025, đàn bò ổn định 20.000 con; số con xuất chuồng bình quân 7.000 con/năm; tương đương với sản lượng thịt bò hơi khoảng 1.500 tấn/năm.

- Đàn lợn: Tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại gắn tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết, cụ thể: Đối với lợn lai, lợn ngoại phát triển tại các huyện: Chợ Mới, Na Rì, Bạch Thông, Chợ Đồn; đối với lợn địa phương, phát triển tại các huyện: Chợ Đồn, Na Rì, Ba Bể, Pác Nặm, Ngân Sơn. Đến năm 2025, tổng đàn lợn ổn định 130.000 con; số con xuất chuồng bình quân 190.000 con/năm; tương đương với sản lượng thịt lợn hơi khoảng 13.000 tấn/năm. Trong đó, đàn lợn địa phương chiếm khoảng 20% (khoảng 26.000 con) so với tổng đàn lợn các loại trên địa bàn; số con lợn địa phương xuất chuồng 19.000 con/năm tương, đương với sản lượng khoảng 800 tấn thịt hơi/năm.

1.4.2. Mục tiêu sản phẩm

Mục tiêu của sản phẩm chăn nuôi đại gia súc và lợn địa phương đòi hỏi cần phải có sự đột phá về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, đủ sức canh tranh trên thị trường; trong đó phải có đột phá về tổ chức sản xuất, phương thức, quy mô đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Yêu cầu đối với các sản phẩm thịt cung cấp ra thị trường phải có truy xuất nguồn gốc; 100% sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đối với sản phẩm thịt trâu, bò phấn đấu 30% được chế biến thành các sản phẩm, như: Thịt trâu (bò) sấy khô, thịt trâu, bò hun khói; 50% sản lượng trâu, bò thịt nguyên con được xuất khẩu; số còn lại là tiêu thụ nội địa.

Đối với sản lượng thịt lợn địa phương phấn đấu 30% được tiêu thụ tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Hưng Yên... theo hình thức xuất bán cả con hoặc dưới dạng thịt lợn cung cấp vào các siêu thị..., 30% sản lượng được chế biến thành các sản phẩm như thịt lợn hun khói, thịt lợn sấy khô, xúc xích.

1.4.3. Cơ sở chế biến

 Về cơ sở chế biến cần hỗ trợ, củng cố, liên kết các cơ sở chế biến nhỏ hiện có của người dân, xây dựng ít nhất 01 cơ sở giết mổ tập trung tại thành phố Bắc Kạn với công suất từ 20 - 50 con trâu bò và trên 50 con lợn/ngày. Tại các huyện còn lại làm tốt công tác quản lý giết mổ tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Tập trung hỗ trợ các cơ sở giết mổ, các HTX nâng cao công suất chế biến sản phẩm thịt trâu, bò và lợn địa phương.

1.4.4. Thị trường

- Tăng cường cập nhật và thông tin về tình hình chăn nuôi và thị trường các sản phẩm chăn nuôi; hỗ trợ quảng bá và tiếp cận thị trường cho các vùng chăn nuôi có ưu thế cạnh tranh (lợn thịt địa phương, trâu, bò).

- Tăng cường kết nối thị trường trong tỉnh, ngoài tỉnh để có thể điều tiết được các sản phẩm một cách năng động và có lợi nhất cho người chăn nuôi, đặc biệt là thị trường của các tỉnh, thành phố lớn.

- Trên cơ sở quy hoạch các vùng sản xuất chăn nuôi, khuyến khích các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh đăng ký vùng nguyên liệu, thỏa thuận, tổ chức ký cam kết tiêu thụ sản phẩm trực tiếp với người chăn nuôi theo yêu cầu để tạo sự ổn định về giá cả, nguồn hàng hóa sản phẩm, tạo thương hiệu cho sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.

- Xây dựng thương hiệu sản phẩm: Chú trọng xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân áp dụng chăn nuôi theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định như: VietGAP, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học,... nhằm tạo ra các sản phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

1.4.5. Chính sách

Triển khai các chính sách khuyến khích đầu tư vào sản xuất nông nghiệp của Trung ương, của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Hỗ trợ để xây dựng 01 cơ sở giết mổ tập trung tại khu trung tâm để quản lý dịch bệnh và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Lồng ghép nguồn vốn của Trung ương, tỉnh và các địa phương thông qua các chương trình, dự án, mô hình,... đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

1.5. Đối với chế biến chè và miến dong

1.5.1. Tạo vùng nguyên liệu

a) Đối với cây chè

Tổng diện tích hiện có 2.000ha (chè Shan tuyết 650ha), trong đó: Diện tích đã cho thu hoạch 1.900ha, sản lượng đạt 9.000 tấn chè búp tươi. Diện tích đã được chứng nhận VietGAP là 37ha, diện tích thâm canh, cải tạo 179ha. Phấn đấu đến năm 2025 đạt 2.500ha, sản lượng đạt 12.000 tấn chè búp tươi. Cơ cấu giống chủ yếu là chè trung du lá nhỏ trồng bằng hạt, một số ít diện tích đã được thay thế bằng các giống mới (LDP1, LDP2). Các vùng trồng có độ cao lớn trồng giống chè Shan tuyết. Để tạo được vùng nguyên liệu định hướng phát triển hàng hóa với diện tích 2.500ha và phân vùng như sau:

- Vùng chè trung du: Tại xã Yên Đĩnh, xã Quảng Chu huyện Chợ Mới; xã Mỹ Phương, xã Chu Hương huyện Ba Bể diện tích 1.500ha, sản lượng đạt 9.500 tấn.

- Vùng chè Shan tuyết tại xã Bằng Phúc huyện Chợ Đồn; các xã Đồng Phúc, Quảng Khê huyện Ba Bể; xã Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư huyện Chợ Mới với diện tích 1.000ha, sản lượng đạt 2.500 tấn chè búp tươi.

b) Đối với cây dong riềng

Cây dong riềng có diện tích trồng khá lớn trên địa bàn tỉnh, năm cao nhất lên đến 2.900ha, tuy nhiên do khả năng chế biến và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn nên trong những năm qua diện tích cây dong riềng giảm đáng kể, năm 2019 diện tích đạt 450ha. Để duy trì và tăng giá trị cho ngành hàng chế biến dong riềng, cần xây dựng vùng trồng cây dong riềng ổn định từ 800 - 1.000ha, sản lượng đạt 57.000 - 72.000 tấn, vùng trồng tập trung tại huyện Na Rì, Ba Bể và một số vùng phụ cận khác như tại các huyện: Chợ Mới, Bạch Thông, Chợ Đồn. Như vậy, nếu toàn bộ củ tươi chế thành tinh bột sẽ là 8.000 - 10.000 tấn tinh bột; sản xuất thành miến sẽ là 4.800 - 6.000 tấn miến thành phẩm.

1.5.2. Mục tiêu sản phẩm

a) Đối với cây chè

- Phấn đấu 100% sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (sản phẩm chè sạch); 30% diện tích chè được cấp chứng chỉ VietGAP; 100% sản phẩm chè có nhãn mác bao bì sản phẩm và có thể truy xuất được nguồn gốc. Sản phẩm chè làm ra chủ yếu là các sản phẩm chè xanh.

- Đối với sản phẩm chè trung du tập trung chỉ đạo thâm canh tăng năng suất, cải tạo hoặc trồng thay thế những nương chè già cỗi hiện có để nâng cao năng suất lên trên 65 tạ/ha.

- Đối với sản phẩm chè Shan tuyết thực hiện việc cải tạo, thâm canh tăng năng suất chất lượng, kết hợp trồng mới để tăng năng suất lên trên 25 tạ/ha.

b) Đối với cây dong riềng

- Phấn đấu 100% sản lượng củ dong riềng được chế biến thành các sản phẩm, như: Miến dong, viên nang miến dong, miến dong ăn liền…; 100% sản phẩm miến dong đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, có nhãn mác, bao bì và truy xuất nguồn gốc; đến năm 2025 có 30% sản phẩm miến đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ.

- Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá và giới thiệu sản phẩm miến dong Bắc Kạn, đến năm 2025 xây dựng thành công thương hiệu miến dong Bắc Kạn.

1.5.3. Cơ sở chế biến

a) Đối với sản phẩm chè

- Hiện tại sản phẩm chè chủ yếu được chế biến thủ công tại các hộ gia đình trồng chè, một số ít tham gia vào các tổ hợp tác và có chế biến chung và có một số hộ đứng ra thu mua chè để về chế biến. Để nâng cao chất lượng sản phẩm chè cần xây dựng được chuỗi các cở sở chế biến, cụ thể như sau:

+ Tiếp tục thành lập một số HTX trồng và chế biến chè tại các vùng chè tập trung như: Xã Mỹ Phương, xã Chu Hương huyện Ba Bể; xã Như Cố, xã Quảng Chu, xã Yên Hân, xã Yên Cư huyện Chợ Mới; xã Bằng Phúc huyện Chợ Đồn. Tổ chức mỗi điểm trên một xưởng chế biến với quy mô vừa để thu mua và chế biến sản lượng chè búp tươi tại các địa phương này.

+ Hỗ trợ cho các hộ nhỏ lẻ có diện tích chè các thiết bị chế biến (máy vò, lò sao) để 100% sản lượng chè búp tươi được chế biến ngay sau thu hái (chế biến trong ngày) đảm bảo chất lượng chè.

+ Duy trì tăng năng suất nhà máy chế biến chè tại huyện Chợ Đồn do Công ty Trách nhiệm hữu hạn chè Peloyen Đài Loan đầu tư từ trồng đến chế biến, sản phẩm chế biến là chè Ô Long xuất khẩu.

b) Đối với cây dong riềng

Toàn tỉnh có 37 cơ sở sản xuất, trong đó có 27 cơ sở có máy chuyên sản xuất miến dong (gồm: 04 cơ sở chế biến đạt công suất trên 80 tấn miến dong/năm; có 11 cơ sở chế biến đạt công suất từ 50 - 80 tấn miến dong/năm; còn lại là 12 cơ sở chế biến miến đạt dưới 50 tấn miến dong/năm) và 10 cơ sở chuyên sản xuất tinh bột. Để nâng cao năng suất chế biến của các cơ sở chế biến miến dong định hướng, như sau:

- Tại huyện Ba Bể nâng công suất chế biến của cơ sở chế biến miến Nhất Thiện đưa sản lượng miến đạt trên 1.000 tấn/năm; đầu tư mở rộng các cơ sở chế biến khác như cơ sở chế biến miến của Triệu Thị Tá để đạt sản lượng miến trên 200 tấn/năm. Ngoài ra, tại khu vực trung tâm huyện Ba Bể có thể nghiên cứu xây dựng thêm một cơ sở chế biến với công suất trên 1.000 tấn miến/năm để tiêu thụ diện tích dong riềng tại các xã phía Bắc.

- Tại huyện Na Rì với các cơ sở chế biến hiện đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường thì tiếp tục duy trì chế biến. Tiến hành xây dựng mới một cụm chế biến miến dong tại xã Côn Minh để chế biến 100% sản lượng củ dong hiện có, dự kiến công suất của cụm chế biến đạt 1.500 - 2.500 tấn miến/năm.

- Tại thành phố Bắc Kạn nâng công suất chế biến của nhà máy sản xuất miến dong Tân Sơn do Công ty Cổ phần Hồng Hà đạt 300 tấn miến/năm, hiện nay nhà máy mới chế biến được khoảng 70 - 100 tấn miến còn lại vẫn xuất bán tinh bột.

- Đầu tư xây dựng thêm một nhà máy chế biến với công xuất 1.000 tấn miến/năm để tiêu thụ toàn bộ sản lượng củ dong hiện có tại các địa bàn huyện Bạch Thông và huyện Chợ Mới.

- Với định hướng như trên thì hằng năm công suất chế biến miến toàn tỉnh đạt sản lượng từ 4.800 - 6.000 tấn miến/năm. Như vậy, cơ bản sẽ tiêu thụ hết sản lượng củ dong trên địa bàn tỉnh từ 800 - 1.000ha.

1.5.4. Thị trường

a) Đối với cây chè

- Thị trường chính của cây chè trong giai đoạn tới chủ yếu vẫn là tiêu thụ nội địa với sản phẩm là chè xanh, tuy nhiên để phát triển ổn định được ngành hàng chè thì từng bước phải có các liên doanh, liên kết với các công ty chè lớn của Thái Nguyên để đưa sản phẩm vào tham gia xuất khẩu.

- Đối với sản phẩm chè Shan tuyết cần tăng cường khâu quảng bá giới thiệu sản phẩm để sản phẩm chè được đưa vào các chuỗi tiêu thụ trong các siêu thị lớn và từng bước tham gia vào thị trường xuất khẩu.

b) Đối với miến dong

Hiện tại sản phẩm miến dong đã được thị trường ưa chuộng một phần đã được đưa vào các siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ tại các thành phố lớn, tuy nhiên để đảm bảo sản xuất ổn định thì trong thời gian tới phấn đấu 80% sản phẩm miến phải được tiêu thụ chính là tại các siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

1.5.5. Chính sách

Về chính sách cần thực hiện tốt các chính sách hiện có như Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn; Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND ngày 17/4/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn và các chính sách hiện hành khác.

Cần có chính sách để phát triển cây chè và cây dong riềng như hỗ trợ xây dựng các xưởng chế biến, các khu chế biến tập trung để phát triển sản xuất, hỗ trợ lấy các loại chứng chỉ liên quan như an toàn thực phẩm, VietGap.

Hằng năm cần tổ chức tốt việc tuyên truyền quảng bá giới thiệu sản phẩm để tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm.

1.6. Đối với các sản phẩm ngành hàng tham gia trục sản phẩm OCOP

Thực hiện theo các nội dung của Đề án mỗi xã, phường một sản phẩm tỉnh Bắc Kạn (OCOP) phê duyệt cho giai đoạn 2020 - 2025 tầm nhìn đến năm 2035.

1.7. Một số giải pháp khác

- Gắn kết và lồng ghép chương trình tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn với các chương trình phát triển và giảm nghèo khác của tỉnh và của quốc gia.

- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có trọng điểm, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, đào tạo kỹ năng quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại và các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; hướng dẫn các hợp tác xã tổ chức, kiện toàn hội đồng quản trị, giám đốc và cán bộ quản lý hợp tác xã đủ khả năng quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, dịch vụ; người đứng đầu đủ năng lực xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ mở rộng thị trường và liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp theo chuỗi. Khảo sát đánh giá hoạt động hợp tác xã, các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

- Thực hiện tốt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từng bước xã hội hóa công tác đào tạo nghề; hỗ trợ kinh phí từ ngân sách để khuyến khích các doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo nghề gắn với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

2. Tầm nhìn đến năm 2035

2.1. Đối với ngành hàng chế biến gỗ

- Đến năm 2035 trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2020 - 2025, tiến hành rà soát, bổ sung đề án, định hướng năm 2035 đạt được các mục tiêu như sau:

- Cơ bản ổn định và hình thành được vùng trồng các loài cây như: Keo, mỡ, thông, quế, hồi cũng như nắm chắc được diện tích khai thác hằng năm (xây dựng được bản đồ khai thác theo tuổi cây trồng chính là keo, mỡ) để chủ động trong việc xây dựng kế hoạch khai thác và chế biến gỗ. Phấn đấu 70% diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững hoặc FSC.

- Hoàn thiện được hệ thống các cơ sở chế biến, các khu công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh phấn đấu 80% sản phẩm gỗ được chế biến sâu tại địa phương và 50% sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường lớn, như: EU, Mỹ, Nhật Bản...

- Hoàn thiện được mạng lưới giao thông đường bộ, các hệ thống đường lâm nghiệp, đường vận xuất, vận chuyển, đường ranh cản lửa đối với toàn bộ diện tích rừng trồng và một phần diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

- Xây dựng được thương hiệu gỗ cũng như các sản phẩm gỗ chế biến của tỉnh, đồng thời tìm được thị trường tiêu thụ ổn định các sản phẩm gỗ của địa phương.

2.2. Đối với ngành hàng dược liệu

- Căn cứ vào kết quả thực hiện đề án giai đoạn 2020 - 2025, tiến hành đánh giá và phân tích nhu cầu của thị trường để tập trung phát triển cây dược liệu, định hướng đến năm 2035 toàn tỉnh có:

+ Lựa chọn được tập đoàn loài cây dược liệu thích hợp cho trồng và phát triển tại địa phương và có thị trường tiêu thụ ổn định; phấn đấu diện tích cây dược liệu trồng theo hướng thâm canh, tập trung khoảng 300ha; diện tích cây dược liệu được trồng xen dưới các tán rừng tự nhiên khoảng 400ha.

+ 50% các sản phẩm cây dược liệu được đưa vào chế biến tại địa phương, trong đó 30% được chế biến sâu.

+ Hình thành được chuỗi phát triển trồng thu hái, chế biến và tiêu thụ ổn định các loại cây dược liệu có thế mạnh đã được địa phương lựa chọn.

2.3. Đối với ngành hàng cây ăn quả đặc sản cam, quýt, hồng không hạt, mơ, chuối

Căn cứ vào kết quả thực hiện đề án giai đoạn 2020 - 2025, tiến hành đánh giá và phân tích nhu cầu của thị trường để tập trung phát triển ngành hàng cây ăn quả đặc sản cam, quýt, hồng không hạt, mơ, chuối, định hướng đến năm 2035, như sau:

- Đối với cây cam: Ổn định diện tích trồng 2.000ha, 100% diện tích được áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh; 100% diện tích được cấp mã vùng sản xuất, 100% sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong đó 70% đạt tiêu chuẩn hữu cơ; phấn đấu đưa năng suất bình quân đạt trên 120 tạ/ha; 100% sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định; tạo ra được thương hiệu Cam Bắc Kạn có giá trị như một số thương hiệu khác như Cam Vinh, cam Tuyên Quang, cam Hà Giang...; đưa giá trị cây cam tăng lên từ 1,5 - 02 lần so với hiện tại.

- Đối với cây quýt: Ổn định diện tích trồng 2.000ha, 100% diện tích được áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh; 100% diện tích được cấp mã vùng sản xuất, sản phẩm 100% đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; phấn đấu đưa năng suất bình quân đạt trên 120 tạ/ha; 100% sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định; đưa giá trị cây quýt tăng lên từ 1,2 - 1,5 lần so với hiện tại.

- Đối với cây hồng không hạt: Phấn đấu diện tích trồng đạt trên 1.000ha, 100% diện tích được áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh; 100% diện tích được cấp mã vùng sản xuất, 100% sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong đó 80% đạt tiêu chuẩn hữu cơ; phấn đấu đưa năng suất bình quân đạt trên 80 tạ/ha; 100% sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định trong đó 50% được đưa vào các siêu thị lớn; tạo ra được thương hiệu hồng không hạt Bắc Kạn được thị trường chấp nhận....; đưa giá trị cây hồng tăng lên từ 1,5 - 02 lần so với hiện tại.

- Đối với cây mơ: Ổn định diện tích trồng 1.000ha, 100% diện tích được áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh; 100% diện tích được cấp mã vùng sản xuất, 100% sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong đó 80% đạt tiêu chuẩn hữu cơ; phấn đấu đưa năng suất bình quân đạt trên 100 tạ/ha; 100% sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định trong đó 70% được xuất khẩu; đưa giá trị cây mơ tăng lên từ 1,5 - 02 lần so với hiện tại.

- Đối với cây chuối: Mở rộng diện tích trồng chuối lên 3.000ha, 100% diện tích được áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh; 100% sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; phấn đấu đưa năng suất bình quân đạt trên 130 tạ/ha; 100% sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định trong đó 70% được đưa vào chế biến; đưa giá trị cây chuối tăng lên từ 1,2 - 1,5 lần so với hiện tại.

2.4. Đối với ngành hàng chăn nuôi đại gia súc và lợn địa phương

- Đàn trâu: Phấn đấu đến năm 2035 đàn trâu toàn tỉnh đạt 60.000 con; sản lượng thịt trâu hơi xuất bán đạt 5.000 tấn.

- Đàn bò: Phấn đấu đến năm 2035 đàn bò toàn tỉnh đạt 30.000 con; sản lượng thịt bò hơi xuất bán đạt 4.000 tấn.

- Đàn lợn: Phấn đấu đến năm 2035 tổng đàn lợn đạt 250.000 con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 20.000 tấn, trong đó, đàn lợn địa phương chiếm khoảng 30%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 3.000 tấn.

- Yêu cầu đối với các sản phẩm thịt cung cấp ra thị trường phải có truy xuất nguồn gốc; 100% sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đối với sản phẩm thịt trâu, bò phấn đấu 50% được chế biến thành các sản phẩm, như: Thịt trâu (bò) sấy khô, thịt trâu, bò hun khói, 30% sản lượng trâu, bò thịt nguyên con được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, số còn lại là tiêu thụ nội địa; đối với sản lượng thịt lợn địa phương phấn đấu 50% được tiêu thụ tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hưng Yên... theo hình thức xuất bán cả con hoặc dưới dạng thịt lợn cung cấp vào các siêu thị..., 30% sản lượng được chế biến thành các sản phẩm như thịt lợn hun khói, thịt lợn sấy khô, xúc xích, số còn lại là tiêu thụ nội tỉnh.

2.5. Đối với chế biến chè và miến dong

a) Đối với cây chè

 - Vùng chè trung du: Duy trì diện tích chè khoảng 1500ha, đưa năng suất bình quân đạt trên 80 tạ/ha;

- Vùng chè Shan tuyết: Tăng diện diện tích trồng chè lên 1.200 - 1.500ha, đưa năng suất bình quân đạt trên 30 tạ/ha.

- Duy trì 100% sản phần chè đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (sản phẩm chè sạch); 50% diện tích chè được cấp chứng chỉ hữu cơ và VietGAP; 100% sản phẩm chè có nhãn mác, bao bì sản phẩm và có thể truy xuất được nguồn gốc; 30% sản lượng chè được xuất khẩu.

b) Đối với cây dong riềng

 - Ổn định diện tích trồng hằng năm khoảng 1.000ha, sản lượng đạt trên 80.000 tấn.

- 100% sản lượng củ dong riềng được chế biến thành các sản phẩm, như: Miến dong, viên nang miến dong, miến dong ăn liền…; 100% sản phẩm miến dong đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, có nhãn mác, bao bì và truy xuất được nguồn gốc; đến năm 2035 có 60% sản phẩm miến đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ.

- Duy trì và phát huy tốt thương hiệu Miến dong Bắc Kạn.

2.6. Đối với các sản phẩm ngành hàng tham gia trục sản phẩm OCOP

Đối với các sản phẩm ngành hàng tham gia trục sản phẩm OCOP đến năm 2025 tổ chức đánh giá quá trình thực hiện, qua đó có thể xem xét đưa từ 05 - 10 sản phẩm lên thành các sản phẩm trục cấp tỉnh.

V. CÁC KẾ HOẠCH VÀ ĐỀ ÁN NGHIÊN CỨU PHỤC VỤ CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP

1. Kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến gỗ, tre, nứa.

2. Kế hoạch phát triển vùng trồng cây dược liệu.

3. Kế hoạch phát triển cây ăn quả đặc sản (cam, quýt, hồng không hạt, mơ, chuối).

4. Kế hoạch phát triển chăn nuôi đại gia súc, lợn địa phương.

5. Kế hoạch phát triển chế biến sản phẩm chè và miến dong.

6. Kế hoạch xây dựng các khu công nghiệp phục vụ chế biến gỗ và dược liệu.

7. Kế hoạch phát triển nông lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch.

8. Xây dựng phương án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt.

9. Các Đề án nghiên cứu

- Nghiên cứu phân vùng phát triển trồng chăm sóc khai thác một số loài cây lâm nghiệp chính của địa phương.

- Nghiên cứu phân vùng phát triển trồng chăm sóc khai thác, chế biến một số loài cây dược liệu có tiềm năng phát triển của địa phương.

- Các nghiên cứu về thị trường cho các sản phẩm của Đề án.

Khi thực hiện xây dựng các kế hoạch, đề án nghiên cứu thì sẽ cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, tiến độ, địa bàn và các giải pháp thực hiện, cũng như khái toán nguồn kinh phí thực hiện.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Trên cơ sở các nội dung của Đề án, Ủy ban nhân dân tỉnh giao các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện nội dung, cụ thể như sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2035 để chỉ đạo thực hiện; điều phối, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành và địa phương trên địa bàn xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Đề án.

- Chủ trì thực hiện việc xây dựng các quy trình kỹ thuật và hướng dẫn người dân thực hiện các quy trình kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp.

- Tổng hợp, tham mưu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình thực hiện Đề án hằng năm; đánh giá, sơ kết, tổng kết theo quy định.

2. Sở Tài chính

- Trên cơ sở Đề án được phê duyệt, hằng năm căn cứ vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ các nguồn kinh phí để triển khai Đề án.

- Tham mưu đảm bảo các chính sách tài chính cho việc thực hiện Đề án này.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ các nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho thực hiện các nhiệm vụ Đề án; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách liên quan đến Đề án, cơ chế lồng ghép các nguồn vốn thực hiện.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

- Đề xuất các dự án tham gia chương trình: Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn.

- Ưu tiên bố trí kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ thực hiện các Đề án ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông, lâm, thủy sản và phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

5. Sở Y tế

Chủ trì, triển khai nội dung phát triển cây dược liệu tại các địa phương trên cơ sở Đề án được phê duyệt; phối hợp với các Sở, Ngành và địa phương xây dựng Kế hoạch phát triển vùng trồng cây dược liệu; thực hiện việc xây dựng các quy trình kỹ thuật và hướng dẫn người dân thực hiện các quy trình kỹ thuật đối với việc chế biến cây dược liệu.

6. Sở Công Thương

- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Tham mưu xây dựng Kế hoạch phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản tỉnh Bắc Kạn đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Rà soát, báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh các chính sách liên quan đến đất đai khi Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành được sửa đổi, bổ sung theo hướng thuận lợi cho nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững; vận động người dân “dồn điền, đổi thửa” và khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp.

- Rà soát quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp (đặc biệt là đất lúa, đất rừng phòng, đặc dụng, đất chăn nuôi); hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố điều chỉnh kế hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các đề án sản xuất hàng hóa nông, lâm, thủy sản; rà soát hiện trạng sử dụng quỹ đất lâm nghiệp và các công ty nông lâm nghiệp, kiến nghị thu hồi diện tích sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả để giao cho chính quyền địa phương lập phương án sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

8. Sở Nội vụ

Tham mưu thực hiện tốt chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên môn theo từng ngành/lĩnh vực từ tỉnh đến cơ sở thuộc Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh, tham mưu thực hiện tốt chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn.

10. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Trên cơ sở Đề án được phê duyệt, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch phát triển nông lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch; hỗ trợ các địa phương triển khai các chương trình liên quan đến phát triển nông, lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch, làng nghề,...

11. Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý và tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”; hỗ trợ các địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

12. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bắc Kạn

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên tập trung vốn tín dụng cho các thành phần kinh tế đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để thực hiện Đề án và xây dựng nông thôn mới.

13. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Xây dựng kế hoạch của huyện, thành phố và tổ chức triển khai, thực hiện Đề án để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách của tỉnh để điều phối, bố trí nguồn vốn khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phù hợp với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của địa phương; tăng cường thu hút vốn đầu tư xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

14. Các Hội, Hiệp hội, tổ chức chính trị - xã hội

Tham gia thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ nông dân hợp tác, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác; thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ, bảo vệ lợi ích của hội viên trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng liên kết.

15. Các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách của nhà nước và nội dung của Đề án. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất từ cung ứng các dịch vụ đầu vào đến thu mua chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên.

16. Các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

- Mở rộng quy mô, hoạt động theo Luật Hợp tác xã sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012 và các quy định hiện hành.

- Thực hiện có hiệu quả phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và vai trò tổ chức đại diện cho nông dân theo quy định tại Nghị định số: 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

 Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án có khó khăn vướng mắc các đơn vị, địa phương báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xem xét, chỉ đạo giải quyết./.

 

CÁC PHỤ LỤC BẢNG BIỂU, CHI TIẾT KÈM THEO

Phụ lục 1

TỔNG HỢP PHÂN TÍCH ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CƠ CẤU

(nguồn số liệu được lấy từ Tổng cục Thống kê)

I. NHỮNG LÝ LUẬN CHUNG

1. Khái niệm về dự báo kinh tế xã hội

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của các ngành khoa học khác nhau, dự báo đã ra đời và phát triển. Ngày nay, dự báo được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, kinh tế - chính trị - xã hội với nhiều loại và phương pháp dự báo khác nhau. Dự báo kinh tế xã hội là sự phán đoán có căn cứ khoa học về những trạng thái có thể đạt tới trong tương lai của đối tượng nghiên cứu hoặc về những cách thức và thời hạn đạt được những mục tiêu và hiệu quả nhất định.

2. Các nguyên tắc của dự báo kinh tế - xã hội

a) Nguyên tắc liên hệ biện chứng

Các hiện tượng kinh tế - xã hội có liên hệ biện chứng với nhau. Những mối liên hệ đó có thể rất khác nhau: Bản chất và không bản chất, cố định và tạm thời, trực tiếp và gián tiếp, tất nhiên và ngẫu nhiên, nguyên nhân và kết quả… Nguyên tắc liên hệ biện chứng tạo ra công cụ phương pháp luận rất có hiệu quả để giải thích, phân tích đúng đắn và dự báo các hiện tượng kinh tế - xã hội.

b) Nguyên tắc tính kế thừa lịch sử

Các hiện tượng và quá trình kinh tế - xã hội vận động và phát triển không ngừng theo thời gian và không gian từ thấp đến cao, từ giản đơn đến phức tạp. Trạng thái hiện tại của các hiện tượng kinh tế - xã hội là kết quả hợp quy luật của sự phát triển trước đó, còn trạng thái tương lai của nó là kết quả hợp quy luật của sự vận động trong quá khứ và hiện tại. Do đó nghiên cứu đầy đủ và toàn diện sự vận động của các hiện tượng kinh tế - xã hội trong quá khứ và hiện tại sẽ tạo cơ sở cho việc dự báo và đánh giá tác động của các xu hướng trong tương lai. Sự nghiên cứu đó không chỉ có ý nghĩa đối với việc phát hiện nguồn gốc của sự phát triển của các hiện tượng kinh tế - xã hội, mà còn có ý nghĩa đối với việc dự báo xu hướng phát triển của các hiện tượng kinh tế - xã hội đó trong tương lai. Chỉ có thể dự báo về tương lai và không rơi vào không tưởng với điều kiện nghiên cứu sâu sắc hiện tượng kinh tế - xã hội trong quá khứ và hiện tại. Những hiện tượng dù chỉ mới bộc lộ ra dưới hình thức phôi thai trong hiện tại cũng đã là căn cứ quan trọng để dự báo một cách khoa học các hiện tượng kinh tế - xã hội trong tương lai.

c) Nguyên tắc tính đặc thù về bản chất của đối tượng dự báo

Nguyên tắc này đòi hỏi khi dự báo phải tính đến đặc thù về bản chất của đối tượng dự báo, tính đặc thù của những quy luật phát triển của nó. Nếu vi phạm nguyên tắc này, đặc biệt là nếu ngoại suy hình thức các hiện tượng kinh tế - xã hội, thì có thể dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng trong khi dự báo.

d) Nguyên tắc mô tả tối ưu đối tượng dự báo

Nguyên tắc này đỏi hỏi thông qua phân tích phải mô tả đối tượng dự báo như thế nào đó để đảm bảo cho việc xây dựng mô hình dự báo cho kết quả dự báo có độ tin cậy cao nhất với chi phí thấp nhất. Nguyên tắc này phải được thực hiện với những yêu cầu cụ thể:

Một là, phải mô tả dự báo với mức độ hình thức hóa tối ưu, nghĩa là phải sử dụng các mô hình, hình thức kết hợp với các phương pháp mô tả phi hình thức ở mức độ đảm bảo giải quyết được nhiệm vụ dự báo với chi phí thấp nhất.

Hai là, phải mô tả đối tượng dự báo bằng một biến số và tham số tối thiểu bảo đảm độ chính xác của dự báo, đánh giá tầm quan trọng của mỗi biến số khi mô tả và chọn những biến số quan trọng nhất và có thông tin đầy đủ nhất phù hợp với nhiệm vụ dự báo.

Ba là, phải chọn thang đo thích hợp cho mỗi chỉ tiêu nhằm đảm bảo thu thập thông tin để dự báo với chi phí thấp nhất.

e) Nguyên tắc tương tự của đối tượng dự báo

Nguyên tắc này đòi hỏi khi tiến hành dự báo phải thường xuyên so sánh những tính chất của đối tượng dự báo với những đối tượng tương tự đã biết và với các mô hình của các đối tượng đó nhằm tìm ra đối tượng tương tự. Từ đó sử dụng mô hình và một số yếu tố của mô hình để phân tích và dự báo. Nguyên tắc này một mặt cho phép tiết kiệm chi phí dự báo bằng cách sử dụng một phần các mô hình dự báo đã có sẵn, mặt khác đảm bảo kiểm tra kết quả dự báo bằng cách so sánh kết quả dự báo đó với dự báo các đối tượng tương tự.

Có thể nói, những nguyên tắc dự báo trên chỉ có ý nghĩa phương pháp luận. Trong thực tế khi vận dụng các nguyên tắc này vào phân tích và dự báo các đối tượng cụ thể là một vấn đề hết sức phức tạp. Tuy nhiên vận dụng càng tốt các nguyên tắc này thì chất lượng phân tích và dự báo càng cao.

3. Khái niệm và vai trò của dự báo thống kê ngắn hạn

a) Khái niệm về dự báo thống kê ngắn hạn

Trong thống kê, dự báo thống kê ngắn hạn là việc vận dụng các phương pháp dự báo thích hợp để dự báo xu hướng phát triển tiếp theo của các hiện tượng kinh tế - xã hội trong những khoảng thời gian tương đối ngắn (tuần, tháng, quý, năm) trong tương lai bằng việc sử dụng thông tin thống kê về hiện tượng kinh tế - xã hội nghiên cứu.

Dự báo thống kê ngắn hạn dựa trên giả định rằng hiện tượng kinh tế - xã hội trong tương lại vẫn tồn tại và phát triển theo những quy luật biến động trong quá khứ. Ưu điểm của phương pháp dự báo này là không cần nhiều tài liệu, mô hình dự báo đơn giản, dễ vận dụng và hiệu quả tương đối cao.

b) Vai trò của dự báo thống kê ngắn hạn

Nguồn tài liệu của dự báo thống kê ngắn hạn là đầu vào của quyết định, tạo cơ sở thực tế giúp cho người quản lý đưa ra các quyết định đúng đắn. Dự báo thống kê ngắn hạn cung cấp những thông tin về sự biến động của hiện tượng kinh tế - xã hội, từ đó có sự điều chỉnh để ra những quyết định phù hợp, là cơ sở để lập kế hoạch ngắn hạn. Những kết quả dự báo thống kê ngắn hạn chỉ ra những khả năng cần được khai thác và những thiếu sót cần khắc phục, có tác dụng to lớn trong việc quản lý đặc biệt là ở cấp quản lý vĩ mô.

II. PHÂN LOẠI DỰ BÁO

1. Theo độ dài của thời gian dự báo, dự báo bao gồm:

- Dự báo ngắn hạn.

- Dự báo trung hạn.

- Dự báo dài hạn.

2. Căn cứ vào nội dung (đối tượng dự báo), có thể chia dự báo thành:

- Dự báo kinh tế.

- Dự báo khoa học - công nghệ.

- Dự báo dân số.

- Dự báo xã hội.

3. Theo phương pháp luận được áp dụng, dự báo bao gồm:

- Dự báo định mức.

- Dự báo nghiên cứu.

- Dự báo tổng hợp.

4. Theo hình thức biểu hiện kết quả cuối cùng của dự báo, dự báo bao gồm:

- Dự báo số lượng.

- Dự báo chất lượng.

5. Theo tính chất của mối quan hệ giữa dự báo và trạng thái của đối tượng dự báo trong tương lai, dự báo bao gồm:

- Dự báo có điều kiện (chủ động).

- Dự báo không có điều kiện (thụ động).

6. Theo độ tản mạn của các đánh giá dự báo, dự báo bao gồm:

- Dự báo điểm.

- Dự báo khoảng.

7. Theo quy mô, cấp độ của đối tượng dự báo, dự báo bao gồm:

- Dự báo vĩ mô.

- Dự báo vi mô.

III. TIÊU CHUẨN LỰA CHỌN PHƯƠNG PHÁP DỰ BÁO

Để dự báo một hiện tượng kinh tế - xã hội nào đó trong tương lai, có 05 tiêu chuẩn để lựa chọn phương pháp dự báo thích hợp. Đó là:

- Độ chính xác của dự báo.

- Chi phí dự báo.

- Tính tổng hợp và tính khả dụng của phương pháp.

- Thời gian dự báo (tầm xa dự báo).

- Cơ sở dữ liệu để dự báo.

IV. YÊU CẦU ĐỐI VỚI SỐ LIỆU PHỤC VỤ DỰ BÁO THỐNG KÊ

- Phạm vi tính toán của số liệu phải đồng nhất, ví dụ phạm vi tính của dãy số liệu là ở cấp toàn quốc, vậy ở tất cả các thời kỳ nó phải cùng một phạm vi này.

- Thời kỳ nghiên cứu phải đồng nhất, ví dụ số liệu tổng hợp theo tháng, vậy tất cả các số liệu tham gia vào quá trình dự báo phải là số liệu tháng. Nếu là số liệu quý thì tất cả các số liệu đều phải là số liệu quý.

- Dãy số liệu phải đảm bảo tính chất so sánh giữa các thời kỳ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các chỉ tiêu dự báo chịu ảnh hưởng của giá cả.

- Dãy số liệu phải đủ dài và liên tục. Điều kiện này đảm bảo để phát hiện được quy luật phát triển của hiện tượng được nghiên cứu. Dãy số liệu quá ngắn, không thể phát hiện được xu thế phát triển của hiện tượng. Mặt khác, dãy số liệu bị ngắt quãng cũng không thể phát hiện được một cách sát thực xu thế của hiện tượng.

V. ĐỀ XUẤT PHƯƠNG PHÁP DỰ BÁO

Dựa trên nguồn số liệu thống kê thực tế tại tỉnh Bắc Kạn và các yêu cầu đối với dãy số liệu, nhóm nghiên cứu đề xuất phương pháp dự báo là phương pháp ngoại suy hàm xu thế.

Phương pháp ngoại suy hàm xu thế dựa vào hàm hồi quy theo thời gian để dự báo. Trên cơ sở dãy số thời gian người ta tìm một hàm số gọi là phương trình hồi quy phản ánh sự biến động của hiện tượng qua thời gian. Phương trình có dạng tổng quát như sau:

Trong đó:          : là mức đô lý thuyết

                        aa, a1, …. an là các tham số

                        t: là thứ tự thời gian

Mô hình dự báo:

Trong đó:          h: là tầm xa dự báo (h = 1, 2, 3….)

                        : là mức độ dự báo ở thời điểm t+h

Điều kiện vận dụng: Các dạng hàm xu thế dùng để dự đoán là các hàm xu thế có chất lượng cao khi sai số mô hình nhỏ và hệ số tương quan cao nhất (xấp xỉ 1).

VI. THỰC TRẠNG SỐ LIỆU DỰ BÁO

Dựa trên dãy số liệu giai đoạn 2010 - 2018 của tỉnh Bắc Kạn, nhóm nghiên cứu tiến hành xây dựng mô hình dự báo các ngành cho giai đoạn 2019 - 2025 và 2026 - 2035. Kết quả như sau:

1. Giá trị sản xuất theo giá hiện hành

- Năm 2025

+ Giá trị sản xuất theo giá hiện hành (GO) năm 2025 ước đạt 27.701 tỷ đồng. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 8.249 tỷ đồng (chiếm 29,78%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 6.072 tỷ đồng (chiếm 21,92%); khu vực dịch vụ ước đạt 12.896 tỷ đồng (chiếm 46,56%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước đạt 482 tỷ đồng (chiếm 1,74%).

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Ngành nông nghiệp ước đạt 6.198 tỷ đồng (chiếm 22,38%); ngành lâm nghiệp ước đạt 1.944 tỷ đồng (chiếm 7,02%); ngành thủy sản ước đạt 106,6 tỷ đồng (chiếm 0,38%).

Như vậy, so với năm gốc 2018, cơ cấu giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp năm 2025 đã tăng thêm được 2,03 điểm phần trăm (năm 2018 là 27,75%). Trong đó: Ngành nông nghiệp tăng thêm 1,33 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng thêm 0,66 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng thêm 0,03 điểm phần trăm.

+ Giá trị tăng thêm theo giá so sánh 2010 (VA) năm 2025 ước đạt 9.064 tỷ đồng. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 2.703 tỷ đồng (chiếm 22,19%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 1.074 tỷ đồng (chiếm 11,85%); khu vực dịch vụ ước đạt 5.009 tỷ đồng (chiếm 55,26%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước đạt 277 tỷ đồng (chiếm 3,06%).

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Ngành nông nghiệp ước đạt 2.011 tỷ đồng (chiếm 22,19%; ngành lâm nghiệp ước đạt 661 tỷ đồng (chiếm 7,29%); ngành thủy sản ước đạt 31 tỷ đồng (chiếm 0,34%).

So với năm gốc 2018, cơ cấu giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp năm 2025 đã tăng thêm được 1,42 điểm phần trăm (năm 2018 là 20,77%). Trong đó ngành nông nghiệp tăng thêm 1,42 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng thêm 0,82 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng thêm 0,03 điểm phần trăm.

- Năm 2035

+ Giá trị sản xuất theo giá hiện hành (GO) năm 2035 ước đạt 40.259 tỷ đồng. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 12.051 tỷ đồng (chiếm 29,93%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 8.496 tỷ đồng (chiếm 21,10%); khu vực dịch vụ ước đạt 18.998 tỷ đồng (chiếm 47,19%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước đạt 713 tỷ đồng (chiếm 1,77%).

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Ngành nông nghiệp ước đạt 8.973 tỷ đồng (chiếm 22,29%); ngành lâm nghiệp ước đạt 2.920 tỷ đồng (chiếm 7,25%); ngành thủy sản ước đạt 157 tỷ đồng (chiếm 0,39%).

So với năm gốc 2018, cơ cấu giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp năm 2035 đã tăng thêm được 2,18 điểm phần trăm (năm 2018 là 27,75%). Trong đó: Ngành nông nghiệp tăng thêm 1,24 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng thêm 0,90 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng thêm 0,04 điểm phần trăm.

+ Giá trị tăng thêm theo giá so sánh 2010 (VA) năm 2035 ước đạt 11.972 tỷ đồng. Trong đó: Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 3.644 tỷ đồng (chiếm 30,44%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 1.270 tỷ đồng (chiếm 10,61%); khu vực dịch vụ ước đạt 6.682 tỷ đồng (chiếm 55,81%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước đạt 375 tỷ đồng (chiếm 3,14%).

Trong khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản: Ngành nông nghiệp ước đạt 2.683 tỷ đồng (chiếm 22,42%; ngành lâm nghiệp ước đạt 916 tỷ đồng (chiếm 7,66%); ngành thủy sản ước đạt 43 tỷ đồng (chiếm 0,36%).

So với năm gốc 2018, cơ cấu giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp năm 2035 đã tăng thêm được 1,65 điểm phần trăm (năm 2018 là 20,77%). Trong đó: Ngành nông nghiệp tăng thêm 1,65 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng thêm 1,19 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng thêm 0,04 điểm phần trăm.

VII. SỐ LIỆU DỰ BÁO DỰA TRÊN ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ LÂM NGHIỆP

Dựa trên định hướng phát triển ngành nông nghiệp (các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi) và lâm nghiệp (các sản phẩm lâm nghiệp) của tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025 và 2035, nhóm nghiên cứu tiến hành điều chỉnh mô hình dự báo các ngành cho giai đoạn 2019 - 2025 và 2026 - 2035. Kết quả như sau:

1. Giá trị sản xuất theo giá hiện hành

- Năm 2025

+ Giá trị sản xuất theo giá hiện hành (GO) năm 2025 ước đạt 28.605 tỷ đồng. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 9.153 tỷ đồng (chiếm 32,00%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 6.072 tỷ đồng (chiếm 21,23%); khu vực dịch vụ ước đạt 12.896 tỷ đồng (chiếm 45,08%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước đạt 482 tỷ đồng (chiếm 1,69%).

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Ngành nông nghiệp ước đạt 6.199 tỷ đồng (chiếm 21,67%); ngành lâm nghiệp ước đạt 2.846 tỷ đồng (chiếm 9,95%); ngành thủy sản ước đạt 106,6 tỷ đồng (chiếm 0,37%).

So với năm gốc 2018, cơ cấu giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp năm 2025 đã tăng thêm được 4,2 điểm phần trăm (năm 2018 là 27,75%). Trong đó: Ngành nông nghiệp tăng thêm 0,63 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng thêm 3,6 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng thêm 0,02 điểm phần trăm.

+ Giá trị tăng thêm theo giá so sánh 2010 (VA) năm 2025 ước đạt 9.371 tỷ đồng. Trong đó: Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 3.010 tỷ đồng (chiếm 32,13%); khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 1.074 tỷ đồng (chiếm 11,47%); khu vực dịch vụ ước đạt 5.009 tỷ đồng (chiếm 53,45%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước đạt 277 tỷ đồng (chiếm 2,96%).

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Ngành nông nghiệp ước đạt 2.011 tỷ đồng (chiếm 21,46%); ngành lâm nghiệp ước đạt 967 tỷ đồng (chiếm 10,337,29%); ngành thủy sản ước đạt 31 tỷ đồng (chiếm 0,33%).

So với năm gốc 2018, cơ cấu giá trị tăng thêm khu vực nông lâm nghiệp năm 2025 đã tăng thêm được 4,6 điểm phần trăm (năm 2018 là 27,75%). Trong đó: Ngành nông nghiệp tăng thêm 0,70 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng thêm 3,86 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng thêm 0,01 điểm phần trăm.

