Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 149/LĐTBXH-LĐTL
V/v trợ cấp thôi việc

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2015

 

Kính gửi: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình

Trả lời công văn số 1480/SLĐTBXH-CSLĐ ngày 24/12/2014 của quý Sở về việc giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

1. Bộ luật Lao động năm 1994 (nay được thay thế bằng Bộ luật Lao động năm 2012) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/1995, theo đó từ ngày Bộ luật Lao động năm 1994 có hiệu lực thi hành, không còn chế độ chuyển công tác đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động. Khi người lao động thôi việc ở doanh nghiệp thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định. Trường hợp sau đó người lao động làm việc cho doanh nghiệp khác thì thực hiện giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động mới.

2. Theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động năm 2012 thì khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

3. Theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 33/2012/TT- BLĐTBXH ngày 20/12/2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần thì Hội đồng quản trị, đại diện người sử dụng lao động theo quy định của công ty cổ phần có trách nhiệm giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho người lao động từ doanh nghiệp cổ phần hóa chuyển sang khi người lao động đó mất việc làm, thôi việc tại công ty cổ phần, kể cả khoản trợ cấp cho thời gian thực tế làm việc tại doanh nghiệp cổ phần hóa trước đó và thời gian người lao động làm việc tại công ty, đơn vị khác thuộc khu vực nhà nước nhưng chuyển đến công ty 100% vốn nhà nước trước ngày 01/01/1995 mà chưa nhận trợ cấp thôi việc, mất việc làm.

Căn cứ các quy định nêu trên và nội dung công văn số 1480/SLĐTBXH- CSLĐ của quý Sở thì trường hợp ông Nguyễn Công Thuần có thời gian làm việc tại Công ty Cosevco 1 (nay là Công ty cổ phần sản xuất vật liệu và xây dựng Cosevco 1) từ tháng 4/2002 đến tháng 8/2013 thì chấm dứt hợp đồng lao động. Công ty cổ phần sản xuất vật liệu và xây dựng Cosevco 1 có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho ông Thuần đối với thời gian ông Thuần làm việc tại Công ty Cosevco 1 và Công ty cổ phần sản xuất vật liệu và xây dựng Cosevco 1 theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động năm 2012 và Thông tư số 33/2012/TT-BLĐTBXH nêu trên.

4. Đối với thời gian từ tháng 6/1974 đến tháng 6/1981, ông Thuần công tác trong quân đội mà chưa được hưởng trợ cấp xuất ngũ, chuyển ngành thì đề nghị quý Sở hướng dẫn ông Thuần liên hệ với Bộ Quốc phòng để được xem xét.

Trên đây là ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đề nghị quý Sở hướng dẫn người lao động thực hiện theo đúng quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TT. Phạm Minh Huân (để b/c);
- Lưu VT, Vụ LĐTL.

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ LAO ĐỘNG – TIỀN LƯƠNG




Tống Thị Minh

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 149/LĐTBXH-LĐTL năm 2015 về trợ cấp thôi việc do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 149/LĐTBXH-LĐTL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/01/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Tống Thị Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/01/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản