Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 93/LĐTBXH-LĐTL
V/v chi trả trợ cấp thôi việc đối với người lao động

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2015

 

Kính gửi:

Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ
(Số 24-26 Phan Đình Phùng, Phường Tân An, Quận Ninh Kiều, Tp. Cần Thơ)

 

Trả lời công văn số 89/VP.CTC.2014 ngày 22/12/2014 của Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ đề nghị hướng dẫn việc giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc đối với người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

1. Trường hợp hợp đồng lao động chấm dứt đúng quy định của pháp luật trước thời điểm Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006 và 2007) và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Bộ luật Lao động năm 1994 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/1995, theo đó từ ngày Bộ luật Lao động có hiệu lực thi hành, không còn chế độ chuyển công tác đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động. Khi người lao động thôi việc ở doanh nghiệp thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định tại Điều 42 của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Theo quy định tại Điều 43 của Bộ luật Lao động năm 1994Điều 15 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt thì việc thực hiện thanh toán không được kéo dài quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Theo quy định này thì khi người lao động thôi việc tại doanh nghiệp mà doanh nghiệp và người lao động không thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động, thanh toán trợ cấp thôi việc trong thời hạn nêu trên là trái với quy định của pháp luật về lao động.

Căn cứ các quy định nêu trên và hồ sơ gửi kèm công văn số 89/VP.CTC.2014 của Công ty, bà Trần Thị Mai Anh làm việc tại Công ty Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ từ tháng 9/1976 đến tháng 09/1995 (sau ngày 01/01/1995) chấm dứt hợp đồng lao động thì Công ty Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (nay là Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ) có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho bà Anh theo quy định tại Điều 42 của Bộ luật Lao động nêu trên. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, đề nghị Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ báo cáo Hội đồng quản trị xem xét, chi trả trợ cấp thôi việc cho bà Anh đối với thời gian từ tháng 9/1976 đến tháng 09/1995; mức trợ cấp thôi việc do hai bên thỏa thuận.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TT. Phạm Minh Huân (để b/c);
- Sở LĐTB&XH Tp.Cần Thơ (để biết);
- Lưu VT, Vụ LĐTL.

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ LAO ĐỘNG - TIỀN LƯƠNG




Tống Thị Minh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 93/LĐTBXH-LĐTL năm 2015 về chi trả trợ cấp thôi việc đối với người lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 93/LĐTBXH-LĐTL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 09/01/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Tống Thị Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản