- 1Nghị quyết 13-NQ/TW năm 2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành
- 2Luật đấu thầu 2013
- 3Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 4Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 5Luật Quy hoạch 2017
- 1Hiến pháp 2013
- 2Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015
- 3Nghị quyết 19/2021/QH15 về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" do Quốc hội ban hành
- 4Nghị quyết 09/2021/QH15 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 do Quốc hội ban hành
QUỐC HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Nghị quyết số: 61/2022/QH15 | Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2022 |
QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;
Căn cứ Nghị quyết số 09/2021/QH15 ngày 25 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 và Nghị quyết số 19/2021/QH15 ngày 27 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 166/BC-ĐGS ngày 27 tháng 5 năm 2022 của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Đánh giá kết quả thực hiện
Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo số 166/BC-ĐGS ngày 27 tháng 5 năm 2022 của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành với những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Việc xây dựng, ban hành Luật Quy hoạch là nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI). Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành. Kinh phí lập quy hoạch đã được quan tâm bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do quy định của Luật Quy hoạch còn có những bất cập, chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 chậm, trong khi các quy hoạch thời kỳ 2011 - 2020 hết hiệu lực nên thiếu cơ sở để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 giải thích theo hướng cho lập đồng thời các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; các quy hoạch nêu tại điểm c khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch đã được phê duyệt trước ngày 01 tháng 01 năm 2019 được điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực. Bên cạnh đó, quy định về quy hoạch tổng thể quốc gia và khái niệm “tích hợp quy hoạch” chưa rõ về nội hàm, chưa được quy định cụ thể trong quy trình lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh dẫn đến khó triển khai trong thực tiễn. Một số nội dung như việc phân kỳ đầu tư triển khai các dự án và trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch, việc huy động và sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, việc xử lý trường hợp các quy hoạch cùng cấp phù hợp với quy hoạch cấp trên nhưng mâu thuẫn với nhau chưa được quy định cụ thể trong Luật Quy hoạch. Các quy định pháp luật có liên quan đến quy hoạch trong một số văn bản luật còn mâu thuẫn, chồng chéo và khó triển khai trên thực tiễn.
Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 rất chậm so với yêu cầu, đến nay vẫn còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành việc lập, phê duyệt, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Mặt khác, do tiến độ lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch chậm nên phải tiếp tục kéo dài thời hạn và điều chỉnh các quy hoạch hiện hành thời kỳ 2011 - 2020, vì vậy đang tồn tại song hành, đồng thời áp dụng hai loại quy hoạch. Việc quản lý đầu tư, kinh doanh đối với một số ngành sản xuất sản phẩm gặp khó khăn do chưa có chính sách thay thế các quy hoạch ngành, sản phẩm đã hết hiệu lực hoặc chưa được hướng dẫn cụ thể; bên cạnh đó, chưa đánh giá đầy đủ tác động của việc bãi bỏ các quy hoạch đối với một số ngành cụ thể theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch đến sự phát triển của nền kinh tế; việc bỏ quy hoạch sản phẩm, nhất là một số sản phẩm chủ lực của nền kinh tế là chưa hợp lý, gây bị động, lúng túng trong phát triển các sản phẩm. Việc lập đồng thời rất nhiều quy hoạch có nội dung đa ngành trong cùng một bản quy hoạch theo phương pháp mới và cùng một thời điểm gây khó khăn cho công tác tuyển chọn tư vấn và thẩm định, trong khi số lượng, chất lượng các tổ chức tư vấn còn hạn chế, công tác đấu thầu lựa chọn tư vấn theo quy định của Luật Đấu thầu gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; số lượng cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn về quy hoạch để tham gia xây dựng quy hoạch và hội đồng thẩm định còn thiếu; chưa có đầy đủ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lập quy hoạch, hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chưa cao; quy trình, cách thức tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư còn hạn chế, bất cập... nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ, chất lượng lập, quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch. Quy trình, thủ tục điều chỉnh các quy hoạch được thực hiện như đối với việc lập mới quy hoạch dẫn đến quy hoạch thấp hơn được phê duyệt trước phải điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với quy hoạch cao hơn được phê duyệt sẽ mất rất nhiều thời gian. Một số quy hoạch được phê duyệt đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Bên cạnh nguyên nhân do quy định pháp luật về quy hoạch còn bất cập, việc tổ chức thực hiện công tác quy hoạch ở các cấp, các ngành, các địa phương còn nhiều hạn chế, chưa làm hết trách nhiệm được giao, nhất là chưa chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt trong giai đoạn đầu.
Điều 2. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
1. Cho phép Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch được thực hiện ngay các giải pháp sau để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch và bảo đảm chất lượng công tác quy hoạch:
a) Chính phủ quy định chi tiết quy trình lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh theo quy định tại Điều 16 của Luật Quy hoạch; quy định các loại sơ đồ, bản đồ quy hoạch cần kèm theo hồ sơ khi quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch; quy định chi tiết Điều 45 của Luật Quy hoạch về trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, trong đó quy định định hướng việc phân kỳ đầu tư triển khai các công trình, dự án;
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn để lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh mà đến thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thi hành chưa lựa chọn được nhà thầu. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Người có thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác quy hoạch;
c) Lập đồng thời các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh khác có quy định về quy hoạch; tập trung ưu tiên lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng. Quy hoạch được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước.
Khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn giữa quy hoạch thấp hơn với quy hoạch cao hơn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn. Trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp, căn cứ vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các văn kiện của Đảng, chiến lược phát triển ngành và từ yêu cầu thực tiễn, cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch quyết định điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch.
Việc điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 trong trường hợp có mâu thuẫn được thực hiện như sau:
- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch rà soát nội dung mâu thuẫn cần điều chỉnh; lập báo cáo điều chỉnh quy hoạch kèm theo dự thảo văn bản quyết định hoặc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch gửi xin ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan có liên quan;
- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch cần điều chỉnh có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan có liên quan, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch và chịu trách nhiệm về nội dung điều chỉnh; trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch; công bố điều chỉnh quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch;
d) Quy hoạch quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày 01 tháng 01 năm 2019 được tiếp tục thực hiện, kéo dài thời kỳ và điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo Luật Quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt;
đ) Sử dụng kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch mà đến thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thi hành chưa được bố trí vốn.
2. Giao Chính phủ thực hiện ngay các nhiệm vụ sau đây:
a) Chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan hữu quan nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khẩn trương có giải pháp đồng bộ để khắc phục hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trong Báo cáo kết quả giám sát số 166/BC-ĐGS ngày 27 tháng 5 năm 2022 của Đoàn giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tập trung cao độ chỉ đạo để thực hiện tốt công tác quy hoạch. Thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư; khắc phục căn bản tình trạng các dự án treo do quy hoạch có nguyên nhân chủ quan; xử lý các tồn tại, bất cập do ảnh hưởng của quy hoạch treo, bảo đảm các quyền lợi của người dân về đất đai, tài sản và an sinh xã hội, không để xảy ra tình trạng khiếu nại kéo dài;
b) Xây dựng kế hoạch, lộ trình lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 theo Luật Quy hoạch bảo đảm khả thi và chất lượng. Chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc lập, quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; ưu tiên tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp bách nhằm kịp thời thực hiện Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành hạ tầng quan trọng trong năm 2022; phấn đấu cơ bản hoàn thành các quy hoạch ngành quốc gia còn lại, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh trong năm 2022 trên cơ sở bảo đảm chất lượng các quy hoạch;
c) Chỉ đạo rà soát, điều chỉnh kịp thời các quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt theo trình tự, thủ tục quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, bảo đảm mối quan hệ giữa các loại quy hoạch theo quy định tại Điều 6 của Luật Quy hoạch;
d) Chỉ đạo rà soát sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật;
đ) Quy định chi tiết việc huy động và sử dụng nguồn lực của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho hoạt động quy hoạch, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch và tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch và quy định khác của pháp luật có liên quan;
e) Chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành về quy hoạch;
g) Đánh giá toàn diện tác động của việc bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch; nghiên cứu rà soát các quy hoạch này để bảo đảm yêu cầu của Luật Quy hoạch, yêu cầu quản lý nhà nước và phù hợp với cam kết trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
h) Chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ trong lập quy hoạch và phối hợp đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nâng cấp đồng bộ hóa hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia, thống nhất công nghệ, định dạng dữ liệu về quy hoạch; cập nhật, chia sẻ thông tin; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm; bảo đảm tính công khai, minh bạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch;
i) Nghiên cứu hoàn thiện quy định của pháp luật về trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, bảo đảm độc lập giữa các cơ quan, đề cao trách nhiệm của từng cấp, phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
3. Quốc hội giao Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các nội dung có liên quan đến quy hoạch trong các luật, văn bản quy phạm pháp luật để khẩn trương trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch và các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 16 tháng 6 năm 2022.
2. Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Giải thích một số điều của Luật Quy hoạch hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
3. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết này. Hằng năm, Chính phủ tổng hợp, báo cáo Quốc hội tình hình triển khai công tác quy hoạch và kết quả thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội.
4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16 tháng 6 năm 2022.
| CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
- 1Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 2Công văn 9340/VPCP-CN năm 2021 thực hiện nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công điện 364/CĐ-TTg năm 2022 về đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ điện
- 4Nghị quyết 64/NQ-CP năm 2022 thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành và một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030; về việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình một số dự án luật do Chính phủ ban hành
- 5Công văn 6494/BKHĐT-QLQH năm 2022 về đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 6Nghị quyết 50/NQ-HĐND năm 2022 về kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với hộ gia đình, cá nhân (đất nông nghiệp và đất ở) và chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2016-2021"
- 1Nghị quyết 13-NQ/TW năm 2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành
- 2Hiến pháp 2013
- 3Luật đấu thầu 2013
- 4Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 5Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 6Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015
- 7Luật Quy hoạch 2017
- 8Nghị quyết 19/2021/QH15 về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" do Quốc hội ban hành
- 9Nghị quyết 09/2021/QH15 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 do Quốc hội ban hành
- 10Công văn 9340/VPCP-CN năm 2021 thực hiện nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 11Công điện 364/CĐ-TTg năm 2022 về đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ điện
- 12Nghị quyết 64/NQ-CP năm 2022 thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành và một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030; về việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình một số dự án luật do Chính phủ ban hành
- 13Công văn 6494/BKHĐT-QLQH năm 2022 về đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 14Nghị quyết 50/NQ-HĐND năm 2022 về kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với hộ gia đình, cá nhân (đất nông nghiệp và đất ở) và chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2016-2021"
Nghị quyết 61/2022/QH15 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030 do Quốc hội ban hành
- Số hiệu: 61/2022/QH15
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 16/06/2022
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Vương Đình Huệ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/06/2022
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực