Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 870/QLCL-TTPC
V/v báo cáo tình hình thi hành pháp luật thanh tra chuyên ngành và PCTN

Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 2014

 

Kính gửi: Thanh tra Bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Phúc đáp Văn bản số 243/TTr ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc báo cáo tình hình thi hành pháp luật thanh tra chuyên ngành và phòng, chống tham nhũng (PCTN), Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản báo cáo theo đề cương như sau:

I. Việc thực hiện các quy định pháp luật về thanh tra chuyên ngành:

1. Việc tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành theo quy định của Luật thanh tra năm 2010 và các nghị định hướng dẫn thi hành kể từ khi có Luật thanh tra năm 2010 (công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền…).

a) Về công tác chỉ đạo.

Cục trưởng đã ban hành quyết định số 148/QĐ-QLCL ngày 28 tháng 6 năm 2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cáu tổ chức của Phòng Thanh tra, Pháp chế theo đúng quy định.

b) Về công tác hướng dẫn:

- Sau khi Luật Thanh tra năm 2010 có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định 07/2012/NĐ-CP quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành; Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư số 34/2013/TT-BNNPTNT ngày 24 tháng 6 năm 2013 hướng dẫn về bộ phận tham mưu; tiêu chuẩn, trang phục, thẻ của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; ngày 17 tháng 7 năm 2013 Cục đã ban hành văn bản 1210/QLCL-TTPC gửi Chi cục Quản lý Chất lượng nông sản và Thủy sản các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai thực hiện Thông tư số 34/2013/TT-BNNPTNT;

- Hàng tháng Cục tổng hợp, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của các địa phương về công tác thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản trên trang web của Cục (phần lớn các kiến nghị, thắc mắc của các địa phương được tổng hợp từ báo cáo của các địa phương về công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản).

c) Công tác tuyên truyền, đào tạo:

- Tổ chức 02 lớp tập huấn về thanh tra chuyên ngành ATTP tại Hà Nội cho cán bộ công tác tại cơ quan QLCL NLS&TS các tỉnh, tp trên cả nước (150 người);

- Tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ về quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho cán bộ, công chức công tác tại Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản các địa phương (đào tạo tiểu giảng viên tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) trong đó có nội dung đào tạo về nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định 07/2012/NĐ-CP và Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành.

a) Việc thực hiện các quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, bộ phận tham mưu, công chức thanh tra chuyên ngành:

- Cục không thành lập bộ phận thanh tra độc lập mà quy định chức năng, nhiệm vụ cho Phòng Thanh tra, Pháp chế làm đầu mối tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành về quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.

- Về bộ phận tham mưu:

+ Bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành tại Cục được giao Phòng Thanh tra, Pháp chế thực hiện;

+ Số lượng cán bộ thực hiện tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành tại Cục có 03 cán bộ; thực hiện công tác tham mưu nhằm ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện về công tác thanh tra chuyên ngành, tham gia Đoàn thanh tra khi được yêu cầu.

- Công chức thanh tra chuyên ngành:

Cục đã ban hành Quyết định số 177/QĐ-QLCL ngày 27 tháng 5 năm 2013 phân công công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, theo đó trong toàn hệ thống Cục có 13 công chức đủ điều kiện theo quy định được phân công thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

b) Thực hiện các quy định của pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động thanh tra chuyên ngành (sự phù hợp của quy định pháp luật với đặc điểm ngành, địa phương mình).

- Việc ban hành Quyết định thanh tra luôn thực hiện đúng quy định về thẩm quyền được giao cho Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;

- Việc tiến hành thanh tra và thực hiện nội dung thanh tra chuyên ngành tại Cục thực hiện theo quy định từ Điều 51 đến Điều 56 Luật Thanh tra năm 2010; Điều 33 Nghị định 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra và thực hiện theo 02 hình thức:

+ Hoạt động thanh tra chuyên ngành của Đoàn thanh tra thực hiện theo quy định từ Điều 14 đến Điều 28 Nghị định 07/2012/NĐ-CP);

+ Hoạt động của Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành (công chức thanh tra chuyên ngành) theo quy định từ Điều 29 đến Điều 32 (Nghị định 07/2012/NĐ-CP).

c) Về lực lượng công chức thanh tra ở Cục hiện nay.

- Số lượng thanh tra viên gồm 02 người: Trong đó có 01 thanh tra viên chính, 01 thanh tra viên;

- Số lượng công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tại Cục gồm 13 công chức (theo Quyết định số 177/QĐ-QLCL ngày 27 tháng 5 năm 2013).

d) Việc thực hiện thanh tra lại trong hoạt động thanh tra chuyên ngành.

Hoạt động thanh tra chuyên ngành tại Cục được thực hiện theo kế hoạch thanh tra hàng năm được phê duyệt, chưa thực hiện việc thanh tra lại.

e) Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc khác.

- Về Đoàn thanh tra chuyên ngành: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định 07/2012/NĐ-CP còn có nhiều cách hiểu chưa thống nhất, dẫn đến việc thực hiện chưa đúng hoặc khó thực hiện hiện, cụ thể như sau:

“Đoàn thanh tra chuyên ngành có Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, thành viên đoàn thanh tra, công chức thanh tra chuyên ngành..”, như vậy có thể hiểu Đoàn thanh tra chuyên ngành phải có đủ 04 thành phần trên mới được thành lập Đoàn thanh tra, và như vậy trên thực tế sẽ không hoặc khó thực hiện được, lý do: ở các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (các Cục, Tổng cục, Chi cục) sẽ không có thanh tra viên theo đúng quy định).

- Về hình thức thanh tra: Quy định chưa thống nhất giữa Luật Thanh tra và Nghị định 07/2012/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Điều 37 Luật thanh tra quy định có 03 hình thức thanh tra là thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên (được tiến hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành) hoặc thanh tra đột xuất; tuy nhiên tại Chương III Nghị định 07/2012/NĐ-CP chỉ quy định thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và thanh tra chuyên ngành đột xuất, việc thực hiện thanh tra thường xuyên như thế nào hiện vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể, do vậy việc còn có nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

- Về chế độ, chính sách đối với thanh tra viên.

Theo quy định hiện hành thì cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (Tổng cục, Cục, Chi cục) sẽ không có thanh tra viên, tuy nhiên thực tế lực lượng thanh tra viên của các cơ quan này đã tồn tại từ khi có Luật thanh tra năm 2004, đến nay việc giải quyết chế độ đối với lực lượng này như thế nào, hiện tại chưa có văn bản nào hướng dẫn.

3. Kiến nghị của Bộ, ngành, địa phương.

a) Thanh tra Chính phủ cần tổ chức sơ kết, tổng kết 3 năm thực hiện Luật Thanh tra và 02 năm thực hiện Nghị định 07/2012/NĐ-CP để kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc của Luật thanh tra và các văn bản hướng dẫn, qua đó kịp thời đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật và các văn bản cho phù hợp để các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt, thiết thực các quy định về thanh tra, đem lại hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tiếp tục đưa hoạt động thanh tra vào nề nếp.

b) Trình cấp có thẩm quyền có văn bản hướng dẫn về việc miễn nhiệm thanh tra viên tại cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (Tổng cục, Cục, Chi cục) và có chế độ, chính sách đối với đối tượng này, vì thực tế những đối tượng này vẫn là công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tại cơ quan.

II. Việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng

a) Việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng, nhất là từ khi có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2012 cho đến nay (công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền).

- Cục đã đăng tải nội dung Luật sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng trên website của Cục và chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Cục đăng tải Luật sửa đổi, bổ sung trên trang web của từng đơn vị và thông báo đến toàn thể cá bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn cơ quan;

- Tại Cục luôn duy trì và thực hiện “Ngày pháp luật” tại cơ quan Cục và các đơn vị thuộc Cục;

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về PCTN đến công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan Cục thông qua các cuộc họp giao ban hàng tuần.

b) Thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng:

- Quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị:

Tại cơ quan Cục và các đơn vị thuộc Cục đang thực hiện quy định công khai, minh bạch trong hoạt động của đơn vị, bao gồm:

* Tại cơ quan Cục:

+ Công khai hóa việc mua sắm tài sản cố định, đầu tư xây dựng cơ bản;

+ Công khai việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức;

+ Công khai thu nhập của công chức, viên chức, người lao động;

+ Công khai các quy trình, thủ tục hành chính có liên quan việc công khai biểu mức thu phí, lệ phí và biểu mức thu hoạt động dịch vụ; công khai kết quả kiểm tra đảm bảo ATTP tới các doanh nghiệp;

* Tại các đơn vị thuộc Cục:

+ Công khai quy trình kiểm tra, chứng nhận, thời gian trả kết quả phân tích, thời gian chứng nhận cho khách hàng

+ Niêm yết, công khai thủ tục hành chính được giao cho từng đơn vị thực hiện theo quy định về kiểm soát thủ tục hành chính tại Thông tư số 05/2014/TT-BTP ngày ngày 07/02/ 2014 Bộ Tư pháp về công bố, niêm yết TTHC.

Việc công khai, minh bạch tại cơ quan Cục và các đơn vị thuộc Cục thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

- Quy định về kê khai, công khai minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Cục thực hiện việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định tại Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định về minh bạch tài sản, thu nhập và hướng dẫn tại Thông tư 08/2013/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2013 hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch, tài sản (Cục đã có báo cáo số 558/QLCL-TTPC ngày 04 tháng 4 năm 2014 báo cáo Bộ về kết quả thực hiện Chỉ thị 33-CT/TW của Bộ Chính trị và chương trình công tác trọng tâm năm 2014 của BCĐTW về PCTN);

- Quy định về trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2013 quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tại cơ quan Cục hàng tháng vẫn duy trì việc giải thích, làm rõ các thông tin cho tổ chức, cá nhân, các cơ quan địa phương có liên quan đến công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm sản và thủy sản theo chức năng, nhiệm vụ được giao cho Cục.

Việc giải thích, làm rõ các thông tin được Cục giao cho các bộ phận chuyên môn tham mưu trình lãnh đạo Cục phê duyệt, sau đó đăng tải trên website của Cục, việc giải thích không gặp khó khăn, vướng mắc gì.

- Quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Tại cơ quan Cục, trách nhiệm của Lãnh đạo Cục trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng được thực hiện theo quy định tại Mục 5 Chương II Luật PCTN năm 2005 “Chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng”; Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách và Nghị định số 211/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2006/NĐ-CP

Việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan về phòng, chống tham nhũng luôn được Cục thực hiện nghiêm chỉnh, đúng pháp luật, không gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong toàn hệ thống Cục chưa xảy ra tình trạng tham nhũng và xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

c) Kiến nghị của Bộ, ngành địa phương.

- Nghị định số 78/2013//NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập và Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập là những văn bản mới được ban hành với nhiều quy định mới được bổ sung. Đề nghị Thanh tra Bộ phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác có liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn triển khai thực hiện một cách hiệu quả và có chiều sâu, từ đó đảm bảo cho các quy định được thực hiện một cách đầy đủ, kịp thời.

Kính chuyển Thanh tra Bộ tổng hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, TTPC

CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Như Tiệp