- Năm 2035

+ Giá trị sản xuất theo giá hiện hành (GO) năm 2035 ước đạt 41.412 tỷ đồng. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 13.204 tỷ đồng (chiếm 31,88%); khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 8.496 tỷ đồng (chiếm 20,52%); khu vực dịch vụ ước đạt 18.998 tỷ đồng (chiếm 45,88%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước đạt 713 tỷ đồng (chiếm 1,72%).

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Ngành nông nghiệp ước đạt 8.977 tỷ đồng (chiếm 21,68%); ngành lâm nghiệp ước đạt 4.069 tỷ đồng (chiếm 9,83%); ngành thủy sản ước đạt 157 tỷ đồng (chiếm 0,38%).

So với năm gốc 2018, cơ cấu giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp năm 2035 đã tăng thêm được 4,1 điểm phần trăm (năm 2018 là 27,75%). Trong đó: Ngành nông nghiệp tăng thêm 0,63 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng thêm 3,47 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng thêm 0,03 điểm phần trăm.

+ Giá trị tăng thêm theo giá so sánh 2010 (VA) năm 2035 ước đạt 12.334 tỷ đồng. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 4.005 tỷ đồng (chiếm 32,48%); khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 1.270 tỷ đồng (chiếm 10,30%); khu vực dịch vụ ước đạt 6.682 tỷ đồng (chiếm 54,17%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước đạt 375 tỷ đồng (chiếm 3,05%).

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Ngành nông nghiệp ước đạt 2.684 tỷ đồng (chiếm 21,77%); ngành lâm nghiệp ước đạt 1.277 tỷ đồng (chiếm 10,36%); ngành thủy sản ước đạt 43 tỷ đồng (chiếm 0,35%).

So với năm gốc 2018, cơ cấu giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp năm 2035 đã tăng thêm được 4,9 điểm phần trăm (năm 2018 là 27,75%). Trong đó: ngành nông nghiệp tăng thêm 1,00 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng thêm 3,89 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng thêm 0,03 điểm phần trăm.

 

Phục lục 2: Các biểu

Biểu 01: Giá trị sản xuất theo giá hiện hành

Đơn vị tính: Triệu đồng

Năm

Tổng số

Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan

Lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan

Khai thác và nuôi trồng thủy sản

Công nghiệp và xây dựng

Dịch vụ

2010

8.628.303,5

1.684.254,6

453.798,0

27.411,3

2.598.841,1

3.721.202,1

2011

10.381.286,5

2.336.820,6

519.239,0

35.719,6

2.818.778,0

4.500.191,6

2012

11.535.614,0

2.704.097,6

704.316,1

42.127,9

2.907.564,6

4.987.736,0

2013

12.825.377,7

3.045.908,3

816.493,8

45.247,5

3.074.447,9

5.634.542,8

2014

13.921.999,5

3.285.612,8

928.624,0

55.436,5

3.286.018,1

6.172.112,1

2015

14.828.788,2

3.616.916,3

977.739,0

57.940,3

3.385.824,3

6.550.054,9

2016

15.890.489,8

3.759.391,9

1.044.153,5

60.534,9

3.620.513,5

7.143.929,7

2017

17.600.227,5

3.802.412,1

1.155.140,1

66.370,8

4.238.303,6

8.054.323,3

2018

19.373.200,4

4.077.534,1

1.231.296,7

67.910,8

4.734.872,7

8.900.813,7

 

Biểu 02: Giá trị sản xuất theo giá so sánh

Đơn vị tính: Triệu đồng

Năm

Tổng số

Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan

Lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan

Khai thác và nuôi trồng thủy sản

Công nghiệp và xây dựng

Dịch vụ

2010

8.485.507,1

1.684.254,6

453.798,0

27.411,3

2.598.841,1

3.721.202,1

2011

8.609.001,0

1.774.824,5

465.818,7

28.774,6

2.274.308,1

4.065.275,2

2012

9.082.833,7

2.033.996,9

590.758,1

27.617,0

2.174.068,9

4.256.392,9

2013

9.725.298,1

2.272.682,9

656.203,0

29.316,7

2.235.810,2

4.531.285,4

2014

10.055.515,3

2.284.547,9

687.729,7

36.110,9

2.291.490,5

4.755.636,4

2015

10.576.414,6

2.466.854,4

703.203,7

38.139,6

2.408.051,7

4.960.165,1

2016

11.095.032,9

2.477.471,9

734.561,3

38.970,8

2.650.619,0

5.193.410,0

2017

11.927.218,1

2.539.311,7

778.286,9

43.162,6

3.026.840,9

5.539.616,1

2018

12.677.561,0

2.616.731,4

794.566,7

44.698,3

3.303.890,1

5.917.674,5

 

Biểu 03: Giá trị tăng thêm theo giá hiện hành

Đơn vị tính: Triệu đồng

Năm

Tổng số

Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan

Lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan

Khai thác và nuôi trồng thủy sản

Công nghiệp và xây dựng

Dịch vụ

2010

4.825.672,1

956.537,1

264.354,6

13.966,1

951.769,8

2.496.248,1

2011

5.828.485,4

1.327.148,3

302.476,5

18.199,2

990.670,3

3.019.453,3

2012

6.549.843,8

1.535.735,6

410.291,0

21.464,3

1.020.030,0

3.372.551,2

2013

7.347.622,3

1.729.859,8

475.638,7

23.053,7

1.103.231,7

3.807.100,8

2014

7.990.912,2

1.865.995,0

540.958,9

28.245,1

1.165.904,0

4.195.613,2

2015

8.525.580,8

2.054.151,9

569.570,2

29.520,8

1.185.596,4

4.446.428,2

2016

9.090.290,2

2.135.067,9

608.259,2

30.842,7

1.214.279,7

4.839.874,5

2017

9.988.440,7

2.159.500,3

672.913,1

33.816,2

1.416.159,9

5.422.373,6

2018

10.954.810,9

2.315.750,1

717.277,3

34.600,8

1.539.549,9

5.986.860,4

 

Biểu 04: Giá trị tăng thêm theo giá so sánh

Đơn vị tính: Triệu đồng

Năm

Tổng số

Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan

Lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan

Khai thác và nuôi trồng thủy sản

Công nghiệp và Xây dựng

Dịch vụ

2010

4.825.672,1

956.537,1

264.354,6

13.966,1

951.769,8

2.496.248,1

2011

4.931.601,4

1.007.974,4

271.357,1

14.660,8

786.106,8

2.707.229,1

2012

5.242.044,5

1.155.165,9

344.139,1

14.071,0

739.149,4

2.837.584,9

2013

5.636.467,9

1.290.722,7

382.263,2

14.937,0

779.121,7

3.009.124,3

2014

5.802.875,9

1.297.461,1

400.628,7

18.398,6

786.444,1

3.158.579,4

2015

6.103.117,8

1.400.998,3

409.643,0

19.432,3

815.428,5

3.285.485,3

2016

6.346.197,4

1.407.028,3

427.909,9

19.855,8

863.024,1

3.444.746,4

2017

6.748.145,8

1.442.148,9

453.381,8

21.991,5

969.912,6

3.668.992,6

2018

7.156.547,3

1.486.117,8

462.865,4

22.773,9

1.037.255,2

3.911.768,0

 

Biểu 05: Cơ cấu giá trị sản xuất theo ngành và theo giá thực tế

Đơn vị tính: %

Năm

Tổng số

Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan

Lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan

Khai thác và nuôi trồng thủy sản

Công nghiệp và xây dựng

Dịch vụ

2010

100,0

19,5

5,3

0,3

30,1

43,1

2011

100,0

22,5

5,0

0,3

27,2

43,3

2012

100,0

23,4

6,1

0,4

25,2

43,2

2013

100,0

23,7

6,4

0,4

24,0

43,9

2014

100,0

23,6

6,7

0,4

23,6

44,3

2015

100,0

24,4

6,6

0,4

22,8

44,2

2016

100,0

23,7

6,6

0,4

22,8

45,0

2017

100,0

21,6

6,6

0,4

24,1

45,8

2018

100,0

21,0

6,4

0,4

24,4

45,9

 

Biểu 06: Cơ cấu giá trị sản xuất theo ngành và theo giá so sánh

Đơn vị tính: %

Năm

Tổng số

Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan

Lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan

Khai thác và nuôi trồng thủy sản

Công nghiệp và xây dựng

Dịch vụ

2010

100,0

19,8

5,3

0,3

30,6

43,9

2011

100,0

20,6

5,4

0,3

26,4

47,2

2012

100,0

22,4

6,5

0,3

23,9

46,9

2013

100,0

23,4

6,7

0,3

23,0

46,6

2014

100,0

22,7

6,8

0,4

22,8

47,3

2015

100,0

23,3

6,6

0,4

22,8

46,9

2016

100,0

22,3

6,6

0,4

23,9

46,8

2017

100,0

21,3

6,5

0,4

25,4

46,4

2018

100,0

20,6

6,3

0,4

26,1

46,7

 

Biểu 07: Cơ cấu giá trị tăng thêm theo ngành và theo giá hiện hành

Đơn vị tính: %

Năm

Tổng số

Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan

Lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan

Khai thác và nuôi trồng thuỷ sản

Công nghiệp và Xây dựng

Dịch vụ

2010

100,0

19,8

5,5

0,3

19,7

51,7

2011

100,0

22,8

5,2

0,3

17,0

51,8

2012

100,0

23,4

6,3

0,3

15,6

51,5

2013

100,0

23,5

6,5

0,3

15,0

51,8

2014

100,0

23,4

6,8

0,4

14,6

52,5

2015

100,0

24,1

6,7

0,3

13,9

52,2

2016

100,0

23,5

6,7

0,3

13,4

53,2

2017

100,0

21,6

6,7

0,3

14,2

54,3

2018

100,0

21,1

6,5

0,3

14,1

54,7

 

Biểu 08: Cơ cấu giá trị tăng thêm theo ngành và theo giá so sánh

Đơn vị tính: %

Năm

Tổng số

Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan

Lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan

Khai thác và nuôi trồng thủy sản

Công nghiệp và xây dựng

Dịch vụ

2010

100,0

19,8

5,5

0,3

19,7

51,7

2011

100,0

20,4

5,5

0,3

15,9

54,9

2012

100,0

22,0

6,6

0,3

14,1

54,1

2013

100,0

22,9

6,8

0,3

13,8

53,4

2014

100,0

22,4

6,9

0,3

13,6

54,4

2015

100,0

23,0

6,7

0,3

13,4

53,8

2016

100,0

22,2

6,7

0,3

13,6

54,3

2017

100,0

21,4

6,7

0,3

14,4

54,4

2018

100,0

20,8

6,5

0,3

14,5

54,7

 

Biểu 09: Giá trị sản xuất theo giá hiện hành trước và sau khi cơ cấu lại

Năm

Tổng số

Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan

Lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan

Khai thác và nuôi trồng thủy sản

Công nghiệp và xây dựng

Dịch vụ

I. Giá trị sản xuất theo giá hiện hành trước khi cơ cấu lại

1. Giá trị (Triệu đồng)

 

 

 

 

 

2018

19.373.200,4

4.077.534,1

1.231.296,7

67.910,8

4.734.872,7

8.900.813,7

2025

27.701.342,4

6.198.656,1

1.944.169,0

106.600,7

6.072.902,9

12.896.592,0

2035

40.259.604,6

8.973.904,3

2.920.605,4

157.177,1

8.496.232,4

18.998.048,8

2. Cơ cấu (%)

 

 

 

 

 

2018

100,00

21,05

6,36

0,35

24,44

45,94

2025

100,00

22,38

7,02

0,38

21,92

46,56

2035

100,00

22,29

7,25

0,39

21,10

47,19

II. Giá trị sản xuất theo giá hiện hành (sau khi cơ cấu lại)

1. Giá trị (Triệu đồng

 

 

 

 

 

2018

19.373.200,4

4.077.534,1

1.231.296,7

67.910,8

4.734.872,7

8.900.813,7

2025

28.605.267,4

6.199.892,2

2.846.857,9

106.600,7

6.072.902,9

12.896.592,0

2035

41.412.110,0

8.977.599,9

4.069.415,3

157.177,1

8.496.232,4

18.998.048,8

2. Cơ cấu (%)

 

 

 

 

 

2018

100,00

21,05

6,36

0,35

24,44

45,94

2025

100,00

21,67

9,95

0,37

21,23

45,08

2035

100,00

21,68

9,83

0,38

20,52

45,88

 

Biểu 10: Giá trị tăng thêm theo giá so sánh trước và sau khi cơ cấu lại

Năm

Tổng số

Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan

Lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan

Khai thác và nuôi trồng thuỷ sản

Công nghiệp và xây dựng

Dịch vụ

1. Giá trị tăng thêm theo giá so sánh trước khi cơ cấu lại

1. Giá trị (Triệu đồng)

2018

7.156.547,3

1.486.117,8

462.865,4

22.773,9

1.037.255,2

3.911.768,0

2025

9.064.668,7

2.011.294,6

661.039,6

31.223,6

1.074.549,7

5.009.171,9

2035

11.972.683,6

2.683.769,0

916.879,3

43.438,3

1.270.785,6

6.682.181,0

2. Cơ cấu (%)

 

 

 

 

 

 

2018

100,00

20,77

6,47

0,32

14,49

54,66

2025

100,00

22,19

7,29

0,34

11,85

55,26

2035

100,00

22,42

7,66

0,36

10,61

55,81

2. Giá trị tăng thêm theo giá so sánh sau khi cơ cấu lại

1. Giá trị (Triệu đồng)

2018

7.156.547,3

1.486.117,8

462.865,4

22.773,9

1.037.255,2

3.911.768,0

2025

9.371.994,3

2.011.695,7

967.964,1

31.223,6

1.074.549,7

5.009.171,9

2035

12.334.440,1

2.684.874,2

1.277.530,6

43.438,3

1.270.785,6

6.682.181,0

2. Cơ cấu (%)

 

 

 

 

 

 

2018

100,00

20,77

6,47

0,32

14,49

54,66

2025

100,00

21,46

10,33

0,33

11,47

53,45

2035

100,00

21,77

10,36

0,35

10,30

54,17

 

Biểu 11: Chi tiết giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp theo giá thực tế

 

2018

2025

2035

Giá trị (Triệu đồng)

4.077.534

6.198.656

8.973.904

Trồng trọt

2.353.006

4.162.782

6.139.050

Chăn nuôi

1.724.528

2.035.874

2.834.854

Cơ cấu (%)

100,0

100,0

100,0

Trồng trọt

57,7

67,2

68,4

Chăn nuôi

42,3

32,8

31,6

 

Biểu 12: Chi tiết giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp theo giá so sánh

 

2018

2025

2035

Giá trị (Triệu đồng)

1.486.118

2.011.295

2.683.769

Trồng trọt

857.588

1.350.709

1.835.967

Chăn nuôi

628.530

660.585

847.802

Cơ cấu (%)

100,0

100,0

100,0

Trồng trọt

57,7

67,2

68,4

Chăn nuôi

42,3

32,8

31,6

 

Biểu 13: Chi tiết giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp theo giá so sánh

GO SS

2018

2025

2035

Giá trị (Triệu đồng)

2.616.731

3.542.160

4.727.482

Trồng trọt

1.509.854

2.380.332

3.233.598

Chăn nuôi

1.106.877

1.161.829

1.493.884

Cơ cấu (%)

100,0

100,0

100,0

Trồng trọt

57,7

67,2

68,4

Chăn nuôi

42,3

32,8

31,6

 



[1] Theo Niên giám thống kế tỉnh Bắc Kạn năm 2018

[2] Số liệu đầu vào năm 2019 được lấy theo kết quả tính toán của Tổng cục thống kê.