Hệ thống pháp luật

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Luật số: 27/2012/QH13

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2012

LUẬT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một sổ điều theo Luật số 01/2007/QH12,

Điều 1.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng:

1. Khoản 2 Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:

2. Trong trường hợp pháp luật không có quy định về hình thức công khai, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện một hoặc một số hình thức công khai quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này. Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể lựa chọn thêm hình thức công khai quy định tại điểm a, điểm g khoản 1 Điều này.

2. Điểm b khoản 2 Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“b) Danh mục các dự án chỉ định thầu, lý do chỉ định thầu, thông tin về nhà thầu được chỉ định; danh mục các dự án đấu thầu hạn chế, nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế, danh sách ngắn nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế, lý do đấu thầu hạn chế, kết quả lựa chọn nhà thầu;”

3. Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 14. Công khai, minh bạch trong quản lý dự án đầu tư xây dựng

1. Trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, phải công khai, minh bạch các nội dung sau đây:

a) Báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi, báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội; các mục tiêu, dự kiến kết quả, các nhóm hoạt động chính và đối tượng thụ hưởng trong quá trình lập dự án;

h) Quyết định phê duyệt dự án, kế hoạch thực hiện dự án;

c) Báo cáo tiến độ, báo cáo kết quả thực hiện dự án, báo cáo đánh giá thực hiện dự án và báo cáo kết thúc dự án.

2. Dự án quy hoạch đầu tư xây dựng phải được lấy ý kiến của nhân dân địa phương nơi quy hoạch về nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và sau khi được phê duyệt phải được công khai về các nội dung quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.

3. Dự án đầu tư xây dựng từ ngân sách địa phương phải được Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định.

4. Dự án đầu tư xây dựng sau khi được quyết định, phê duyệt phải được công khai về nội dung quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này để nhân dân giám sát.”

4. Bổ sung khoản 7 Điều 15 như sau:

“7. Cơ quan thuế, cơ quan hải quan và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có thu phí, lệ phí phải công khai căn cứ tính mức thu, số thu thực tế, đối tượng miễn, giảm và căn cứ miễn, giảm các khoản thu ngân sách.”

5. Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 18. Công khai, minh bạch trong quản lý doanh nghiệp nhà nước

1. Doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm công khai các nội dung sau đây:

a) Vốn và tài sản của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp;

b) Vốn và tài sản của doanh nghiệp đầu tư vào công ty con, công ty liên kết;

c) Các khoản đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính;

d) Vốn vay ưu đãi;

đ) Báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán;

e) Việc lập và sử dụng quỹ của doanh nghiệp;

g) Việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý;

h) Họ, tên, nhiệm vụ, lương và các khoản thu nhập khác của người trong Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kiểm soát viên, Kế toán trưởng.

2. Hằng năm, doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập phải báo cáo bằng văn bản các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này với Bộ Tài chính, bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và Thanh tra Chính phủ.

Hằng năm, doanh nghiệp nhà nước do Bộ trưởng thành lập phải báo cáo bằng văn bản các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này với Bộ Tài chính, bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra bộ chủ quản.

Hằng năm, doanh nghiệp nhà nước do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập phải báo cáo bằng văn bản các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này với Sở tài chính, sở quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.”

6. Khoản 1 và khoản 2 Điều 19 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải công khai, minh bạch; không được cổ phần hóa khép kín trong nội bộ doanh nghiệp. Doanh nghiệp được cổ phần hóa có trách nhiệm công khai báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán, phương án, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp.

2. Cơ quan cử người đại diện phần vốn của Nhà nước ở doanh nghiệp có trách nhiệm công khai giá trị doanh nghiệp được cổ phần hóa và việc điều chỉnh giá trị doanh nghiệp (nếu có).”

7. Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 21. Công khai, minh bạch trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

1. Trong lĩnh vực về đất đai, phải công khai, minh bạch các nội dung sau đây:

a) Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong quá trình lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ quan, tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch đó phải công khai cho nhân dân địa phương nơi được quy hoạch, điều chỉnh biết;

b) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, mức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt hoặc điều chỉnh;

c) Trình tự, thủ tục, thẩm quyền và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy hoạch chi tiết và việc phân lô đất ở, đối tượng được giao đất làm nhà ở;

d) Các khoản thu tài chính cho ngân sách nhà nước từ việc quản lý, sử dụng đất và các khoản miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất.

2. Trong lĩnh vực về khoáng sản và tài nguyên nước, phải công khai, minh bạch các nội dung sau đây:

a) Quy hoạch khoáng sản;

b) Trình tự, thủ tục, thẩm quyền và việc cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép về hoạt động khoáng sản, thủ tục thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản;

c) Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản và khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản và các khoản thu ngân sách từ việc quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản;

d) Trình tự, thủ tục, thẩm quyền và việc cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.

3. Trong quản lý nhà nước về môi trường, phải công khai, minh bạch các nội dung sau đây:

a) Điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ, đăng ký, cấp giấy phép hành nghề, mã số quản lý chất thải;

b) Trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường;

c) Quy hoạch thu gom, tái chế, xử lý chất thải.”

8. Khoản 2 và khoản 3 Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Cơ quan quản lý giáo dục phải công khai việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nguồn lực tài chính cho hoạt động giáo dục; khoản hỗ trợ, các khoản đầu tư cho giáo dục và khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

Cơ sở giáo dục công lập phải công khai cam kết chất lượng giáo dục và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục; điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; việc thu, quản lý, sử dụng học phí, lệ phí tuyển sinh, các khoản thu từ hoạt động tư vấn, chuyển, giao công nghệ, khoản hỗ trợ, đầu tư cho giáo dục và khoản thu, chi tài chính khác theo quy định của pháp luật.”

9. Bổ sung Điều 26a vào sau Điều 26 như sau:

“Điều 26a. Công khai, minh bạch trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông

Trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông, phải công khai, minh bạch các nội dung sau đây:

1. Việc lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch về văn hóa, thông tin, truyền thông;

2. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền và việc cấp phép, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông.”

10. Bổ sung Điều 26b vào sau Điều 26a như sau:

“Điều 26b. Công khai, minh bạch trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, phải công khai, minh bạch các nội dung sau đây:

1. Chính sách khuyến khích về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và các chương trình về phát triển nông nghiệp, nông thôn;

2. Quy hoạch, kế hoạch phát triển rừng; điều kiện, trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, đăng ký quyền sử dụng rừng;

3. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền và việc cấp, thu hồi giấy phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, khai thác, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản.”

11. Bổ sung Điều 26c vào sau Điều 26b như sau:

“Điều 26c. Công khai, minh bạch trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội

Trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, phải công khai, minh bạch các nội dung sau đây:

1. Điều kiện, tiêu chuẩn của đối tượng thụ hưởng, mức thụ hưởng; trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo trợ xã hội, ưu đãi đối với người có công;

2. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo trợ xã hội, ưu đãi đối với người có công.”

12. Bổ sung Điều 26d vào sau Điều 26c như sau:

“Điều 26d. Công khai, minh bạch trong việc thực hiện chính sách dân tộc

Trong việc thực hiện chính sách dân tộc, phải công khai, minh bạch các nội dung sau đây:

1. Điều kiện, tiêu chuẩn của đối tượng thụ hưởng, mức thụ hưởng; trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện chính sách dân tộc thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, đặc biệt khó khăn;

2. Việc thực hiện các chương trình, dự án vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, đặc biệt khó khăn;

3. Báo cáo kết quả thực hiện chính sách dân tộc.”

13. Khoản 2 Điều 27 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Văn bản, quyết định sau đây phải được công khai, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác:

a) Quyết định thanh tra, kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra;

b) Quyết định giải quyết khiếu nại;

c) Kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo;

d) Báo cáo kiểm toán; báo cáo thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của kiểm toán Nhà nước.”

14. Điều 30 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 30. Công khai, minh bạch trong công tác tổ chức - cán bộ

Trong công tác tổ chức - cán bộ, phải công khai, minh bạch các nội dung sau đây:

1. Tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;

2. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức;

3. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức, cho thôi việc, cho thôi giữ chức vụ, hưu trí đối với cán bộ, công chức, viên chức;

4. Chuyển ngạch, nâng ngạch, luân chuyển, điều động, biệt phái đối với cán bộ, công chức, viên chức;

5. Nâng lương, thưởng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác;

6. Việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị trực thuộc.”

15. Khoản 3 Điều 32 được sửa đổi, bổ sung như sau:

3. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, người được yêu cầu phải cung cấp thông tin; trường hợp chưa cung cấp hoặc nội dung được yêu cầu đã được công khai thì phải trả lời cho người yêu cầu biết.

16. Bổ sung Điều 32a vào sau Điều 32 như sau:

“Điều 32a. Trách nhiệm giải trình

1. Khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải giải trình về quyết định, hành vi của minh trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trước cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích họp pháp bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó.

2. Chính phủ quy định chi tiết về trách nhiệm của cơ quan có nghĩa vụ giải trình; trình tự, thủ tục của việc giải trình.”

17. Bổ sung Điều 46a vào sau Điều 46 như sau:

Điều 46a. Công khai bản kê khai tài sản

Việc công khai bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai được thực hiện như sau:

1. Bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.

Người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định việc công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết bản kê khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thời điểm công khai được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 3 hằng năm. Trường hợp công khai bằng hình thức niêm yết thì phải bảo đảm thời gian tối thiểu là ba mươi ngày liên tục;

2. Bản kê khai tài sản của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác của người đó. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Hội đồng bầu cử;

3. Bản kê khai tài sản của người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân.”

18. Bổ sung Điều 46b vào sau Điều 46a như sau:

Điều 46b. Nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm

1. Người kê khai tài sản có nghĩa vụ giải trình nguồn gốc phần tài sản tăng thêm quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật này.

2. Chính phủ quy định mức giá trị tài sản tăng thêm và việc xác định giá trị tài sản tăng thêm, thẩm quyền yêu cầu giải trình, trách nhiệm của người giải trình, trình tự, thủ tục của việc giải trình.”

19. Điều 47 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 47. Xác minh tài sản

1. Căn cứ để xác minh tài sản bao gồm:

a) Khi có tố cáo về việc không trung thực trong kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai;

b) Khi xét thấy cần có thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản;

c) Khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý;

d) Khi có yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quy định tại Điều 47a của Luật này.

2. Khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này thì người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ kê khai tài sản ra quyết định xác minh tài sản.”

20. Bổ sung Điều 47a vào sau Điều 47 như sau:

“Điều 47a. Thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản

1. Khi có một trong các căn cứ quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 47 của Luật này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân sau đây có quyền yêu cầu người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức ra quyết định xác minh tài sản:

a) Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn;

b) Cơ quan thường vụ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được bầu tại đại hội của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;

c) Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được Hội đồng nhân dân bầu;

d) Hội đồng bầu cử, Ủy ban bầu cử hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân;

đ) Chủ tịch nước có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được bổ nhiệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

e) Ủy ban thường vụ Quốc hội có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được bổ nhiệm Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước.

2. Cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác có quyền yêu cầu xác minh tài sản nếu trong quá trình tiến hành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát có kết luận về trách nhiệm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản liên quan đến hành vi tham nhũng.”

21. Bổ sung khoản 6 Điều 48 như sau:

“6. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục xác minh tài sản.”

22. Bổ sung Điều 53a vào Mục 5, Chương II trước Điều 54 như sau:

“Điều 53a. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức

1. Khi có căn cứ cho rằng cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức để xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng nếu xét thấy người đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức phải xem xét việc tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức khi nhận được yêu cầu của cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nếu trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát phát hiện có căn cứ cho rằng người đó có hành vi tham nhũng để xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng.

3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức phải hủy bỏ quyết định và thông báo công khai với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức về việc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác và khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức sau khi cơ quan có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.

4. Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, thời hạn tạm đình chỉ, chuyển vị trí công tác khác; việc hưởng lương, phụ cấp, quyền, lợi ích khác và việc bồi thường, khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.”

23. Khoản 4 Điều 55 được sửa đổi, bổ sung như sau:

4. Kết luận thanh tra, báo cáo kiểm toán, kết luận điều tra vụ việc, vụ án tham nhũng phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng theo các mức độ sau đây:

a) Yếu kém về năng lực quản lý;

b) Thiếu trách nhiệm trong quản lý;

c) Bao che cho người có hành vi tham nhũng.

Kết luận, báo cáo phải được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quản lý cán bộ,”

24. Điều 77 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 77. Trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc kiểm toán nhằm phòng ngừa, phát hiện và phối hợp xử lý hành vi tham nhũng; trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng thì chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý.”

25. Bãi bỏ Điều 73.

Điều 2.

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2013.

2. Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành những điều, khoản được giao trong Luật.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2012./.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Sinh Hùng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi 2012

  • Số hiệu: 27/2012/QH13
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 23/11/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: 25/12/2012
  • Số công báo: Từ số 767 đến số 768
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản