Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3636/BXD-QHKT
V/v báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 và đánh giá sơ bộ việc thực hiện Luật Quy hoạch, các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch

Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2023

 

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 5145/BKHĐT-QLQH ngày 03/7/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 và đánh giá sơ bộ việc thực hiện Luật Quy hoạch, các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch.

Căn cứ Đề cương báo cáo gửi kèm văn bản 5145/BKHĐT-QLQH, Bộ Xây dựng đã tổng hợp, xây dựng báo cáo tình thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 và đánh giá sơ bộ việc thực hiện Luật Quy hoạch, các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch (Theo các Phụ lục đính kèm).

Trân trọng./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- BT Nguyễn Thanh Nghị (để b/c);
- Lưu VT, QHKT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Tường Văn

 

PHỤ LỤC 1

BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 61/2022/QH15 NGÀY 16 THÁNG 6 NĂM 2022 CỦA QUỐC HỘI VỀ TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUY HOẠCH VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ LẬP VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG QUY HOẠCH THỜI KỲ 2021-2030 CỦA CÁC BỘ THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ KỂ TỪ KHI NGHỊ QUYẾT CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH VÀ ĐÁNH GIÁ SƠ BỘ VIỆC THỰC HIỆN LUẬT QUY HOẠCH, CÁC LUẬT, PHÁP LỆNH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN QUY HOẠCH
(Kèm theo Văn bản số 3636/BXD-QHKT ngày 11 tháng 8 năm 2023 của Bộ Xây dựng)

1. Kết quả hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch thuộc phạm vi quản lý

1. Kết quả xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mới có quy định liên quan đến quy hoạch

Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.

Để đồng bộ các quy định của Luật Quy hoạch 2017, Bộ Xây dựng đang tổ chức nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội các dự án luật: Luật Quy hoạch đô thị - nông thôn, Luật quản lý phát triển đô thị, Luật Cấp thoát nước.

2. Kết quả sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm đồng bộ với các quy định của Luật Quy hoạch và văn bản hướng dẫn thi hành

Bộ Xây dựng đã tham mưu và chủ trì ban hành các văn bản sau:

- Bộ Xây dựng đã tham gia phối hợp cùng cơ quan chủ trì là Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nội dung để trình Quốc hội ban hành Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch (bao gồm Luật Xây dựng 2014 và Luật Quy hoạch đô thị 2009).

- Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (bao gồm sửa đổi, bổ sung một điều về quy hoạch xây dựng);

- Bộ Xây dựng đã xây dựng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị;

- Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030;

- Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;

- Nghị định số 98/2019/NĐ-CP ngày 27/12/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, tập trung sửa đổi các nội dung liên quan đến quy hoạch hạ tầng kỹ thuật tại các Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 117/2007/NĐ-CP; Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 về thoát nước và xử lý nước thải; Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 về xây dựng, quản lý sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng;

- Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 quy định chi tiết một số nội dung về Quy hoạch xây dựng;

- Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn;

- Thông tư số 08/2021/TT-BXD ngày 02/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định chi phí lập và tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc;

- Thông tư số 01/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành: “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng” QCXDVN01:2021/BXD;

- Thông tư số 20/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định, quản lý chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị (thay thế Thông tư số 05/2017/TT-BXD);

II. Kết quả lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia thời kỳ 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch và văn bản hướng dẫn thi hành

1. Kết quả lựa chọn tư vấn lập quy hoạch

Theo quy định và phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng tổ chức lập 02 quy hoạch ngành quốc gia là Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn và Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

a) Đối với Quy hoạch đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (viết tắt là Quy hoạch ĐT-NT), Bộ xây dựng đã có Quyết định số 757/QĐ-BXD ngày 11/9/2019 giao nhiệm vụ cho Cục phát triển đô thị là cơ quan lập quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Công tác lựa chọn tư vấn lập quy hoạch tuân thủ pháp luật về đấu thầu và không áp dụng quy định tại khoản b Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 với nội dung cụ thể như sau:

- Hình thức lựa chọn: lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu - Ngày ký hợp đồng tư vấn lập Quy hoạch ĐT-NT, Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược: 23/8/2022;

- Thời hạn lập Quy hoạch được điều chỉnh hoàn thành năm 2023 tại văn bản số 8920/VPCP-CN ngày 30/12/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc điều chỉnh thời gian lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

b) Đối với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

- Hình thức lựa chọn: Đấu thầu rộng rãi trong nước;

- Ngày ký hợp đồng tư vấn: ngày 15/11/2021.

2. Kết quả lập đồng thời quy hoạch cấp quốc gia

(Chi tiết theo Phụ lục 2)

III. Kết quả lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố, công khai quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng và Nghị quyết số 61/2022/QH15

1. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn

Về cơ bản, công tác tổ chức lập, thẩm định, trình phê duyệt các quy hoạch thuộc trách nhiệm của Bộ Xây dựng thời gian qua được thực hiện theo đúng trình tự, quy định pháp luật; có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương tại địa bàn lập quy hoạch và các Bộ, ngành liên quan. Cụ thể:

- Căn cứ để tổ chức lập, phê duyệt các quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị nêu trên là chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch ngành, định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, quy hoạch xây dựng có liên quan đã được phê duyệt.

- Việc lập quy hoạch được thực hiện đảm bảo trình tự: Lập, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch; Lập đồ án quy hoạch; Thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch. Trong quá trình lập quy hoạch, Bộ Xây dựng đã tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan; UBND cấp tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư tại địa phương. Việc lấy ý kiến được thực hiện theo nhiều hình thức như tổ chức hội thảo, hội nghị, bằng văn bản, đăng tải trên cổng thông tin điện tử,...

- Trong quá trình thẩm định quy hoạch, Bộ Xây dựng đã thực hiện lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và hội nghề nghiệp; tổng hợp, giải trình tiếp thu ý kiến của các cơ quan và tổ chức hội nghị thẩm định với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, hội nghề nghiệp để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch; xây dựng báo cáo thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Việc công bố, công khai quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn

Sau khi quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Xây dựng đã phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức công bố công khai quy hoạch, bàn giao hồ sơ quy hoạch cho UBND cấp tỉnh để tổ chức quản lý và thực hiện.

Trên cơ sở quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo yêu cầu quản lý và phát triển, các địa phương đã tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương. Bộ Xây dựng đã hướng dẫn các địa phương thực hiện theo quy hoạch được duyệt thông qua việc có ý kiến đối với chủ trương lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; góp ý kiến đối với các đồ án quy hoạch chung đô thị trước khi UBND cấp tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền.

Các văn bản của Bộ Xây dựng đã yêu cầu cụ thể hóa quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong định hướng phát triển đô thị, khu chức năng về hệ thống trung tâm cấp vùng, tính chất, chức năng đô thị, quy mô đô thị (phân loại đô thị),...

IV. Tình hình thực hiện điều chỉnh các quy hoạch thuộc điểm c khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch

Bộ Xây dựng đã tổ chức lập, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 02/3/2021 phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 2140/QĐ-TTg ngày 08/11/2016).

V. Việc sử dụng kinh phí cho hoạt động quy hoạch

1. Việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công cho hoạt động quy hoạch

(Tiến độ giải ngân theo Phụ lục 2).

2. Việc sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên cho hoạt động quy hoạch theo điểm đ khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15

(Không có)

3. Việc sử dụng nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động quy hoạch

(Không có)

VI. Tình hình thực hiện các nhiệm vụ khác

1. Đánh giá sơ bộ tác động của việc bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch

(Không có)

2. Việc ứng dụng công nghệ trong lập quy hoạch và phối hợp đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nâng cấp đồng bộ hóa hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia, thống nhất công nghệ, định dạng dữ liệu về quy hoạch; cập nhật, chia sẻ thông tin

Việc ứng dụng công nghệ trong công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; nâng cấp đồng bộ hóa hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch được thực hiện theo các văn bản chỉ đạo sau:

- Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử;

- Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 26/10/2015 phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020;

- Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Triển khai thực hiện các quy định pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành các văn bản thực hiện như sau:

- Quyết định số 1434/QĐ-BXD ngày 22/12/2015 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử cơ quan Bộ Xây dựng;

- Quyết định số 499/QĐ-BXD ngày 27/05/2016 ban hành Chương trình hành động của ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016 - 2020;

- Quyết định số 862/QĐ-BXD ngày 01/09/2016 ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 của Bộ xây dựng có nội dung về hiện đại hóa hành chính, cụ thể hóa các nhiệm vụ để triển khai xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ;

- Quyết định số 560/QĐ-BXD ngày 22/06/2016 ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Bộ xây dựng giai đoạn 2016 - 2020, đã xác định mục tiêu để phát triển ứng dụng CNTT và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ;

- Quyết định số 1392/QĐ-BXD ngày 29/12/2017 phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan Bộ Xây dựng năm 2018;

- Quyết định số 1004/QĐ-BXD ngày 31/07/2020 phê duyệt "Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030" để cụ thể hóa “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ), việc xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về Quy hoạch xây dựng là một trong những lĩnh vực ưu tiên;

- Quyết định số 119/QĐ-BXD ngày 28/02/2023 phê duyệt "Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của cơ quan Bộ Xây dựng năm 2023".

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã xây dựng Cổng thông tin công khai Quy hoạch xây dựng, Quy hoạch đô thị tại đường dẫn www.quyhoach.xaydung.gov.vn, để lưu giữ hồ sơ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, làm công cụ giúp Bộ Xây dựng quản lý và công khai quy hoạchNgoài ra Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai dịch vụ cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia: www.dichvucong.gov.vn.

Trong công tác phối hợp với các Bộ, ngành khác về xây dựng cơ sở dữ liệu, Bộ Xây dựng đã có các văn bản tham gia ý kiến, góp ý:

- Văn bản số 128/BXD-QHKT ngày 03/09/2019 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý cho Đề án “Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia”;

- Văn bản số 3949/BXD-QHKT ngày 07/09/2022 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý các dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và Bản đồ địa hình quốc gia;

- Văn bản số 4470/BXD-QHKT ngày 15/09/2020 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia ý kiến về dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật về nội dung và ký hiệu bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:10.000, 1:25.000 và Thông tư quy định kỹ thuật về mô hình cấu trúc và nội dung cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:10.000, 1:25.000;

- Văn bản số 1624/BXD-QHKT ngày 11/05/2022 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn về nội dung, yêu cầu kỹ thuật đối với cơ sở dữ liệu hồ sơ quy hoạch; việc thu thập, cập nhật, xử lý, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu của hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

3. Lấy ý kiến cộng đồng dân cư; khắc phục tình trạng các dự án treo

Thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến công tác lấy ý kiến cộng đồng dân cư quy định tại các Điều 20, 21 Luật Quy hoạch đô thị; Điều 16, 17 Luật Xây dựng 2014 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật số 62/2020/QH14;

Trong quá trình thẩm định, cho ý kiến thống nhất đối với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, Bộ Xây dựng luôn lưu ý các nội dung bao gồm: Căn cứ lập, điều chỉnh quy hoạch; trình tự thủ tục quá trình lập, thẩm định quy hoạch (gồm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư tại địa phương); sự phù hợp với định hướng tại quy hoạch cấp trên, nhiệm vụ quy hoạch được duyệt; sự phù hợp với quy chuẩn về quy hoạch xây dựng. Đồng thời Bộ Xây dựng có ý kiến đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện ý kiến tham gia của Bộ Xây dựng, các Sở, ngành tại địa phương về nội dung của đồ án quy hoạch trước khi phê duyệt theo thẩm quyền, đảm bảo chất lượng quy hoạch được duyệt.

VII. Khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân

1. Khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch thuộc phạm vi quản lý và nguyên nhân

Tại Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, đã yêu cầu: “Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị”, tuy nhiên Luật Quy hoạch năm 2017 chưa có quy định và hướng dẫn về nội dung này. Vì vậy, khi tổ chức lập quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các tỉnh gặp khó khăn, lúng túng trong việc nghiên cứu, định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn trên phạm vi cả nước và từng tỉnh, từng huyện theo yêu cầu sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện; nội dung định hướng này là cơ sở tổ chức lập quy hoạch chung đô thị sau khi các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được phê duyệt.

Tại điểm c Điều 2 Nghị quyết số 61/NQ-QH15 có quy định “Lập đồng thời các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh khác có quy định về quy hoạch; tập trung ưu tiên lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng. Quy hoạch được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước.”. Điều này dẫn đến một số địa phương cho rằng có thể triển khai đồng thời các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đối với đô thị, khu chức năng và quy hoạch nông thôn. Vấn đề này đã được Bộ Xây dựng có ý kiến tại văn bản số 3286/BXD-QHKT ngày 16/8/2022 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

2. Khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia thời kỳ 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch và nguyên nhân

Đối với Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, có một số khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn đầu tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ như:

- Xác định thẩm quyền của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư;

- Khó khăn trong việc tuyển chọn tư vấn lập Quy hoạch theo hình thức đấu thầu rộng rãi gây ra kéo dài thời gian lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện;

- Số lượng nhà thầu đáp ứng các yêu cầu trong Nghị định số 37/2019-NĐ-CP là rất hạn chế (như đã nêu tại mục 1, phần II về kết quả lựa chọn tư vấn lập quy hoạch).

Trong giai đoạn lập, thẩm định, có một số khó khăn như sau:

- Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn là quy hoạch được lập lần đầu theo Luật Quy hoạch năm 2017, do đó còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn trong việc xác định nội dung, quy trình thực hiện lập Quy hoạch;

- Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành khác cũng đang tổ chức lập đồng thời. Khi trình thẩm định Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn mới chỉ có 10/63 Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, các tỉnh khác đang trong quá trình xây dựng hoặc trình thẩm định quy hoạch tỉnh. Do đó các nội dung tích hợp cần thiết cho Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn chưa có đầy đủ cơ sở để triển khai;

- Theo Quyết định số 294/QĐ-BXD ngày 24/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thời hạn lập Quy hoạch ĐT-NT là không quá 24 tháng tính từ ngày nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt (không kể thời gian chờ báo cáo, thẩm định và phê duyệt). Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 44/TTr-BXD ngày 18/11/2022 về việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh thời hạn lập Quy hoạch tại Quyết định số 294/QĐ-BXD. Tuy nhiên đến nay việc triển khai thực hiện lập quy hoạch được thực hiện theo thời gian điều chỉnh căn cứ văn bản điều hành (văn bản số 8920/VPCP-CN ngày 30/12/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc điều chỉnh thời gian lập Quy hoạch ĐT-NT), thời gian kéo dài dẫn đến các khó khăn trong công tác quản lý hợp đồng, điều chỉnh thời gian, tiến độ, thanh toán cho các hoạt động tư vấn.

3. Khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều chỉnh các quy hoạch thuộc điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch và nguyên nhân

Do phần lớn các quy hoạch của ngành Xây dựng được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch hết thời kỳ quy hoạch, các địa phương không tiến hành điều chỉnh các quy hoạch này (Quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh) mà tổ chức triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo Luật Quy hoạch.

Đối với điều chỉnh cục bộ Quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cơ bản đã hoàn thành và không có vướng mắc.

4. Khó khăn, vướng mắc trong sử dụng kinh phí cho hoạt động quy hoạch và nguyên nhân (Bao gồm tất cả các nguồn kinh phí)

Đối với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050:

- Theo nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 17/01/2020; theo đó, quy định thời hạn lập Quy hoạch là 24 tháng;

- Ngày 16/12/2022, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình Chủ tịch hội đồng thẩm định để tổ chức thẩm định, song đến ngày 22/02/2023 Hội đồng mới được tổ chức thẩm định. Vì vậy, việc lập quy hoạch nêu trên đã quá hạn so với quy định tại Quyết định số 131/QĐ-TTg nêu trên;

- Ngày 16/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 419/TTg-KTTH về tình hình thực hiện nhiệm vụ, đề án Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ ngày 20/5/2021; theo đó, ngày 30/5/2023, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 29/TTr-BXD về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuy nhiên, việc thanh toán, quyết toán các nhiệm vụ của dự án thực hiện sẽ chậm hơn, vì một số nội dung thanh toán sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, một số nội dung thanh toán sau khi kiểm toán. Do đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn thanh toán, quyết toán dự án quy hoạch nêu trên đến hết năm 2023.

5. Khó khăn, vướng mắc khác trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch và nguyên nhân

Hiện nay, nhiều quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đang trong quá trình lập, thẩm định, chưa được phê duyệt; do đó, việc xem xét, đánh giá sự phù hợp của định hướng phát triển các ngành, các vùng và các tỉnh với nội dung của các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng theo Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng phải kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ công tác triển khai các dự án theo quy hoạch đô thị.

Bên cạnh đó, các quy hoạch tỉnh đã được thẩm định, phê duyệt nhưng nội dung về phát triển hệ thống đô thị, nông thôn chưa được định hướng rõ về nguyên tắc hình thành các đô thị mới, các đô thị dự kiến mở rộng để thành lập đơn vị hành chính đô thị theo từng giai đoạn phát triển của tỉnh; dẫn đến vướng mắc trong xác định cơ sở, căn cứ pháp lý để lập quy hoạch chung đô thị sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt.

Một số địa phương đề xuất lập quy hoạch chung đô thị mới chưa được định hướng tại quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc; trong khi quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt, dẫn tới cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương lập quy hoạch chung các đô thị mới này. Bộ Xây dựng đã có ý kiến về vấn đề này trong quá trình tham gia lập và thẩm định các quy hoạch tỉnh thời gian qua.

6. Khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố, công khai quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn theo quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng và Nghị quyết số 61/2022/QH15

Sau khi Luật Quy hoạch năm 2017 được ban hành, Bộ Xây dựng đã tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng năm 2014, Luật Quy hoạch đô thị năm 2019 và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2019/NĐ-CP ngày 27/12/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật liên quan đến quy hoạch. Tuy nhiên, sau khi hệ thống quy hoạch có liên quan đến hạ tầng kỹ thuật bị sửa đổi, lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật gặp một số tồn tại, hạn chế như sau:

- Nhiều địa phương - Thiếu căn cứ lập quy hoạch khu vực đầu mối hạ tầng kỹ thuật phục vụ đô thị nhưng nằm ngoài phạm vi ranh giới của đô thị (khu xử lý chất thải rắn, nghĩa trang,...), làm cơ sở để kêu gọi các nhà đầu tư. Pháp luật về xây dựng hiện nay không quy định khu vực đầu mối hạ tầng kỹ thuật là khu chức năng. Do vậy, việc lập quy hoạch xây dựng phân khu các khu vực đầu mối hạ tầng kỹ thuật chưa có cơ sở pháp lý.

- Trường hợp khu vực đầu mối hạ tầng kỹ thuật được xác định trong quy hoạch chung đô thị thì có thể lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cho khu vực đầu mối hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, trong trường hợp khu vực đầu mối hạ tầng kỹ thuật không nằm trong phạm vi đô thị, việc lập quy hoạch chi tiết khu vực đầu mối hạ tầng kỹ thuật căn cứ vào quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện và quy hoạch chung xã nhưng không có cơ sở để lập quy hoạch phân khu. Đối với các khu xử lý chất thải rắn, nghĩa trang (có nhiều nhà đầu tư cùng tham gia), việc thiếu cấp độ quy hoạch phân khu, dẫn đến khó khăn trong việc phân vùng chức năng, phân định khu vực thu hút đầu tư.

VIII. Kiến nghị

1. Kiến nghị về hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy hoạch

Kiến nghị bổ sung hướng dẫn cụ thể về nội dung sắp xếp đơn vị hành chính và định hướng phát triển đô thị trong quy hoạch tỉnh tại Nghị định sửa đổi Nghị định số 37/2019/NĐ-CP đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Kiến nghị đối với hoạt động chỉ đạo, điều hành

Tiếp tục triển khai công tác phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết 61/NQ-QH15 và Nghị quyết 108/NQ-CP để đảm bảo nguyên tắc triển khai “đồng thời các quy định theo quy định của Luật Quy hoạch” không bao gồm việc lập đồng thời quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trước khi quy hoạch chung đối với đô thị, khu chức năng và quy hoạch nông thôn được phê duyệt.

Đối với các quy hoạch chung các đô thị mới cần tổ chức lập trong khi quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt, các địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương lập quy hoạch.

Trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch tỉnh, cần làm rõ các nội dung định hướng, phạm vi, quy mô, nguyên tắc xác định phạm vi, quy mô của đô thị, khu chức năng giai đoạn 2021 - 2030 nhằm đảm bảo căn cứ, cơ sở pháp lý lập quy hoạch chung đô thị mới, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt.

3. Kiến nghị khác

Cần tiếp tục làm rõ các nội dung định hướng, phạm vi, quy mô, nguyên tắc xác định phạm vi, quy mô của đô thị, các định hướng cho khu vực nông thôn, khu chức năng giai đoạn 2021 - 2030 trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh làm căn cứ, cơ sở pháp lý lập quy hoạch chung đô thị mới, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt.

Cần nghiên cứu có quy định về việc lập, phê duyệt quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với vùng tỉnh và các đô thị trực thuộc tỉnh (trong các trường hợp cần thiết) để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị; nghiên cứu quy định khu vực đầu mối hạ tầng kỹ thuật là khu chức năng.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn thanh toán, quyết toán dự án hết năm 2023 đối với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

PHỤ LỤC 2

Biểu số 1: Tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch

TT

Tên quy hoạch

Cơ quan tổ chức lập quy hoạch

Tình trạng

Chưa trình thẩm định

Thẩm định

Phê duyệt

Chưa họp thẩm định

Đã họp thẩm định

Đã có báo cáo thẩm định

Trình HĐTĐ rà soát hồ sơ

Trình phê duyệt

Rà soát theo NQ77 (đối với quy hoạch tỉnh)

Phê duyệt

1

Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ Xây dựng (Cơ quan lập quy hoạch: Cục Phát triển đô thị)

Đã trình thẩm định tháng 7/2023

Dự kiến tổ chức họp thẩm định trong tháng 8/2023

-

-

-

Dự kiến trình phê duyệt trước 31/8/2023

-

-

2

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ban Quản lý quy hoạch

30/5/2023

 

22/02/2023

18/BC-HĐTĐ ngày 04/4/2023

 

29/TTr-BXD ngày 30/5/2023

 

 

 

Biểu số 2: Tình hình thực hiện điều chỉnh các quy hoạch thuộc điểm c khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch

TT

Tên quy hoạch được điều chỉnh

Nội dung điều chỉnh

Cơ quan thực hiện điều chỉnh quy hoạch

Cơ quan thẩm định việc điều chỉnh quy hoạch

Cơ quan quyết định/phê duyệt điều chỉnh

Số văn bản quyết định/phê duyệt điều chỉnh

Căn cứ pháp lý

Hình thức điều chỉnh (tổng thể/ cục bộ)

1

Quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

1. Điều chỉnh Vùng I (Bắc sông Tiền) và Vùng II (giữa sông Tiền và sông Hậu) thành một vùng Đông Bắc sông Hậu.

2. Bổ sung trạm bơm nước thô tại khu vực huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

3. Điều chỉnh hướng tuyến truyền tải nước sạch của Nhà máy sông Tiền 1, trong giai đoạn trước mắt 2020 - 2025 thành tuyến ống truyền tải nước thô cấp cho tỉnh Tiền Giang, một phần tỉnh Long An và tuyến ống truyền tải nước thô qua sông Tiền cấp cho tỉnh Bến Tre.

Bộ Xây dựng

Bộ Xây dựng

Thủ tướng Chính phủ

287/QĐ-TTg ngày 02/3/2021

Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch; Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cục bộ

 

Biểu số 3: Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cho hoạt động quy hoạch

Đơn vị: Tỉ đồng

TT

Tên quy hoạch

Cơ quan tổ chức lập quy hoạch

Cơ quan được giao vốn

Số vốn đã được phân bổ

Số vốn đã được giải ngân

Số vốn chưa được giải ngân

 

Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ Xây dựng (Cơ quan lập quy hoạch: Cục Phát triển đô thị)

Cơ quan lập quy hoạch: Cục Phát triển đô thị

21,55

4,22

17,33

 

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ban Quản lý quy hoạch

Văn phòng Bộ Xây dựng

22,420

14,699

7,721