Hệ thống pháp luật

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 02/VKSTC-V5

Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2007

 

HƯỚNG DẪN

CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ, VIỆC DÂN SỰ NĂM 2007

Căn cứ Chỉ thị số 02/2007/CT-VKSTC-VP ngày 18/01/2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác năm 2007; Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự (Vụ 5) hướng dẫn một số nội dung trọng tâm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự năm 2007 như sau:

I. VỀ CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) và Bộ luật Dân sự (BLDS); nắm vững các quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát. Kiểm sát chặt chẽ thông báo thụ lý vụ việc dân sự của Tòa án; nắm chắc những vụ việc có khiếu nại của đương sự đối với việc thu thập chứng cứ của Tòa án để xem xét tham gia phiên tòa. Nâng cao chất lượng tham gia phiên tòa của kiểm sát viên, chất lượng kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án; chất lượng kiến nghị, kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định có vi phạm pháp luật.

II. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Kiểm sát thông báo thụ lý vụ, việc dân sự

1.1. Vụ án dân sự

Khi nhận được thông báo thụ lý vụ án dân sự, cần phân công ngay kiểm sát viên vào sổ thụ lý, lập phiếu kiểm tra để phát hiện thông báo của Tòa án có thực hiện đúng quy định tại Điều 174, Điều 175 - BLTTDS hay không? Nếu có vi phạm (về nội dung, thời gian, tài liệu gửi kèm…) thì ghi vào phiếu để tập hợp kiến nghị.

Trường hợp phát hiện Tòa án không gửi thông báo (qua bản án, quyết định đã nhận…) thì yêu cầu Tòa án phải gửi thông báo theo quy định của Điều 21, khoản 1 - BLTTDS).

1.2. Việc dân sự

Khi nhận được quyết định mở phiên họp và hồ sơ việc dân sự do Tòa án chuyển đến, Viện kiểm sát phải vào sổ thụ lý và phân công Kiểm sát viên nghiên cứu, tham gia 100% phiên họp.

2. Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án

2.1. Đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết việc dân sự

Khi nhận được các quyết định nêu trên, Viện kiểm sát phân công kiểm sát viên nghiên cứu, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật, thì báo cáo lãnh đạo Viện kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nếu thời hạn kháng nghị phúc thẩm đã hết, thì báo cáo Viện kiểm sát cấp trên xem xét kháng nghị theo thẩm quyền. Riêng quyết định tạm đình chỉ phải quản lý chặt chẽ, nếu thấy lý do tạm đình chỉ không còn thì yêu cầu Tòa án đưa vụ việc ra giải quyết.

2.2. Đối với quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự

Sau khi nhận được quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, phải phân công cán bộ, kiểm sát viên thụ lý và nghiên cứu. Nếu có vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 188 khoản 2 - BLTTDS thì phải báo cáo bằng văn bản cùng hồ sơ vụ án lên Viện kiểm sát cấp trên để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

2.3. Kiểm sát bản án

Khi nhận được bản án Tòa án gửi đến, phân công ngay kiểm sát viên vào sổ thụ lý, đóng dấu công văn đến vào bản án, nghiên cứu phát hiện vi phạm. Nếu thấy cần lấy hồ sơ thì có văn bản yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ để nghiên cứu. Nếu thấy bản án có vi phạm thì báo cáo Viện trưởng để kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; trong trường hợp cần thiết phải có thêm tài liệu chứng cứ, thì Viện kiểm sát áp dụng khoản 3 Điều 85 - BLTTDS để thu thập chứng cứ. Đối với những bản án Tòa án gửi chậm hoặc không gửi thì phải có văn bản ngay yêu cầu Tòa án gửi đúng hạn, bảo đảm việc kháng nghị đúng thời hạn theo luật định.

Qua công tác kiểm tra bản án, quyết định, Viện kiểm sát phải tập hợp vi phạm để kiến nghị bằng văn bản đối với những vi phạm về thời hạn hoặc những vi phạm pháp luật khác chưa đến mức phải kháng nghị.

2.4. Thông báo kháng cáo

Đối với thông báo kháng cáo của đương sự, khi nhận được Viện kiểm sát cấp dưới phải sao gửi ngay cho Viện kiểm sát cấp trên biết để theo dõi, tham gia phiên tòa theo quy định của pháp luật, kiểm sát việc gửi bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án.

3. Công tác giải quyết đơn khiếu nại

Khi nhận được đơn khiếu nại của đương sự hoặc đơn khiếu nại của đương sự do Tòa án chuyển đến, thì Viện kiểm sát phân công kiểm sát viên vào sổ thụ lý, ghi rõ nội dung khiếu nại của đương sự; tùy từng trường hợp cụ thể để xử lý: hướng dẫn đương sự hoặc yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ theo yêu cầu của đương sự.

Đối với những đơn khiếu nại của đương sự về bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đều phải được xử lý; cần lưu ý những thông báo của đương sự, các cơ quan, tổ chức về bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật thì yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ, để nghiên cứu; trường hợp có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì Viện kiểm sát có văn bản cùng hồ sơ vụ việc dân sự chuyển lên Viện kiểm sát cấp trên để xem xét theo thẩm quyền.

Đối với những đơn khiếu nại của đương sự do Vụ 5 - VKSTC chuyển về theo kết luận 2025 của Viện trưởng VKSNDTC thì VKS cấp tỉnh phải quản lý chặt chẽ để rút hồ sơ nghiên cứu báo cáo VKSNDTC kết quả giải quyết; trường hợp phát hiện bản án, quyết định có vi phạm pháp luật có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì có văn bản và hồ sơ vụ án gửi về VKSNDTC để giải quyết theo thẩm quyền.

4. Công tác kháng nghị, kiến nghị

Chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSNDTC yêu cầu phải nâng cao chất lượng kháng nghị, kiến nghị. Năm 2006 và những năm trước số lượng kháng nghị còn hạn chế, trong khi án bị sửa, hủy chiếm tỷ lệ đáng kể. Đặc biệt lưu ý chất lượng kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm ở một số địa phương trong năm 2006 tỷ lệ Tòa án xử không chấp nhận kháng nghị còn cao. Vì vậy, các VKS địa phương cần chú trọng rút kinh nghiệm công tác này từ việc nghiên cứu hồ sơ, phát hiện vi phạm, báo cáo lãnh đạo Viện đến việc xây dựng văn bản kháng nghị và chất lượng kiểm sát viên tham gia phiên tòa.

Đối với công tác báo cáo đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm cần đảm bảo việc đề xuất chính xác, công văn phải gửi kèm hồ sơ chính. Hàng năm VKSNDTC sẽ thông báo rút kinh nghiệm về vấn đề này.

Việc xây dựng hồ sơ kiểm sát cần thực hiện nghiêm túc quy định trong hướng dẫn số 15 ngày 10/6/2005 của VKSNDTC.

5. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn cấp huyện sơ kết rút kinh nghiệm, xây dựng chuyên đề

Phòng nghiệp vụ VKS tỉnh xây dựng chương trình công tác của đơn vị mình, với những chỉ tiêu công tác cụ thể, đồng thời hướng dẫn công tác cho VKS cấp huyện. Trong chương trình công tác chú ý có kế hoạch kiểm tra nghiệp vụ đối với cấp huyện, sau kiểm tra có thông báo kết quả gửi Vụ 5 VKSTC để theo dõi.

Trong quý II năm 2007, VKSNDTC sẽ tổ chức hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm về công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, phát hiện vi phạm để kiến nghị, kháng nghị. Các VKS địa phương tiến hành sơ kết và có báo cáo rút kinh nghiệm về công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án của đơn vị mình gửi về VKSNDTC (Vụ 5) chậm nhất ngày 30/5/2007 (Vụ 5 sẽ có văn bản hướng dẫn sau).

Các đơn vị cần tăng cường công tác thông báo rút kinh nghiệm, xây dựng chuyên đề nghiệp vụ, tổ chức rút kinh nghiệm về công tác kiểm sát… để nâng cao chất lượng công tác.

Để có cơ sở hướng dẫn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc có liên quan đến tổ chức, cá nhân nước ngoài trong điều kiện Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, VKSNDTC sẽ tập hợp các văn bản có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài, rút kinh nghiệm đối với loại việc tranh chấp liên quan đến loại việc trên. Trước mắt, các VKS địa phương cần tập hợp, theo dõi những vụ việc dân sự liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, Hôn nhân và gia đình có liên quan đến tổ chức, cá nhân nước ngoài. Tổng hợp những kinh nghiệm và vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc trên để báo cáo về VKSNDTC (Vụ 5) để tập hợp hướng dẫn chung.

Vụ 5 sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị công tác năm 2007 và kết quả công tác 6 tháng, năm tại một số VKS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo kế hoạch.

6. Chế độ thông tin, báo cáo

Thực hiện nghiêm túc Quy chế số 169 về thông tin báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC và các văn bản hướng dẫn của Vụ nghiệp vụ. Riêng báo cáo sơ kết 6 tháng và báo cáo tổng kết năm của phòng nghiệp vụ cần xây dựng báo cáo theo đúng những nội dung, tiêu chí đã hướng dẫn tại Công văn số 3742 ngày 13/11/2006 của Vụ 5 Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Trên cơ sở những nội dung trọng tâm về công tác giải quyết các vụ việc dân sự nêu trong Chỉ thị của Viện trưởng VKSNDTC hướng dẫn của Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự và kế hoạch công tác năm 2007 của VKSND tỉnh, Phòng kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự xây dựng chương trình công tác năm 2007 ở cấp mình và hướng dẫn cấp huyện, gửi về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5) trước ngày 15/02/2007 để theo dõi, tổng hợp báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

 

 

Nơi nhận:
- Các VKS tỉnh, TP trực thuộc TW;
- 3 Viện KSXX phúc thẩm 1, 2, 3;
- Đ/c VT.VTC (để b/c);
- Đ/c Khuất Văn Nga-PVT.VTC (để b/c);
- Lưu: VT (2b), Vụ 5 (34b)

TL. VIỆN TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Cơ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 02/VKSTC-V5 về việc công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự năm 2007 do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

  • Số hiệu: 02/VKSTC-V5
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 26/01/2007
  • Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: Nguyễn Văn Cơ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/01/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản