Hệ thống pháp luật

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3379/BKHĐT-QLĐT
V/v phản ánh các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu

Hà Nội, ngày 22 tháng 05 năm 2018

 

Kính gửi: Ông Lê Văn Trung - Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nông nghiệp nông thôn Quảng Ninh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được văn bản số 4295/VPCP-ĐMDN ngày 10/5/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc giải đáp kiến nghị của Ông Lê Văn Trung. Sau khi nghiên cứu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến trả lời Ông như sau:

Trước hết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảm ơn những phản ánh của Ông về hiện trạng công tác đấu thầu xây lắp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu các ý kiến góp ý của Ông trong quá trình sửa đổi hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu.

Về quy định của pháp luật đấu thầu hiện hành, Luật đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn đã quy định đầy đủ, rõ ràng các bước trong quá trình lựa chọn nhà thầu từ việc đăng tải công khai thông tin trong đấu thầu, phát hành HSMT cho các nhà thầu có nhu cầu, đánh giá HSDT, thương thảo, ký kết hợp đồng... nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch cho tất cả các nhà thầu khi tham dự thầu. Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu đã được phân cấp triệt để cho người có thẩm quyền là người đứng đầu các Bộ, cơ quan Bộ, UBND các cấp.... Người có thẩm quyền của từng dự án phải chịu trách nhiệm trong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, bảo đảm mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Thực tế cho thấy, nếu người đứng đầu các cơ quan quan tâm chỉ đạo sát sao và công tâm, khách quan, không tạo cơ chế cho các nhà thầu “ruột” thì hiện tượng thông thầu, dàn xếp sẽ bị đẩy lùi.

Trường hợp trong quá trình tham dự thầu nếu các tổ chức, cá nhân nhận thấy gói thầu có dấu hiệu tiêu cực như: dàn xếp, thông đồng, gây khó khăn cho nhà thầu trong việc tiếp cận HSMT, nộp HSDT hoặc HSMT có quy định các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP… thì cần phản ánh đến người có thẩm quyền hoặc cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền hoặc cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền để xem xét, xử lý. Trong trường hợp này, người có thẩm quyền hoặc cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền cần tổ chức xác minh, giải quyết hoặc tổ chức kiểm tra, thanh tra, điều tra (nếu cần thiết) để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi tiêu cực dẫn đến không bảo đảm mục tiêu của công tác đấu thầu.

Ngoài ra, trường hợp khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu có quyền kiến nghị với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, về kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy trình giải quyết kiến nghị quy định tại Điều 92 Luật đấu thầu hoặc khởi kiện ra Tòa án vào bất kỳ thời gian nào, kể cả đang trong quá trình giải quyết kiến nghị hoặc sau khi đã có kết quả giải quyết kiến nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 91 Luật đấu thầu.

Trên đây là ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở các thông tin được cung cấp tại văn bản 4295/VPCP-ĐMDN ngày 10/5/2018 của Văn phòng Chính phủ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên (13 Tô Vĩnh Diện, Tổ 10, Khu 1, Móng Cái, Quảng Ninh);
- Văn phòng Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- SKH&ĐT tỉnh Quảng Ninh;
- Lưu: VT, Cục QLĐT (H.).

TL. BỘ TRƯỞNG
CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ ĐẤU THẦU




Nguyễn Đăng Trương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3379/BKHĐT-QLĐT năm 2018 phản ánh hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

  • Số hiệu: 3379/BKHĐT-QLĐT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 22/05/2018
  • Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
  • Người ký: Nguyễn Đăng Trương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/05/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản